CHUYÊN MỤC

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý ĐỐI VỚI CỞ SỞ CHĂN NUÔI THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT CHĂN NUÔI NĂM 2018

15/07/2021

     Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020; Chính phủ ban hành Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 về hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi; Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sau đây là một số quy định mới người dân cần lưu ý để thực hiện đảm bảo các quy định của Luật Chăn nuôi, như sau:
     1. Thuật ngữ Chăn nuôi trong Luật chăn nuôi là gì?
Chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
     2. Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm:
-  Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên;
- Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;
- Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi;
- Chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.
     3. Điều kiện đối với chăn nuôi trang trại:
- Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi theo quy định của vùng;
- Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;
- Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;
- Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;
- Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.
     4. Điều kiện đối với chăn nuôi nông hộ:
- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
     5. Quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại
- Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 100 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 150 mét.
- Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô vừa đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 200 mét; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 300 mét.
- Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 400 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 500 mét.
- Khoảng cách giữa 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50 mét.
     6. Kê khai hoạt động chăn nuôi
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi về chủng loại, số lượng vật nuôi với UBND xã thời gian từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý.
     7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi
- Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
- Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.
- Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.
- Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.
- Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.
- Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.
- Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.
- Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
- Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.
- Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
     8. Xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại
- Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
     9. Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ
Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
- Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
     10. Khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến (Theo quy định Nghị quyết 127/2020/NQ-HĐND):
- Khu vực thuộc khu dân cư không được phép chăn nuôi: là khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND huyện phê duyệt.
- Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu dân cư (thôn, buôn, làng và tương đương đã được quy hoạch) và ngoài khu vực không được phép chăn nuôi; đồng thời, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về nuôi chim yến: Nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300m; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày.
     11. Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi
Ngày 01 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/4/2021. Cần lưu ý một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi như sau:
* Về điều kiện chăn nuôi được xử lý cả 03 loại hình chăn nuôi nông hộ, trại chăn nuôi vừa và nhỏ, trang trại chăn nuôi quy mô lớn:
- Đối với hành vi chăn nuôi trong vùng không được phép chăn nuôi tùy theo quy mô chăn nuôi mức xử phạt từ 2 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
- Đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn (hơn 300 đơn vị vật nuôi) nếu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi sẽ bị xử lý từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
* Về kê khai hoạt động chăn nuôi: Các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi nếu không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã, sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
* Về điều kiện nuôi chim yến:
+ Mức xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với nhà yến xây trong khu dân cư hoặc cách khu dân cư dưới 300 m sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến.
+ Mức xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối xử dụng thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn và thời gian quy định.
*******