CHUYÊN MỤC

Phòng chống nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện

(ngày đăng bài: 13/01/2021)
     Nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến đời sống xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; đối với huyện Kbang, 48% dân số là người dân tộc thiểu số, số hộ nghèo người DTTS chiếm tỷ lệ cao, phong tục, tập quán còn lạc hậu thì công tác Phòng chống nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được đặt ra thường xuyên. Trong thời gian qua, Huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

unnamed.jpg
Hội nghị bàn giải pháp hạn chế nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết
trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện
 
     Theo số liệu từ năm 2016 đến tháng 5-2020, huyện có 196 vụ tự tử, làm 170 người thiệt mạng. Các vụ tự tử xảy ra ở 13/14 xã, thị trấn (xã Đak Hlơ không có trường hợp nào); nguyên nhân chủ yếu là do nạn nhân sử dụng rượu bia, nhớ lại chuyện cũ, nảy sinh mâu thuẫn, không thể giãi bày, chia sẻ… Về việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, toàn huyện có 316 cặp tảo hôn và 3 cặp hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh hạn chế về nhận thức thì việc tảo hôn còn do kết hôn được thực hiện theo tập tục, chỉ cần sự đồng ý của người đứng đầu trong làng hoặc cha mẹ hai bên và sự chứng kiến của dân làng.

     Được Tỉnh chọn là huyện điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”,giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án 498), huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, nhất là tự tử, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.Đã cung cấp 2.500 tài liệu, sổ tay tuyên truyền viên cơ sở; sổ tay hỏi - đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình, tờ rơi về chủ đề phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn để làm tài liệu tuyên truyền tại cơ sở; phối hợp Trung tâm VH-TT&TT huyện xây dựng 10 tin, bài, phóng sự về tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phát trên đài truyền thanh xã số lần phát thanh 40 lần trong 3 tháng, mỗi tháng phát 13, 14 lần. Nhiều địa phương đã chỉ đạo đưa tiêu chí nói không với tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống vào hương ước và quy ước thôn, bản; lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn vào thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số; các câu lạc bộ nói không với nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết được ra đời và hoạt động có hiệu quả ở các địa phương; tăng cường tuyên truyền trực quan, hình ảnh, chọn đúng đối tượng để tuyên truyền; phát huy vai trò, uy tín của già làng, trưởng thôn…nhằm vận động giảm dần các nguyên nhân làm gia tăng nạn tự tử và xóa bỏ hủ tục còn tồn tại.
 
Untitled.jpg
Lễ ra mắt câu lạc bộ “nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và nạn tự tử” của Thị trấn Kbang
 
     Sớm xác định nguyên nhân và có các biện pháp can thiệp kịp thời là giải pháp quan trọng trong việc chống nạn tự tử trong vùng đồng bào DTTS. Huyện chỉ đạo rà soát, thống kê các tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng các mô hình tuyên truyền hiệu quả, các địa phương còn chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận thôn và các đoàn thể chính trị-xã hội phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ, từng nhóm hộ nắm bắt kịp thời dư luận để thực hiện các giải pháp ngăn chặn, hạn chế nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hàng tháng, qua sinh hoạt chi bộ, các đoàn thể báo cáo thông tin nắm bắt được để có giải pháp chỉ đạo, phân công cán bộ, đoàn thể tiếp cận hộ gia đình. Đồng thời, tăng cường phối hợp với già làng, người có uy tín tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không để xảy ra nạn tự tử, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
 
     Bên cạnh đó, việc giáo dục cho các em học sinh, nhất là các trường nội trú, bán trú, các em học sinh người DTTS Bahnar ngay từ trong ghế nhà trường cũng được huyện chú trọng. Tổ chức ngoại khóa, giáo dục, phổ biến pháp luật cho học sinh, lồng ghép các nội dung về sức khỏe sinh sản, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thành lập Tổ tư vấn học đường trong nhà trường, soạn nội dung để giáo viên đưa vào chương trình giảng dạy; giáo viên chủ nhiệm chủ động tuyên truyền ở các buổi sinh hoạt lớp; các thầy-cô giáo cũng quan tâm nhắc nhở trong các lần sinh hoạt nội trú.Ngoài ra, Tổ tư vấn học đường của trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa chuyên đề hướng đến nội dung xóa bỏ các tập quán ma chay, cưới hỏi dài ngày; các buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh nữ về khái niệm tình bạn, tình yêu và hôn nhân; lắng nghe tâm tư, tình cảm và ý kiến của các em để điều chỉnh, định hướng nội dung tuyên truyền cũng như giáo dục giới tính cho các em phù hợp.
 
     Từ đó, trình độ nhận thức của đồng bào vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua từng bước được nâng lên; văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát triển; phong tục tập quán lạc hậu từng bước cơ bản được đẩy lùi; tình trạng tự tử, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn còn xảy ra, nhưng giảm dần qua các năm. Cụ thể là năm 2016: 85 cặp tảo hôn; năm 2017: 71 cặp tảo hôn; năm 2018: 46 cặp tảo hôn; năm 2019: 46 cặp tảo hôn; năm 2020 giảm còn 23 cặp tảo hôn. Về hôn nhân cận huyết thống: Năm 2016: 01 cặp; năm 2017: 02 cặp; từ 2018 đến nay không có trường hợp nào.Đánh giá tổng kết Đề án 498, UBND tỉnh đã ghi nhận những thành tích mà huyện Kbang đã đạt được; đồng thời khen thưởng cho 1 tập thể và01 cá nhân của huyện.
 
Untitled1.jpg
Xã Krong- địa phương tiêu biểu được UBND tỉnh khen thưởng thành tích về
giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS

     Trong những năm tới,huyện xác định tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
     Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
 
     Hai là, tập trung đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ tuyên vận xã, thôn; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong dòng họ, gia đình, khu dân cư.
 
Untitled2.jpg
Ngoại khóa trong nhà trường để tuyên truyền pháp luật, lồng ghép các nội dung về sức khỏe sinh sản,
nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thường xuyên được triển khai

     Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước.
 
     Bốn là, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
 
Nguyễn Văn Trung- Phòng Nội vụ
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang