CHUYÊN MỤC

Nghĩa An: Khuyến cáo khả năng bùng phát bệnh xén tóc gây hại trên cây mía

(ngày đăng bài: 02/07/2019)
        Theo dự báo khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa năm nay có khả năng tiếp tục giảm so với những năm trước. Vì vậy, bệnh xén tóc gây hại trên cây mía có khả năng bùng phát trở lại, có thể tăng nhanh cả về mật độ, tỷ lệ hại và diện tích nhiễm. Để ngăn ngừa sự lây lan có thể phát triển thành dịch, UBND xã Nghĩa An khuyến cáo đến bà con nhân dân trên địa bàn xã đặc điểm gây hại và các biện pháp phòng trừ xén tóc trên cây mía, như sau:
 
cay-mia.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

        Đặc điểm gây hại
        Bệnh xén tóc xuất hiện và gây hại ở tất cả các tháng trong năm. Cụ thể: Từ tháng 1-4, xén tóc chủ yếu ở giai đoạn sâu non tuổi nhỏ từ 1-3. Tỷ lệ gây hại của giai đoạn này thấp, vào tháng 4, tỷ lệ gây hại trung bình khoảng 15%. Ở giai đoạn này, sâu non tập trung ở khu vực sát gốc, cắn phá rễ non của mía và ăn xác hữu cơ hoai mục, chúng cắn phá bộ rễ của cây, đục lên thân cây làm cho cây bị héo và chết;
        Giai đoạn từ tháng 5-8 là thời điểm xuất hiện xén tóc với mật độ cao nhất trong năm, lúc này sâu non chủ yếu tuổi từ 3-6, đây là giai đoạn xén tóc gây hại mạnh nhất; Từ tháng 9-11 xen tóc ở giai đoạn nhộng và trưởng thành, đồng thời mía giai đoạn này đã dự trữ đường và chuẩn bị thu hoạch nên tỷ lệ hại giảm. Trong giai đoạn mía đẻ nhánh xén tóc đục các chồi non làm chồi bị héo và khô chết. Khi mía đã vươn lóng, xén tóc đục ăn phần thân cách gốc từ 10-15cm làm héo cây, dễ gãy khi gặp gió to. Khi đào bụi mía để quan sát nhận thấy xén tóc đào thành các đường hào ở phái dưới gốc và xung quanh gốc. Giai đoạn nhộng chúng nằm im không gây hại. Trưởng thành gây hại bằng cách ăn lá nhưng tỷ lệ này không đáng kể.
         Biện pháp phòng trừ
        Vệ sinh đồng ruộng, đốt bỏ tàn dư của mía sau thu hoạch đồng thời tiến hành cày xới gốc, đánh rãnh, bón phân kịp thời, thu gom sâu non và nhộng (nếu có), kết hợp xử lý bằng thuốc hóa học. Tốt nhất nên sử dụng các chế phẩm sinh học từ nấm xanh, nấm trắng;
         Tuyệt đối không trồng lại mía mới trên chân đất vụ trước bị xén tóc gây hại mạnh, cần luân canh sang cây trồng khác sau một năm mới trồng lại mía. Không lấy hom mía ở các vùng bị xén tóc gây hại nặng ở vụ trước làm giống. Trước khi trồng nên xử lý vôi bội tương ứng 500 kg/ha vào lúc làm đất lần cuối kết hợp với rải thuốc hóa học để vào rảnh đất trước khi đặt hom.
          Để tránh xén tóc gây hại mía có thể phát triển thành dịch, nhất là với những diện tích cánh đồng mía lớn. UBND xã Nghĩa An đề nghị bà con nông dân cần theo dõi và triển khai các biện pháp phòng trừ xén tóc như đã hướng dẫn. Hi vọng rằng, với những khuyến cáo về đặc điểm cũng như cách phòng trách xén tóc có thể gây hại, bà con nông dân xã Nghĩa An sẽ có một vụ Mùa 2019 bội thu./.
Hoàng Oanh