CHUYÊN MỤC

Tài liệu tập huấn kỹ năng, hoạt động tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn xã đông năm 2022

30/08/2022

Thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 14/01/2022 về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, xã đạt chuẩn Tiếp cận pháp luật năm 2022; Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 25/8/2022 về tập huấn kỹ năng, hoạt động Tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn xã Đông năm 2022;
Để củng cố, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản trong quá trình thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Tuyên truyền viên pháp luật, đồng thời xây dựng, hình thành thói quen vận dụng các kỹ năng nghiệp vụ vào quá trình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại  địa phương.
 UBND xã Đông cung cấp “ Tài liệu tập huấn kỹ năng, hoạt động tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn xã đông năm 2022”; tải file tài liệu tại đây.

PHẦN 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ  PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
 
I. KHÁI NIỆM PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
1. Khái niệm
Theo cách hiểu chung nhất về phổ biến, giáo dục pháp luật có hai nghĩa:
- Theo nghĩa hẹp: Phổ biến, giáo dục pháp luật là giới thiệu tinh thần văn bản pháp luật cho người có nhu cầu; theo đó phổ biến, giáo dục pháp luật là việc truyền bá pháp luật cho đối tượng nhằm nâng cao tri thức, tình cảm, niềm tin pháp luật cho đối tượng từ đó nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của đối tượng.
- Theo nghĩa rộng: Phổ biến, giáo dục pháp luật là một khâu của hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật, là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định thông qua các hình thức giáo dục, thuyết phục, nêu gương... nhằm mục đích hình thành ở đối tượng tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi xử sự phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành với các hình thức, phương tiện, phương pháp đặc thù.
Phổ biến, giáo dục pháp luật là quá trình hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài của chủ thể tuyên truyền lên đối tượng, là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Trong công tác quản lý nhà nước, phổ biến, giáo dục pháp luật được hiểu theo nghĩa rộng và được xác định là một công việc trọng tâm và thường xuyên của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành.
2. Đặc điểm
-  Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm truyền đạt thông tin, nội dung pháp luật, giúp cho đối tượng tác động có hiểu biết nhất định về pháp luật, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của đối tượng thông qua các hình thức, phương tiện, biện pháp thích hợp.
II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ, MỤC ĐÍCH CỦA PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
1. Vị trí, vai trò của phổ biến, giáo dục pháp luật
Phổ biến, giáo dục pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng, thể hiện rõ nét trên hai khía cạnh sau:
  Thứ nhất, Phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Vai trò này bắt nguồn từ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật. Một trong những vai trò cơ bản của pháp luật trong đời sống nhà nước, đời sống xã hội là: pháp luật là cơ sở để thiết lập, củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước. Thông qua quyền lực nhà nước, pháp luật mới có thể phát huy tác dụng trong đời sống xã hội, phát huy vai trò quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đem lại cho mọi người có trí thức pháp luật, xây dựng tình cảm pháp luật đúng đắn và có hành vi hợp pháp, biết sử dụng pháp luật làm phương tiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Thứ hai, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật, văn hoá pháp lý của mọi thành viên trong xã hội. Chỉ khi nào trong xã hội mọi công dân đều có ý thức pháp luật, luôn tuân thủ pháp luật và có hành vi phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của hệ thống pháp luật, mới có thể thực hiện quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và điều này chỉ có thể hình thành và thực hiện được trên cơ sở tiến hành giáo dục pháp luật.
2. Mục đích của phổ biến, giáo dục pháp luật
- Hình thành, làm sâu sắc và từng bước mở rộng hệ thống tri thức pháp luật cho đối tượng.
- Hình thành, bồi dưỡng, phát triển niềm tin pháp luật cho đối tuợng.
-Giáo dục ý thức nhân cách, rèn luyện thói quen, hành vi tuân thủ pháp luật cho đối tượng.
- Hình thành ở mỗi thành viên xã hội ý thức pháp luật bền vững.
  III. CÁC HÌNH THỨC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Có nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả, trong đó nổi lên một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu sau:
- Phổ biến pháp luật thông qua tuyên truyền miệng (phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp);
- Phổ biến pháp luật thông qua biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật, tờ rơi, tờ gấp; Pa nô, áp phích...;
- Dạy và học pháp luật trong nhà trường;
- Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật;
- Phổ biến pháp luật thông qua tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ pháp luật;
- Phổ biến pháp luật thông qua việc xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; tủ sách, ngăn sách pháp luật tại cơ quan, bệnh viện, trường học;
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý;
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở;
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình văn hóa, văn nghệ (đặc biệt là các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống) và hình thức sân khấu;
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử;
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các trung tâm học tập cộng đồng;
- Phổ biến pháp luật thông qua tổ chức sinh hoạt ‘Ngày pháp luật’…
IV. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
1. Về kiến thức pháp luật
Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, người cán bộ cần phải:
- Có kiến thức hiểu biết pháp luật nói chung, kiến thức xã hội rộng; hiểu biết về đối tượng tuyên truyền ; khi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần dự kiến trước được các tình huống, các câu hỏi người nghe đưa ra để chuẩn bị phương án trả lời thích hợp giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt được hiệu quả, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của người được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Nắm vững những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà các văn bản pháp luật điều chỉnh;
- Hiểu được ý nghĩa, bản chất pháp lý của vấn đề mà các văn bản điều chỉnh, sự cần thiết phải ban hành văn bản;
- Hiểu rõ đối tượng, phạm vi, nội dung điều chỉnh của văn bản;
- Hiểu rõ ý nghĩa của các quy phạm, tác dụng điều chỉnh của từng quy phạm, các chế tài…
2. Về kỹ năng
- Kỹ năng tìm hiểu: nắm vững đối tượng bằng cách trao đổi trực tiếp hoặc dùng phiếu thăm dò;
- Kỹ năng lắng nghe: chú ý lắng nghe, không ngắt lời, tỏ thái độ quan tâm đến những vấn đề người được tuyên truyền trao đổi; tránh nói nhiều hoặc tỏ thái độ thờ ơ; khuyến khích người nghe phát biểu ý kiến;
- Kỹ năng quan sát: sử dụng các giác quan như mắt nhìn, tai nghe hoặc quan sát một cách kín đáo…
- Kỹ năng truyền đạt: sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng, phù hợp, kết hợp, nêu các ví dụ cụ thể, gần gũi…
- Kỹ năng động viên : dùng lời nói, ánh mắt để động viên; thông cảm với người được truyền thông; động viên, thu hút những người rụt rè tham gia…
3. Các yêu cầu khác:
- Có sự nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy;
- Có khả năng nói và viết;
- Có khả năng hòa đồng và giao tiếp;
- Có kiến thức nhất định về tâm lý học tuyên truyền;
- Có hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện xã hội của mỗi địa bàn dân tộc, mỗi vùng miền nhất định.
                                                                                PHẦN 2
MỘT SỐ KỸ NĂNG CƠ BẢN
TRONG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
I. KỸ NĂNG TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
1. Khái niệm, vị trí, vai trò của tuyên truyền miệng trong các hình thức tuyên truyền pháp luật.
Tuyên truyền miệng là một hình thức tuyên truyền mà ngư­ời nói trực tiếp nói với người nghe về một nội dung nào đó nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin, ý thức cho ngư­ời nghe và kích thích ngư­ời nghe hành động theo mục đích của ngư­ời tuyên truyền.
Như­ vậy, tuyên truyền miệng về pháp luật là một hình thức tuyên truyền mà ngư­ời nói trực tiếp nói với ngư­ời nghe về lĩnh vực pháp luật trong đó chủ yếu là các văn bản pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, niềm tin vào pháp luật và ý thức pháp luật cho ng­ười nghe; kích thích ngư­ời nghe hành động theo các chuẩn mực pháp luật.
Tuy vậy, tuyên truyền miệng cũng có những hạn chế như­: không thể áp dụng đối với các đối tượng không cùng ngôn ngữ, thính giác không hoàn chỉnh. Với các đối tượng này phải có các báo cáo viên, tuyên truyền viên riêng. Lời nói không có hình dáng, màu sắc, chỉ tác động vào thính giác. Để khắc phục hạn chế này, ngư­ời nói phải biết gây ấn t­ượng, kích thích, lôi cuốn ngư­ời nghe. Người nghe phải chăm chú theo dõi, tập trung t­ư tưởng cao.
2. Phương thức tổ chức một số hình thức tuyên truyền miệng pháp luật
2.1. Mở các lớp tập huấn
Nội dung tập huấn có thể là một văn bản pháp luật kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành hoặc nhiều văn bản pháp luật độc lập. Những văn bản pháp luật này có thể là văn bản tuyên truyền lần đầu hoặc là văn bản được tuyên truyền lặp lại. Học viên của lớp tập huấn là những báo cáo viên, biên tập viên, phóng viên, cán bộ thi hành pháp luật, cán bộ quản lý trong lĩnh vực văn bản điều chỉnh.
Ở các lớp tập huấn, giảng viên không chỉ giới thiệu về các nội dung cơ bản của văn bản mà phải đi sâu vào những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực nghiệp vụ nhất định: thẩm quyền của các chủ thể, các biện pháp quản lý, thủ tục tiến hành các công việc. Chú trọng đổi mới phương pháp tập huấn, kết hợp phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại, lấy người học là trung tâm, áp dụng phương pháp tích cực, mọi người cùng tham gia, có sự trao đổi qua lại giữa học viên và giảng viên, huy động tính tích cực tham gia của học viên; giảng viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học viên vừa học lý thuyết vừa thực hành; kết hợp với các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, băng hình để buổi tập huấn sinh động, người học dễ tiếp thu và biết vận dụng thành thạo trong thực tiễn.
Việc tổ chức các lớp tập huấn có thể ở quy mô lớn (vài trăm người) cũng có thể ở quy mô nhỏ (vài chục người). Lưu ý cần bố trí thời gian hợp lý để triệu tập được đúng, đủ học viên, có quy chế để việc học tập được nghiêm túc. Cũng cần tổ chức viết thu hoạch hoặc kiểm tra, tổ chức đánh giá kết quả tập huấn (qua phiếu, phỏng vấn trực tiếp…), cấp chứng chỉ để kích thích ý thức và tinh thần học tập của học viên. Về hình thức nên có trang trí, khai mạc, bế mạc để lớp học trang trọng và tăng tính hiệu quả.
2.2. Nói chuyện chuyên đề về pháp luật
Một buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật thường là một buổi nói về một lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quản lý... gắn với một số chế định, ngành luật. Một buổi nói chuyện chuyên đề thường không đóng khung trong phạm vi pháp luật, trong khuôn khổ một vấn đề khép kín mà mở ra nhiều lĩnh vực có liên quan, nhiều hướng suy nghĩ. Chính vì thế, các buổi nói chuyện chuyên đề thường thu hút được đông đảo báo cáo viên pháp luật, cán bộ nghiên cứu, cán bộ xây dựng pháp luật, cán bộ tuyên truyền pháp luật, hòa giải viên, thành viên các Câu lạc bộ pháp luật... tham gia.
Báo cáo viên trong các buổi nói chuyện chuyên đề phải là người có kiến thức chuyên ngành sâu rộng về lĩnh vực được trình bày và am hiểu pháp luật.
Khi tổ chức một buổi nói chuyện chuyên đề nói chung và chuyên đề pháp luật nói riêng, người ta thường gắn vào các sự kiện chính trị, thời sự, những ngày có ý nghĩa lịch sử...
2.3. Lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật vào một buổi họp
Do đối tượng dự, buổi họp rất đa dạng, có thể là cán bộ, công chức; người quản lý doanh nghiệp; người lao động; người dân ở thôn, bản, tổ dân phố, cho nên tùy từng đối tượng mà người tuyên truyền lựa chọn nội dung pháp luật để lồng ghép cho phù hợp. Nội dung pháp luật được truyền tải có thể trên cơ sở kế hoạch của cấp trên hoặc có thể do cán bộ tuyên truyền đề xuất trên cơ sở tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
Khi lồng ghép nội dung pháp luật vào một buổi họp, điểm quan trọng nhất là cách đặt vấn đề với người nghe. Cần đặt vấn đề sao cho người nghe thấy rằng vì sự quan trọng và cấp thiết của việc tuyên truyền văn bản pháp luật lồng ghép vào hội nghị, cuộc họp này chứ không phải “nhân thể” hội nghị, cuộc họp này mà phổ biến văn bản. Nếu có thể được, người nói công bố việc tuyên truyền pháp luật là một nội dung trong chương trình cuộc họp hoặc công bố chương trình cuộc họp trước cho người dự cuộc họp. Một việc quan trọng nữa là xác định thời điểm, bối cảnh để phổ biến pháp luật sao cho hợp lý nhất để người nghe dễ tiếp thu và tạo không khí thoải mái cho người nghe. Qua đó, việc lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào cuộc họp sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
2.4. Tuyên truyền miệng cá biệt
Tuyên truyền miệng cá biệt là hình thức tuyên truyền miệng về pháp luật mà đối tượng (người nghe) chỉ có một hoặc vài ba người. Nếu như tuyên truyền trong hội nghị cung cấp cho người nghe hiểu biết chung về pháp luật thì tuyên truyền cá biệt thường cung cấp cho người nghe những nội dung pháp luật cụ thể; vận dụng pháp luật trong những trường hợp, hoàn cảnh cụ thể mà người nghe đang quan tâm. Hình thức tuyên truyền này thường được sử dụng trong trường hợp người thừa hành pháp luật làm việc với đối tượng của mình; người tư vấn pháp luật hướng dẫn, giải thích cho người được tư vấn; cán bộ trợ giúp pháp lý hướng dẫn, trợ giúp pháp luật cho người được trợ giúp...
Trong tuyên truyền cá biệt, người nói thường ở vị trí “có lợi” đối với người nghe. Nhưng không vì thế mà trong khi thực hiện nhiệm vụ, người nói có thái độ áp đặt, lời nói mệnh lệnh đối với họ mà phải làm cho họ thực sự hiểu, tin, tôn trọng pháp luật, từ đó tự giác tuân thủ pháp luật. Muốn vậy người nói phải căn cứ từng đối tượng mà có biện pháp tuyên truyền thích hợp; tìm hiểu sâu hoàn cảnh, truyền thống của gia đình họ, vận dụng đạo lý, phong tục, tập quán, mục đích, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật để giải thích, thuyết phục họ.
Để chuẩn bị cho buổi tuyên truyền cá biệt đạt kết quả, cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật cần chuẩn bị các nội dung sau đây:
- Các quy định pháp luật liên quan đến sự việc của đương sự;
- Dự kiến tình huống, câu hỏi mà đương sự có thể hỏi, chất vấn;
- Phong tục, tập quán ở địa phương, đạo lý và những kiến thức xã hội có thể phải vận dụng;
- Nhân thân đương sự: Hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của đương sự trước đây; điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống gia đình, nguyện vọng... của đương sự.
Khi tuyên truyền cá biệt đòi hỏi phải vận dụng kỹ năng tuyên truyền miệng hết sức tinh tế. Người nói còn phải là người nhạy cảm, tâm lý và có kinh nghiệm trong công tác này. Bên cạnh đó, để thuyết phục người nghe, tin ở pháp luật thì người nói phải thể hiện để người nghe tin mình là một cán bộ, công chức tốt (không có biểu hiện tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà, có trách nhiệm với công việc, liêm khiết...). Trong khi tuyên truyền miệng cá biệt, những quy tắc tuyên truyền hội nghị không thể áp dụng một cách cứng nhắc, thậm chí học hàm, học vị, chức vụ... của người nói không có ý nghĩa lớn đối với người nghe.
Điều quan trọng nhất là người nói phải tạo được lòng tin, sự tôn trọng của người nghe; làm sao để người nghe tin rằng vận dụng pháp luật vào điều kiện, hoàn cảnh này là hoàn toàn chính xác. Như vậy, nếu một buổi tuyên truyền pháp luật ở hội nghị nhằm đạt yêu cầu chung là nâng cao niềm tin, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người nghe bằng cách cung cấp các hiểu biết, nhận thức chung về pháp luật cho họ thì tuyên truyền cá biệt có mục đích cao hơn là thông qua việc vận dụng pháp luật vào một hoàn cảnh, sự việc cụ thể để nâng cao niềm tin, ý thức chấp hành pháp luật của người nghe. Để đạt được mục đích, yêu cầu này người nói không những phải am hiểu pháp luật, hiểu biết đời sống xã hội mà phải có sự cảm thông sâu sắc với cuộc sống của đối tượng. Đôi khi, trong quá trình tuyên truyền cá biệt người nói cần phải tâm sự chân tình, chia sẻ với người nghe về hoàn cảnh của họ; có những lời khuyên, động viên một cách chân thành, tình cảm để tạo sự tin tưởng, yêu mến của người nghe với mình. Đó là những yếu tố cơ bản để thuyết phục đối tượng.
3. Các bước tiến hành một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật:
a. B­ước chuẩn bị: gồm 5 nội dung chính sau đây:
- Nắm vững đối t­ượng tuyên truyền:
Cần phải biết là nói với ai để nói nh­ư thế nào. Vì thế có câu: Nghệ thuật tuyên truyền tr­ước hết là nghệ thuật nắm vững đối tư­ợng tuyên truyền. Ngư­ời ta nắm vững đối tư­ợng tuyên truyền qua các yếu tố sau đây:
- Số lư­ợng, thành phần: trí thức, công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, phụ lão...; trình độ văn hoá; tình hình thực hiện pháp luật ở cơ sở đó; ý thức pháp luật, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng.
