CHUYÊN MỤC

Huyện Kbang phấn đấu đạt chuẩn Huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020

(ngày đăng bài: 13/03/2020)
     Huyện Kbang là một trong 5 huyện điểm của cả nước thực hiện Chương trình NTM nhưng nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là việc huy động nguồn lực từ trong nhân dân gặp nhiều hạn chế do phần lớn người dân khu vực nông thôn còn khó khăn, hộ đồng bào DTTS chiếm 47,1% trong tổng dân số và tỷ lệ hộ nghèo còn cao; việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; số hộ nghèo có nhà tạm còn nhiều; số hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh còn cao do chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề vệ sinh môi trường, chậm thay đổi tập quán sinh hoạt. Việc huy động vốn của các doanh nghiệp thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện còn hạn chế do có ít Doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện, trên địa bàn để vận động doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng với địa phương và nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Năng lực chuyên môn của cán bộ xã và thôn làng còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện chương trình có lúc còn chưa sâu sát, chưa thường xuyên và hiệu quả thực hiện chưa cao, nhất là còn tư tưởng trông chờ vào nguồn lực cấp trên. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; tổ chức sản xuất nông nghiệp thiếu liên kết chặt chẽ, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm và chưa bền vững; phong tục tập quán và trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa còn chậm chuyển biến; việc tiếp cận dịch vụ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất  trong đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Untitled.jpg
Trung tâm xã nông thôn mới (xã Sơn Lang)

     Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, sự hỗ trợ của các Ban, ngành Tỉnh, các cá nhân trong và ngoài tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và sự đồng tình của người dân, phát huy huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn huyện. Đến cuối năm 2019 huyện có thêm 01 xã (Sơn Lang) được UBND Tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên thành 4 xã: xã Đông, Nghĩa An, Đăk Hlơ và Sơn Lang; Số tiêu chí bình quân/xã là 15,3 tiêu chí. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 là 35,045 triệu đồng/người/năm (tăng 24,15 triệu đồng/người/năm so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,92% (giảm 43,94% so với năm 2010).

     Năm 2020, Huyện Kbang phấn đấu huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hộ theo tiêu chí nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 7%; thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 39 triệu đồng/người/năm; toàn huyện không còn nhà tạm; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 70% và đến cuối năm 2020 có thêm 9 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí và Huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

     Với tinh thần đó, Huyện ủy, UBND huyện quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Nghị quyết chuyên đề của BCH đảng bộ huyện; huy động cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân để tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới; kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện và củng cố, kiện toàn lại Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban giám sát cấp xã và Ban phát triển thôn, làng; giao chỉ tiêu kế hoạch hoàn thành các tiêu chí cho từng xã; đồng thời gắn trách nghiệm của các ban ngành, Đoàn thể của huyện với từng tiêu chí do ngành mình phụ trách, phối hợp; phân công thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên và thành viên BCĐ Chương trình phụ trách, giúp đỡ xã xây dựng nông thôn mới, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được một cách bền vững.
 
     Tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án…., nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu theo yêu cầu của từng tiêu chí, đặc biệt là về công trình đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, nhà ở dân cư,...
 
     Tổ chức rà soát, xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ, qua đó tổ chức đăng ký hộ thoát nghèo hàng năm, đồng thời giao chỉ tiêu cho từng xã tổ chức thực hiện, gắn với thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị (cây ăn quả, cây dược liệu, cây dâu tằm, cây mắc ca,…).
 
     Thực hiện khoán bảo vệ rừng đến nhóm hộ; rà soát, đề xuất bổ sung diện tích khoán bảo vệ rừng, để tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là hộ đồng bào DTTS nghèo sống gần rừng, liền rừng (tiền công nhận khoán, thu hái lâm sản phụ, trồng dược liệu dưới tán rừng...).
 
     Thực hiện tốt các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, ưu tiên phát triển các thế mạnh về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây mắc ca, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như: chương trình 135, chương trình nông thôn mới, chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ...

     Thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số: 97/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh Gia Lai, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
     Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện, đồng thời củng cố hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp tập trung liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, trong đó chú trọng phát triển cây dược liệu, trồng rừng, các loại rau, đậu, quả, mắc ca, giổi xanh...
 
     Vận động các đối tượng, đặc biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động vay vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội huyện theo các chương trình để phát triển sản xuất, phân công các cơ quan đơn vị, mặt trận đoàn thể phụ trách từng hộ nghèo để hướng dẫn vay vốn, đồng thời chịu trách nhiệm hướng dẫn các hộ nghèo phương thức sản xuất, làm kinh kế để phát huy hiệu quả nguồn vốn; Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Kbang, các ngân hàng thương mại trong và ngoài địa bàn huyện mở rộng cho vay các gói tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các gói phi nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
 
     Tổ chức rà soát cụ thể hiện trạng nhà ở tạm bợ, dột nát của từng hộ dân trên địa bàn, trên cơ sở đó tuyên truyền vận động hộ gia đình có nhà tạm bợ chủ động chuẩn bị các điều kiện để làm mới, sửa chữa nhà ở; đồng thời vận động nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, cộng đồng, vốn tín dụng và đóng góp của hộ gia đình, để xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp và làm mới nhà ở cho hộ dân, mức hỗ trợ từ 10-50 triệu đồng/hộ (tùy điều kiện hộ gia đình).
 
     Chỉ đạo UBND các xã phát động phong trào thi đua hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, thành lập các tổ, nhóm thợ trong cộng đồng để hỗ trợ, giúp các hộ dân sửa chữa, nâng cấp nhà. UBND các xã tổ chức mua vật liệu tập trung để giảm giá thành; khảo sát, đề xuất cho hộ gia đình tận dụng cát, sỏi nhỏ lẻ tại các sông, suối để phục vụ làm nhà (có sự giám sát chặt chẽ).
 
     Kêu gọi với các đơn vị quân đội thực hiện công tác dân vận, giúp ngày công sửa chữa, nâng cấp, làm mới nhà ở cho các hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện; kêu gọi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm.
 
     Tuyên truyền, vận động hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt, nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường.
 
Untitled1.jpg
Xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS (Làng Hà Đừng 1, xã Đak Rong)
 
     Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và sự đồng tình của người dân, Huyện Kbang sẽ hoàn thành Huyện nông thôn mới năm 2020./.
 
Võ Thị Lời - Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang