CHUYÊN MỤC

Kết quả 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện

(ngày đăng bài: 14/10/2020)
     20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000-2020) là 20 năm cấp Ủy, chính quyền và Nhân dân huyện không ngừng đoàn kết, chủ động, sáng tạo đưa phong trào phát triển, lan tỏa rộng khắp. Qua đó, khơi dậy, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo nên những thành quả và dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

 
Untitled.jpg
Khơi dậy, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện
luôn được huyện quan tâm thực hiện


     Là địa phương có 21 dân tộc anh em sinh sống đến từ nhiều vùng miền khác nhau, lại được Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều chương trình chính sách, dự án lớn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi, tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện. Cùng với đó, việc xây dựng đời sống văn hóa được lồng ghép và gắn kết chặt chẽ với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các địa phương trong huyện đã góp phần tạo nên sức sống mới, diện mạo mới của nông thôn. Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa đi vào thực tiễn cuộc sống, ngay từ đầu Ban Chỉ đạo đã được thành lập từ huyện đến xã, xây dựng quy chế tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo và xây dựng Kế hoạch giai đoạn và hàng năm để triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó xác định mỗi người dân giữ vai trò chủ thể trong phong trào. Xuất phát từ tính toàn dân, toàn diện, Phong trào đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội và đông đảo người dân tham gia xây dựng và phát triển văn hóa nói chung, Phong trào nói riêng. Qua triển khai thực hiện, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện phong trào, Nhân dân có nhận thức rõ về giá trị văn hóa trong việc phối hợp với cán bộ và chính quyền bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cơ sở; hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng ngày càng phát triển; mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng cao.
 
Untitled1.jpg
Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phát triển
góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân huyện

     Sau 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, một chặng đường khá dài để mỗi người dân của huyện cảm nhận rõ rệt sự thay đổi trong đời sống nông thôn. Những tên đường, con dốc một thời đã đi vào kỷ niệm huyền thoại gợi nhớ sự khó khăn, gian khổ, như đường đi Krong, Kon Pne, dốc kỷ niệm, Hà Đừng, dốc Ngựa…. Giờ đây, thay vào đó là dáng dấp của một huyện miền núi với những con đường trải nhựa, bê tông chạy dài, rộng rãi và sạch sẽ, là hình ảnh của những ngôi nhà cao tầng mới mẻ, là nhà văn hóa, nhà truyền thống khang trang, đáp ứng tốt yêu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư... đời sống Nhân dân ngày một nâng cao, mức thu nhập và đời sống xã hội ngày được nâng lên. Phong trào đã hình thành  nhiều “gương người tốt, việc tốt” từ cơ sở. Đó là những thầy cô giáo không quản ngại khó khăn, bám trường, bám lớp gieo chữ đến những thôn, làng khó khăn vùng sâu vùng xa của huyện, những em học sinh nghèo hiếu học vươn lên trong học tập từ phong trào “dạy tốt, học tốt”; nhiều hộ gia đình từ khó khăn đã vươn lên làm giàu chính đáng trong phong trào “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, những hộ gia đình sẵn sàng hiến đất, đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới; nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ kinh phí lên đến hàng tỷ, hàng trăm triệu để giúp huyện xây nhà cho gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo khó khăn về nhà ở; nhiều gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, câu lạc bộ văn hóa, gia đình không sinh con thứ ba, gia đình hạnh phúc…từ đó đã góp phần tích cực vào việc hình thành nhân cách con người trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
 
Untitled2.jpg
Các họat động văn hóa ở cơ sở tổ chức thường xuyên giúp nâng cao đời sống tinh thần,
góp phần tích cực hình thành nhân cách, nếp sống văn minh, lành mạnh
 
     Văn hóa và dân chủ được hình thành từ cơ sở thông qua nếp sinh hoạt cộng đồng, hoạt động quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi việc liên quan đến đời sống người dân đều được huyện chỉ đạo lấy ý kiến từ người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhân dân bàn bạc và xây dựng, thực hiện các hương ước, quy ước ở thôn, làng, tổ dân phố; xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, tổ hòa giải, câu lạc bộ tự nguyện theo giới tính, lứa tuổi. Khắp các địa phương trong huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị “về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, nhất là việc cưới, việc tang trong vùng dân tộc thiểu số đã dần xóa bỏ các thủ tục lạc hậu; nghi lễ rườm rà, tốn kém được Nhân dân cắt giảm, tiết kiệm phù hợp với phong tục và nếp sống văn minh. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao hàng năm đều được huyện và các xã, thị trấn tổ chức nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống của các dân tộc, các địa phương làm tốt nội dung này tiêu biểu là Tơ Tung, Lơ Ku, Kông Lơng Khơng. Các lễ hội truyền thống vẫn giữ nét rất riêng và đang được bảo tồn như: Lễ hội đâm trâu, bỏ mả, cầu mưa, mừng lúa mới, mừng nhà rông mới…Từ đó, góp phần tích cực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với những kết quả đạt được, nhân dịp tổng kết 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 1 tổ dân phố, 01 hộ gia đình văn hóa và 01 công chức lãnh đạo huyện; Chủ tịch UBND huyện khen thưởng cho 19 tập thể và 14 cá nhân tiêu biểu.
 
Untitled3.jpg
Tổ chức các Lễ hội hàng năm là một trong những cách mà huyện bảo tồn và
giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc địa phương

     Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được gắn kết với phát triển văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, hoàn thiện và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, qua đó tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới./.
Nguyễn Văn Trung, Phòng Nội vụ.

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang