CHUYÊN MỤC

TÌM HIỂU CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (PHẦN 1)

05/01/2022

Câu 1.  Hoạt động hòa giải ở cơ sở là gì?
Trả lời:
Trong cuộc sống hàng ngày ở các cộng đồng dân cư (bao gồm thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác) có thể nảy sinh những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ giữa người dân. Để giải quyết nhanh chóng, kịp thời những mâu thuẫn, xích mích này, nhằm bảo đảm sự đoàn kết, giữ gìn tình nghĩa láng giềng, hòa giải viên sẽ hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Hoạt động này được hiểu là hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải viên là những người được công nhận theo trình tự do pháp luật quy định, họ hoạt động trong tổ hòa giải, một tổ chức tự quản do nhân dân thành lập.
Câu 2. Gia đình ông Tiến chặt gốc mít trong vườn, do cây mít quá to nên đã đổ sang nhà bà Hiền bên cạnh, dẫn đến một số hư hại nhỏ như đổ tường bao, làm hỏng chuồng nuôi gà. Ông Tiến muốn bồi thường nhưng bà Hiền lại chê số tiền quá ít, không bù đắp được thiệt hại. Hai gia đình nảy sinh xích mích. Xin hỏi: Hòa giải viên ở cơ sở có thể hòa giải vụ việc này hay không?
Trả lời                                                     
Điều 3, Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012 quy định: việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:
- Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
- Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;
- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;
- Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Đối với trường hợp của ông Tiến và bà Hiền, đây là tranh chấp mâu thuẫn nhỏ nảy sinh giữa hai gia đình. Vụ việc này không thuộc các trường hợp mà pháp luật cấm hòa giải nên hòa giải viên có quyền tiến hành hòa giải.
Câu 3. Nguyễn Văn A thực hiện hành vi hiếp dâm cháu N (15 tuổi). Khi vụ việc bị phát giác, A đề nghị bồi thường cho gia đình người bị hại một số tiền với điều kiện không bị kiện ra tòa. Gia đình nạn nhân vì không muốn ảnh hưởng đến tâm lý của cháu N và sợ tai tiếng nên cũng không muốn kiện A ra tòa. Hai bên tiến hành hòa giải và nhờ một hòa giải viên làm trung gian. Xin hỏi: Hòa giải viên có thể hòa giải vụ việc này không?
Trả lời
Theo Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012 thì những hành vi vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được phép hòa giải.
Đối với vụ án hiếp dâm này, A đã phạm tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999. Do cháu N mới chỉ 15 tuổi. Hành vi này bắt buộc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên không được phép hòa giải.
Trong trường hợp này hòa giải viên có nghĩa vụ giải thích cho gia đình người bị hại và tố giác hành vi phạm tội của anh A đến cơ quan công an.
Câu 4. Hoạt động hòa giải phải tiến hành theo những nguyên tắc nào?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012, hoạt động hòa giải phải tiến hành theo những nguyên tắc sau đây:
- Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.
- Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.
- Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp hòa giải viên có trách nhiệm thông báo theo quy định của pháp luật
- Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
- Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.
Câu 5. Bà Nhung là công chức xã đã về hưu. Bà tham gia nhiệt tình vào hoạt động của hội phụ nữ xã và được mọi người tin tưởng. Bà muốn trở thành hòa giải viên để sử dụng vốn hiểu biết pháp luật tích lũy trong những năm công tác của mình góp ích cho cộng đồng. Xin hỏi: Để trở thành hòa giải viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì? Bà Nhung có đủ điều kiện để trở thành hòa giải viên hay không?
Trả lời
Điều 7 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên như sau:
Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:
- Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
Bà Nhung là người có hiểu biết pháp luật, đã từng hoạt động trong hội phụ nữ xã lâu năm và có uy tín nên hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành hòa giải viên.
                                                                                                                                           Nguyễn Thị Thu Hiền