CHUYÊN MỤC

GỢI Ý GIẢI ĐÁP TÌNH HUỐNG DÀNH CHO HÒA GIẢI VIÊN CƠ SỞ

03/08/2021
Tình huống 5: NGƯỜI CHỒNG MÊ CÂY KIỂNG
 
     Anh Nghĩa và chị Tình kết hôn đã ba năm và có một con trai rất kháu khỉnh. Anh Nghĩa không rượu chè, cờ bạc, lương tháng luôn đưa về cho vợ đầy đủ. Tuy nhiên, anh lại rất mê cây kiểng. Làm ngành xây dựng, thường xuyên xa nhà, nhưng mỗi khi về đến nhà, việc đầu tiên là anh chạy ra thăm vườn kiểng.
     Anh Nghĩa chăm chút từng chậu bonsai không màng đến ăn uống. Việc nhà anh để vợ lo. Con trai mới hai tuổi nhưng anh cũng không dành thời gian chơi với con, anh nói: “Con chăm là bổn phận của mẹ”.
     Chị Tình vốn là người ít nói, luôn nín nhịn, chị nghĩ chỉ cần anh lo được kinh tế cho gia đình thì cũng tốt rồi. Cho đến một ngày, con trai bệnh nặng, phải đi cấp cứu, nhưng chị Tình gọi cho chồng mãi không được. Một mình chị xoay xở trong bệnh viện, khi chị về đến nhà thì thấy chồng cũng vừa về tới. Anh Nghĩa thuê xe tải chở về một chậu ổi bonsai, anh hí hửng nói với vợ: “Anh phải mượn gấp hai trăm triệu mới mua được nó về đấy, không nhanh tay là người khác nẫng mất”.
     Chị Tình tức giận vô cùng, dùng tay đẩy chậu bonsai vỡ tan tành. Anh Nghĩa quá bất ngờ, quay sang tát chị. Hai người to tiếng với nhau suốt nửa ngày trời, rồi quyết định sẽ viết đơn ly dị.
Nếu ông (bà) là hòa giải viên đảm nhiệm vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?
Gợi ý giải đáp tình huống:
     Hòa giải viên nêu tóm tắt sự việc, sau đó yêu cầu các bên trình bày sự việc và nguyện vọng của mình.
Hòa giải viên phân tích:
     Nguyên nhân mâu thuẫn giữa hai vợ chồng: Anh Nghĩa ham mê cây kiểng không màng đến việc chăm con, lo công việc nhà, anh nói chăm con là bổn phận của mẹ. Khi con bị bênh, chị Tình gọi cho chồng không được, khi về tới nhà thấy anh mua chậu ổi bon sai và anh nói mượn hai trăm triệu để mua. Do chăm con ở bênh viện đã mệt lại nghe anh Nghĩa nói vay tiền để mua cây ổi nên chị Tình tức giận, lấy tay đẩy vỡ chậu bonsai. Anh Tình tát chị Nghĩa. Hai bên mâu thuẫn nhau.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 17. Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng
     Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.
Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
     Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Về phía anh Nghĩa: Anh Nghĩa nói việc chăm con bổn phận của mẹ là sai. Theo đó, việc chăm sóc giáo dục con cái là trách nhiệm của cha, mẹ. Cả cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.
     Anh Nghĩa đam mê cây kiểng không phải là sai, tuy nhiên chơi cây phải có chừng mực, có giới hạn, phải dành thời gian chăm sóc cho vợ, cho con. Anh Nghĩa thường xuyên xa nhà thì lại càng phải dành nhiều thời gian cho vợ, cho con, đằng này anh lại dành thời gian cho cây kiểng. Anh Nghĩa với tư cách là một người chồng, người trụ cột trong gia đình anh nên cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình, cùng vợ chăm sóc, giáo dục con cái.
     Bên cạnh đó, với trách nhiệm của một người chồng anh phải biết yêu thương tôn trọng vợ, anh phải làm gương để con cái học tập, noi theo. Là người đàn ông, trụ cột của gia đình, nên làm việc gì cũng phải cẩn trọng, suy xét kỹ trước khi hành động, chứ không phải đụng một cái là đụng tay, đụng chân sẽ làm tổn thương vợ.
