CHUYÊN MỤC

Nghĩa An: Triển khai công tác phòng, chống chuột bảo vệ cây trồng

(ngày đăng bài: 18/02/2019)
      Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trong trồng trọt, Đồng thời, Để giúp bà con nhân dân trên địa bàn chủ động hơn trong công tác phòng chống, giảm thiểu tới mức thấp nhất tác hại do chuột gây hại trên lúa và một số cây trồng khác, UBND xã Nghĩa An tiến hành triển khai rộng rãi một số biện pháp phòng trừ chuột bảo vệ cây trồng đến với bà con nhân dân trên địa bàn xã, như sau:
 
T2-Tang-cuong-diet-chuot.jpg
Bà con trộn thuốc duyệt chuột. 

      * Đặc điểm gây hại của chuột
     - Chuột là nhóm động vật ăn tạp, gặm nhấm, có răng cửa sắc, nhọn và rất phát triển; Chuột ưa cắn phá, thức ăn chính của chúng là thực vật. Chuột rất tinh khôn và có tính đa nghi, chạy nhảy rất linh hoạt và có khả năng sinh sản nhanh.
     - Chuột đào hang tại chân đê, bờ ruộng, nơi đất hoang hóa hoặc gò đồi nằm xen kẽ trong cánh đồng; sống ở các đống rơm rạ, bụi cỏ hoặc ngay trong các ruộng cạn nước, … để ẩn náu và sinh sản.
     - Thời gian hoạt động nhiều nhất lúc chạng vạng tối và trước khi trời sáng. Ban ngày, chuột ẩn náu trong hang hay trong các bụi cây rậm rạp. Việc đi lại của chuột hàng ngày thường theo một đường cố định ven các bờ ruộng có cỏ dại che khuất.
     Đặc biệt, Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên, vụ Đông – xuân năm 2018-2019 có khả năng xảy ra hạn hán. Đây điều kiện để chuột gây hại.
     Vậy để người dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại năng suất cây trồng do chuột gây ra, UBND xã Nghĩa An chỉ đạo các cán bộ chuyên môn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thôn, làng theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình chuột hại cây trồng và triển khai các biện pháp phòng trừ có hiệu quả trong thời gian tới, cụ thể bà con nhân dân cần lưu ý có thể áp dụng các biện pháp phòng, chống chuột gây hại, như sau:
      Biện pháp thủ công: Phát quang bờ ruộng, không để bờ ruộng um tùm, rậm rạp làm nơi trú ngụ cho chuột. Đảm bảo mực nước 3-5cm trong ruộng lúa nhằm hạn chế đường đi của chuột nhất là trong giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng. Tìm hang chuột và đào bắt bắt bằng tay, hun khói, ... để nhử vô tiêu diệt chuột. Sử dụng các loại bẫy: Đặt các loại bẫy như bẫy sập, bẫy lồng, bẫy dính, bẫy hom, ... trên đường đi của chuột để chuột dính bẫy và bắt tiêu diệt. 
     Về biện pháp sinh học: Tuyên truyền vận động nhân dân không săn bắt, mua, bán các loại thiên địch của chuột như trăn, rắn các loại, chó, mèo, chim cú, ... Sử dụng chế phẩm sinh học như Biorat để diệt chuột. Dùng Biorat trộn với thức ăn như lúa, gạo, ... để nhử chuột. Khi chuột ăn phải sẽ mắc bệnh thương hàn và lây cho cả đàn. Biện pháp này an toàn với người và gia súc khác.
     Biện pháp hóa học: Biện pháp này chỉ sử dụng khi chuột gây hại ở ngưỡng phải diệt trừ thì tiến hành diệt chuột đồng loạt trong thời gian ngắn và dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn bảo vệ thực vật. Có thể dùng các loại thuốc diệt chuột như  Zinphos 20%, Fokeba 20%, ... trộn với thức ăn như lúa, gạo, ... để làm bã diệt chuột đặt ở bờ ruộng, gần hang hoặc đường đi của chuột. Cần làm liên tiếp vài ngày rồi thu hết bã độc mang đi tiêu hủy. Chú ý biện pháp này tuy hiệu quả nhưng rất nguy hiểm với người, vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường, nên khi thực hiện cần tuân thủ theo hướng dẫn trên nhãn bao bì và có cảnh báo đối với mọi người xung quanh. Không sử dụng các loại thuốc diệt chuột ngoài danh mục được phép sử dụng. Tổ chức thu gom chôn xác chuột chết, thu gom xử lý bao bì thuốc đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
     Bên cạnh đó, bà con cần chú ý làm tốt việc thu gom, tiêu hủy xác chuột chết ở nơi xa khu dân cư, trường học, nguồn nước nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất việc chuột gây hại, bảo đảm vụ đông xuân thắng lợi./.
Hoàng Oanh