CHUYÊN MỤC

Uỷ ban nhân dân huyện Kbang tổ chức các hoạt động văn hoá truyền thống và Ngày hội văn hoá cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Ba Nar

(ngày đăng bài: 23/07/2017)
     Được sự đồng ý của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, trong 02 ngày (từ ngày 22-23/7/2017), Huyện uỷ - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang đã tổ chức các hoạt động văn hoá truyền thống tại làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung và Ngày hội văn hoá cồng chiêng tại Quảng trường huyện. Tham dự các hoạt động có đồng chí Dương Văn Trang-Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đặng Phan Chung-Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tp Hồ Chí Minh; Hiệp hội du lịch Tp Hồ Chí Minh; Hiệp hội du lịch tỉnh Gia Lai; một số doanh nghiệp trong và ngoài huyện; Thường trực Huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện; lãnh đạo các xã, thị trấn, cùng 14 đoàn nghệ nhân cồng chiêng của 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đoàn cồng chiêng Thị xã An Khê, huyện Kông Chro.

     Vào chiều ngày 22/7/2017, tại làng kháng chiến Stơr-xã Tơ Tung đã diễn ra các hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS Ba Nar; đại biểu tham dự đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Anh Hùng Núp tại Nhà lưu niệm Anh Hùng Núp; tham quan làng kháng chiến Stơr năm xưa đã được phục dựng; tham gia các hoạt động văn hoá cùng bà con dân làng Stơr như biểu diễn cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca, thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào Ba Nar. Làng Stơr, xã Tơ Tung - quê hương anh hùng Núp, người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên, người đã tập hợp đoàn kết lãnh đạo dân làng sử dụng những vũ khí thô sơ nhất (hầm chông, bẫy đá) chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, góp phần cùng với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước. Để ghi nhớ công ơn của Anh Hùng Đinh Núp và chiến công của nhân dân làng kháng chiến Stơr; được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện đã quy hoạch chi tiết xây dựng Khu lưu niệm Anh Hùng Núp, phục dựng lại làng kháng chiến Stơr. Nhà lưu niệm anh hùng Núp và làng kháng chiến Stơr (phục dựng) là quần thể di tích lịch sử-văn hoá, nơi tái hiện sinh động cuộc đời hoạt động, những chiến công hiển hách của Anh Hùng Núp và hoạt động, sinh hoạt cùng các giá trị văn hoá truyền thống của nhân dân làng kháng chiến Stơr trong thời kỳ chiến tranh. Đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, mà còn là thu hút khách tham quan, thăm viếng, tìm hiểu lịch sử-văn hoá về Anh hùng Núp và làng kháng chiến Stơr. Ngoài các giá trị về lịch sử trong thời kỳ chiến tranh, làng Stơr ngày nay còn là một làng văn hoá kiểu mẫu, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc tiêu biểu nhất của đồng bào dân tộc thiểu số BaNar trên địa bàn huyện. Với những giá trị lịch sử-văn hoá, thời gian qua đã có nhiều khách tham quan trong và ngoài huyện đến thăm viếng và tham gia các hoạt động văn hoá tại làng kháng chiến Stơr và đều có cảm nhận ấn tượng sâu sắc khi đặt chân đến nơi đây.

     Tối cùng ngày 22/7/2017, đại biểu di chuyển về trung tâm huyện để tham dự Ngày hội văn hoá cồng chiêng tại Quảng trường huyện với các tiết mục cồng chiêng được các đoàn nghệ nhân từ 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đoàn nghệ nhân thị xã An Khê, huyện Kông Chro thể hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong các đại biểu tham dự và toàn thể bà con đến xem. Nhắc đến Tây Nguyên không ai trong chúng ta không nhớ đến cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số với những lễ hội văn hoá truyền thống. Cồng chiêng trong đồng bào DTTS Ba Nar có từ lâu đời, là biểu tượng gắn bó mật thiết không thể tách rời trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt văn hoá tinh thần của bà con từ khi sinh ra đến khi trưởng thành và mất đi; từ già làng cho đến một em bé đều biết đánh cồng chiêng; âm thanh, giai điệu cồng chiêng khi cất lên có sự ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió, tiếng lòng người và vang vọng cả núi rừng, đất trời Tây Nguyên. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mãnh đất Tây nguyên mặc dù luôn bị kẻ địch tìm mọi cách để chiếm giữ, thống trị; chúng lập ấp chiến lược, tổ chức càn quét, hòng làm lung lay ý chí, tinh thần chiến đấu và huỷ diệt nền văn hoá, trong đó có cồng chiêng của đồng bào dân tộc Ba Nar chúng ta; tuy nhiên, dù ở thời điểm lịch sử nào, nhân dân các dân tộc Tây nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai, huyện Kbang nói riêng vẫn một lòng, một dạ đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, kiên trì bám đất, bám làng, đoàn kết sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá, nhưng bà con dân làng vẫn giữ được văn hoá cồng chiêng và ngày càng phát huy giá trị đến ngày hôm nay. Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5 (khoá VIII) năm 1998 khẳng định: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian qua, huyện đã quan tâm chỉ đạo bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá cồng chiêng, tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn cồng chiêng và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, liên hoan cồng chiêng thu hút các đoàn nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng; đặc biệt huyện đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá cồng chiêng giai đoạn đến năm 2020.
 
     Việc tổ chức các hoạt động văn hoá truyền thống tại làng kháng chiến Stơr và Ngày hội văn hoá cồng chiêng là hoạt động nhằm cụ thể hoá Chương trình của Tỉnh uỷ, Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, là dịp để huyện Kbang giới thiệu đến quý vị đại biểu, quý vị khách quý về lịch sử-văn hoá của Anh Hùng Núp, làng kháng chiến Stơr, về văn hoá cồng chiêng đặc sắc của đồng bào dân tộc Ba Nar trên địa bàn huyện; Đây cũng là dịp các nghệ nhân trong và ngoài huyện thể hiện sự đam mê của mình đối với nghệ thuật cồng chiêng, mang tiếng cồng, tiếng chiêng đến với mọi người; Đăc biệt, qua đây sẽ giúp cho đồng bào giữ gìn, bảo quản các loại cồng chiêng tại gia đình, là giữ lấy đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần làm phong phú văn hóa cồng chiêng Tây nguyên nói chung và văn hoá cồng chiêng trong đồng bào DTTS Ba Nar huyện Kbang nói riêng. Đồng thời huyện Kbang mong muốn gắn kết các hoạt động văn hoá-lịch sử, cùng với danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện để giới thiệu đến đại biểu trong và ngoài huyện, từng bước kêu gọi đầu tư, khai thác phát triển du lịch, thu hút khách tham quan đến với huyện trong thời gian tới.

20248225_1982370391991582_1238556876870328664_o-(1).jpg
Ảnh: Đồng chí Dương Văn Trang - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ,
Chủ tịch HĐND tỉnh thăm quan Nhà lưu niệm Anh Hùng Núp

 
* Ảnh Chuỗi hoạt động tại làng kháng chiến Stơr:

20232375_1982370325324922_5723606306903714144_o-(1).jpg

20287214_1982370345324920_2194722183101770403_o-(1).jpg

20248046_1982370365324918_3748020791286569257_o-(1).jpg

20369062_1982370515324903_3716565692017912394_o-(1).jpg

20287124_1982370585324896_8573382752227530471_o-(1).jpg

20286842_1982370541991567_5348659583113617883_o-(1).jpg

20248493_1982370438658244_541211205709709127_o.jpg

* Ảnh chuỗi hoạt động Ngày hội văn hoá cồng chiêng:

20280420_1982370605324894_8812116909810603484_o.jpg

20232413_1982370628658225_5304263158488957587_o.jpg

20232795_1982370675324887_2229853234242972895_o.jpg

20287057_1982370701991551_2985997291418796207_o.jpg

20232822_1982370721991549_5532316031217380150_o.jpg
 
Nguyễn Thị Định - Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang