CHUYÊN MỤC

Những điển hình trong phong trào thi đua, yêu nước trên địa bàn huyện (giai đoạn 2015-2020)

(ngày đăng bài: 03/09/2020)
     Với tinh thần “thi đua, yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”; qua 5 năm (2015-2020), phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Từ phong trào, đã xuất hiện các tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn. Bài viết giới thiệu một số tập thể, cá nhân điển hình là những bông hoa tươi thắm trong trong vườn hoa đẹp của huyện.

       Nhân dân và cán bộ Xã Đông
     Là một xã ven đô, nằm ở phía Đông Nam của huyện, Xã Đông được đánh giá là một trong những địa phương vững mạnh của huyện trong phát triển kinh tế-xã hội và củng cố, xây dựng hệ thống chính trị. Trong 5 năm (2015-2020), thu nhập bình quân đầu người từ 14,6 triệu đồng tăng lên 38,1 triệu đồng, tăng 52,49% so với chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp đến năm 2019 là 234,332 tỷ đồng, tăng 17,45% so với năm 2015, sản lượng lương thực bình quân đạt 2.383,6 tấn/năm, đàn gia súc 4.639 con. Tổng giá trị ngành thương mại-dịch vụ đến năm 2019 (theo giá hiện hành) đạt 88,25 tỷ đồng; có 169 hộ kinh doanh, thành lập 17 tổ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 30 nhóm chung sở thích được hỗ trợ kinh phí để xoay vòng tổ chức sản xuất. Các tuyến đường giao thông liên xóm, liên xã, đường nội đồng được cứng hóa. Phong trào xây dựng nông thôn mới được Nhân dân tích cực hưởng ứng với kinh phí 3.620.700 đồng, có 142 hộ hiến đất với diện tích 39.450 m2 và 8.420 ngày công lao động. Năm 2017, xã đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang phấn đấu xây dựng 1 làng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Toàn xã có 75,06% hộ gia đình văn hóa, 6/6 thôn đạt khu dan cư văn hóa; trên 150 nghệ nhân thường xuyên tham gia luyện tập, biểu diễn cồng chiêng; hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi, với nhiều thành tích vượt trội. Có 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia cấp độ I. Đến nay, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh đạt trên 99%, huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi 100%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 14,11%, tăng dân số tự nhiên 0,73% (năm 2019), tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 85,4%, hộ nghèo 6,28% (giảm 14,9% so với năm 2015), chính sách bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công được quan tâm. An ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
 
Untitled.jpg
Hình: Xã Đông luôn có nhiều phong trào nổi bật trong phát triển kinh tế địa phương
 
     Nhân dân và cán bộ xã Đông đã được UBND tỉnh tặng Bằng công nhận hoàn thành Chương trình nông thôn mới năm 2017, Cờ thi đua của Tỉnh  năm 2018 và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2018, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối các xã, thị trấn giai đoạn 2015-2020.
 
     Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Krong
     Trường được thành lập năm 2015, trên cơ sở chuyển đổi từ trường Tiểu học Krong. Hiện nay trường có 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên; có 9 lớp với 235 học sinh, các em đều là người dân tộc thiểu số Bahnar. Hoạt động giáo dục của trường giai đoạn 2015-2020 đã đạt nhiều kết quả cao, nhất là công tác bán trú nơi vùng khó. Đã thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số học sinh vùng dân tộc thiểu số bằng biện pháp thành lập 06 tổ vận động học sinh ở các làng, khi các em học sinh nghỉ học, bỏ học thì các tổ có trách nhiệm đến từng gia đình để vận động các em đến trường, do vậy tỷ lệ duy trì sĩ số luôn đạt trên 99%. Trường thường xuyên đổi mới các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, thực hiện tăng cường thời lượng học tập bằng việc dạy phụ đạo/ bồi dưỡng 1 - 2 buổi /tuần; hình thành “Văn hóa đọc”  bằng việc xây dựng các hệ thống thư viện thân thiện ngoài trời và thư viện góc lớp, tổ chức các hoạt động học tập, xem ti vi vào buổi tối có sự theo dõi, hướng dẫn của giáo viên. Nhà trường chú trọng rèn luyện ý thức tự giác, thói quen lao động, tự chăm sóc bản thân cho các em qua các buổi sinh hoạt bán trú, các tiết chào cờ và thông qua thực tiễn hàng ngày..., góp phần đào tạo các em ngay từ khi còn nhỏ đầy đủ các mặt “đức, trí, thể, mỹ”. Đã huy động đoàn viên công đoàn, phụ huynh học sinh tham gia xây dựng nhà ăn bán trú học sinh 170 m2, thư viện ngoài trời 60 m2, nhà xem ti vi 130m2, nhà đa năng 600m2, hệ thống ống nước tưới cây và khuôn viên cây xanh, rau, vườn thuốc nam. Nhờ đó, kết quả học tập hàng năm đối với học sinh Tiểu học 100% hoàn thành chương trình, tỷ lệ khen thưởng từ 41,8% năm học 2015-2016 lên 78,5% năm học 2018-2019; bậc THCS: Học sinh khá giỏi năm học 2015-2016 chiếm 32,3%  đến năm học 2019-2020 tăng lên 43,4%.
 
