CHUYÊN MỤC

Có một Đak Rong nơi đầu nguồn

(ngày đăng bài: 13/06/2018)
(GLO)- Đến nay, các nguồn tài liệu đều xác nhận sông Ba phát nguyên từ sườn phía Tây dãy Trường Sơn, bắt nguồn từ núi Ngọc Rô; riêng trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, xuất bản năm 2009, có ghi sông Ba bắt nguồn từ núi Ngok Rô, ở độ cao 1.240 mét, trên dãy Ngok Linh, chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn. Ở đây, có một địa danh cụ thể là núi Ngọc Rô (tiếng Sê Đăng gọi là Ngok Rô) nằm trong quần sơn Ngok Ang (thường gọi Ngọc Linh) được các tài liệu đều nhắc tới. Vừa qua, chúng tôi đã đi tìm địa danh nói trên.
Nhìn trên bản đồ hành chính của huyện Kbang thấy xã Đak Rong nằm chếch về hướng Tây Bắc, gần giáp với tỉnh Kon Tum, có địa hình khá rộng với những chấm xanh-hồ tích nước, nhưng lại không nhìn rõ dấu vết của sông Ba từ phía xã Krong ngược lên. Chúng tôi hơi hoang mang: “Vậy sông Ba đi qua ngã nào của địa phận Kbang để ngược về dãy Ngok Linh chằng chịt phía Bắc? Hỏi một số cán bộ thông thạo địa hình Kbang, họ đều lắc đầu! Chúng tôi quyết định làm cuộc hành trình về nguồn.
 
Thời tiết bây giờ đã cuối mùa mưa, khá khô hanh. Ăn cơm vội ở thị trấn Kbang, không nghỉ trưa, đoàn chúng tôi vượt đường Trường Sơn Đông đẹp như mơ, qua những cánh rừng già mát mẻ. Chạy khỏi UBND xã Sơn Lang độ 6 km, rẽ phải chếch về phía Tây theo con đường đất dưới tán rừng khoảng gần 15 km là đến xã Đak Rong. Ở đây, địa hình đồi núi khá gập ghềnh, ít có nơi bằng phẳng, dân cư thưa thớt, nằm cách thị trấn huyện lỵ Kbang khoảng 70 km.

Chúng tôi vào Trường Tiểu học Bán trú Đak Rong tìm gặp các thầy giáo người dân tộc bản địa để hỏi thăm về hệ thống sông suối đi qua địa phương. Đúng như dự đoán, đây là nơi các dòng chảy thuộc đầu nguồn của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, có độ cao trên 1.700 mét, nơi bảo vệ lưu vực cho hệ thống sông Ba (chảy về hướng Đông Nam) và sông Đak Pne (thuộc Kon Tum) chảy vào hệ thống sông Sê San (phía Tây). Trên địa bàn xã Đak Rong hiện tại có 3 hồ chứa nước (hồ A, hồ B và hồ C) điều tiết nguồn nước cho thủy điện Vĩnh Sơn (66 MW) ở Bình Định. Từ trung tâm xã Đak Rong, chúng tôi đi qua hai ngọn đồi phía Đông ước độ 3 km thì có một dòng sông chắn ngang, bên dưới có thác nước cao độ 20 mét.

Trước đây, người ta cho xây một đập tràn qua sông, mùa này, nước lúp xúp lội ngang mắt cá chân, người và xe cộ qua lại bình thường, nhưng có lẽ mùa lũ lớn con đường này bị gián đoạn. Vì thế, mới đây, địa phương được Nhà nước tài trợ cho xây dựng cầu treo bắc qua sông khá bề thế giúp cho giao thông thuận lợi cả hai mùa mưa nắng. Đây chính là khúc thượng nguồn sông Ba kỳ vĩ. Đứng nhìn dòng nước trong vắt đổ về phía thác cao tung bọt trắng xóa, xung quanh là những khu rừng bạt ngàn xanh ngắt một màu, chúng tôi có cảm giác mình đang đứng cạnh một khe nước trong lành, nguyên sơ từ đỉnh Trường Sơn xa xôi-nơi sản sinh ra những dòng sông điểm tô cho quê hương, xứ sở thân yêu. Trời chiều hơi lành lạnh, bất chợt có cơn mưa rừng nặng hạt nhưng rồi chúng cũng tan nhanh, trả lại cho núi một màn sương nhạt…

Tạm biệt Đak Rong, chúng tôi băng qua Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng nằm cạnh Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, giáp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên An Lão (tỉnh Bình Định) phía Đông và giáp xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) về phía Bắc. Vùng này được xác định là đầu nguồn lưu vực sông Côn. Đến Măng Đen-nơi huyện lỵ Kon Plông thì trời đã nhá nhem tối. Thị trấn giữa vòm thông xanh của đại ngàn Trường Sơn về đêm trông khá hấp dẫn, nhiệt độ ngoài trời mùa này giảm sâu, lạnh như cao nguyên Đà Lạt. Kon Plông có 10 địa danh cấp xã nhưng hoàn toàn không có tên Ngok Rô.

Sáng hôm sau, chúng tôi theo đường 24 về huyện Kon Rẫy, nơi có xã Đak Pne, giáp với xã Đak Rong và xã Kon Pne thuộc huyện Kbang. Gặp những người Bahnar địa phương thì chúng tôi mới hiểu rằng vùng giáp ranh giữa 2 huyện Kon Rẫy và Kbang chỉ có núi liền núi nhưng sông không liền sông. Những dòng chảy thuộc lưu vực sông Đak Pne đổ về Sê San phát nguyên từ những dãy núi nghiêng về phía Tây thuộc địa bàn này, còn những dòng chảy nghiêng về sườn Đông thì thuộc lưu vực sông Ba, một sự phân chia sòng phẳng của tự nhiên không ảnh hưởng gì với nhau. Điều dễ nhầm lẫn là khi mới nghe tên địa danh, một bên dùng Kon và một bên gọi Đak, tiếng địa phương đều chỉ khái niệm “nước” cả, dịch sang tiếng phổ thông, cả hai đều gọi là “con nước Pne”. Như vậy khả năng sông liền sông là có thể xảy ra. Nhưng thực tế không như điều tưởng tượng. Chúng tôi lại phải làm một cuộc hành trình khác, đi thẳng về hướng Bắc Kon Tum leo lên quần sơn Ngok Linh, được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên với ước mong được nhìn rõ những dòng chảy của dòng sông mẹ.