CHUYÊN MỤC

Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao ở cơ sở

(ngày đăng bài: 22/09/2016)
     Tính đến cuối năm 2015, huyện KBang có 66.319 khẩu với 19 dân tộc thiểu số cùng sinh sống ở 14 xã, thị trấn (chiếm 50% dân số toàn huyện; trong đó, dân tộc Bahnar chiếm gần 40%). Là huyện đặc biệt khó khăn, nên trước khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và số Chỉ thị 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 thì phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng phát triển chưa đều, nhất là vùng sâu, vùng xa; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều cơ quan, trường học, các khu dân cư không có phương tiện, sân bãi luyện tập, quỹ đất dành cho công trình thể dục thể thao còn ít; đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên còn thiếu. Công tác xã hội hoá thể dục thể thao triển khai còn chậm, chưa thu hút được các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia.

TDTT.JPG
Hình: Lễ khai mạc Đại hội TDTT huyện lần thứ V

     Từ khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW và Chỉ thị số 10-CT/TU, huyện đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thể dục thể thao trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch số 56-KH/HU, ngày 28/01/2013 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”; đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan, các tổ chức cơ sở đảng xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. Vì vậy, trong những năm qua, phong trào thể dục thể thao trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tự đầu tư kinh phí xây dựng sân bãi, mua sắm dụng cụ luyện tập và tham gia thi đấu sôi nổi tại các giải do huyện tổ chức. Đặc biệt, ngành công an, giáo dục - đào tạo và y tế huyện đã tổ chức nhiều giải thi đấu, hội thao của ngành, đóng góp nguồn vận động viên có chất lượng cho huyện để tham gia các giải do tỉnh tổ chức. Phong trào thể thao quần chúng, thể thao truyền thống được triển khai sâu rộng đến cơ sở, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong huyện về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển thể dục thể thao trong xây dựng nếp sống văn hóa, làm lành mạnh xã hội, rèn luyện sức khoẻ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Qua 05 năm triển khai thực hiện, phong trào thể dục thể thao quần chúng có bước phát triển rõ rệt. Huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn thực hiện quy hoạch đất đai để xây dựng các thiết chế thể dục thể thao theo tiêu chí Nông thôn mới; các cơ quan, đơn vị đã tự đầu tư kinh phí để xây dựng các sân thể thao nội bộ. Đến nay, toàn huyện có 06 sân vận động, 68 sân bóng đá, 03 sân bóng đá mini, 158 sân bóng chuyền, 06 nhà thi đấu đa năng, 01 bể bơi và nhiều phòng tập các môn thể thao khác như: cầu lông, bóng bàn... huyện đã quy hoạch Trung tâm thể dục thể thao huyện với diện tích 18.516m2 (gồm sân bóng đá 11 người 11.045m, khu tập thể dục thể thao người cao tuổi 1.010 m2 , khu vui chơi dành cho thanh, thiếu nhi 1.132 m, khu bóng đá nhân tạo, tennis, bóng chuyền 5.329m, hiện đang tiến hành thi công hạng mục sân bóng đá và Quảng trường huyện). Tuy chưa thực sự tương xứng với tiềm năng về thể dục thể thao của huyện, nhưng những thiết chế này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể dục thể thao thường xuyên của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao phát triển.

     Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động và định kỳ 02 năm tổ chức lễ phát động một lần, sau lễ phát động tổ chức thi chạy Việt dã, hoạt động này đã thu hút hàng trăm vận động viên là học sinh và thanh niên tham gia. Đã phối hợp giữa các địa phương, các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia hoạt động thể dục thể thao, xây dựng gia đình thể thao, thường xuyên luyện tập và tham gia thi đấu ở các giải phong trào ở từng địa phương, đơn vị. Đến nay, tỷ lệ dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên của huyện chiếm 31,5% (năm 2011 là 26%); tỷ lệ số hộ gia đình tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chiếm 24,6% (năm 2011 là 19%), bình quân mỗi năm số người, số gia đình tham gia luyện tập thể thao tăng 1%.

