CHUYÊN MỤC

Thực trạng tình hình tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số

(ngày đăng bài: 22/09/2020)

Với những thế mạnh vốn có và đang dần tiến đến mục tiêu về đích của nông thôn mới  bộ mặt của xã Lơ Ku ngày càng đổi mới, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng đang dần được nâng lên. Tuy nhiên, song song với những chuyển biến tích cực, địa phương cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, trong đó nổi lên trong những năm gần đây là hiện tượng tự tử trong đồng bào DTTS tác động không nhỏ đến sự ổn định xã hội và tình hình an ninh, chính trị ở địa phương.


Theo kết quả thực hiện Dự án điều tra cơ bản năm 2017 của Ủy ban Dân tộc, đề tài “Điều tra thực trạng tình hình tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên”, theo thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 5 năm (từ 2012-2016), trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum) đã có hơn 2.259 trường hợp tự tử. Trong đó, tỉnh Gia Lai nhiều nhất với gần 1.500 trường hợp, tiếp theo là tỉnh Đắk Lắk với gần 700 trường hợp và tỉnh Kon Tum với gần 200 trường hợp. Thống kê qua từng năm cho thấy, hiện tượng tự tử có xu hướng gia tăng qua các năm ở tất cả các tỉnh và các địa bàn khảo sát. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng này còn có dấu hiệu lan sang các cộng đồng, dân tộc khác trong khu vực. Hiện tượng tự tử diễn ra tập trung ở một số DTTS tại chỗ, nhiều nhất ở cộng đồng dân tộc Ba-na, Gia-rai, Ê-đê, Xê-đăng... ít thấy ở dân tộc Kinh và các dân tộc di cư từ nơi khác đến. Trong đó, dân tộc Ba-na tại tỉnh Gia Lai có số lượng người tự tử cao nhất (757 trường hợp), tiếp đến là dân tộc Gia-rai tại tỉnh Gia Lai (666 trường hợp) và dân tộc Ê-đê tại tỉnh Đắk Lắk (302 trường hợp). Cùng một dân tộc nhưng ở các buôn/làng theo tín ngưỡng tôn giáo khác nhau cũng có mức độ tự tử khác nhau. Các buôn/làng theo tín ngưỡng truyền thống có tỷ lệ tự tử cao hơn so với các buôn/làng theo tôn giáo mới là Công Giáo và Tin Lành.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Kbang từ năm 2016 đến tháng 8/2020 trên địa bàn huyện xảy ra 201 vụ, làm chết 175 người (năm 2016: 49/41; năm 2017: 50/41; năm 2018 35/28; năm 2019: 52/50;  8 tháng đầu năm 2020 15/15);
Đối với địa bàn xã Lơ Ku (năm 2019 xảy ra 4/4 vụ tự tử và chết; 8 tháng đầu năm 2020: 3/3 vụ và chết); hiện tượng tự tử ít xảy ra ở những khu vực trung tâm, chủ yếu diễn ra ở các làng là người đồng bào dân tộc Bahnar; Những nguyên nhân dẫn đến tự tử chủ yếu là những lý do hết sức đơn giản và nhỏ nhặt như: xích mích nội bộ trong gia đình, mâu thuẫn với gia đình khác trong làng, bản thân một số trường hợp bị bệnh cảm thấy buồn, tự ti trong cuộc sống; một số trường hợp sống neo đơn, bị tâm thần, hay uống rượu ...
Nếu xét ở góc độ nguyên nhân sâu xa, hiện tượng tự tử bắt nguồn từ những đặc điểm tâm lý văn hóa tộc người và các yếu tố tác động từ điều kiện KT-XH của vùng như: (1) Thiếu hiểu biết, không có kỹ năng thích nghi và tự bảo vệ bản thân, lối sống thụ động, trông chờ ỷ lại, không có động lực phấn đấu của một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS tại chỗ Tây Nguyên, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa. (2) Tình trạng kinh tế nghèo nàn, thiếu thốn đi liền với những áp lực cuộc sống không được giải tỏa và sự biến đổi nhanh của xã hội kéo theo cú sốc tâm lý, văn hóa mà người DTTS Tây Nguyên khó thích nghi, biến đổi phù hợp với xu thế phát triển, từ đó dễ dẫn đến những hành động tiêu cực bột phát. (3) Phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong nếp nghĩ của hầu hết các DTTS Tây Nguyên. Một số phong tục vô tình góp phần gia tăng tính trầm trọng của vấn nạn tự tử không chỉ ở địa phương mà còn xảy ra ở các xã trong huyện, trong tỉnh Tây Nguyên nói chung.
Các yếu tố tác động đến tự tử, ngoài những yếu tố thuộc về văn hóa và tâm lý tộc người, còn bị ảnh hưởng và tác động bởi các yếu tố khác như sự du nhập của đa dạng văn hóa, kinh tế- xã hội và tệ nạn uống rượu… Thực tế cho thấy, nạn tự tử tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số đang trở thành một hiện tượng xã hội phức tạp, tạo nên những hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý xã hội. Hành vi tự tử được xem là một phản ứng bộc phát tiêu cực; đặc biệt, tác động rất lớn đối với sự phát triển xã hội, làm mai một các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; Là vấn đề để làm nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong quan hệ xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng tự tử xảy ra nhiều, ngày càng nghiêm trọng sẽ gây nên những tác động tiêu cực cho phát triển KT-XH địa phương, không những thế còn ảnh hưởng tới tình hình an ninh - chính trị trên địa bàn.
Trước tình trạng trên Đảng ủy, chính quyền UBND xã đã xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tùy thuộc vào điều kiện thực tế ở địa phương áp dụng các giải pháp khuyến nghị phù hợp vì đây là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến đặc điểm tâm lý tộc người, cần thiết phải vận dụng các biện pháp mềm mỏng, linh hoạt;  để tránh những hệ lụy đáng tiếc, nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa, phòng chống tự tử trong đồng bào DTTS  ở địa phương .
Chỉ đạo Mặt trận và các ban ngành đoàn thể quan tâm công tác giáo dục kỹ năng sống cho các đối tượng; duy trì và không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền với các hình thức dễ tiếp thu, trực quan sinh động, phát trên hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể, họp dân… Những biện pháp trên được xem là giải pháp mang tính lâu dài; song song với hàng loạt các biện pháp bổ trợ quan trọng khác trực tiếp ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng tự tử như: Kiểm soát chất lượng rượu, tình trạng uống rượu của bà con hoặc hạn chế, cấm bán các loại thuốc bảo vệ thực vật gây tử vong cao... sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng tự tử.
Để làm được tất cả những điều này, vai trò của hệ thống chính trị ở địa phương là rất quan trọng và có tính chất quyết định đến sự thành công không chỉ riêng đối với tình trạng tự tử mà còn đối với các tệ nạn xã hội khác trên địa bàn. Đây là một việc làm đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và am hiểu văn hóa, con người ở từng địa bàn cụ thể bởi liên quan rất nhiều đến yếu tố nhận thức, văn hóa và tâm linh của đồng bào DTTS tại chỗ.
 Với sự quan tâm, quyết liệt hành động của cả hệ thống chính trị chắc chắn tình trạng tự tự sẽ giảm và tiến tới mất dần, góp phần quan trọng vào ổn định tình hình an ninh - trật tự xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Trịnh Tâm