CHUYÊN MỤC

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025

(ngày đăng bài: 15/10/2020)
Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoan 2015 - 2025”.

Mục tiêu chung tại Quyết định đề ra, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Mục tiêu cụ thể, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiếu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số vào năm 2025. Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 4% tổng số người kết hôn hàng năm (trong đó: vợ hoặc chồng tảo hôn khoảng 2,5% tổng số người kết hôn; cả vợ và chồng tảo hôn khoảng 1,5% tổng số người kết hôn).  Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Phạm vi thực hiện Đề án, vùng dân tộc thiểu số, chú trọng khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Thực trạng tảo hôn,  hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn
Trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 8/2020, theo thống kê của cơ quan chuyên môn: Huyện Kbang đã xảy ra 324 cặp tảo hôn (năm 2015: 66 cặp, 2016: 85 cặp, 2017: 71 cặp; 2018: 46 cặp; 8 tháng đầu năm 10 cặp); Không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Trên địa bàn xã Lơ Ku từ năm 2016 đến nay xảy ra 46 cặp tảo hôn (2016: 14 cặp; 2017 12 cặp; 2018: 8 cặp; 2019: 9 cặp, 8 tháng đầu năm 2020: 3 cặp); Không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Trong nhóm tuổi dưới 15 và dưới 18 thì tỷ lệ tảo hôn ở nữ dân tộc thiểu số cao gấp hơn 3 lần so với nam giới.
Qua số liệu trên cho thấy tình trạng tảo hôn có giảm nhưng không bền vững
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Nguyên nhân khách quan, do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu; những tục lệ, nghi lễ truyền thống của dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, nâng cao dân trí, không khuyến khích con em đến trường mà muốn con cái ở nhà làm việc giúp đỡ gia đình, bản thân các em chưa nhận thức đầy đủ về việc học tập nâng cao trình độ là phục vụ chính bản thân mình khiến nhiều học sinh người dân tộc thiểu số nghỉ học sớm, nhất là sau khi kết thúc bậc học trung học cơ sở. Tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, sự phát triển của công nghệ thông tin (điện thoại di động, internet ...), nhiều em trong độ tuổi 13 - 17 tuổi đã có điện thoại di động, dễ dàng liên lạc, trao đổi thông tin dẫn đến dễ nảy sinh tình cảm sớm, quan hệ tình dục trước hôn nhân dẫn đến nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải cưới mà không đăng ký kết hôn.
Nguyên nhân chủ quan, Một số ban ngành, đoàn thể ở các làng chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, còn coi đó là phong tục rất khó xóa bỏ nên chưa đặt quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình cho nhân dân và các em thanh, thiếu niên tuy thường xuyên nhưng còn hạn chế, chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được nhiều đối tượng. Công tác phối hợp của một số đoàn thể các làng chưa thường xuyên; Công tác tham mưu, xử lý của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các trường hợp vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa đủ mạnh mẽ, kiên quyết. Quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp tảo hôn còn thấp (Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó tại Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ)
Một phần vì mức phạt quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, phần vì các gia đình cũng tìm đủ mọi cách để “lách”. Chẳng hạn như nếu cặp vợ chồng tảo hôn mà chưa có con thì còn có thể vận động trở về nhà bố mẹ đẻ sinh sống. Nhưng nếu đã có con thì rất khó để vận động. Hoặc các gia đình tổ chức cho con cưới chui, không đăng ký kết hôn tại UBND xã. Chỉ đến khi cặp vợ chồng tảo hôn có con thì mới đi làm đăng ký khai sinh, đặt xã vào tình thế phải hợp thức hóa.
Nhận thức của một bộ phận nhân dân còn chưa đầy đủ; chưa hiểu rõ về Luật Hôn nhân và gia đình. Còn có nhiều người dân, nhất là phụ nữ chưa thạo tiếng phổ thông nên việc nghe, hiểu chưa được đầy đủ; việc quản lý của một số gia đình đối với con em chưa chặt chẽ, chưa thực sự quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên. Mặt khác, một số gia đình bố mẹ ly hôn, bất hòa, tạo tâm lý bất cần, sống buông thả ở một số bộ phận thanh, thiếu niên.
Nhìn chung nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết vẫn chủ yếu xuất phát từ lý do kinh tế, phong tục tập quán: Vùng cao, vùng đồng bào dân tộc đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế chưa giải phóng được sức lao động, cho nên việc tảo hôn, sinh sớm, sinh nhiều con vẫn là một nhu cầu, mong muốn của người dân, để có thêm nguồn nhân lực lao động của gia đình.
Được biết thêm nguyên nhân của hôn nhân cận huyết là do  tâm lý sợ con cái đi lấy vợ, lấy chồng khác dòng họ bị khổ. Trình độ dân trí và nhận thức của nhân dân ở các xã vùng cao còn hạn chế. Nhận thức về văn hoá, xã hội, chính sách pháp luật của người dân còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, tuyên truyền vận động, kiểm tra xử lý về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, tổ chức đoàn thể các cấp chưa sát sao, triệt để.
          Trước thực trạng trên Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ban ngành, mặt trận và các đoàn thể trập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như sau:
Trước hết cần phải duy trì thường xuyên và tăng cường công tác tuyên truyền: Mặt trận và các đoàn thể xã đã thường xuyên phối hợp với Tư pháp xã tổ chức các buổi tuyên truyền, đã đổi mới hình thức công tác tuyên truyền miệng, sử dụng hình ảnh trực quan sinh động sử dụng máy chiếu trong tuyên truyền, phát trên hệ thống loa phát thanh, tuyên tuyền miệng bằng tiếng dân tộc về tác hại của những tập tục lạc hậu trong việc tảo hôn, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở  khu dân cư ; Hội phụ nữ thực hiện các phong trào của hội về bình đẳng giới…Mặt trận tổ quốc xã thực hiện nhân rộng các mô hình “Nói không với tảo hôn” ”; ở các thôn, làng; Đoàn thanh niên xã tổ chức cho thanh thiếu niên ký cam kết, không kết hôn khi chưa đủ tuổi ở các thôn, làng; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Tổ chức hội nghị gặp mặt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao tiếng nói của người uy tín với nhân dân  trong phòng chống tảo hôn, tổ chức hội nghị với các ông mai, bà mối cho ký cam kết không làm mai mối cho các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các thầy mo, thầy cúng cam kết không làm lễ cho các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Đảng ủy xã yêu cầu cán bộ, đảng viên không tham dự các đám cưới tảo hôn. Nếu ai dự hoặc gửi quà mừng thì sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo, kiểm điểm. Trong gia đình nếu có người thân tảo hôn sẽ nhắc nhở, kiểm điểm trách nhiệm đảng viên, coi đây là một tiêu chí xét thi đua cuối năm.
Chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp với Trường  PTDT BT TH&THCS Lơ Ku tổ chức tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở cấp trung học cơ sở, dành cho học sinh lớp 8, lớp 9 - đối tượng dễ bỏ học để tảo hôn nhất. Khi các em được giác ngộ về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các em sẽ trở thành tuyên truyền viên giúp ông, bà, bố mẹ và người thân trong gia đình, dòng họ nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Đưa nội dung phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước tại các thôn, làng để thực hiện. Hàng năm lấy tiêu chí này để đánh giá tiêu chí gia đình văn hóa, thôn văn hóa.
Chỉ đạo Trạm y tế thường xuyên tổ chức chiến dịch tuyên truyền cho phụ nữ ở các các thôn, làng nhất là Dân tộc thiểu số được tiếp cận y tế, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục đúng đối tượng, phối hợp tuyên truyền công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Thay-đoi-nep-nghi-(3).jpg
(Lễ ra mắt mô hình “ Nói không với tảo hôn tại làng Bôn, xã Lơ Ku. Ảnh Bàn Thu)
Thay đổi nhận thức sẽ thay đổi hành vi. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” thì những vấn đề dân tộc thiểu số và bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số càng cần được quan tâm đặc biệt. Xóa bỏ tình trạng tảo hôn cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ và trẻ em gái ở các khía cạnh: công tác tuyên truyền, tiếp cận y tế, giáo dục đào tạo, tư vấn sức khỏe sinh sản, tình dục… Muốn vậy, cần có cơ chế điều phối giữa các Bộ: Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tài chính… và cơ chế chia sẻ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước với tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế. Tăng cường thực thi pháp luật để ngăn ngừa tảo hôn, tăng chế tài xử phạt tảo hôn, tránh tuyệt đối việc “phạt cho tồn tại” để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; lồng ghép các quy định về độ tuổi và các điều kiện kết hôn hợp pháp vào thể chế văn hóa, hương ước và các tiêu chuẩn đánh giá danh hiệu gia đình văn hóa…
Trịnh Tâm