     Để đẩy mạnh các bộ môn thể thao truyền thống, phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hoá - thể thao và thanh thiếu nhi huyện đã tham mưu UBND huyện tổ chức các hội thi thể thao cấp huyện và các giải thể thao, hội thi đấu cấp cơ sở; phối hợp với Hội phụ nữ, Hội nông dân, Huyện đoàn, Liên đoàn Lao động huyện, Công an huyện, ngành giáo dục - đào tạo huyện thường xuyên tổ chức các giải bóng chuyền, bóng đá nông dân, giải bóng đá công nhân lao động, bóng chuyền nữ, giải bóng đá thanh niên, học sinh, sinh viên, hội thao lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn... đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, nhất là những môn thể thao mang tính văn hóa truyền thống của dân tộc như: bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy... Đặc biệt, một số địa phương đã thành lập và duy trì được phong trào bóng chuyền nữ như: làng Rõ, làng Tờ Mật (xã Đông). Qua đó, tạo ra phong trào tập luyện sôi nổi và hình thành thói quen duy trì luyện tập sức khoẻ hàng ngày trong nhân dân như: đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, cầu lông của người cao tuổi và lứa tuổi trung niên; tập Erobic, thể hình, bóng chuyền, bóng đá mi ni, học võ thuật trong thanh thiếu nhi…

     Thông qua các giải thi đấu, huyện đã tuyển chọn những vận động viên tiêu biểu để bồi dưỡng tham gia các giải thi đấu do tỉnh tổ chức và đạt được một số huy chương vàng, giải nhất, nhì cá nhân, đồng đội ở một số môn như: bắn nỏ, điền kinh… Tại Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh năm 2010, huyện đứng thứ 10/17 đơn vị, năm 2014 đứng thứ 10/20 đơn vị.

     Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành giáo dục - đào tạo quan tâm, chỉ đạo. Các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã từng bước củng cố đội ngũ giáo viên giảng dạy môn thể dục thể thao, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng việc giảng dạy và học tập các bộ môn thể dục thể thao ở các cấp học. Đến nay, 100% số trường có giáo viên thể dục thể thao, 90% số trường đạt chuẩn trình độ của giáo viên thể dục thể thao; 07/53 trường học có nhà thi đấu đa năng. Các hoạt động ngoại khóa thường xuyên được tổ chức, định kỳ 02 năm 01 lần tổ chức Hội khỏe phù đổng cấp huyện và tham dự Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh đạt được nhiều thành tích cao.

     Công tác xã hội hoá thể dục thể thao được huyện quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện tốt vai trò vừa là người sáng tạo, vừa là người thực hiện và cũng là người thụ hưởng các thành quả thể dục thể thao. Huyện đã có những cơ chế cụ thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở tập luyện thể thao quần chúng dưới nhiều hình thức khác nhau; hiện nay, đã có 03 sân bóng đã mi ni, 01 tổ hợp thể thao (hồ bơi và sân bóng đã mini), 02 sân tennis..do tư nhân đầu tư. Các câu lạc bộ thể dục thể thao theo sở thích được hình thành, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động như: câu lạc bộ võ thuật, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, bóng bàn, tennis… Nhiều địa phương đã tích cực vận động và nhận được sự ủng hộ từ các đơn vị, cá nhân để tổ chức các phong trào thể dục thể thao từ cơ sở như: thị trấn Kbang, xã Đông, Đăk HLơ, Kông Bờ La, Tơ Tung, Sơ Pai…Qua đó, đã góp phần đưa phong trào thể dục thể thao huyện nhà ngày càng phát triển.

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao, nhất là TDTT quần chúng có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các địa phương còn chưa thật sự chặt chẽ; các thiết chế phục vụ cho công tác TDTT ở cơ sở chưa đáp ứng được việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao và nhu cầu tập luyện của nhân dân. Việc tổ chức các phong trào thể dục thể thao ở các xã phía Bắc của huyện còn hạn chế. Công tác xã hội hoá thể dục thể thao đã được quan tâm chỉ đạo và có nhiều tiến bộ, song chưa phát huy và khơi dậy được tiềm năng của các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân trong huyện tham gia. Hình thức tổ chức các hoạt động thể dục thể thao chưa đa dạng, phong phú nên chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.

     Còn tồn tại các mặt hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; song, nguyên nhân chủ quan vẫn là cơ bản. Đó là sự nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với sự nghiệp phát triển thể dục thể thao còn chưa đúng mức, chưa huy động được các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các thiết chế TDTT phục vụ tập luyện và rèn luyện sức khỏe hàng ngày của nhân dân; nguồn vốn của nhà nước đầu tư xây dựng các thiết chế thể dục thể thao còn hạn chế, nhất là ở cấp xã. Đội ngũ cán bộ làm công tác thể dục thể thao ở cơ sở chưa được đào tạo chuyên ngành, chủ yếu là công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm; do đó, còn lúng túng trong tổ chức các hoạt động thể dục thể thao nên chưa khơi dậy được tiềm năng sẵn có và thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên tham gia luyện tập, đặc biệt các môn thể thao dân tộc truyền thống.

     Qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết sô 08-NQ/TW và Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 trên địa bàn huyện KBang có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

     Một là, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương phải đặt công tác phát triển thể dục thể thao đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nó trong việc nâng cao thể lực, thể chất nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện để phát huy những ưu điểm, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những yếu kém, khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ chính trị và Chỉ thị 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

     Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đối với công tác  phát triển thể dục thể thao. Phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà trường và các câu lạc bộ tự nguyện để vận động, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia phong trào thể dục thể thao và rèn luyện thân thể ở địa phương.

     Ba là, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan với các địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng đồng bộ các thiết chế thể dục thể thao ở cơ sở, nhất là trong các nhà trường. Thường xuyên tổ chức các giải thi đấu, hội thao, giao lưu các môn có thế mạnh của địa phương đi đôi với khuyến khích, phát huy các bộ môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS. Củng cố, kiện toàn về tổ chức, bộ máy và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở.

     Bốn là, có cơ chế khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế thể dục thể thao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn (như: sân tennis, hồ bơi, sân bóng đá mi ni, phòng tập thể hình…)  hướng tới phát triển các môn thể thao thành tích cao trên địa bàn huyện.

     Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian tới đòi hỏi các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động  “Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

     Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của huyện với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ các thiết chế thể thao. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở. Hằng năm, cử cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên thể dục thể thao các cấp đi tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý công tác thể dục thể thao, nhất là đào tạo các huấn luyện viên và vận động viên các môn thể thao thế mạnh của huyện. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao trong các trường học; xây dựng, phát triển Câu lạc bộ thể dục thể thao trong nhà trường; từng bước cải thiện phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp thể dục thể thao với hoạt động giải trí, trò chơi vận động, chú trọng nhu cầu tập luyện các môn thể dục thể thao tự chọn của học sinh để tăng cường thể lực và phát triển tài năng thể dục thể thao. Gắn kết các cơ sở TDTT của tư nhân có thế mạnh và đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước với việc dạy học, luyện tập các môn thể thao trong nhà trường mà học sinh có nhu cầu hoặc có năng khiếu như: tennis, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, võ thuật... nhằm từng bước phát triển các môn thể thao thành tích cao phù  hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

     Tăng cường đầu tư xây dựng và quản lý các thiết chế thể dục thể thao công cộng tạo nên mạng lưới kết cấu hạ tầng thể dục thể thao đồng bộ. Xây dựng trung tâm TDTT ở huyện và các xã; đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả các nhà thi đấu đa năng hiện có ở các trường học; thành lập dịch vụ thể dục thể thao có đủ điều kiện tập luyện đơn giản, tiện lợi cho việc rèn luyện thân thể của quần chúng. Vận động và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thành lập câu lạc bộ thể dục thể thao ngoài công lập để thu hút nhân dân tham gia luyện tập./.
 
Bùi Trọng Thủy – Ban Tuyên giáo Huyện ủy KBang

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang