CHUYÊN MỤC

“Hồi sinh” không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

(ngày đăng bài: 21/05/2012)
Đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, văn hóa góp phần không nhỏ và đạt được những thành tựu nhất định. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập tỉnh (24-5), ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chia sẻ những thành công trên lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua.
Khái quát về những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực văn hóa của tỉnh trong thời gian qua, theo ông là gì?

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được tỉnh quan tâm và đạt được những thành công nhất định. Chúng tôi xác định, giữ gìn văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm bảo vệ, đầu tư tôn tạo các di sản văn hóa vật thể, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Toàn tỉnh hiện có 13 di tích, cụm di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia, 4 di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Điển hình như quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi (làng của Vua Lửa), Làng kháng chiến Stơr (quê hương Anh hùng Núp-huyện Kbang), Nhà lao Pleiku, chiến thắng Đak Pơ, chiến thắng đường 7-Sông Bờ, chiến thắng Plei Me...
 
Những di tích lịch sử-văn hóa này gắn với những sự kiện lịch sử và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, tỉnh đang hoàn tất các thủ tục trình Bộ VH-TT-DL công nhận di tích cấp quốc gia đối với di tích lịch sử địa điểm đón thư Bác Hồ gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” năm 1946.

Tỉnh đã chỉ đạo duy trì và phát huy nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Tây Sơn Thượng đạo (ngày mùng 4 tháng Giêng Âm lịch hàng năm), đâm trâu mừng chiến thắng, mừng lúa mới, cầu mưa, bỏ mả, mừng nhà rông, cúng giọt nước, lễ thổi tai... Năm 2007, Sở VH-TT-DL đã phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc phục dựng thành công lễ hội Sơmăh Kơ Cham (lễ hội đón năm mới) của người Bahnar ở Kông Chro, năm 2009 phục dựng thành công một số nghi lễ liên quan đến Yang Pơtao Apui (thần Vua Lửa), lễ đâm trâu mừng chiến thắng của người Bahnar và lễ mừng lúa mới của người Jrai...

Cùng với đó, các sự kiện, hoạt động văn hóa do tỉnh và các địa phương trong tỉnh tổ chức cũng đã góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống, tiêu biểu là Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009, được tổ chức quy mô, hoành tráng góp phần nâng cao giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Sự kiện này đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè trong nước và quốc tế, được Bộ VH-TT-DL bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa-thể thao-du lịch tiêu biểu của năm 2009.

Thưa ông, văn hóa bản địa được quan tâm về mặt học thuật ra sao?
 
anh-duc-thuy.jpg
Ảnh: Đức Thụy
 
Tỉnh đã tích cực đầu tư cho công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị phục vụ hiệu quả cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc như: Kỷ yếu nghệ thuật cồng chiêng; hoa văn các dân tộc Jrai, Bahnar; nhạc khí dân tộc ở Gia Lai; Folklore Bahnar; luật tục Jrai; Pơtao Apui-Tư liệu và nhận định; lịch sử-văn hóa Bắc Tây Nguyên; địa danh và di tích Gia Lai từ góc nhìn lịch sử-văn hóa... Sưu tầm, biên dịch, xuất bản 5 sử thi Jrai và Bahnar: Hơ Amon Đăm Noi, Nàng Hơ Bia Đơran, Dông Dư, Bia Brâu, Djơ Hao Jang.
Nhiều người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm đã góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy phong vị văn hóa bản địa đặc sắc như cồng chiêng, các bài khan, dân ca... Đây là công việc dài hơi, và chúng tôi đã may mắn có sự trợ giúp của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín, tâm huyết với vùng văn hóa này.
Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc Tây Nguyên, tỉnh ta ngày càng quan tâm, chú trọng đến hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động biểu diễn giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tham gia các liên hoan, festival, hội chợ, triển lãm tầm quốc gia, quốc tế...
Trước sự mai một của Không gian văn hóa cồng chiêng, ngành Văn hóa có những hoạt động cụ thể nào góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy Di sản văn hóa thế giới này, thưa ông?
Tình trạng “mai một” của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được nói đến rất nhiều trước thời điểm di sản văn hóa này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng ở thời điểm hiện tại tôi có thể khẳng định, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang được “hồi sinh”. Sự hồi sinh này chính là kết quả của những động thái tích cực từ phía ngành Văn hóa, các ban, ngành liên quan, các cấp chính quyền và đặc biệt là từ cộng đồng các buôn làng-chủ nhân của di sản văn hóa cồng chiêng.
Hàng năm, Sở VH-TT-DL cũng tổ chức các lớp truyền dạy chỉnh chiêng và tạc tượng dân gian cho các nghệ nhân cồng chiêng và tạc tượng dân gian để tạo nguồn lực cho các huyện. Đặc biệt, trong nhiều buôn làng, những nghệ nhân tâm huyết và yêu mến văn hóa truyền thống vẫn đang âm thầm truyền dạy chỉnh chiêng, chơi chiêng cho thanh thiếu nhi; các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh cũng đã đưa chiêng vào trường học...
 
anh.jpg
 
Ảnh: Minh Thi
 
Để việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản được tiến hành ngay từ cơ sở, ngành Văn hóa đã chỉ đạo cơ sở tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng theo định kỳ: Hàng năm ở các buôn-làng, 2 năm một lần ở cấp xã, huyện, 4 năm 1 lần ở cấp tỉnh. Việc kiểm kê để nắm số lượng cồng chiêng nói chung, các loại cồng chiêng quý hiếm nói riêng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên được quan tâm. Hiện toàn tỉnh còn 5.655 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng quý, chiêng cổ. Năm 2006 từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để mua cồng chiêng trang bị cho các làng “trắng” cồng chiêng, sau khi tham khảo ý kiến của các cộng đồng, chúng tôi không đặt chiêng mới mà điều tiết cồng chiêng từ những vùng còn nhiều sang các vùng, làng không còn cồng chiêng.

Cồng chiêng “sống” được là nhờ có lễ hội, nhờ môi trường diễn tấu, diễn xướng. Vậy môi trường này được chú trọng ra sao?

Để có thể bảo quản và phát huy tốt tác dụng của những bộ cồng chiêng này, các địa phương đã vận động các hộ gia đình phục hồi những sinh hoạt văn hóa có sử dụng cồng chiêng ngay từ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng làng.

Từ sau lễ đón nhận bằng công nhận Di sản của UNESCO ngày 28-3-2006 đến nay, Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với Bộ VH-TT-DL và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá giá trị di sản như: Tổ chức thành công cuộc “Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên lần thứ nhất” (từ ngày 29 đến 31-10-2007) tại TP. Pleiku với sự tham gia của 71 nghệ nhân chỉnh chiêng thuộc 11 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 5 tỉnh Tây Nguyên; đặc biệt Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai với sự tham dự của 6 quốc gia, 24 tỉnh thành trong nước, hơn 60 đoàn cồng chiêng đến từ các tỉnh và các quốc gia Đông Nam Á.

Năm 2011, tỉnh đã tổ chức Liên hoan Cồng chiêng các huyện Đông Trường Sơn tại làng Stơr, xã Tơ Tung (huyện Kbang) với sự tham gia của hơn 344 nghệ nhân đến từ 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; cũng trong năm này Tỉnh đoàn đã tổ chức Liên hoan Cồng chiêng thanh thiếu niên toàn tỉnh lần thứ nhất thu hút 700 thanh-thiếu niên tham gia. Từ những hoạt động này, cồng chiêng đã thật sự trở thành “vật thiêng”, không thể thiếu trong các buôn làng, các cộng đồng dân tộc, trong các lễ hội truyền thống như: Pơ thi, mừng lúa mới, cầu sức khỏe, mừng nhà rông mới…

Xin cảm ơn ông!   
THEO BÁO GIA LAI
.
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang