CHUYÊN MỤC

Tầm vóc, ý nghĩa và giá trị Chỉ thị số 05-CT/BCT của Bộ Chính trị (khóa XII)

(ngày đăng bài: 16/01/2017)
     Từ năm 2007, trong bối cảnh của Đại hội X, Đảng ta đã nêu ra một chủ trương chiến lược quan trọng là: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khoá XI) đặc biệt nhấn mạnh vấn đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Đến Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khoá XII) về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là sự phát triển mới, bổ sung, điều chỉnh rất quan trọng của Đảng so với Chỉ thị 03 (khoá XI). 

untitled.JPG
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu TTXVN)
(Nguồn tư liệu: Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo- Ban Tuyên giáo Trung ương)

     Theo lời một học giả người Ba Lan: Hồ Chí Minh là hình ảnh tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam; trong con người Hồ Chí Minh có một sự kết hợp đến mức hoàn hảo giữa phẩm chất bác ái, nhân từ, khoan dung, độ lượng của Đức Chúa Jessu với lòng từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của Đức Phật, với trí tuệ sáng suốt của Mác, tính quyết liệt cách mạng của Lênin, đầu óc thiết thực của Tôn Trung Sơn và kết tinh tâm hồn dân tộc. Vậy là, dường như những gì tinh hoa, ưu tú nhất của thế giới nhân loại và của dân tộc Việt Nam đã hội tụ vào trí tuệ và tư tưởng, đạo đức và tâm hồn Hồ Chí Minh. Thế giới biết đến Người là một trong số những lãnh tụ hiếm hoi ở thế kỷ XX đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Với dân tộc Việt Nam, hình ảnh Hồ Chí Minh được khắc họa trong tâm trí thông qua hình ảnh trực giác giản đơn nhưng vô cùng sâu sắc trong hai câu ca dao: 
     Tháp Mười đẹp nhất bông sen, 
     Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

     Cho nên, nói đến Hồ Chí Minh, là nói đến một nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà tư tưởng Mác - xít sáng tạo, có thể nói là bậc nhất của nước ta trong thế kỷ XX (thế kỷ mà Người sống và hoạt động). Cho nên, Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng Mác - xít vĩ đại, cả cuộc đời và sự nghiệp của Người nổi bật ở tấm gương đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

     Vì vậy, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) nhấn mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Nhưng nhận thức về Bác Hồ của mỗi chúng ta, kể cả của Đảng ta là cả một quá trình. Nếu chỉ dừng lại ở tấm gương đạo đức không thôi thì sẽ là không đủ. Ở đây, có sự tương tác giữa mối quan hệ cần và đủ. Chỉ thị 05 mở rộng nội dung hết sức toàn diện: từ tư tưởng đến đạo đức và phong cách. Như thế, có thể nói nó đã bổ sung thêm rất nhiều cho Chỉ thị 03, tức là bổ sung những nhận thức trước đây của chúng ta.

     Lần này, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh việc học tập Bác từ tư tưởng đến đạo đức và phong cách để chúng ta thấu hiểu một trong những điều quan trọng của Hồ Chí Minh là lý luận gắn liền với thực tiễn. Cuộc đời, sự nghiệp hơn sáu thập kỷ hoạt động, Người đã sử dụng rất thành công nguyên lý của phép biện chứng Mác - xít là thống nhất lý luận với thực tiễn, Người coi đây là nguyên tắc, bản chất tối cao của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong đạo đức của Người cũng có tư tưởng về đạo đức, có thái độ tình cảm về đạo đức, nhất là biểu hiện về hành vi, lối sống đạo đức.

     Tư tưởng của Hồ Chí Minh đồng thời là phương pháp sáng tạo của Hồ Chí Minh, phương pháp tư duy, phương pháp hành động, phương pháp ứng xử.

     Phong cách chính là con người, là kết tinh độc đáo nhất những giá trị của tư tưởng và đạo đức. Hồi tưởng lại thời ấu thơ, trong những năm tháng học tập ở nhà trường, bài thơ của nhà thơ Minh Huệ “Đêm nay Bác không ngủ” nói về một câu chuyện cảm động, tình thương yêu của Bác đối với bộ đội, chiến sĩ: Bác thức trắng đêm để đi chăm sóc từng giấc ngủ cho chiến sĩ và kết luận bài thơ đó là:
     “Vì một lẽ thường tình; Bác là Hồ Chí Minh.”

     Hồ Chí Minh - tên gọi của Người cũng chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, kết tinh, hội tụ ở phong cách. “Phong cách chính là con người”, đúng như lời của Bi-phon-te ( B.Fontenelle) - một nhà tư tưởng lớn của châu Âu.

     Cho nên, phong cách Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tất cả những giá trị tốt đẹp, cả lý luận lẫn thực tiễn trong cuộc đời và sự nghiệp của Người. Nói rộng hơn, đó là di sản Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng là cốt lõi.

     Chính vì lẽ đó, lần này chúng ta đón nhận Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo Bác với một nội dung toàn diện, hệ thống và rất chặt chẽ, nhất là nhấn mạnh về vấn đề phong cách Hồ Chí Minh. Phong cách hành động, phong cách sáng tạo, giản dị mà vĩ đại và thật sự vĩ đại cho nên giản dị đến mức tự nhiên như chính cuộc sống của Người, xét ra đây là cả một bản lĩnh văn hoá.

     Trong Chỉ thị 05 Bộ Chính trị nhấn mạnh “phổ biến tới tận từng chi bộ”; đồng chí Tổng Bí thư, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo việc học tập, làm theo Bác trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; để các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp uỷ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện ở cấp mình, địa phương mình, ngành nghề của mình.

     Đây là cuộc học tập, làm theo Bác rộng lớn, sâu xa; có lẽ cũng là một điểm mới chưa từng có. Điều này rất cần thiết để thực hiện cho được quyết tâm của Đảng và của Nhân dân ta là: “Xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, xứng đáng là một Đảng lãnh đạo và cầm quyền, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân dành cho Đảng”.

     Một chi tiết rất cảm động cần lưu ý, Chỉ thị 05 được ký ngày 15 tháng 5 năm 2016 và ngày 15 tháng 5 chính là ngày Bác viết xong Di chúc, cách đây đã 51 năm (Bản di chúc của Bác được khởi thảo lần đầu tiên vào dịp sinh nhật Bác lần thứ 75, Bác viết vào ngày 10/5 và kết thúc vào ngày 15/5); sự trùng hợp này có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta suốt đời học tập làm theo Bác, nhất là Bản Di chúc thiêng liêng Bác để lại. Khi viết Bản Di chúc Bác dặn thư ký Vũ Kỳ (Đồng chí Vũ Kỳ là một trong tám Thư ký của Bác,  người phục vụ Bác lâu nhất, 24 năm liên tục, thậm chí tới khi tang lễ Bác xong Trung ương mới cử đồng chí Vũ Kỳ làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh): Chú nhớ giữ bí mật cho Bác, tuyệt đối bí mật như Bác ghi trên trang đầu tiên của Bản Di chúc ở lề trái, còn lề phải Bác ghi mừng sinh nhật 75 tuổi. Bác dặn: Chỉ khi nào Bác đi rồi, chú hãy báo với Trung ương là Bác có bức thư để lại đó.

     Đức tính khiêm nhường của Hồ Chí Minh làm cho chúng ta hết sức xúc động và đây cũng là một trong những biểu hiện về tâm hồn và lối sống cao thượng của Người. Trong Bản Di chúc có chữ ký của Bác, dưới dòng chữ đề: Hà Nội, ngày 15 tháng 5; bên này, Bác viết trước dòng chữ chứng kiến của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng - đồng chí Lê Duẩn được Bác mời đến ký chứng kiến.

     Bản Di chúc để lại cho chúng ta, Bác coi đó là bức thư để lại, còn với chúng ta, với Đảng ta là một văn kiện chính trị, pháp lý vô cùng quan trọng ở tầm chiến lược cho nên phải có chữ ký chứng kiến của người đứng đầu cơ quan Trung ương của Đảng - là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Toàn bộ những sự kiện đã trải qua 51 năm, còn từ khi Bác mất và chúng ta lần đầu tiên biết đến Di chúc của Bác với 5 lời thề vĩnh biệt Bác cũng đã 47 năm.

     Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) ký ngày 15 tháng 5 năm 2016 như có một hàm ý nhắc nhở mọi thế hệ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước học tập và làm theo Bác. Nhất là từ khi Đảng và Nhà nước xếp 5 tác phẩm điển hình, tiêu biểu của Bác vào danh mục 30 bảo vật quốc gia (gồm các tác phẩm: Đường Kách mệnh, Ngục trung nhật ký – tức Nhật ký trong tù, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Bản viết tay Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946)- hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (17/7/1966)- hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; Bản Di chúc- văn bản gốc Bác Hồ viết từ ngày 10 tháng 5 năm 1965 đến ngày 19 tháng 5 năm 1969, hiện lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng), thì việc quảng bá tư tưởng, việc học tập đạo đức, việc rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh trở thành một nhu cầu văn hoá, nó được nội tâm hoá trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Cho nên, Đảng ta nói rằng: Học Bác một cách tự giác, chủ động, sáng tạo và biến nó thành nhu cầu như lối sống hàng ngày vậy. Đây có thể nói là sự nhận thức mới của Đảng về Hồ Chí Minh, di sản và tư tưởng Hồ Chí Minh.

     Tuy nhiên, không phải tới Chỉ thị 05 thì chúng ta mới nhấn mạnh là học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015) trước khi Đại hội XII diễn ra; trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm đó, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và sau Đại hội XII - Đại hội để lại dấu ấn nổi bật trong lịch sử Đảng ta thời kỳ đổi mới, Văn kiện, Nghị quyết của Đảng lại ghi rõ là: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI; đồng thời, gắn liền với việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Như vậy, có thể nói nhận thức mới này đã có từ trong dịp kỷ niệm 125 năn Ngày sinh của Bác, đến văn kiện Đại hội XII và nó được cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội bằng Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

     Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) trở thành một tài liệu gốc cơ bản giúp chúng ta triển khai trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân về việc học tập và làm theo Bác. Có thể nói, so với các Chỉ thị trước đây của Bộ Chính trị về học tập và làm theo Bác, Chỉ thị 05-CT/TW có nội dung rộng hơn, phong phú hơn, rõ ràng hơn và yêu cầu cũng cao hơn. Nhưng bao trùm của Chỉ thị 05 là: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ. Không lý thuyết, không nói suông, không chung chung, hình thức. Phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương của Bác với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và với mỗi một cán bộ, đảng viên. Việc không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành với kết quả không cao cũng được xem là chưa nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương của Bác. Và trong việc thực hiện cần phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”.
 
     Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, phong cách Hồ Chí Minh là công việc hết sức cần thiết, vô cùng quan trọng. Do đó, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu việc chỉ đạo tổ chức học tập phải xuống cơ sở, đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn học tập với công việc thực tế. Trong cuộc đời của Bác, mỗi lời nói, hành động dù rất khiêm tốn, giản dị nhưng bao giờ cũng ẩn chứa những tư tưởng vĩ đại và những bài học đạo đức nhân văn. Do vậy, bất cứ ai soi mình vào tấm gương của Bác cũng đều tìm thấy cho bản thân mình  những điều có thể học tập và làm theo./.
 
Bùi Trọng Thủy – Ban Tuyên giáo Huyện ủy KBang

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang