CHUYÊN MỤC

Kbang - Đất và Người

(ngày đăng bài: 20/07/2018)
Trên mảnh đất cao nguyên hùng vĩ
Có địa danh được gọi Kbang
Đa văn hóa và đặc thù bản địa
Nuôi lớn ta bên dòng sông hiền hòa
 
 

                                                         Untitled.png
                                                Hình: Bản đồ huyện Kbang
 
Có dịp đến thăm Kbang, du khách sẽ nhận thấy một trong những nét đặc trưng là văn hóa vùng miền của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Miền đất này là quê hương thứ hai của biết bao con người đến sinh sống, an cư lạc nghiệp và có không ít người đã sinh sống, làm việc ở đây nhưng vì điều kiện đã trở về quê hoặc theo con cái đi sinh sống ở một nơi khác; song tất cả những ai đã đến đây thì mảnh đất Kbang “bỗng hóa tâm hồn”, nặng tình, nặng nghĩa. Ở Kbang cũng như các địa bàn trên đất Gia Lai và Tây Nguyên này, ngoài người dân tộc thiểu số bản địa ra thì tất cả đều là dân góp từ mọi miền quê đến xây dựng kinh tế mới, quen nhau thành thân, kết tình anh em bằng hữu. Dân tộc thiểu số địa phương ở Kbang là người Bahnar có bản tính hiền hòa, chất phát, nặng tình nghĩa và có tinh thần yêu nước. Ngoài ra, còn có 20 dân tộc khác, trong đó dân tộc kinh chiếm chủ yếu. Chính yếu tố này có thể ví không ngoa  Kbang là một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa vùng miền trên miền cao nguyên nắng gió. Này đây, văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc bản địa với lối sống cộng đồng, chế độ mẫu hệ, nếp sinh hoạt nhà sàn, nhà rông cộng đồng và sinh hoạt cồng chiêng trong những dịp lễ, hội; có văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc: Hmông, Tày, Dao…với đặc trưng từ ngôn ngữ, lối sinh hoạt, ăn mặc và phát triển kinh tế riêng. Ở người kinh có sự phong phú trong văn hóa vùng miền từ miền bắc đến trung và miền nam, trong đó tập trung nhất là văn hóa của một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Bình Định. Nét văn hóa ấy phong phú nhưng không hỗn tạp, hòa hợp chứ không hòa tan, tinh khiết cô đọng lại thành nét và nếp sống của Người Kbang.
 
 em-gai-ba-nah.jpg
Hình: Trang phục người Bahnar
 
Một lối sống trọng tình cảm, chân thành và mến khách là đặc trưng của Người Kbang và cũng là bản chất của những con người vùng miền núi. Trong thời buổi kinh tế thị trường, lối sống hối hả, tấp nập và ganh đua, được đến và uống một ly trà, tâm sự với những con người trọng tình, ăn những thức ăn của các vùng miền và tìm hiểu văn hóa các dân tộc tại một địa danh có lẽ viễn khách sẽ cảm nhận được thi vị cuộc sống và giá trị của một hành trình với Kbang.
 
 chut-tich-huyen-an-tai-tt.jpg
Hình: Du khách cùng lãnh đạo huyện trong không gian ẩm thực người Bahnar
 
 keo-co-kbang.jpg
Hình: Cộng đồng các dân tộc trong ngày hội văn hóa du lịch
 
Khi về với Gia Lai, mọi người sẽ nghĩ đến một “phố núi cao, phố núi đầy sương - phố núi cây xanh trời thấp thật buồn”. Nhưng đến với Kbang, khách sẽ cảm được nét riêng. Thị trấn nằm trọn trong một thung lũng nhỏ với cơ sở hạ tầng khá đầy đủ so với vị thế một huyện miền núi; không “thật buồn” mà đủ để bình yên cho một chuyến du lịch nghỉ ngơi. Khách có thể ngắm toàn cảnh thị trấn từ trên cao ở góc nhìn dốc khảo sát hoặc nếu muốn phượt thì lên đồi sân bay để phóng tầm mắt. Từ xa nhìn xuống, thị trấn Kbang được bao bọc, che trở bởi những dãy núi, có dòng sông Ba uốn lượn - như một nét đẹp hữu tình hồn quê mà ta thường thấy trong bao bức họa. Những tòa nhà kiên cố, mái ngói đỏ tươi mọc lên ngày một nhiều; các con đường được bê tông hóa đến tận các ngõ, hẻm. Công viên văn hóa, Quảng trường Kbang như cô gái “má đỏ môi hồng” không quá cầu kỳ, diêm dúa cũng đủ làm nên nét trang trọng, trưởng thành ở tuổi 33. Chiều xuống, khách có thể ghé qua hồ thủy điện An khê - Kanak vùng ven thị trấn để ngắm mặt hồ và mây trời cho tâm hồn nhẹ nhàng, thanh khiết. Đến đây, khách cảm được cái bình yên như tâm hồn kẻ tha hương trở về dưới mái nhà mẹ. Phóng tầm mắt xa xa, mặt hồ mênh mông, sóng biếc xanh rờn, du khách cứ ngỡ đang chiêm ngưỡng đôi mắt Pleiku hay ngắm hồ Ba Bể, Núi Cốc. Nước hồ trong xanh, bầu trời soi gương dưới ánh chiều; mặt trời đỏ lịm, ẩn mình sau dãy núi, thả vào giấc ngủ dưới đáy hồ. Và du khách sẽ thấy Kbang nên thơ, dịu dàng hơn trong đêm mùa hạ bởi tiết trời dịu mát ban tặng cho vùng đất nơi đây. Nếu thong thả dạo bước lên dốc Khảo sát mà phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống, Kbang hiện lên xinh xắn, huyền ảo biết bao. Hàng ngàn ngọn đèn lấp lánh, ngỡ tưởng đang đứng ở hành tinh nào mà nhìn thấy trời sao lấp lánh dưới đất Kbang. Cái lấp lánh, lung linh ấy, không hào nhoáng như nơi đô thành nhưng đủ làm nên nét đẹp trong trái tim du khách.
 
cau-vong-sau-mua.jpg
Hình: Một góc thị trấn Kbang thanh bình
 
Bản ngã xưa nay của con người là được sống hòa mình với mẹ thiên nhiên, nhất là trong xu thế đô thị hóa như ngày nay; một ngày hè nóng nảy lửa, một không khí ngột ngạt của khói xe và tắc đường nơi ngã tư đèn đỏ có ai mà không khao khát được thả mình vào thiên nhiên. Về với Kbang là du khách đã được về với rừng, về với bản ngã của con người. Vâng! Rừng Kbang nhiều và còn làm xanh đôi mắt lắm, độ che phủ của rừng chiếm gần 70% diện tích toàn huyện. Này đây, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng xanh ngút ngàn tầm mắt trên con đường Trường Sơn Đông đi vào các xã phía Bắc của huyện. Và đây nữa! Rừng Phòng hộ xã Nam nằm trên mảnh đất thuộc các xã phía Nam của huyện một dãy kéo dài che chắn, bảo vệ cho đất Kbang từ bấy lâu nay. Giữa chốn phố thị ồn ào, oi bức, ta ao ước được trở về với thiên nhiên của rừng, của thác để sống và tận hưởng thư thái. Chỉ cần đi cách Trung tâm thị trấn Kbang khoảng 2km -3km là ta được nhìn thấy những cánh rừng, con suối và dòng thác. Đi giữa đường lớn, bóng mát của những tán cây hai bên đường cũng đủ để giúp ta cảm nhận được sự bao dung của mẹ thiên nhiên ban tặng cho miền đất này. Rừng bao dung mang về hương thơm đủ sắc màu: dìu dịu, ngào ngạt, man mát hay hăng hắc trong không gian trong vắt, se se làn da vì lạnh. Cái không gian ấy, ta chỉ muốn ôm vồ lấy để chiếm lĩnh. Lần đầu đắm mình giữa cánh rừng đại ngàn, chắc chắn khách không lỡ mà bấm một tiếng còi xe làm lay động sự yên tĩnh ấy. Lắng nghe từ rừng, thấy âm thanh riêng. Có tiếng chim hót, gió thổi, nước chảy, thác reo. Rừng sinh ra thác nên Kbang là quần thể thác và suối. Kbang có 5-7 ngọn thác còn nguyên sơ, xung quanh là rừng xanh bao phủ, chưa kể đến vẻ đẹp của những dòng suối trên địa bàn huyện.
 
 thac-dakrong-e-gai.jpg
Hình: Du khách bên thác Kon Lốc Kbang
 
Du khách đến Thác Ba Tầng, thác Dơi hay thác C50 mà nghe gió hát. Gió hát cho viễn khách nghe tiếng hát rì rào như lời ru trên nương. Gió hát để thác đá làm nhạc. Tiếng thác hùng vĩ, mạnh mẽ như người cao nguyên vậy!. Thác chảy từ ngọn nguồn nơi đâu mà nước chẳng bao giờ vơi; chỉ biết rằng trong hơi men chếnh choáng, nếu được nằm trên đá rêu phong dưới tán cây cổ thụ, được nghe tiếng thác, tiếng nước luồn mình qua khe đá; nằm mà mơ, thả hồn mình vào thiên nhiên thì khác gì du khách đang trở về với không gian cổ tích.
 
 suoi-trai-nghiem.jpg
Hình: Du khách thưởng ngoạn không khí thanh khiết từ rừng Kbang
 
 
 thac-50-thao.jpg
Hình: Thác C50 Kbang hoang sơ, hùng vĩ
 
Về Kbang, du khách có thể đến thăm di tích lịch sử về truyền thống cách mạng Kbang. Miền đất ấy sinh ra anh hùng Núp, biểu tượng kiêu hãnh, bất khuất cho ý chí quật cường của các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Là người đam mê tác phẩm “Đất nước đứng lên”, muốn tìm hiểu về nền văn học cách mạng các dân tộc Tây Nguyên, mời bạn hãy sắp xếp một lần để đi thực tế, trải nghiệm về Kbang. Kìa, mái nhà Rông đứng sừng sững như lưỡi Rìu chĩa thẳng lên bầu trời. Khu lưu niệm Anh hùng Núp hôm nay đã được trùng tu, nâng cấp, mở rộng khang trang hơn, theo hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, gìn giữ giá trị truyển thống dân tộc bản địa. Nói về miền quê truyền thống cách mạng của huyện, không thể không kể đến vườn Mít - cánh đồng cô Hầu và khu căn cứ cách mạng Krong. Không phải ngẫu nhiên mà từ thế kỷ 18, vua Quang Trung đã chọn mảnh đất này là nơi để nuôi khí trí quân sĩ và tập luyện võ nghệ cho cuộc hành quân ra Bắc. Bao thế kỷ đã trôi qua, dấu tích lịch sử không còn nhiều, nhưng vườn Mít còn đó, những cây Mít cổ thụ là tấm bia chứng minh cho sự cưu mang, nuôi quân sĩ Tây Sơn thượng đạo của người dân Kbang. Và khu căn cứ cách mạng Khu 10, xã Krong cũng vậy. Cũng là rừng là núi, nhưng rừng và núi nơi đây trở thành “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Với địa thế hiểm trở, với lòng dân Kbang, mảnh đất Krong được chọn là căn cứ của tỉnh trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, là nơi đứng chân của cơ quan Tỉnh ủy từ năm 1972-1975. Đây chính là nơi chỉ huy, nuôi dấu cán bộ, làm bàn đạp cho giải phóng tỉnh Gia Lai (18/3/1975) tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trong khí thế cách mạng ấy, lại hướng về khúc ca bi tráng, hào hùng trong trận đánh đồn Ka Nak diễn ra vào đêm đêm ngày 07 rạng sáng ngày 8/3/1965. Trong trận đánh ấy, do chủ quan trong công tác trinh sát địa bàn, để lộ mục tiêu nên địch đã chủ động phản kích làm cho lực lượng của ta bị thương vong khá lớn. Khách ghe thăm công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak ở trung tâm huyện để tưởng nhớ về trang sử bi hùng của dân tộc, hướng đến cõi tâm linh để ghi nhớ công lao của những con người “Trải tấm lòng son vì đất nước - Đem dòng máu đỏ giữ quê hương”.  
 
 nha-lniem-ahhung-nup.jpg
Hình Nhà lưu niệm Anh hùng Núp và Làng kháng chiến Stor

Về Kbang đi anh!
Nếm vị mật ong, sa nhân, nấm lim xanh
Mắc ca, Cam sành trái cây đủ loại
Gửi lời thương trong muôn vàn cánh bướm
Cánh rừng già ôm trọn một trời yêu.   
 
Trong sự kiện ngày hội du lịch Kbang năm 2018, diễn ra từ ngày 3/8-5/8/2018 với nhiều hoạt động văn hóa và du lịch sôi nổi, ý nghĩa; du khách, bạn bè gần xa còn ngại ngần gì mà không về để tìm hiểu, trải nghiệm đất và tình người nơi đây. Những người đã từng công tác và sinh sống ở Kbang “còn thương rau đắng mọc sau hè” hãy về để nặng nghĩa ân tình với Kbang. Những người con đang học tập và đi làm ngoài huyện có nghe tiếng quê hương mà xốn xang, thổn thức. Hãy mời bạn bè, anh em đồng nghiệp một chuyến về với Kbang để giới thiệu về nơi sinh ra và nuôi mình khôn lớn và cùng hòa mình với các hoạt động du lịch, đưa thức quà quê hương đến những vùng xa xôi của tổ quốc, tạo thương hiệu Kbang trên hình chữ S, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.
 
kbang-tai-sgon-cong-chieng.jpg
Hình: Cồng chiêng Kbang vươn xa trong ngày Hội Du lịch TP. HCM 2018
 
Kbang hân hạnh chào đón du khách gần, xa trong Ngày hội Du lịch huyện nhà năm 2018.
 
                                                                                       Nguyễn Văn Trung, Phòng Lao động-TB&XH

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang