CHUYÊN MỤC

Kbang tập trung triển khai Đề án 498 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(ngày đăng bài: 26/10/2016)
     Trên cơ sở Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” và hướng dẫn của các cấp, hiện nay, huyện Kbang đang tập trung triển khai thực hiện nhằm từng bước giảm thiểu và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Hinh-Chu-tich-UBND-huyen-Vo-Van-Phan-phat-bieu-tai-buoi-tap-huan.jpg
Hình: Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Phán phát biểu chỉ đạo

     Mục đích của Đề án 498 là nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Đề án cũng đặt ra mục tiêu là giảm bình quân 2 – 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 – 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết nhằm phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 498, ngay sau khi có hướng dẫn của các cấp, huyện Kbang đã tập trung triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Thu – Trưởng Phòng Dân tộc huyện, Phó Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án theo Quyết định 498 của huyện, cho biết: Sau khi xây dựng kế hoạch và để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt thì UBND huyện đã ban hành 2 Quyết định thành lập các Ban Chỉ đạo, một là Ban Chỉ đạo cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban; hai là thành lập Ban Chỉ đạo mô hình điểm xã Krong do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban. Trên cơ sở đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nhằm triển khai tốt Đề án 498 của Thủ tướng Chính phủ.

Hinh-tap-huan-tai-mo-hinh-điem-xa-Krong.jpg
Hình: Tập huấn tại mô hình điểm xã Krong
 
     Để triển khai thực hiện Đề án 498 đạt kết quả, Ban Chỉ đạo của huyện đã tổ chức tập huấn cho các ngành, đơn vị liên quan và các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, yêu cầu các ngành, địa phương bám sát triển khai thực hiện. Đồng thời, chọn xã Krong để tổ chức điểm và chỉ đạo cho các xã, thị trấn chọn 1 làng để triển khai làm điểm. Trong đó, công tác tuyên truyền được xác định là yếu tố quan trọng nhất; do đó, các ngành, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ và có những hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết cho bà con dân tộc thiểu số về các quy định của Nhà nước, chế tài xử lý của pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết; đặc biệt là tác hại, hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ông Đỗ Công Trúc – Chủ tịch UBND xã Krong, Phó Ban chỉ đạo thực hiện mô hình điểm Đề án 498 trên địa bàn xã Krong, cho biết: Là địa phương được chọn làm điểm của huyện nên ngay sau khi tham gia tập huấn tại huyện, xã Krong đã tập trung triển khai thực hiện. Trong đó: Đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn trên địa bàn xã cho già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng làng, các hội đoàn thể ở 23 thôn, làng và cán bộ y tế. Thứ 2 là về công tác tuyên truyền, chúng tôi đã phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo theo dõi nắm bắt tình hình ở các thôn, làng để tuyên truyền, vận động và kịp thời nắm bắt việc tổ chức đám cưới đối với các cặp chưa đủ tuổi để tuyên truyền, vận động và sẽ có hình thức xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Đồng thời, chọn các làng có hệ thống chính trị tương đối vững mạnh để làm điểm.
 
 
     Hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang có 18 dân tộc thiểu số, chiếm gần 50% dân số toàn huyện, với hơn 30.000 người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là Bah Nar chiếm hơn 80%. Trước khi có Đề án 498 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Kbang cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có các biện pháp để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn xảy ra nhiều. Ví dụ như gia đình em Đinh Thị Dách ở làng Pơ Drang, xã Krong, cả 2 chị em đều lấy chồng từ rất sớm. Đinh Thị Dách cho biết: Năm 2011, khi đang học lớp 8, thấy nhiều bạn bè bỏ học lấy chồng, cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em cũng lấy chồng khi mới 16 tuổi và 1 năm sau thì sinh con. Còn em chồng của Dách là Đinh Thị Doa cũng mới học hết lớp 7 thì ở nhà lấy chồng khi mới 15 tuổi và nay con cũng được gần 2 tuổi. Dách cho biết thêm: Từ khi sinh con sức khoẻ yếu nên cũng không đi làm được mà chỉ ở nhà trông con, còn chồng thì không có nhà nên hoàn cảnh rất khó khăn.

Hinh-Đinh-Thi-Dach-(ben-phai)-va-em-chong-lay-chong-tu-nam-15-16-tuoi.JPG
Hình: Đinh Thị Dách (bên phải)và em chồng lấy chồng từ năm  15-16 tuổi

     Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, từ năm 2010 đến 2015, toàn huyện có 191 cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết; chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số và tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số kiểm soát được, còn thực tế chắc chắn sẽ cao hơn.

     Trong thời gian tới, sau khi có các biểu mẫu, huyện Kbang sẽ chỉ đạo điều tra, rà soát cụ thể về việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn. Để từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhằm từng bước giảm thiểu và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Đức Hải - Đài TT-TH Kbang

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang