CHUYÊN MỤC

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

08/07/2020

     Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam, được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
     Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã được quy định cụ thể tại Điều 11 Luật Bình đẳng giới, đó là:
     1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
     2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
     3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
     4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
     5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
     a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
     b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.”
 
BĐG.jpg

Hình ảnh mang tính minh họa
 
     Để đạt được mục tiêu “tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”, cần tập trung thực hiện các giải pháp:
     1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương và định hướng sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý.
     2. Quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bảo đảm yêu cầu phát triển liên tục, bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tránh tình trạng khi đại hội, bầu cử mới tìm kiếm nhân sự đủ tiêu chuẩn.
                                                                                                                                   
                                                                                                                                     Nguyễn Thị Thanh Huyền