Untitled1.jpg
Hình: Việc hình thành “Văn hóa đọc”  cho các em học sinh
dân tộc thiểu số được trường triển khai có hiệu quả

     Trong 5 năm, Trường có 03 lần trường được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể Lao đông tiên tiến xuất sắc, 01 lần được UBND  tỉnh tặng Cờ thi đua, cùng nhiều lượt CB-GV được UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; là điển hình tiêu biểu phong trào thi đua dạy tốt học tốt ngành giáo dục huyện được Tỉnh tặng Bằng khen giai đoạn 2015-2020.

      Làng Kon Lốc 1, xã Đak Rong
     Là một trong những làng thuộc vùng sâu vùng xa của huyện, nơi định cư tập trung của người dân tộc bản địa Banhar, xã Đak Rong với 71 hộ với 240 khẩu. Trong giai đoạn 2015-2020 tập thể làng Kon Lốc 1 đã đoàn kết, tập trung phát động các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, nhất là phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trong sản xuất nông nghiệp, nhân dân tập trung gieo trồng phấn đấu không bỏ hoang diện tích canh tác. Tổng diện tích gieo trồng của làng là 135,3 ha; trong đó cây lúa nước là 70 ha, lúa rẫy: 15 ha, cà phê 16,3 ha, các loại khác 33 ha. Bình quân lương thực đạt 450 kg/ người/năm, thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/ người/năm. Đàn gia súc có 613 con, trong đó riêng đàn trâu có 264 con. Công tác bảo vệ rừng được Nhân dân trong làng thực hiện chấp hành tốt, không phá rừng làm nương rẫy; tích cực thực hiện giao khoán, bảo vệ rừng, đấu tranh với việc tàng trữ, khai thác gỗ trái phép và thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhân dân thực hiện tốt việc huy động con em đến trường đúng độ tuổi, tăng cường phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc Bahnar; vận động Nhân dân ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhân dân tận dụng các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nội lực của gia đình, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.  Đến nay, trong làng chỉ còn 4 hộ nghèo, chiếm 5,63% số hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; qua nhiều năm trong làng không có tội phạm và các tệ nạn xã hội. Từ  năm 2015-2019, đánh giá về phân loại chính quyền, làng Kon Lốc luôn được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là tập thể tiêu biểu làng dân tộc thiểu số phía Bắc của huyện được UBND huyện tuyên dương, khen thưởng trong phong trào thi đua, yêu nước giai đoạn 2015-2020.
 
