CHUYÊN MỤC

UBND xã Lơ Ku tăng cường triển khai các biện pháp bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở xã

(ngày đăng bài: 24/02/2020)
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) là hủ tục lạc hậu, là một trong những tệ nạn xã hội, đang ngăn cản việc thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, là trở lực thực hiện đường lối của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đấu tranh bài trừ tệ nạn tảo hôn và HNCHT là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Trong những năm qua, mặc dù đời sống kinh tế - xã hội đã có chuyển chuyển biến tích cực, tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, qua đó giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Song, do xã Lơ Ku vẫn là một địa phương rất khó khăn, dân số rải rác không tập trung phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã vẫn trong tình trạng lạc hậu, có mức sống thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn cao.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, việc kết hôn được thực hiện chủ yếu theo phong tục, tập quán; việc lấy vợ, lấy chồng mà chỉ cần sự chấp thuận của cha mẹ hai bên nam nữ hoặc những nhận thức chưa chính chắn của bên nam và nữ, thì đôi nam nữ ấy đã thành vợ thành chồng. Tâm lý sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi, kết hôn sớm để gia đình có người làm nương rẫy. Bên cạnh đó tình trạng kết hôn sớm còn do quan hệ tình dục và mang thai trước hôn nhân đang có chiều hướng gia tăng.
Do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn làm cho một số gia đình không đủ sức chi phí cho con học hành, thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dạy con cái nên tình trạng trẻ em bỏ học, thất học vẫn còn xảy ra dẫn đến kết hôn sớm.
Việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên.
Quan điểm về đời sống của con người trong thời buổi hiện nay được xem là cỡi mở hơn, đơn giản hơn, không bị gò bó bởi thành kiến đạo đức ngày xưa; các hình phạt theo phong tục tập quán của người Ba na khi quan hệ tình dục trước hôn nhân ở một số làng đã bị hạn chế hoặc mất tác dụng. Một trong những hệ lụy đó là việc chung sống như vợ chồng hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân đã trở nên một việc hết sức phổ biến, hết sức bình thường trong vùng đồng bào dân tộc nói riêng và xã hội hiện nay nói chung. Tình trạng quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức lễ cưới.
Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh (internet, phim ảnh, băng đĩa) được giới trẻ cập nhật dễ dàng, dẫn đến việc tiếp cận với các phim ảnh đồi trụy và gây nên những ham muốn về tình dục của các bạn trẻ, đó là con đường dẫn đến quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên – thanh niên.
Tình trạng tảo hôn ở một số làng còn cao; các chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn và cận huyết thống. Nhiều trường hợp nam, nữ sinh sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nhưng sinh con cái lại được cộng đồng dân cư nơi họ cư trú công nhận, bảo vệ.
          Trước tình trạng trên UBND xã đã đẩy mạnh triển khai một số biện pháp, giải pháp cụ thể như sau:
           - Tăng cường phối hợp với MTTQVN xã và các ban, ngành đoàn thể xã tập trung đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên của xã, cán bộ tuyên truyền xã, thôn, làng lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phát trên hệ thống phát thanh loa truyền thanh xã; tổ chức các diễn đàn, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm học tập cộng đồng xã và lưu động đến các điểm dân cư vùng dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong dòng họ, gia đình, khu dân cư. Trong năm 2019 UBND xã phối hợp với MTTQVN xã và các ban, ngành đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền được 4 đợt và phối hợp với Hội đồng GDPL huyện tổ chức 1 đợt với 910 lượt người nghe.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước của thôn, làng. Trong năm 2019, UBND xã xử lý vi phạm hành chính đối với 9 trường hợp tảo hôn xảy ra ở tại: Thôn 1: 1 trường hợp, Làng Tăng 3 trường hợp, Lơ Vi 2 trường hợp, Làng Bôn 2 trường hợp, Làng Kbông 1 trường hợp, Làng Đăkjông 1 trường hợp. Và từ đầu  năm 2020 đến nay UBND xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 trường hợp tại làng Đăkjông.
Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.                
          Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu trong đấu tranh bài trừ nạn tảo hôn và HNCHT, phải coi là nhiệm vụ của đảng viên trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thờ ơ, vô cảm với các tệ nạn này là một trong những biểu hiện của suy thoái, nhất là đối với con, em của cán bộ, đảng viên.
Đinh Bé