     Việc anh Nghĩa mượn hai trăm triệu để mua chậu cây bonsai mà không bàn bạc, thỏa thuận với vợ là một trong những nguyên nhân khiến chị Tình tức giận.
     Theo quy đinh tại Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
     Tuy anh Nghĩa đứng ra vay tiền để mua chậu cây ổi đó nhưng là vay mượn trong thời gian hai bên là vợ chồng nên vợ anh cũng có trách nhiệm trong việc vay mượn đó. Vì vậy, nên khi anh Nghĩa muốn mua gì, làm gì phải bàn bạc, hỏi ý kiến của vợ để hai vợ chồng thống nhất ý kiến, không được tự ý đứng ra vay tiền để phục vụ cho thú vui, đam mê của mình mà không hỏi ý kiến của vợ.
     Bản thân anh Nghĩa cần phải bình tĩnh, nhìn lại thái độ và cách cư xử của mình xem đã đúng hay không? Dù có đam mê cái gì đi nữa cũng phải xác định gia đình là cái chốt, là tổ ấm nên phải biết trân trọng bảo vệ và vun đắp để vợ chồng và con cái luôn được yên vui, hạnh phúc.
     Về phía chị Tình: Việc chị Tình dùng tay đảy vỡ chậu bonsai cũng là sai. Chị tức giận vì gọi cho anh Nghĩa không được khi con đau ốm. Trước đó thì anh mê cây kiểng, bỏ bê vợ con, chẳng màng đến công việc gia đình, lại vay mượn 200 triệu để mua cây cảnh mà không hỏi ý kiến của chị. Nhiều sự việc dồn nén để lâu thành tức nước vỡ bờ, chị đã đẩy chậu bonsai vỡ tan tành. Chậu bonsai lại là niềm đam mê bấy lâu nay của anh Nghĩa nên trong lúc nóng nảy anh Nghĩa đã ra tay tát chị. Đáng lẽ chị phải bình tĩnh hơn, tìm ra cách giải quyết. Khi mà có chuyện không vừa lòng với anh Nghĩa, chị nên nói ra, trao đổi với anh Nghĩa chứ không để dồn nén trong lòng cam chịu một mình gây bí bách, búc xúc cho bản thân, tạo khoảng cách giữa vợ và chồng.
     Trong vấn đề xảy ra thì anh Tình và chị Nghĩa đều có lỗi, nên thấy rõ cái sai của mình và tìm hướng giải quyết, không vì một chút nóng giận nhất thời mà to tiếng, rồi viết đơn ly dị. Cả hai đã có thời gian chung sống 03 năm và có một con trai khấu khỉnh, hai bên phải giữ gìn hạnh phúc cho gia đình, không chỉ cho bản thân mỗi người mà trên hết đó là tình yêu giữa hai người, là tình yêu dành cho đứa con. Thế mà chỉ vì một chút mâu thuẫn mà đã quyết định viết đơn ly hôn mà không nghĩ đến hạnh phúc, sự mất mát mà sau này con cái phải gánh chịu.
     Anh Nghĩa và chị Tình nên đặt mình vào vị trí của nhau để suy nghĩ cho đối phương, cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, để cả hai cùng hiểu nhau hơn vì trong hoàn cảnh nào của gia đình, hai vợ chồng đều có trách nhiệm giải quyết và đều có hướng giải quyết.
     Ông bà ta có câu:
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê
     Anh Nghĩa và chị Tình nên xin lỗi nhau, cùng nhau bỏ qua những sai lầm, thiếu sót của nhau để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Anh Nghĩa có mê cây kiểng thì cũng nên nghĩ về người vợ của mình, phải phụ giúp công việc nhà, phải cùng vợ chăm sóc giáo dục con. Chị Tình cũng nên ủng hộ đam mê của chồng, đồng thời thường xuyên trao đổi, góp ý, phân tích nhẹ nhàng với anh Nghĩa khi anh bỏ bê gia đình, con cái.
     Tổ hòa giải nên chỉ rõ cho anh Nghĩa và chị Tình thấy được những sai lầm, thiếu sót của mỗi bên đồng thời khuyên nhũ anh chị cần suy nghĩ về hạnh phúc gia đình, về con cái, từ bỏ ý định viết đơn ly hôn.