CHUYÊN MỤC

Mắc đường dây tải điện qua nhà người khác

08/11/2022
Nhà ông Dinh và ông Sinh ở cạnh nhau, nhà ông Dinh ở ngoài, nhà ông Sinh ở trong. Khi ông Sinh làm nhà đã xin phép để đường dây tải điện đi qua nhà ông Dinh, những ông Dinh không đồng ý, vì vậy hai bên đã lời qua tiếng lại, gây xích mích, không ai chịu ai, xung đột, mâu thuẫn giữa hai nhà có nguy cơ nảy sinh.
Được giao hòa giải vụ việc trên, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?
Gợi ý trả lời:
1. Xác định nguyên nhân mâu thuẫn:
Nhà ông Dinh và ông Sinh mâu thuẫn là do đường dây tải điện và đường dây điện thoại nhà ông Sinh đi qua nhà ông Dinh.
2. Căn cứ pháp lý
Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 quy định về mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác: “Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
3. Hướng giải quyết
- Là hòa giải viên khi được phân công tiến hành hòa giải trên cơ sở quy định Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về mắc đường dây tải điện,thông tin liên lạc qua bất động sản khác để phân tích các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.
- Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột.
Thuyết phục ông Dinh để cho ông Sinh mắc đường dây tải điện và đường dây điện thoại một cách hợp lý.
Đề nghị khi mắc đường dây, ông Sinh phải bảo đảm an toànvà không được làm ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà ông Dinh.

                                                                                                                                 Nguyễn Thị Thu Hiền