CHUYÊN MỤC

Huyện Kbang giữ gìn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hoá

(ngày đăng bài: 08/09/2020)
     Từ nhiều năm qua, việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được huyện Kbang quan tâm đúng mức. Đây cũng được xem là một nguồn lực góp phần thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
     Giữ gìn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa
     Từ bao đời nay, mảnh đất Kbang là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Bah nar. Trong quá trình đó, đồng bào đã tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo. Những sử thi, dân ca phổ biến trong đồng bào như: Diông, Dư, Dăm Noi… những loại nhạc cụ độc đáo như đàn Tơ rưng, đàn kơ ni, đàn goong; sáo ala các lễ hội dân gian gắn với đời sống đồng bào có lễ bỏ mả, lễ ăn lúa mới, nghi lễ vòng đời…

     Bên cạnh đó là hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đầy tự hào của đồng bào như: Vườn mít – Cánh đồng cô Hầu; Làng kháng chiến Stơr; Căn cứ địa cách mạng khu 10 xã Krong; Vụ thảm sát làng Tân Lập; Đền liệt sỹ Ka Nak. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, mối quan hệ giao lưu văn hóa đã có những tác động đến giá trị văn hóa của đồng bào. Đứng trước nguy cơ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống dần mai một, các cấp chính quyền của huyện Kbang đã có nhiều hành động nhằm giữ gìn, khôi phục, phát huy. 

     Xã Kông Lơng Khơng là địa phương cách trung tâm huyện 15km, đời sống đồng bào Bah Nar ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Đây cũng là nơi đang còn sự hiện diện của những nghệ nhân sử thi, những giá trị văn hóa truyền thống. Những năm qua, cùng với sự quan tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống vật chất cho người dân, địa phương còn quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được duy trì tổ chức. Thông qua đó, những bài sử thi được các nghệ nhân biểu diễn, truyền dạy lại cho lớp trẻ những bài chiêng, điệu xoang. Các làn điệu dân ca Bah nar lại có dịp ngân vang. “Địa phương đã tập trung triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của người Bah nar trên địa bàn; duy trì và bảo tồn các giá trị sử thi người Bah nar. Xã cũng xây dựng kế hoạch mời các nghệ nhân, già làng truyền dạy chỉnh chiêng, thường xuyên tổ chức liên hoan cồng chiêng mỗi năm một lần vào dịp tết nguyên đán; tranh thủ nguồn hỗ trợ để khôi phục các nghề truyền thống tốt đẹp của người Bah nar”, ông Đinh Choai - Bí thư Đảng ủy xã Kông Lơng Khơng cho biết.

     Theo ông Nguyễn Văn Bắc – Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, thực hiện chương trình phát triển du lịch của huyện, thời gian qua, địa phương đã nâng cấp, sửa chữa nhà rông truyền thống của đồng bào Bah nar ở làng MơHra để phục vụ khách tham quan; tổ chức 4 lớp truyền dạy đánh chiêng, 3 lớp dạy đánh nhạc cụ đàn Tơ rưng; đàn goong, 2 lớp dạy hát dân ca Bah nar; với tổng số 70 người tham gia. Xã cũng đã thực hiện việc phục dựng lễ ăn đầu lúa mới của người Bah Nar; phối hợp mở lớp khôi phục lại nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

     Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Bah Nar được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của huyện Kbang. Hàng năm, huyện đều tổ chức các chương trình văn nghệ để tạo điều kiện cho các nghệ nhân biểu diễn những làn điệu dân ca, chơi các loại nhạc cụ dân tộc, trình diễn cồng chiêng. Huyện cũng quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Một số loại hình văn hóa phi vật thể của địa phương đã được lập hồ sơ khoa học và được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ đó, tạo điều kiện để từng bước khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một. Những nghề thủ công truyền thống của đồng bào cũng được quan tâm phục hồi.

     Tiếp tục khơi dậy tính chủ động của người dân.
     Theo ông Đinh Đình Chi – Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin  huyện Kbang, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn gặp những thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là huyện đã tìm được hướng đi mở đối với nhiệm vụ giữ gìn nét đẹp văn hóa của đồng bào Bah Nar, đó là gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch của địa phương.

     Chính vì thế, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền về vấn đề này; chú trọng nâng cao ý thức của người dân, ý thức cộng đồng và khuyến khích những người có tâm huyết, có kiến thức về bảo tồn văn hóa truyền thống tích cực tham gia. Bên cạnh đó, huyện sẽ thực hiện việc thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu; có chính sách cụ thể đối với việc gìn giữ các lễ hội dân gian, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng, các kiến trúc nhà sinh hoạt cộng đồng, trang phục truyền thống của đồng bào Bah Nar. Đồng thời, khơi dậy tính chủ động của người dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng; khuyến khích các cá nhân có những hoạt động truyền dạy văn hóa truyền thống, hình thành các câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt văn nghệ dân gian.
Xuân Tập - Thông tin xúc tiến du lịch Gia Lai
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang