CHUYÊN MỤC

Măng Le Kbang -món quà của núi rừng

(ngày đăng bài: 03/02/2021)
     Măng vốn là món ăn dân dã truyền thống bao đời nay của người dân Việt Nam. Nhắc đến măng người ta thường nói đến măng Tre, măng Nứa, Măng Luồng, Lồ ô…Ởvùng đất Kbang, có một loài măng mang âm hưởng tự nhiên của Tây Nguyên: Măng Le -Một sản vật của rừng mà nếu ai trót một lần ăn, sẽ không ngại ngần mà đánh giá cho vị ngon nhất nhì so với các loài măng.

     Nói về loài Le, người ta xếp nó thuộc họ tre. Lekhông có gai, thân dẻo, cây nhỏ chỉ bằng nửa cổ tay, mọc thành từng lùm, bụi; phổ biến ở vùng đất bazan Tây Nguyên;hễ nơi nào có đất trống là dễ có cây Le xuất hiện. Măng le Kbang mọc khắp trên địa bàn các địa phương của huyện.

     Măng Le được lấy từ phần non phía ngọn của cây măng. Vào mùa mưa bạt ngàn màu xanh của lá, lẫn khuất giữa màu xanh ấy là màu xanh của những bụi cây Le. Khi những mầm măng đội đất nhô lên khỏi mặt đất từ 10-20 cm là người dân của huyện và Nhân dân các vùng lân cận vào rừng hái măng. Người dân coi đây là “lộc”, là món quà mà núi rừng Kbang ban tặng giúp cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho nhân dân, nhất là đối với người dân tộc thiểu số tại chỗ. Cái hay của loàiLe ở chỗhôm nay đã đi đến lấy rồi, một vài ngày nữa quay lại thì lại thấy những ngọn khác trồi lên. Những mầm Le cứ sinh sôi, nảy nở cho hết mùa mưa; trở thành nguồn thu giá trị chongười dân. Cũng vì cách sinh tồn dẻo dai đến kỳ lạ ấy mà nó có sức phát tán mạnh mẽ, tồn tại hết năm này qua năm khác. Và cứ thế, mỗi một mùa mưa người dân lại được đón nhận một mùa măng từ rừng.
 
Untitled.jpg
Người dân đi lấy măng Le rừng
 
     Dù chỉ là cây hoang dại nhưng chúng lại mang đến cho đời vị ngon đặc trưng. Loại măng Lenày không đắng, cũng chẳng ngọt lừ, mà có vị tươi mát, thanh thanh, khi ăn vừa giòn vừa ngọt. Làm món gì cũng ngon, từ măng tươi, măng chua hay làm măng khô; tùy cách chế biến và bảo quản của mỗi gia đình lấy được. Nếu làm măng chua có màu vàng ươm, không trắng như loại măng khác. Nếu làm măng tươi, nhờ ruột dày và đặc nên khi nấu ăn giòn, thanh và ngon. Còn làm măng khô thì ngon chẳng phải bàn tới. Nhưng để làm được một ký măng Le khô thì đó cả là một sự kỳ công và tỷ mỉ của người làm. Trong khuôn khổ bài viết này, xin được bàn thêm chút về măng Le khô.

     Với măng Le khô, mục đích chính là chế biến, bảo quản để dự trữ được lâu dài và đem bán khi hết mùa măng. Măng Le tươi sau khi thu lượm về, được người dân bóc bỏ hết vỏ, rửa sạch, cắt bỏ phần già. Điều quan trọng để có măng Le khô ngon, theo kinh nghiệm của một số người dân Kbang phải đảm bảo ba yếu tố: Đúng loại, đúng mùa và đúng thời điểm. Đúng loại là phải chọn loại măng to mập, măng càng ngắn thì càng non và ngon. Đúng mùa là phải vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch; lấy măng Le vào thời gian này, măng sẽ dày thịt, làm măng khô sẽ mềm và ngọt hơn. Đúng thời điểm là nói về việc chế biến măng phải đúng lúc: Măng lấy về là phải làm ngay, để lâu măng bị ủng sẽ không có màu sắc đẹp và chất lượng ăn sẽ không ngon. Biết được bí quyết đó, nên người làm măng khô ở Kbang thông thường lấy về lúc chiều tối và chế biến làm măng khô ngay. Sau khi cắt vỏ, chỉ để phần non, cho măng vào luộc; mặc dùmăng Le rừng vốn dĩ không hăng nhưng vẫn phải luộc thật kĩ để cho bớt mùi và bỏ độc tố. Sau đó cắt khía miếng nhỏ theo chiều dọc của măng. Vì Măng Le nhỏ nên đòi hỏi người làm phải khéo tay, cẩn thận và rất tỉ mỉ mới có thể làm được.
 
Untitled1.jpg
Người dân tỉ mỉ chế biến từng cây măng Le sau khi luộc,
một trong nhiều khâu để làm ra sản phẩm măng Le khô
 
     Sau khi đã cắt khía nhỏ để măng đã ráo hoàn toàn nước, công đoạn tiếp theo là đem phơi. Việc phơi măng cũng khá vất vả, trung bình 1 ngày phải lật miếng măng 2 hoặc 3 lần; đó là chưa kể thường xuyên phải phơi ra rồi lại thu về vài lần nếu gặp ngày mưa. Người dân thường phơi măng trên cót đan bằng tre, nứa, bằng tôn… để đảm bảo vệ sinh và nhanh khô măng. Măng được mang ra phơi ngoài ánh nắng mặt trời, nếu gặp trời nắng to và gắt thì trung bình cần 3-4 ngày. Còn nếu nắng không đủ, phải cần đến 5-7 ngày. Theo người dân thì 10 kg măng tươi mới là được 1 kg măng khô. Măng Le khô đủ nắng sẽ có màu vàng tự nhiên. Chúng không vàng khườm như thứ măng bán đầy ở chợ. Và rất khô, khô đến mức xọc tay vào túi măng khô chỉ thấy lạo xạo, lạo xạo. Có những thời gian nắng không đủ, thì miếng măng sẽ sậm màu hơn 1 chút. Trong vài năm trở lại đây, một số hộ gia đình có máy sấy, họ cho măng vào sấy, măng được sấy, sợi măng vàng đẹp, rất đều, hợp thị hiếu người mua.
 
Untitled2.jpg
Người dân bản địa phơi măng trên chiếc sào, rất tự nhiên và sạch đẹp
 
     Miếng măng khô nhìn xù xì nhưng khi ngâm nước thì chúng lại có màu vàng óng tự nhiên, cực kì mềm, bởi dùng toàn măng non để làm. Mở túi măng Le khô sẽ cảm nhận được mùi măng khô tự nhiên đặc trưng của măngthoảng lên mũi, không có mùi của hương liệu lạ. Một số chỗ trênthân măng có màu trắng, nhiều người lầm tưởng là bị mốc, nhưng theo người dân đó hoàn toàn là màu phấn tự nhiên của măng khi khô.Măng Le Kbang dù có được nắng hay không đượm nắng, thì khi ngâm lên để nấu đều vàng tươi; ngâm bao nhiêu là đem nấu được bấy nhiêu, đặc biệt không phải cắt bỏ đi phần nào cả.Vì măng Le nhỏ, non nên người dùng cũng không cần ngâm và luộc lại nhiều lần như các loại măng khác.

     Trong xu thế thương mại hóa, vị ngon chân chất của măng Le rừng Kbang đang từng bước đi ra khỏi cửa rừng để vươn mình đến với những miền đất mới của mọi miền tổ quốc; giới thiệu cho nhiều người biết đến vị ngon thuần khiết của thiên nhiên ban tặng. Măng Le Kbang là 1 trong 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đang có mặt ở nhiều siêu thị trên toàn quốc, từng bước khẳng định vị thế của mình so với các loại măng khác trên thị trường.
 
Untitled3.jpg
Măng le rừng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Tơ Tung,
một trong 3 sản phẩm được công nhận OCOP3 sao cấp tỉnh
 
     Trong không khí Tết Nguyên đán 2021 cận kề, khí trời se lạnh của sắc xuân, có một món măng Le từ rừng Kbang trưng bày sẽ làm cho mâm cơm ngày tết thêm đủ đầy hương vị và ấm cúng. Hãy một lần thưởng thức để hiểu, cảm nhận cái vị ngon chân chất của núi rừng Kbang ban tặng cho chúng ta.
 
Nguyễn Văn Trung - Phòng Nội vụ

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang