CHUYÊN MỤC

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2013

(ngày đăng bài: 04/03/2013)

Sản xuất hàng giả bị phạt đến 100 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn và nhà ở cho học sinh trung học vùng đặc biệt khó khăn; quy định về thu phí ATM; bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2013.

Sản xuất hàng giả bị phạt đến 100 triệu đồng
 
Theo Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có hiệu lực từ 1/3/2013, hình thức phạt tiền được áp dụng xử phạt tùy theo hành vi vi phạm, tính chất và mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm. Trong đó, hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị phạt từ 100 nghìn đồng - 70 triệu đồng; còn hành vi sản xuất hàng giả mức phạt từ 200 nghìn đồng - 100 triệu đồng.
Cụ thể, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì bị phạt tiền từ 200 nghìn đồng - 30 triệu đồng, tùy giá trị hàng giả tương đương hàng thật.
Trong trường hợp hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự); hàng giả là phụ gia thực phẩm, hóa mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức nêu trên.
Đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, mức phạt tiền từ 3-7 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị đến 3 triệu đồng; phạt tiền từ 7-10 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 3-5 triệu đồng;...; phạt tiền từ 40-60 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; hàng giả là phụ gia thực phẩm, hóa mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt cũng gấp 2 lần các mức nêu trên, nhưng không quá 100 triệu đồng.
 
Tạo điều kiện cho hộ nghèo được trợ giúp pháp lý
 
Chính phủ ban hành Nghị định 14/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý. Trong đó, quy định về sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã được sửa đổi, bổ sung.
Tại Nghị định 14/2013/NĐ-CP đã bổ sung quy định về việc người thuộc hộ cận nghèo tham gia sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Cụ thể, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là một hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý, người thuộc hộ cận nghèo và người dân có vướng mắc pháp luật ở địa phương tham gia sinh hoạt. Thông qua tư vấn pháp luật, Câu lạc bộ giúp người được trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật để thực hiện pháp luật, tự mình giải quyết vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình".
Thay vì quy định Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý do Ban Tư pháp cấp xã trực tiếp điều hành, tại Nghị định mới ban hành quy định Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý chịu sự quản lý nhà nước của UBND cấp xã.
Nghị định 14/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 31/3/2013.
 
Hỗ trợ tiền ăn và nhà ở cho học sinh trung học vùng đặc biệt khó khăn
 
Theo Quyết định 12/2013/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh ở vùng này sẽ được hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở.
Cụ thể, học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mỗi tháng được hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, đối với học sinh là người dân tộc thiểu số phải đáp ứng 3 điều kiện:
1- Đang học cấp trung học phổ thông tại trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông) thuộc loại hình công lập.
2- Bản thân, bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3- Do nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, nên không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập.
Đối với học sinh là người dân tộc Kinh, ngoài 3 điều kiện nêu trên còn phải thuộc hộ nghèo.
Quyết định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2013.
 
Hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng đường bộ không quá 10 năm
 
Nghị định 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/3/2013, trong đó quy định thời hạn bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cho từng Hợp đồng nhưng tối đa không quá 10 năm.
Bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong một thời hạn nhất định theo Hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Việc bán quyền thu phí được áp dụng đối với đường bộ đã được xây dựng.
Nghị định của Chính phủ nêu rõ, căn cứ lưu lượng vận tải thực tế, tác động của việc thu phí đến sự phát triển kinh tế xã hội và khả năng thu phí của từng tài sản hạ tầng đường bộ; định kỳ hàng năm Bộ Giao thông vận tải, UBND cấp tỉnh thực hiện thống kê, rà soát, lập phương án bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Việc bán quyền thu phí được thực hiện theo hình thức đấu giá; trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
"Thời hạn bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cho từng Hợp đồng nhưng tối đa không quá 10 năm", Nghị định nêu.
Số tiền thu được từ bán quyền thu phí sau khi trừ các chi phí có liên quan được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Về thẩm quyền quyết định bán quyền thu phí, Bộ Tài chính quyết định việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc Trung ương quản lý theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.
 
Thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị mới
 
Theo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị có hiệu lực từ 1/3/2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với 2 trường hợp: 1- Dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên; 2- Dự án thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên hoặc khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.
UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới còn lại.
Đối với các dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị, UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư các dự án trên không phân biệt quy mô theo các quy định của pháp luật. 
 
Sử dụng, quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ
 
Có hiệu lực từ 1/3/2013, Quyết định số 58/2012/QĐ-TTg về việc sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nêu rõ nguyên tắc sử dụng, quản lý hộ chiếu: Hộ chiếu là tài sản của Nhà nước Việt Nam. Việc sử dụng hộ chiếu không được gây thiệt hại cho uy tín và lợi ích của Nhà nước Việt Nam.
Người có hành vi sử dụng, quản lý hộ chiếu sai quy định thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm của người được cấp hộ chiếu là chỉ được sử dụng một loại hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho môi chuyến đi công tác nước ngoài phù hợp với Quyết định cử đi công tác và tính chất công việc thực hiện ở nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Đồng thời, yêu cầu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam sau khi kết thúc chuyến đi công tác ở nước ngoài, phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan quản lý hộ chiếu, trừ trường hợp có lý do chính đáng do Thủ trưởng cơ quan quản lý hộ chiếu quyết định.
Khi thay đổi cơ quan làm việc, người được cấp hộ chiếu phải báo cáo cơ quan quản lý hộ chiếu nơi chuyển đi và chuyển đến để các cơ quan này thực hiện việc quản lý hộ chiếu theo quy định tại Quyết định này.
Đặc biệt, người được cấp hộ chiếu không được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đi nước ngoài với mục đích cá nhân.
 
Quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp
 
Theo Nghị định 6/2013/NĐ-CP quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/3/2013, nhân viên bảo vệ khi hết thời hạn thử việc, được đánh giá đạt yêu cầu thì được xem xét tuyển dụng, được hưởng lương và các quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu bị thương, bị hy sinh thì được xem xét và có thể được công nhận hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ và có các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Người đứng đầu các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước không được thuê dịch vụ bảo vệ thường xuyên, lâu dài (trừ một số lĩnh vực theo quy định của Bộ Công an). Trong trường hợp cần huy động lực lượng phương tiện bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn hội nghị, hội thảo hoặc trường hợp cần thiết khác, được thuê dịch vụ bảo vệ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo công việc hoặc thời vụ.
 
Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử
 
Nghị định số 01/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ, trong đó quy định cụ thể về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.
Theo đó, Nghị định yêu cầu tài liệu điện tử hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức phải được lập hồ sơ, lựa chọn và bảo quản theo nghiệp vụ lưu trữ và kỹ thuật công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý tài liệu điện tử.
Trong đó, hệ thống quản lý tài liệu điện tử phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật để tài liệu lưu trữ điện tử có tính xác thực, toàn vẹn, nhất quán, an toàn thông tin, có khả năng truy cập ngay từ khi tài liệu được tạo lập.
Đối với tài liệu lưu trữ điện tử hình thành từ việc số hóa tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác phải đáp ứng các tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm sử dụng chữ ký số đối với tài liệu số hóa. Đồng thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được hủy tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn sau khi tài liệu đó được số hóa.
Về quy định thu thập tài liệu lưu trữ điện tử, Nghị định quy định trường hợp tài liệu lưu trữ điện tử và tài liệu lưu trữ giấy có nội dung trùng nhau thì thu thập cả hai loại.
Khi giao nhận tài liệu lưu trữ điện tử, Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử phải kiểm tra tính xác thực, tính toàn vẹn và khả năng truy cập của hồ sơ. Đồng thời, hồ sơ phải bảo đảm nội dung, cấu trúc và bối cảnh hình thành và được bảo vệ để không bị hư hỏng hoặc hủy hoại, sửa chữa hay bị mất dữ liệu.
Nghị định số 01/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/3/2013.
 
Tổ chức dịch vụ tư vấn du học phải ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng
 
Theo Quyết định 05/2013/QĐ-TTg quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập có hiệu lực từ 10/3/2013, một trong các điều kiện của tổ chức dịch vụ tư vấn du học là có tiền ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng tại ngân hàng thương mại.
Người đứng đầu tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có trình độ đại học trở lên, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp...
Tổ chức dịch vụ tư vấn du học chỉ được phép hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn du học từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
Tổ chức dịch vụ tư vấn du học chịu trách nhiệm trước pháp luật và cung cấp công khai thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo, tình trạng kiểm định và công nhận chất lượng đào tạo của cơ quan chức năng nước sở tại cho người có nhu cầu đi du học; Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người đi du học.
Quyết định nêu rõ, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách các tổ chức dịch vụ tư vấn du học đã được chứng nhận đăng ký hoạt động để Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Quy định về thu phí ATM
 
Có hiệu lực từ 1/3/2013, Thông tư 35/2012/TT-NHNN quy định:
- Phí  rút tiền mặt tại ATM cho giao dịch nội mạng có mức thấp nhất là 0 đồng và mức thu tối đa sẽ  tăng dần theo từng năm, từ 1.000 đồng/lần giao dịch vào năm 2013 đến 3.000 đồng/lần giao dịch vào năm 2015; giao dịch ngoại mạng tối đa là 3.000 đồng/lần.
- Phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng sẽ mất nhiều nhất 500 đồng cho một giao dịch.
- Phí in sao kê  hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 - 500 đồng cho mỗi giao dịch với ATM nội mạng; 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng.
- Phí chuyển khoản bằng thẻ tại ATM từ 0 -15.000 đồng/giao dịch; phí phát hành thẻ từ 0 - 100.000 đồng/thẻ; phí thường niên từ 0 - 60.000 đồng/thẻ/năm
Được biết, có 22/34 ngân hàng đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chưa thu phí nội mạng ATM từ tháng 3/2013; 10 ngân hàng quy định mức thu 1.000 đồng/giao dịch; 2 ngân hàng thu phí từ 200 - 500 đồng/giao dịch.
 
Bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ
 
Theo Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ, có hiệu lực thi hành từ ngày 7/3/2013, trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Trường hợp Công dân đã nhập ngũ vào Quân đội, nếu có Giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành Giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ theo quy định.
Giám đốc các đại học, học viện; hiệu trưởng các trường, viện trưởng các viện nghiên cứu có trách nhiệm tiếp nhận vào học đối với các công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ có Giấy báo nhập học trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ theo quy định.
Theo chinhphu.vn

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang