CHUYÊN MỤC

Bài 1: Buôn làng vang tiếng chiêng ngân

(ngày đăng bài: 10/01/2013)


Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt I) gồm 33 di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống. Trong đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong 11 di sản của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được công nhận đợt này.
Từ việc tổ chức các liên hoan cồng chiêng
Từ sau khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa đại diện của nhân loại (năm 2005), Gia Lai đã duy trì thường xuyên liên hoan cồng chiêng cấp huyện và cấp tỉnh. Ở cấp tỉnh, liên hoan cồng chiêng được tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần. Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 7 lần liên hoan cồng chiêng. Ở cấp huyện, liên hoan cồng chiêng được tiến hành 2 năm 1 lần. Những huyện duy trì tốt nhất liên hoan cồng chiêng theo định kỳ của tỉnh như: Chư Pah, Kbang, Krông Pa, Mang Yang, Kông Chro, Đak Đoa, Đak Pơ...
images804709_1_hue.jpg
Nghệ nhân Nay Phai hướng dẫn các học viên thực hành đánh chiêng
 
Huyện Chư Pưh tuy là một huyện mới tách ra từ huyện Chư Sê, nhưng hầu như năm nào huyện cũng tổ chức được liên hoan cồng chiêng toàn huyện; năm 2011, liên hoan thu hút 245 nghệ nhân tham dự. Trong năm 2011, huyện Chư Pah cũng tổ chức Hội thi cồng chiêng và tạc tượng mồ với 15 đơn vị tham gia, trong đó mỗi xã, thị trấn đều có 2 đội tham gia (một đội dành cho nghệ nhân lớn tuổi, một đội dành cho thanh niên); đến năm 2012 con số các đoàn và số nghệ nhân tham dự liên hoan đều tăng với 9 đoàn nghệ nhân của 9 xã, thị trấn và 285 nghệ nhân.
Năm 2012, để việc truyền dạy cồng chiêng thấm sâu vào lớp trẻ, huyện Kbang cũng đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng thanh-thiếu niên toàn huyện lần thứ I tại làng Sitơr, xã Tơ Tung. Có 6 đoàn cồng chiêng các xã, thị trấn đã tham dự liên hoan.
Bên cạnh đó, theo lời mời của các tỉnh bạn, của Trung ương, các đoàn cồng chiêng Bahnar, Jrai ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tham gia Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất tỉnh Hòa Bình; tham gia hoạt động luân phiên tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên; Ngày hội Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tại Phú Yên…
Đến hoạt động truyền dạy văn hóa cồng chiêng
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân- Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2010, từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia, Sở đã mở lớp truyền dạy chỉnh chiêng-tạc tượng cho 34 nghệ nhân. Qua lớp học này, các học viên đều có thể tự chỉnh được loại chiêng aráp ở những mức độ khác nhau.
Năm 2011, thêm một lớp truyền dạy chỉnh chiêng nữa được mở, với tổng số 34 học viên, trong đó có 13 người dân tộc Bahnar và 21 người dân tộc Jrai. Năm 2012, huyện Đak Đoa đã triển khai thực hiện dự án chuyển giao kỹ thuật dạy đánh cồng chiêng cho thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số tại 2 xã Glar và Hà Bầu. Điểm lại như thế để thấy, hoạt động truyền dạy di sản văn hóa cồng chiêng đã thực sự được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng, từng bước làm cho văn hóa cồng chiêng hồi sinh.
Không chỉ thế, với quyết tâm đưa âm nhạc cồng chiêng đến với thế hệ trẻ Gia Lai, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai đã từng bước đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong chương trình đào tạo dành cho các lớp nghệ thuật như: âm nhạc, múa, nhạc cụ và là môn tự chọn đối với các lớp nghiệp vụ quản lý văn hóa, văn hóa du lịch. Ngoài ra, Trường cũng đã được UBND tỉnh giao thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về truyền dạy cồng chiêng. Là người trực tiếp truyền giảng trong các lớp học này, nghệ nhân Nay Phai rất vui và dành tất cả niềm đam mê của mình để truyền dạy cho các em.
Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Nay Phai phấn khởi cho biết: Tôi rất mừng khi được đứng ở đây để truyền dạy cho các em-những thế hệ tiếp nối về nhạc cụ cồng chiêng. Sử dụng nhạc cụ cồng chiêng là một trong những nghệ thuật đặc sắc, mang đậm đà bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nhạc cụ này có thể mai một đi nếu không có những người biết sử dụng và chỉnh sửa chúng. Để tránh sự mai một thì việc truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp là cách duy trì tốt nhất nét đặc thù của nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Theo Báo Gia Lai

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang