CHUYÊN MỤC

Giới thiệu 10 Luật, 21 Nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9

21/08/2020

Vừa qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết.  Ủy ban nhân dân xã Đông xin giới thiệu tóm tắt nội dung của các Luật, Nghị quyết cụ thể như sau:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Ngày 10/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp năm 2012, năm 2018. Luật này đã bổ sung 01 điều, 04 khoản và 04 điểm; sửa đổi, bổ sung 08 điều, 22 khoản và 09 điểm.
Theo đó, Luật Giám định tư pháp mở rộng phạm vi của giám định tư pháp theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành; bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự là “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
File đính kèm: Luật 56/2020/QH14
2. Luật Thanh niên
Ngày 16/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thanh niên, Luật này có 7 chương, 41 điều và đã sửa đổi toàn diện Luật Thanh niên năm 2005.
Luật không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân thanh niên để làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
File đính kèm: Luật 57/2020/QH14
3. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Ngày 16/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Luật này, gồm 4 chương, 42 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Luật quy định điều kiện được bổ nhiệm Hòa giải viên: Đã là Thẩm phán, Thanh tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên, luật sư,…; Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại.
Người đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên.
 Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
File đính kèm: Luật 58/2020/QH14
4. Luật Doanh nghiệp
Ngày 17/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Doanh nghiệp. Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.
Luật Doanh nghiệp năm 2020, gồm 10 chương, 218 điều có nhiều cải cách quan trọng. Theo đó, thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”. 
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13.
File đính kèm: Luật 59/2020/QH14
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều
Ngày 17/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 và Luật Đê điều số 79/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2008/QH12, Luật số 35/2018/QH14.
Luật này đã bổ sung 04 loại thiên tai, gồm: gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán; bổ sung 05 loại công trình phòng chống thiên tai, gồm: kè, chống xâm nhập mặn, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; bổ sung quy định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tại được thành lập ở cấp xã, do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập.
 Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021.
File đính kèm: Luật số 60.signed.pdf 
6. Luật Đầu tư
Ngày 17/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Đầu tư, có 7 Chương 77 Điều và đã thay thế Luật Đầu tư số 67/2014/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 90/2015/QH13, Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 42/2019/QH14, trừ Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH14.
Luật này quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
File đính kèm: Luật 61/2020/QH14
7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
Ngày 17/6/2020, Quốc hội thông qua Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 40/2019/QH14.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng quy định các hình thức quản lý dự án do người quyết định đầu tư xem xét quyết định theo quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.                                  
File đính kèm: Luật 62/2020/QH14
8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 18/6/2020, Quốc hội thông qua Luật số 63/2020/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung  54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Luật này đã bỏ yêu cầu lập đề nghị theo quy trình chính sách đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27. Ngoài ra, Luật này cho phép HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định QPPL để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới; Bổ sung trường hợp cho phép địa phương được quy định TTHC trong trường hợp cần thiết đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27, đồng thời, cho phép sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có quy định TTHC ban hành trước ngày 01/7/2016 với điều kiện không làm phát sinh TTHC mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết TTHC đang áp dụng; Sửa đổi, bổ sung một số quy định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành VBQPPL.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
File đính kèm: Luật 63/2020/QH14
9. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Ngày 18/6/2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật này, có 11 chương, 101 điều quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định cụ thể về lĩnh vực đầu tư, quy mô đầu tư, phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Hội đồng thẩm định dự án PPP, Vốn nhà nước trong dự án PPP, lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, huy động vốn của doanh nghiệp dự án, Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
File đính kèm: Luật 64/2020/QH14
10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Ngày 19/6/2020, Quốc hội thông qua Luật số 65/2020/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung  11 điều và bổ sung 03 điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội; đổi tên “Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng” thành “Ủy ban văn hóa, giáo dục” và đổi tên “Ủy ban về các vấn đề xã hội” thành “Ủy ban xã hội” để bắt đầu thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
File đính kèm: Luật số 64.signed.pdf 
 
 
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội cũng thông qua 21 Nghị quyết, cụ thể:
– Nghị quyết 102/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu;
– Nghị quyết 103/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu;
– Nghị quyết 104/2020/QH14 về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức;
– Nghị quyết 105/2020/QH14 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021;
– Nghị quyết 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020;
– Nghị quyết 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016;
– Nghị quyết 108/2020/QH14 về việc Bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
– Nghị quyết 109/2020/QH14 về việc Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
– Nghị quyết 110/2020/QH14 về việc Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
– Nghị quyết 111/2020/QH14 phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia;
– Nghị quyết 112/2020/QH14 về Bầu giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV;
– Nghị quyết 113/2020/QH14 về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu;
– Nghị quyết 114/2020/QH14 về phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018;
– Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân hàng đặc thù đối với thành phố Hà Nội;
– Nghị quyết 116/2020/QH14 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác;
– Nghị quyết 117/2020/QH14 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020;
– Nghị quyết 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;
– Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;
– Nghị quyết 120/2020/QH14 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;
– Nghị quyết 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em;
– Nghị quyết 122/2020/QH14 về kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.