CHUYÊN MỤC

Phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện

(ngày đăng bài: 22/12/2020)
     Là những người am hiểu phong tục, tập quán, gắn kết với đời sống hàng ngày của Nhân dân, trực tiếp truyền đạt các chủ tr­ương, chính sách của Đảng và Nhà n­ước đến với bà con, người có uy tín đã và đang phát huy vai trò quan trọng của mình trong vùng dân tộc thiểu số, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

 Untitled.jpg
Thông qua Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc hàng năm góp phần phát huy vai trò của người có uy tín,
xây dựng khối đoàn kết các dân tộc ở địa phương

     Kbang là huyện miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh có 21 thành phần dân tộc sinh sống, với bản sắc văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc thiểu số, bao gồm dân tộc bản địa là người Bahnar cùng một số dân tộc miền núi phía Bắc là Tày, Nùng, Dao... Hiện nay, trên địa bàn huyện có 76 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó: Già làng 42 người; trưởng thôn, làng 04 người; cán bộ hưu trí 05 người; người sản xuất giỏi 02 người; thành phần khác 28 người; bao gồm có 05 dân tộc: dân tộc Bahnar: 69 người, dân tộc Tày 02 người, dân tộc Nùng 02 người, dân tộc Dao 02 người và dân tộc Mường 01 người. Bằng uy tín của mình, người có uy tín trong cộng đồng đã trở thành lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân trong thôn, làng. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào cách mạng trong kháng chiến; có người từng là lãnh đạo ở địa phương qua các thời kỳ. Ngày nay, các già làng, người có uy tín vẫn là tấm gương sáng, được dân làng suy tôn, kính trọng. Tiếng nói, việc làm của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở huyện giữ một vai trò hết sức quan trọng, tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân.

     Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo nông thôn vùng mièn núi, các xã kho khăn vùng dân tộc thiểu số của huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Đối với địa phương, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chức năng hướng dẫn các xã, thị trấn bình chọn người có uy tín trong đồng bào DTTS, thường xuyên kiện toàn, củng cố lực lượng. Người có uy tín được địa phương quan tâm thăm hỏi, tặng quà tết, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hoặc được tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội; được phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương. Hàng năm, từ huyệnđến cơ sở đã tổ chức gặp mặt những người có uy tín để đánh giá kết quả hoạt động, đồng thời thống nhất những nội dung tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện lao động, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh nông thôn;…tặng quà và khen thưởng những người có uy tín; từ đó góp phần tôn vinh, cổ vũ động viên, khích lệ người có uy tín trong cộng đồng các DTTS của huyện phát huy vai trò tích cực của mình tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.
 
Untitled1.jpg
Huyện tổ chức gặp mặt và tặng quà cho người có uy tín trong cộng đồng năm 2020
 
     Nhận thức được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đến đời sống của đồng bào các dân tộc; lực lượng các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn huyện đã thể hiện rõ vai trò, vị trí và uy tín của mình trong việc vận động Nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Người có uy tín cũng đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền vận động bà con Nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng thực hiện tốt các cuộc vận động và các phong trào thi đua. Phối hợp cùng lực lượng công an, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, phối hợp tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, quản lý, cảm hóa giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt người có uy tín đã cùng với cấp ủy, chính quyền giải quyết ổn thỏa nhiều khiếu nại tranh chấp đất đai, hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; giáo dục các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khác, không để các phần tử xấu tuyên truyền kích động gây mất trật tự, an ninh tại địa phương.Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, đã tuyên truyền vận động bà con tích cực tham gia, hưởng ứng. Hiện nay các xã, thị trấn đã xây dựng 115 mô hình; nhiều mô hình được nhân rộng như mô hình nuôi bò sinh sản ở làng Lợt, xã Kông Bờ La, làng Stơr - xã Tơ Tung; trồng lúa nước tại cánh đồng ĐăkPia- xã Krong, xã Lơ Ku; mô hình nói không với nạn tự tử, tảo hôn.
 
Untitled2.jpg
Già làng Đinh Yem, xã Đông tích cực tham gia vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới,
đoàn kết khu dân cư
 
     Ngoài ra, già làng, trưởng bản, người có uy tín còn là những nhân tố quan trọng trong việc phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống cộng đồng, đặc biệt là việc tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng; vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh; thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ các phong tục tập quán, văn hoá cổ truyền tốt đẹp của cộng đồng dân tộc mình. Làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để nắm tình hình trong Nhân dân ở khu dân cư. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp.

     Khẳng định về vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào DTTS trên sóng truyền hình VTV4 khi làm chương trình về già làng của địa phương, ông Nguyễn Đăng Chung - Chủ tịch UBND Xã Đông nhận định: “Nếu không có vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng thì làm việc gì cũng khó, từ việc tiếp cận cho đến việc truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có nhiều nội dung, chương trình mà địa phương phân công cán bộ, công chức xuống triển khai nhung gặp nhiều khó khăn nếu như không biết phối hợp, tham gia của các già làng, người có uy tín”.
 
     Những công lao đóng góp của già làng, trưởng bản, người có uy tín đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước; thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của huyện trong suốt thời gian qua.
 
Nguyễn Văn Trung, Phòng Nội vụ.

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang