CHUYÊN MỤC

Một số vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố

(ngày đăng bài: 10/09/2017)
     Hương ước, quy ước quy định các nguyên tắc xử sự do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận và đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Do đó, hương ước, quy ước có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung cho pháp luật khi cần xử lý những vấn đề rất cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của cộng đồng dân cư. Mặt khác, nội dung của hương ước, quy ước là những nguyện vọng do nhân dân tự đặt ra, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân nên được toàn thể nhân dân tự giác chấp hành.

Untitled.png
Hình: Bản hương ước của thôn Hbang (xã Kông Lơng Khơng)
được tóm tắt in trên bảng khổ lớn treo tại Nhà văn hóa thôn.
 
     Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua công tác xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước đã được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Kbang quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện. Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hiện nay huyện có 20 dân tộc cùng sinh sống ở 166 thôn làng, tổ dân phố của 14 xã, thị trấn (chiếm 50% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư đến địa bàn chiếm khoảng 10%, dân tộc Bahnar chiếm gần 40%); từ những điều kiện đặc thù của địa phương và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện chủ động hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn (trực tiếp là công chức tư pháp - hộ tịch, văn hóa –xã hội) phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã hướng dẫn các thôn làng, tổ dân phố (gọi tắt là thôn làng) xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật gắn với thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền việc xây dựng và thực hiện; định kỳ kiểm tra, rà soát việc thực hiện hương ước, quy ước ở các thôn, làng kịp thời loại bỏ những nội dung không còn phù hợp để đưa ra khỏi hương ước, quy ước; đồng thời, bổ sung thêm các nội dung mới vào hương ước, quy ước cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống của nhân dân ở các khu dân cư. Quy trình soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân, lập thủ tục, thẩm định hồ sơ trình chủ tịch UBND huyện phê duyệt đưa vào thực hiện đảm bảo theo Thông tư số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31 tháng 3 năm 2000 của Bộ Tư pháp-Bộ VHTT-Ủy ban MTTQ Việt Nam; đã phát huy được trí tuệ, dân chủ, tính tự giác của người dân tham gia bàn bạc xây dựng nội dung hương ước, quy ước.

     Cùng với việc triển khai tốt công tác xây dựng, việc tổ chức thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện Kbang cũng được triển khai nghiêm túc. Các bản hương ước sau khi phê duyệt được niêm yết công khai tại các nhà rông, nhà văn hóa, phát trên sóng Đài truyền thanh xã và hệ thống cụm loa tại các thôn, làng; một số địa phương đã phô tô gửi đến từng hộ gia đình để thực hiện và tóm tắt, phóng to treo tại nhà văn hóa thôn để mọi người dễ thấy, dễ nhớ, dễ thực hiện. Việc thực hiện hương ước, quy ước được triển khai gắn liền với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 166 bản hương ước và 32 bản quy ước tại 166 thôn, làng, tổ dân phố. Nội dung của hương ước, quy ước tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Các biện pháp, phương thức thích hợp giúp dân cư trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân; động viên và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình; các nội dung, biện pháp nhằm bảo đảm, giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, phát triển kinh tế; đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công cộng và tài sản của công dân, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng, danh lam thắng cảnh, nguồn nước; các biện pháp bài trừ những hủ tục, tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang, lễ hội; huyến khích những nghi lễ lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém; các nội dung góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng thôn, làng, khu dân cư văn hóa, hình thành các quy tắc đạo đức mới trong gia đình và cộng đồng; vận động thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; khuyến học, khuyến tài; vận động các thành viên trong cộng đồng tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm phát triển sản xuất. Khuyến khích đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công. Lập, thu chi các loại quỹ trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp khả năng đóng góp của nhân dân; đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, trộm cắp và các hành vi vi phạm pháp luật khác, nhằm xây dựng địa bàn trong sạch. Đề ra các biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức tự quản ở cơ sở như: tổ chức hoạt động của tổ hòa giải, tổ an ninh, tổ bảo vệ sản xuất và các tổ tự quản khác; các biện pháp thưởng, phê bình, nhắc nhở phù hợp để đảm bảo thực hiện; quy định các hình thức và biện pháp thưởng đối với cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện hương ước như: nêu gương người tốt, việc tốt, ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân; bình xét, công nhận gia đình văn hóa và các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng tự thỏa thuận hoặc đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước. Nhiều xã đã triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước với nhiều cách làm sáng tạo, đạt nhiều kết quả như: xã Đông, Sơn Lang, Đăk HLơ, Sơ Pai, Krong và thị trấn Kbang…

     Với cách làm như vậy, nên kết quả đem lại từ việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện Kbang đã có tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi nếp nghĩ, loại bỏ dần hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa tại các thôn làng góp phần đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

     Việc xây dựng hương ước, quy ước còn mang tính dập khuôn, sao chép, không thể hiện nét đặc trưng của từng thôn, làng, tổ dân phố. Nội dung các hương ước, quy ước còn lặp lại nhiều quy định của pháp luật như: quy định về độ tuổi thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, độ tuổi kết hôn đối với thanh niên,…, chưa điều chỉnh được những quan hệ xã hội phát sinh mà pháp luật không quy định dẫn đến hương ước thường dài và khó nhớ, chưa bám sát với tình hình thực tế ở địa phương. Có không ít bản hương ước, quy ước có những điều khoản không đúng với quy định của pháp luật, can thiệp quá sâu vào đời sống cá nhân của người dân...Các quy định, luật tục đã được đưa vào quy ước nhưng chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt việc giám sát, tuyên truyền, chấn chỉnh khi có hành vi vi phạm hương ước, quy ước nên các bản hương ước, quy ước “bị lãng quên” và các luật tục vẫn quay trở lại làm công cụ điều chỉnh trong đời sống xã hội.

     Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng hương ước, quy ước nên việc chỉ đạo và hướng dẫn chưa sâu sát kịp thời, còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân thực hiện các quy định của hương ước, quy ước còn hạn chế và thiếu tính thường xuyên; do đó, tác dụng của hương ước, quy ước trong đời sống hàng ngày chưa phát huy được tác dụng. Vẫn còn một số ít cán bộ, công chức về sinh hoạt tại cộng đồng dân cư chấp hành chưa tốt những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang làm ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng dân cư.

     Quy trình thông qua, phê duyệt, hương ước, quy ước còn phức tạp. Sau khi hương ước, quy ước được thôn làng thông qua, Chủ tịch UBND cấp xã cùng Chủ tịch Uỷ ban MTTQ cấp xã xem xét nội dung của hương ước bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và trao đổi thống nhất với Chủ tịch HĐND cấp xã trước khi trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, hộ gia đình còn mang tính hình thức, chưa tổng hợp được các ý kiến tham gia của nhân dân. Một số UBND xã chậm làm thủ tục đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hương ước, quy ước. Trong khi bản chất của hương ước, quy ước là sự thỏa thuận, thống nhất ý kiến của người dân và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chỉ là xem xét sự phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục của các bản hương ước, quy ước.

     Công tác kiểm tra, rà soát việc thực hiện, xử lý vi phạm hương ước, quy ước; sửa đổi, bổ sung nội dung không còn phù hợp chưa kịp thời; còn chưa làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ xây dựng hương ước, quy ước. Trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Quy định về chi phục vụ cho việc xây dựng quy ước, hương ước và công tác quản lý nhà nước về hương ước, quy ước ở địa phương chưa rõ ràng.

     Công tác tuyên truyền, phổ biến hương ước, quy ước rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân vẫn còn hạn chế, việc niêm yết công khai chưa được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, việc tổ chức kiểm điểm, đánh giá thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đánh giá được những mặt tích cực, hạn chế trong quá trình thực hiện; chưa xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình thực hiện hương ước. Các hình thức khen thưởng, xử lý vi phạm còn chưa phù hợp, chưa khuyến khích  được việc thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng…..

     Nguyên nhân của các hạn chế trên chủ yếu là do cấp ủy Đảng, UBND một số xã, thị trấn chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, triển khai thực hiện hương ước, quy ước, nhất là việc hướng dẫn các thôn, làng thành lập nhóm soạn thảo, xây dựng nội dung, lấy ý kiến nhân dân và tổ chức thông qua dự thảo hương ước, quy ước chưa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định; do đó, chất lượng các bản hương ước, quy ước chưa cao. Chưa kịp thời tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước; biểu dương, khen thưởng chuyên đề đối với các thôn, làng thực hiện tốt hương ước, quy ước ở cơ sở;

      Trình độ dân trí, đặc biệt là trình độ nhận thức về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế; do đó, việc thành lập nhóm soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân đối với nội dung của hương ước, quy ước là điều vô cùng khó khăn đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của hương ước, quy ước;

     Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở đã ban hành từ rất lâu (Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTUMTTQVN ngày 31/3/2000 của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa và Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

     Được biết hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng hương ước, quy ước dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật để thay thế Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã không còn phù hợp. Nội dung dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo về quy trình, chặt chẽ về nội dung hơn so với Chỉ thị số số 24/1998/CT-TTg. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Kbang, để khắc phục tính hình thức trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước cần thực hiện một số giải pháp như sau:

     Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định, đề nghị liên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần sớm ban hành văn bản mới hướng dẫn cụ thể việc rà soát và xây dựng lại các bản hương ước, quy ước cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tình hình mới.

     Để phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư và chất lượng các bản hương ước, quy ước; Sở Tư pháp, phòng Tư pháp chủ trì tổ chức khảo sát các luật tục, quy ước trong các nhóm dân cư đang được thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật, có tác dụng trong thực tế làm cơ sở để Hội đồng nhân cùng cấp ra nghị quyết về các nội dung chính mang tính chất “khung” để thực hiện tại địa phương. Việc xây dựng hương ước, quy ước cần linh hoạt, không nhất thiết các thôn làng gần rừng phải xây dựng song trùng cả hương ước và quy ước mà chỉ cần đưa các nội dung bảo vệ rừng trở thành một số điều khoản trong một bản hương ước là đủ để tránh chồng chéo, người dân dễ nhớ, dễ thực hiện.

     Để khắc phục được tình trạng xây dựng hương ước, quy ước một cách hình thức, sao chép cho có để đủ tiêu chuẩn thôn làng văn hóa, nên chăng cần có quy định mở về tiêu chuẩn thôn văn hóa; không nên xem đây là tiêu chí bắt buộc để xét công nhận thôn làng văn hóa. Có như vậy, hương ước, quy ước được ban hành mới có giá trị, có sức sống tại địa phương.

     Cần đơn giản hóa thủ tục công nhận và sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước. Theo đó, nên giao cho Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước thay cho Chủ tịch UBND cấp huyện trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

     Hàng năm, cần tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại các địa phương, trên cơ sở đó hướng dẫn các thôn làng phát huy hơn nữa những mặt tích cực của hương ước, quy ước đối với đời sống của cộng đồng dân cư; bổ sung, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp.

     Cần quy định cụ thể nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động xây dựng, thẩm định, kiểm tra hương ước, quy ước và thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ các địa phương về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Có như vậy hương ước, quy ước mới thực sự phát huy giá trị đích thực của mình trong đời sống nhân dân ở cơ sở.
 
Bùi Trọng Thủy - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang