No Slider camera item document in target location!

CHUYÊN MỤC

Kbang: Phấn đấu sớm trở thành huyện nông thôn mới

(ngày đăng bài: 14/06/2018)
(GLO)- Sau 6 năm với sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông thôn mới đang dần định hình trên vùng đất Kbang. Sự khang trang, trù phú và no ấm đang hiển hiện trên mỗi nếp nhà, cung đường và gương mặt con người Kbang.
Từ “ốc đảo” Kon Pne

Trong suy nghĩ của nhiều người, Kon Pne dường như vẫn còn gắn chặt với hai từ “ốc đảo”, với những con đường mòn luồn rừng, lội suối. Vậy nhưng, thực tế đã khác. Kon Pne nay đã gần hơn với đường ô tô đến tận xã, về tận làng. Xã có trường học khang trang cho con em, có những cánh đồng lúa nước 2 vụ rộng bát ngát mang lại no ấm cho người dân nhờ công trình thủy lợi. Đường làng, ngõ xóm đang dần được bê tông hóa. Có được sự đổi thay ấy là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Kon Pne.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne-Lê Văn Quang cho biết: Năm 2011, khi chương trình xây dựng nông thôn mới bắt đầu được triển khai, thu nhập bình quân đầu người ở Kon Pne mới chỉ đạt 5,8 triệu đồng/năm. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 74,9%, hạ tầng chưa phát triển, người dân canh tác chỉ dựa vào nước trời. Bởi vậy, người dân Kon Pne vẫn phải chịu những cơn đói giáp hạt dai dẳng. Vậy nhưng, chỉ sau 6 năm, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 13,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống mức 35,2% vào cuối năm 2016. Đường vào Kon Pne đã được bê tông hóa. Đặc biệt, Kon Pne có trường đạt chuẩn quốc gia, con em được học tập trong ngôi trường bán trú khang trang, sạch đẹp. Ngoài sản xuất lúa nước 2 vụ, người dân còn được hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế mang lại hiệu quả cao như: trồng bời lời đỏ, bắp lai, mì cao sản…

Tuyến đường từ trung tâm xã Kon Pne đi xã Đak Rong dài 22 km đang trải bê tông sẽ là chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa “ốc đảo” để kết nối với bên ngoài. Đây được ví như “con đường tơ lụa” của Kon Pne, để từ đây, vùng đất này sẽ được đánh thức. Không chỉ thế, các tuyến đường liên thôn trước đây lầy lội vào mùa mưa, bụi đỏ vào mùa khô nay cũng dần được xóa sổ. Tuyến đường từ trung tâm xã về các làng Kon Kleng, Kon Kring… được bê tông hóa. Nhiều hộ dân sẵn sàng góp công, hiến đất mở đường. “Đến nay, Kon Pne đã hoàn thành 13 tiêu chí nông thôn mới. Trong năm 2017, xã phấn đấu hoàn thành thêm 3 tiêu chí. Đến năm 2019, Kon Pne sẽ trở thành xã nông thôn mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ từ các cấp, Kon Pne sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra”-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne nhấn mạnh.

Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

Kbang là một trong 5 huyện của cả nước được Chính phủ chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, UBND tỉnh đã chọn 13/13 xã của huyện làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Gánh vác trọng trách nặng nề nhưng không kém vinh dự này, trong 6 năm qua, cán bộ và nhân dân huyện Kbang đã đồng sức đồng lòng chung tay từng bước đưa huyện nhà tới gần hơn đích huyện nông thôn mới.

Theo thống kê, trong 5 năm (2011-2015), huyện Kbang đã cứng hóa 66,3/126,2 km đường trục xã, đạt tỷ lệ 52,5%; 88,5/180,7 km đường thôn, làng, đạt tỷ lệ 49%; cấp phối 165,1/313,1 km đường trục nội đồng, đạt tỷ lệ 52,7%. Các chương trình, dự án đã đầu tư xây dựng, nâng cấp mới nhiều công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Toàn huyện đã kiên cố hóa kênh mương được 32,3 km/62,7 km, đạt 51,6%. 13/13 xã và 140/140 thôn, làng có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 98%. 10/42 trường học trên địa bàn các xã đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, toàn huyện đã có 5.892/11.495 nhà đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 51,2%; 13/13 trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ... Trong năm 2016, tổng kinh phí đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Kbang đạt 798,3 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 93,1 tỷ đồng, vốn huy động là 705,1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học… đem lại sức bật và diện mạo mới cho nhiều địa phương trong huyện.
 
Ông Đoàn Thanh Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Chánh Văn phòng Ban Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Kbang: Đến nay, huyện đã có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đak Hlơ. Hiện tại, địa phương đang dồn sức để trong năm 2018 sẽ có thêm 2 xã là Nghĩa An và xã Đông trở thành xã nông thôn mới. Còn lại, các xã khác đều đã đạt từ 9 tiêu chí trở lên, trong đó thấp nhất là xã Đak Rong đạt 9 tiêu chí.
 
Nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong các năm qua, kinh tế-xã hội huyện Kbang có bước tăng trưởng khá: tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 13%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2011 chỉ đạt 9,6 triệu đồng, đến năm 2016 nâng lên 23,3 triệu đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2011 là 51,8%, đến cuối năm 2016 giảm còn 21,4% (bình quân mỗi năm giảm trên 5%). Các công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư đến tận thôn, làng với 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện Kbang phấn đấu nâng mức bình quân số tiêu chí đạt/xã lên 14,9 tiêu chí. Nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra, tổng kinh phí dành cho việc thực hiện chương trình trong năm nay sẽ được nâng lên mức trên 968 tỷ đồng. Khẳng định về quyết tâm và nỗ lực của địa phương trong chặng đường xây dựng nông thôn mới phía trước, ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang, nhấn mạnh: “Kbang là huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Kbang phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có 11/13 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới”.