Untitled2.jpg
Hình: Nhân dân trong làng đã từng bước thay đổi cơ câu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa

      Làng Lơk, xã Nghĩa An
     Làng có diện tích tự nhiên khoảng 15.000 m2 với 158 hộ và 627 nhân khẩu; trong làng có 99% hộ dân là người dân tộc thiểu số, sống hoàn toàn bằng phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp cùng sự phấn đâu vươn lên của Nhân dân, đời sống của Nhân dân làng Lơk đã có nhiều thay đổi, phát triển tiến bộ hơn, nhất là phong trào xây dựng làng nông thôn mới. Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”  thông qua hình thức cầm tay chỉ việc của địa phương đã góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy, nhận thức trong Nhân dân làng Lơk. Đến nay, Nhân dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: sử dụng máy băm ruộng, máy phun lúa; biết cách chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, đào ao tích nước, làm truồng trại cho trâu bò, gia súc, làm nhà vệ sinh… biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Trong các lễ hội, dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, kéo dài nhiều ngày gây tốn kém, lãng phí. Đời sống nhân dân trong làng trong những năm trở lại đây có nhiều thay đổi tích cực; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 13,67%; nhiều hộ gia đình từ hộ nghèo, khó khăn vươn lên thành hộ có mức sống trung bình và khá giả. Thu nhập bình quân tính đến cuối năm 2019 đạt trên 18 triệu đồng. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển biến, văn hóa dân tộc Bahnar được bảo tồn; thực hiện tốt duy trì sĩ số học sinh qua các năm học. Nổi bật nhất là Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân tích cực hưởng ứng; 100% hộ dân trong làng đều tham gia đóng góp ngày công, vật liệu, tiền, hiến đất đai… để xây dựng nông thôn mới. Đến nay trong làng không còn nhà tạm, nhà rột nát; có 1.420 m đường nội làng được cứng hóa, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa và không lầy lội, giao thông nội đồng đảm bảo cho nhân dân vận chuyển hoa màu. Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh chính trị của làng trong 5 năm luôn được giữ vững. Làng trở thành một trong những điển hình tiêu biểu của huyện trong phong trào xây dựng làng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số, được UBND tỉnh tuyên dương trong phong trào “Gia Lai xây dựng nông thôn mới”; là điển hình trong phong trào thi đua yêu nước được huyện tuyên dương, khen thưởng.
 
Untitled3.jpg
Hình: Cán bộ xã cầm tay chỉ việc giúp nhân dân làng Lơk phát triển kinh tế,
xây dựng làng nông thôn mới
 
     Bà Nguyễn Thị Mỹ Cẩm, Bí thư Đoàn TNCSHCM Thị trấn
     Trong 5 năm, bà Nguyễn Thị Mỹ Cẩm đã tham mưu Ban chấp hành Đoàn thị trấn làm tốt công tác giáo dục của Đoàn, tổ chức các phong trào hành động cách mạng phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng hành với thanh niên trong học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp và rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa. Đã tổ chức 95 đợt tuyên truyền cho 11.000 lượt đoàn viên thanh niên về pháp luật; hơn 30 buổi tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid 19; thường xuyên truyển khai các hoạt động hiến máu tình nguyện cho đoàn viên tham gia với hơn 150 đơn vị máu. Tổ chức tham gia ngày công xây dựng công trình thanh niên làm 1 ngôi nhà cho 2 em học sinh mồ côi làng Groi trị giá 60 triệu đồng, làm 26 nhà vệ sinh tự hoại cho làng Hợp gắn với mô hình dân vận khéo với 200 ngày công; giúp nhân dân làng Nak dọn đầm Đăkpung với gần 100 đoàn viên tham gia, trồng 8000 cây keo gây quỹ, giúp nhân dân làng Chiêng làm hàng rào xây dựng nông thôn mới...Đã thực hiện quản lý tốt nguồn vốn ủy thác từ ngân hàng Chính sách xã hội huyện và giải ngân có hiệu quả giúp đoàn viên thanh niên có nguồn vốn vay lập nghiệp, phát triển kinh tế. Trong hoạt động hội đồng đội, đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động như “cắt tóc tình nguyện”, tổ chức dạy kỹ năng bơi, chống đuối nước cho các em học sinh, tổ chức diễn đàn thanh niên, tặng 11 xe đạp và vở cho 11 em học sinh điểm trường làng Htăng; nhận giúp đỡ 2 em làng Hợp và Chre với 500.000 đồng/em/quý.
 
Untitled4.jpg 
Hình: Bà Nguyễn Thị Mỹ Cẩm (mặc áo đoàn) với phong trào cắt tóc
tình nguyện tiếp bước cho em đến trường
 
     Qua quá trình công tác, hàng năm bà đều được Huyện đoàn và Tỉnh đoàn khen thưởng; đặc biệt năm 2019 được nhận Bằng khen Đảng viên trẻ tiêu biểu do Tỉnh đoàn tuyên dương; là cán bộ đoàn duy nhất trong lực lượng đoàn viên thanh niên được UBND huyện biểu dương trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
 
      Hộ gia đình anh: Đinh Blăng - Làng Đăk Bok, xã Krong
     Là hộ dân tộc Bahnar thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện, ban đầu gia đình anh Đinh Blăng chỉ sống với nghề làm lúa rẫy và đi làm thuê cho các hộ dân khác, chưa biết đến làm kinh tế vì tư tưởng không dám thay đổi, sợ thất bại. Nhưng với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay vốn với số vốn 15 triệu đồng, cùng số tiền dành dụm được, đầu tư vào múc hố để trồng để trồng cà phê trên 5 sào. Với tinh thần chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm; vừa làm, vừa trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, giành dụm mua thêm đất. Hiện nay, gia đình mua được 3 đám rẫy với tổng diện tích lên 5 ha, trồng thêm được 6.000 cây cà phê, mỗi năm đem lại thu nhập hơn 250 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn khai hoang thêm đất để trồng keo, bời lời. Năm 2018, đã trồng 670 cây mắc ca, đang sinh trưởng phát triển tốt. Gia đình còn mua thêm đất rẫy để tăng gia sản xuất, trồng thêm bắp và các loại đậu mỗi năm cho thu hoạch hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn nuôi thêm 05 con dê và 02 con heo đang trong độ tuổi sinh sản, có đàn gà với hơn 20 con và đang gây thêm giống, thu nhập đạt trên 15 triệu đồng nhờ việc chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh đã có 300 triệu đồng tiền gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, gia đình còn là tích cực tham gia vào các trong các phong trào của làng, nhiệt tình và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Qua nhiều năm, gia đinh đã được các cấp khen thưởng, ghi nhận và là gương điển hình tiêu biểu hộ gia đình người dân tộc thiểu số Bahnar vươn lên làm giàu, giai đoạn 2015-2020.
 
Untitled5.jpg
Hình: Anh Đinh Blăng bên rẫy cà phê của gia đình
 
     Hộ gia đình ông: Đinh Văn Bi, nông dân sản xuất giỏi  làng Kon Von 1, xã Đak Rong
     Là một hộ nông dân thuộc xã Đak Rong, cách xa trung tâm trên huyện 60km, nơi trình độ dân trí và việc áp dụng tiến bộ khoa học của người dân tộc thiểu số địa phương còn hạn chế, nhưng gia đình ông Đinh Văn Bi đã tích cực tìm tòi, học hỏi qua hội nông dân, sách báo, tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, từng bước thay đổi suy nghĩ, tư duy của người dân tộc thiểu số để vươn lên làm giàu. Hiện nay gia đình ông đang có 5 ha cà phê đang cho thu hoạch; trong đó đặc biệt có 1 ha ông trồng xen với chanh dây, nghệ và sâm đá đã được ông nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả; vừa giúp tạo bóng mát cho cây, vừa tiết kiệm nguồn nước cho cây trồng. Thu nhập mỗi năm từ trồng trọt của gia đình từ 200 - 250 triệu đồng, đã trừ chi phí. Ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm trâu, bò, đào ao nuôi cá phục vụ cho sinh hoạt và bán ra bên ngoài; thu nhập mỗi năm từ 15-20 triệu đồng. Đến nay gia đình đã sắm sửa được nhiều phương tiện phụ vục sản xuất và các vật dụng cần thiết trong gia đình, nuôi con cái ăn học đầy đủ. Khi có kinh nghiệm trong làm ăn, gia đình không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm quý báu cho Nhân dân trong làng, xã để giúp mọi người thay đổi cách nghĩ, phương thức làm ăn, vươn lên làm giàu. Do vậy, gia đình ông luôn dược được sự tín nhiệm của bà con trong làng và là một trong những tấm gương sáng về sự nỗ lực chịu khó, học hỏi trong lao động sản xuất của xã Đăk Rong. Qua các năm gia đình ông được UBND xã khen thưởng nông dân sản xuất giỏi và là điển hình người dân tộc thiểu số được UBND huyện tuyên dương trong phong trào thi đua, yêu nước giai đoạn 2015-2020.
 
Untitled6.jpg 
Hình: Ông Đinh Văn Bi, điển hình tiêu biểu người dân tộc thiểu số
trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên làm giàu chính đáng
 
      Ông Trần Xuân Hiển, Giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong
     Là giáo viên Toán tại trường THCS Lê Hồng Phong, xã Nghĩa An; trong những năm qua ông Trần Xuân Hiển không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, nâng cao kiến thức để giảng dạy đạt kết quả cao; luôn quan tâm đến từng đối tượng học sinh, phân loại và phối hợp các phương pháp để học sinh khá, giỏi phát huy khả năng tư duy, đồng thời quan tâm đến các em học sinh yếu kém, truyền đạt kiến thức phương pháp phù hợp để các em kịp thời tiếp thu kiến thức, cố gắng vươn lên trong học tập. Thường xuyên tham khảo tài liệu, trao đổi với đồng nghiệp, phát huy tối đa năng lực của các em và thực hiện phụ đạo các em học sinh yếu kém. Trong 5 năm, đã giảng dạy 618 học sinh, trong đó học sinh giỏi 114, khá: 156, trung bình 348 em.
 
Untitled7.jpg
Hình: Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, thầy Trần Xuân Hiển còn tích cực
tham gia các hoạt động của nhà trường phát động

     Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được thầy Trần Xuân Hiển chú trọng nên nhiều em đạt kết quả cao qua các kỳ thi học sinh giỏi, như: giải toán trên máy tính cầm tay: 10 em giải cấp huyện, 4 em cấp tỉnh; giải toán trên intenet: 4 em cấp huyện, 4 em cấp tỉnh; học sinh giỏi toán lớp 9: cấp huyện 10 em, cấp tỉnh 9 em. Thầy là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh qua các năm. Trong quá trình giảng dạy, thầy Hiển có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được phổ biến, nhân rộng có phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn huyện và tỉnh, như : “Một số  phương pháp giải phương trình nghiệm nguyên”, “giải toán cực trị đại số”,…cố gắng đó đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; hàng năm được UBND huyện tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và khen thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi; được Tỉnh tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen; thầy là điển hình tiêu biểu của giáo viên huyện được UBND tỉnh tuyên dương trong phong trào thi đua, yêu nước giai đoạn 2015-2020.
 
Untitled8-(1).jpg
Em Nguyễn Thành Nhân, Lớp 9A1 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm

     Là học sinh duy nhất được chọn là gương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua, yêu nước để UBND tỉnh tặng Bằng khen; trong 5 năm 2015-2020, em Nguyễn Thành Nhân được đánh giá là học sinh ngoan ngoãn, lễ phép, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ thường xuyên đau ốm nhưng em luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Từ năm 2016 đến 2020, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm trung bình học tập trên 9,3.
 
Untitled8-(2).jpg
Hình: Em Nguyễn Thành Nhân tích cực tham gia các cuộc thi do các cấp tổ chức
 
     Ngoài học tập, Nguyễn Thành Nhân còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua và công tác đội của nhà trường, như: “tuần học tốt, hoa điểm 10”, ngoại khóa  “tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đào tạo kiến thức ăn toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, hội thi “sáng tạo hoa giấy nghệ thuật”…, nên 4 năm em đều đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. Trong gia đình và xã hội em là một người con ngoan, hiếu thảo, quan tâm đến mọi người xung quanh.

     Đây là những tấm gương trong số nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được UBND tỉnh khen thưởng và UBND huyện vinh danh trong phong trào thi đua giai đoạn 2015- 2020. Phong trào đã khơi dậy trong cán bộ và nhân dân huyện Kbang tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm và nhiệm vụ cao cả của mỗi người trước sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Nguyễn Văn Trung, Phòng Nội vụ

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang