CHUYÊN MỤC

Hỏi đáp pháp luật

16/08/2019

1. Hỏi: Sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 3 và Khoản 1, Điều 9 của Luật Hôn nhân và Gia đình:
       - Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
       - Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Như vậy, Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên cần xem xét một số trường hợp được nêu dưới đây
Việc sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được chia ra các trường hợp sau:
1. Tại khoản 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP: "Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực) mà chưa có đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, tòa án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung".
=> Trường hợp này pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng mặc dù không đăng ký kết hôn
2. Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001:
Trường hợp này, nếu có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật thì phải đăng ký kết hôn trong thời hạn 2 năm và cần chú ý như sau:
+ Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu chưa đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng
+ Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng
+ Kể từ sau ngày 01/01/2003 mới đăng ký kết hôn quan hệ vợ chồng chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.
3. Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng
       Như vậy: Những trường hợp sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thuộc những trường hợp mà pháp luật không CÔNG NHẬN thì không được bảo vệ theo chế độ vợ và chồng theo Luật HNGĐ 2014. Còn việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn và các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 5 và Điều 8 Luật HNGĐ 2014 thì mới được coi là vi phạm pháp luật.
       2. Hỏi: Em trai tôi (22 tuổi) bị bắt do test trong nước tiểu có chất ma túy. Vậy tôi xin hỏi em trai tôi lần đầu vi phạm  về việc sử dụng ma túy có bị truy tố hình sự không? Và có bị đưa đi cai nghiện bắt buộc không?
Trả lời:
Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự hiện nay không bao gồm hành vi sử dụng ma túy trái phép.
       Như vậy: Có thể thấy, hiện nay pháp luật không coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm. Nên người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
       Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người nào có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trường hợp người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là người nước ngoài, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Khoản 7 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy còn bị tịch thu tang vật, phương tiện dùng để sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Khoản 6 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
       Như vậy: Trường hợp em trai của bạn bị cơ quan chức năng tạm giữ do có hành vi sử dụng chất ma túy thì em trai của bạn có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (mức trung bình là 750.000 đồng) và bị tịch thu tang vật, phương tiện dùng để sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định.
       - Sử dụng ma túy có có bị đưa đi cai nghiện bắt buộc không?
Theo quy định định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.
Theo đó, Theo quy định tại Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Tuy nhiên, pháp luật đồng thời quy định không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
- Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
- Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Như vậy: Trường hợp em trai bạn hiện tại đã 22 tuổi nếu đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định và không thuộc các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc kể trên thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.
       3. Hỏi: Con tôi tên là Lê Văn Nam (15 tuổi) được ông bà nội thưởng cho chiếc điện thoại di động trị giá hơn 5 triệu đồng. Sau đó con tôi bán chiếc điện thoại đó cho bạn cùng xóm tên là Trần Văn Hạnh (14 tuổi) với giá 2 triệu.  Khi biết được sự việc. Tôi đến nhà cháu Hạnh chuộc lại chiếc điện thoại và trả cho cháu Hạnh 02 triệu nhưng bố mẹ cháu Hạnh không đồng ý.
 Xin hỏi giao dịch này có bị vô hiệu hay không? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? 
Trả lời: Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015, “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”
Như vậy, theo quy định nêu trên, cháu Lê Văn Nam đã đủ 15 tuổi nên cháu Nam có quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nằm trong phạm vi tài sản riêng của mình. Chiếc điện thoại mà cháu Nam đem bán được coi đây là tài sản riêng của Nam, nên Nam có thể được bán nó mà không cần phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (bố mẹ cháu Nam).
Còn cháu Trần Văn Hạnh mới 14 tuổi, việc thiết lập thực hiện giao dịch dân sự của cháu Hạnh phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (bố mẹ Hạnh), trừ những giao dịch có giá trị nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi như mua đồ ăn, đồ dùng học tập bút, vở… 
Trường hợp này cháu Trần Văn Hạnh thực hiện giao dịch mua bán điện thoại thì không phải là phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và không phù hợp với lứa tuổi nên không được pháp luật công nhận. Khi bị phát hiện sẽ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, có nghĩa là hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Vậy trong trường hợp này cháu Hạnh sẽ phải trả lại cháu Nam chiếc điện thoại và cháu Nam phải trả lại cháu Hạnh 02 triệu đồng.
       4. Hỏi:  Tôi đưa con trai là M (4 tuổi) đến bệnh viện K để khám vì đau ruột thừa. Cháu M đã ngồi đây từ sáng nhưng vẫn chưa được vào khám vì tôi không mang theo thẻ bảo hiểm y tế và không có tiền để đóng phí khám bệnh. Tuy nhiên, sau khi được thông báo, Giám đốc bệnh viện K đã ra giải quyết vụ việc và tạo điều kiện cho con tôi được khám bệnh.
Xin hỏi Hành vi cản trở, không khám chữa bệnh cho trẻ em sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Quyền được chăm sóc sức khỏe là một quyền cơ bản của trẻ em được ghi nhận trong Công ước liên hợp quốc về quyền trẻ em. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng khẳng định : trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.
Khoản 3 và 4 Điều 21 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em theo quy định hoặc trong trường hợp cấp cứu.
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Như vậy, hành vi cản trở không khám chữa bệnh cho trẻ em nhu tren sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng
       5. Hỏi: Bạn tôi mua lại xe mô tô của người khác nhưng không làm thủ tục đăng ký sang tên xe mà chỉ mua bán mang tính chất trao tay. Vậy pháp luật quy định về thời hạn làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe như thế nào? Và nếu tôi không sang tên, thì có bị phạt không, nếu có thì mức phạt là bao nhiêu?
Trả lời:
       - Về trách nhiệm đăng ký sang tên khi mua xe máy
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 04 năm 2014: "Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe".
Như vậy, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, bạn phải đến cơ quan đăng ký xe (theo quy định tại Điều 3 Thông tư 15/2014/TT-BCA năm 2014) làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
       - Về việc xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi không sang tên, đổi chủ xe mô tô, xe gắn máy
Chủ xe môtô, xe gắn máy không sang tên, đổi chủ sẽ bị phạt tiền, với mức phạt lên tới 400.000 đồng. Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định như sau về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ:
“Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
 (b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô”
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ về khái niệm đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình), vì theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông thì đây không phải là mức phạt đối với người điều khiển xe.
Theo những quy định quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ công an trong việc tuần tra, kiểm soát tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT-BCA, cán bộ không được thực hiện việc dừng xe để kiểm tra lỗi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông, người điều khiển xe vi phạm lỗi khác, khi kiểm tra có thể sẽ bị xem xét, xử lý thêm lỗi không sang tên xe của chủ xe - người điều khiển xe sẽ nộp phạt thay.
Trên đây là một số tình huống Hỏi đáp pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân & gia đình và lĩnh vực dân sự.