CHUYÊN MỤC

UBND xã Lơ Ku: Cam kết giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS năm 2021

(ngày đăng bài: 09/04/2021)
Ngày 8/4/2021, UBND xã Lơ Ku tổ chức Hội nghị cam kết giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS  năm 2021
Tham dự hội nghị có đồng chí Đinh Văn Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện, Đồng chí Đỗ Phúc Quán - Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy; Đại diện lãnh đạo Thường trực Đảng ủy- HĐND- UBND- Ủy ban MTTQVN xã, các ban, ngành, đoàn thể xã; Bí thư chi bộ, trưởng các thôn, làng, trưởng ban CTMT, Chi hội trưởng các chi hội Phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, Bí thư chi đoàn; Già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS; toàn thể các ông mai, bà mối trên địa bàn xã.
hoi-nghi-tao-hon-2.jpg
(Ông: Hồ Xuân Dương – Chủ tịch UBND xã, phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh Bàn Thu)
Trong những năm qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) luôn được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã quan tâm chỉ đạo, trong đó công tác TTPBGDPL về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngày càng được chú trọng và nâng cao. Hàng năm, hàng quý UBND xã triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền Luật phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật của nhân dân trên địa bàn xã.

Hoi-nghi-tao-hon.jpg(Toàn cảnh Hội nghị cam kết giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS  năm 2021. Ảnh: Bàn Thu)
Trong 02 năm 2019 - 2020 đã tổ chức được 7 đợt tuyên truyền tại 9/9 thôn, làng trên địa bàn xã, thu hút hơn 2.570 lượt người tham gia. Trong đó chú trọng tuyên truyền đến các đoàn viên thanh niên và các bậc làm cha làm mẹ, các ông mai bà mối ở các làng. Một trong những nội dung trọng tâm trong công tác tuyên truyền đó là tập trung Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số và các bộ luật khác. Qua rà soát, tình trạng hôn nhân cận huyết thống chưa xẩy ra, tuy nhiên về nạn tảo hôn vẫn còn xẩy ra nhiều ở các làng trong đồng bào dân tộc Banar như: làng Chợch, làng Đăk Kjông, làng Tăng, làng Lơ Vi, làng KBông, Làng Bôn, làng Lợk. Theo thống kê, trong 02 năm 2019- 2020 và quý I/2021 trên địa bàn xã đã xảy ra 27 trường hợp tảo hôn (trong đó năm 2019 có 12 trường hợp; năm 2020 có 9  trường hợp, quý I/2021 có 6 trường hợp).
Tại Hội nghị đã chiếu các phóng sự, tiểu phẩm về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó có những hậu quả chính sau đây:
Một là: Tảo hôn và HNCHT sẽ sinh ra những đứa con còi cọc, khả năng chống các bệnh tật rất kém cho nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo, rất khó chữa. Như vậy, gia đình phải chăm lo sức khỏe cho con nhiều hơn, tốn kém nhiều tiền của hơn và sẽ rất khó thoát khỏi đói nghèo, dòng dõi gia đình sẽ bị thoái hóa, các thế hệ sau ngày càng nhỏ đi, dòng dõi càng ngày càng bị suy thoái.
Hai là: Tảo hôn và HNCHT sẽ sinh ra những đứa con kém phát triển trí tuệ, khả năng học tập kém, không có khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, sẽ không thể phát triển được sản xuất và không thể thoát được đói nghèo.
Ba là: Tảo hôn thì vợ, chồng của người tảo hôn sẽ không có điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành, mặt khác chưa phát triển đầy đủ về cả sinh lý và tâm lý, chưa đủ khả năng để chăm sóc con phát triển một cách bình thường, khỏe mạnh, toàn diện, do đó những đứa con đó lớn lên sẽ rất khó khăn về nhiều mặt như sức khỏe, học hành, tìm việc làm...
Bốn là: Xã hội sẽ phải chăm lo nhiều hơn về mặt y tế, điều kiện học hành, những đứa con của những người tảo hôn hoặc HNCHT sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm là: Xây dựng một xã hội văn minh, đòi hỏi mỗi người phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, trong đó có pháp luật về hôn nhân và gia đình, để xây dựng chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Vì vậy, tảo hôn và HNCHT là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Sáu là: Tảo hôn và HNCHT là vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, là trái với đường lối của Đảng về “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”...
Về nguyên nhân:đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, việc kết hôn được thực hiện chủ yếu theo phong tục, tập quán; việc lấy vợ, lấy chồng mà chỉ cần sự chấp thuận của cha mẹ hai bên nam nữ hoặc sự đồng ý của đôi nam nữ và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm (không quan tâm đến tuổi tác) đôi nam nữ ấy đã thành vợ thành chồng. Bên cạnh đó với tâm lý sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi, kết hôn sớm để gia đình có người làm nương rẫy.Ngoài ra tình trạng kết hôn sớm còn do quan hệ tình dục dẫn đến mang thai trước hôn nhân đang có chiều hướng gia tăng.
Do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn làm cho một số gia đình không đủ sức chi phí cho con học hành, thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dạy con cái nên tình trạng trẻ em bỏ học, thất học vẫn còn xẩy ra dẫn đến kết hôn sớm.
Việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên.
Đối với những ông mai, bà mối là những người quan trọng, không thể thiếu trong mỗi đám cưới trong đồng bào Banar, nhưng không nắm rõ các quy định về độ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, vẫn tổ chức mai mối cho người chưa đủ tuổi kết hôn, dẫn đến tình trạng tảo hôn tại các thôn, làng vẫn còn xảy ra.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, sự tác hại của các hình ảnh, phim đồi trụy đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức lễ cưới
Các hình phạt tốt đẹp của làng mang tính giáo dục, răn đe theo phong tục khi quan hệ trước hôn nhân ở một số làng đã bị hạn chế hoặc mất tác dụng cũng là nguyên nhân dẫn đến tảo hôn có chiều hướng gia tăng.
Tại Hội nghị, Đại diện Bí thư chi bộ, trưởng các thôn, làng đã ký bản cam kết phấn đấu làng “Nói không với tảo hôn” và Các ông mai, bà mối trên địa bàn xã đã ký cam kết “không tổ chức mai mối cho người chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn”.
Hoi-nghi-tao-hon-1.jpg
(Đại diện Bí thư chi bộ, trưởng các thôn, làng đã ký bản cam kết phấn đấu làng
“Nói không với tảo hôn”Ảnh: Bàn Thu)
Để thực hiện việc đấu tranh bài trừ nạn tảo hôn và HNCHT, đòi hỏi mỗi cán bộ, Đảng viên, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn làng phải chủ động, năng động, sáng tạo trong cuộc đấu tranh này, cụ thể là:
          1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả quyết định số 498/QĐ-TTG ngày 14/4/2015 của thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”.
          2. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền Phổ biến giáo dục pháp luật, phối hợp với Mặt trận và các ban ngành, đoàn thể xã tăng cường công tác tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình, các quy định xử lý vi phạm hành trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã.
3.Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu trong đấu tranh bài trừ nạn tảo hôn và HNCHT, phải coi đây là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thờ ơ, vô cảm với các tệ nạn này là một trong những biểu hiện của suy thoái, nhất là đối với con, em của cán bộ, đảng viên; các chi bộ, Ban lãnh đạo  thôn làng phải coi việc đấu tranh bài trừ nạn tảo hôn và HNCHT là nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ cơ bản để thực hiện xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, không xếp loại tổ chức cơ sở Đảng “Trong sạch, vững mạnh”, Ban lãnh đạo thôn, làng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” nếu thôn làng mình còn để xẩy ra  nạn tảo hôn và HNCHT.
4. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã tăng cường vận động hội viên, đoàn viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ. Đồng thời vận động hội viên, đoàn viên giáo dục con, em mình hiểu được hậu quả, tác hại của tảo hôn và và HNCHT, đồng thời đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu ngay từ trong gia đình mình và trong cộng đồng dân cư để khắc phục, bài trừ tệ nạn này.
5. Ông mai bà mối các thôn làng tuyệt đối không tổ chức mai mối cho người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định, hàng năm thực hiện nghiêm các nội dung đã ký cam kết với UBND xã.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện đã đánh giá cao sự vào cuộc của Hệ thống chính trị xã Lơ Ku về hạn chế vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đã đưa ra những biện pháp cụ thể, có tính răn đe, qua đó chỉ đạo cả hệ thống chính trị xã tiếp tục chỉ đạo, theo dõi sâu sát để trên địa bàn không còn tình trạng tảo hôn.
Bàn Thu