CHUYÊN MỤC

Nghĩa An tăng cường phòng chống bệnh khảm hại sắn

(ngày đăng bài: 09/03/2021)
        Với tình hình thời tiết thất thường và nắng kéo dài như hiện nay đã xuất hiện tình trạng nhiễm bệnh khảm lá sắn trên diện tích trồng sắn vụ Đông – Xuân 2020-2021, gây ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và chất lượng của loại nông sản này cho người dân. Một số triệu chứng mà Bà con nông dân có thể nhận biết bệnh khảm lá sắn là dấu hiệu khảm vàng loang lỗ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ 2 tháng tuổi trở đi cho thấy virus lây nhiễm từ khi cây sắn còn non.
Đang-lo-Benh-kham-la-san-bung-phat-o-Gia-Lai-lay-lan-chong-mat.jpg
Bệnh khảm lá trên cây sắn. Ảnh minh họa

        Vậy, để hạn chế, dập tắt dịch bệnh khảm lá sắn, thiết nghĩ bà con nông dân cần tăng cường công tác kiểm dịch nhập giống và giống nội địa, đặc biệt đối với hom giống HL-S11 phải xử lý theo quy định hiện hành. Bà con có trồng giống HL-S11 cần rà soát thống kê diện tích nhiễm, khuyến cáo nông dân sử dụng thay thế giống HL-S11 bằng các giống không nhiễm bệnh.
        Yêu cầu bà con nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn đúng quy trình kỹ thuật, trong đó chú trọng chỉ đạo cấm việc vận chuyển hom giống sắn ra khỏi vùng dịch hoặc sang địa phương khác; không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm mua bán, trồng giống sắn HL-S11; tích cực tổ chức phòng trừ bọ phấn trắng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng sắn chuyển sang cây trồng khác hoặc không trồng sắn ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh.
        Với các diện tích sắn chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn, UBND xã cũng yêu cầu bà con cần tiến hành rà soát kĩ diện tích trồng sắn của mình để phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống;
        Ngoài ra, bà con nông dân cũng có thể tuân theo một số biệp pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn dưới đây:
        Chọn giống kháng bệnh, không nhiễm bệnh KM 94, KM 95; không nhập hom giống bị nhiễm bệnh từ các vùng đang có dịch về trồng tại tỉnh như: HLS-11, KM 419, KM 140. Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt, …) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.
       Đối với những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn bằng thuốc BVTV như: Pymetrozine, Dinotefuran,... phun ướt đều toàn bộ tán lá sắn, phun khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng thì hiệu quả cao hơn. Lưu ý sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”.
        Khoanh vùng và tiêu hủy nguồn bệnh theo quy trình của Cục Bảo vệ thực vật, áp dụng với các ruộng sắn; tiêu hủy một phần các ruộng sắn tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt; tiêu hủy toàn bộ các ruộng sắn tỷ lệ bệnh > 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt. Các ruộng sắn có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây, tận thu củ còn thân lá phải đem tiêu hủy. Tuyệt đối không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh khảm.
        Không vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây sắn từ những vùng nhiễm bệnh sang vùng chưa nhiễm bệnh để trồng mới và lưu thông đến các vùng khác, địa phương khác; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến./.
        Thiết nghĩ, để tránh những thiệt hại đến mức thấp nhất gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và sản lượng sau thu hoạch của bà con, ngoài sự hướng dẫn, định hướng của chính quyền địa phương, bà con nông dân cũng cần chủ động tìm hiểu và có những biện pháp kịp thời nhất để hạn chế sự lây lan của mầm bệnh trên cây trồng./.
 
Hoàng Oanh-PBT Ðoàn xã