- Có thể nắm vững đối t­ượng bằng phư­ơng pháp trực tiếp (tự điều tra, tìm hiểu, gặp gỡ, hỏi han, quan sát...) hoặc bằng ph­ương pháp gián tiếp (qua các tài liệu, sách báo, báo cáo, tổng kết, trao đổi với những ngư­ời làm công tác quản lý, phản ảnh của ngư­ời tổ chức buổi tuyên truyền...).
- Nắm vững những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh:
Kỹ thuật nghiệp vụ chuyên ngành, đư­ờng lối của Đảng, pháp luật của Nhà nư­ớc trong lĩnh vực đó, các tài liệu lý luận, giáo khoa, các tài liệu của nước ngoài trong lĩnh vực đó. Điều này yêu cầu ng­ười nói phải có quá trình sưu tầm, tích luỹ lâu dài với một ý thức đầy đủ về công việc và lòng say mê nghề nghiệp.
- Nắm vững nội dung văn bản. Cụ thể là:
+ Hiểu rõ ý nghĩa, bản chất pháp lý của vấn đề đ­ược văn bản điều chỉnh, sự cần thiết phải ban hành văn bản;
+ Hiểu rõ đối t­ượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản;
+ Hiểu rõ ý nghĩa của các quy phạm, đặc biệt là ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước, về tác dụng điều chỉnh của từng quy phạm cụ thể.
Muốn vậy ngư­ời nói cần nắm đư­ợc các thông tin tư liệu liên quan tới văn bản, nắm vững t­ư tưởng, quan điểm chỉ đạo của việc ban hành các văn bản đó thông qua các nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hoặc trực tiếp hơn là qua tờ trình về việc ban hành văn bản, qua các bài xã luận, bình luận khoa học đối với văn bản. Ngoài ra, việc giới thiệu có chọn lọc ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của những nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến văn bản đó cũng rất cần thiết.
- Nghiên cứu các văn bản thi hành, tài liệu h­ướng dẫn tuyên truyền văn bản đó;
- Nắm vững hệ thống văn bản điều chỉnh lĩnh vực đó;
- Theo dõi sát quá trình dự thảo văn bản từ khi lập đề cư­ơng, qua các cuộc thảo luận, lấy ý kiến nhân dân, kết quả tiếp thu, chỉnh lý cho đến khi văn bản đ­ược ban hành.
- S­ưu tầm các tài liệu dẫn chứng, minh họa
- Chuẩn bị đề cư­ơng
Đề c­ương cho buổi nói cần đầy đủ về nội dung, thích hợp với đối tượng, chặt chẽ về bố cục, sắc sảo về lập luận. Khi chuẩn bị đề c­ương cần chú ý:
- Đề cư­ơng không phải là một bài viết hoàn chỉnh.
- Lựa chọn vấn đề cốt lõi của văn bản, liên hệ với hệ thống pháp luật để làm rõ mối quan hệ của văn bản với hệ thống pháp luật;
- Để thu hút ng­ười nghe, toàn bộ các phần trong bài nói phải có mối quan hệ hữu cơ với nhau như­ cốt truyện của một câu chuyện: từ yêu cầu, nhiệm vụ của văn bản, dẫn đến cơ chế quản lý thế nào, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thế nào, chế tài đối với ng­ười vi phạm ra sao... để đạt đư­ợc yêu cầu nhiệm vụ của văn bản.
Có sự chuẩn bị tốt ngư­ời nói sẽ có tâm trạng tự tin, thoải mái, hào hứng trước khi bư­ớc vào buổi nói chuyện.
b. Tiến hành buổi tuyên truyền miệng về pháp luật:
Một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật th­ường có các phần sau:
- Vào đề: Nhằm giới thiệu vấn đề, khơi gợi nhu cầu của đối tượng, định hướng tư duy, khơi gợi tình cảm, thiết lập quan hệ giữa ngư­ời nói với người nghe.
Với tuyên truyền miệng về pháp luật, cách vào đề có hiệu quả thường là gợi ra nhu cầu tìm hiểu ý nghĩa, sự cần thiết phải ban hành văn bản, phải có pháp luật để điều chỉnh vấn đề đang tuyên truyền.
- Nội dung: Là phần chủ yếu của buổi tuyên truyền, làm cho đối tư­ợng hiểu, nắm được nội dung, chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức cho đối t­ượng. Cần lưu ý không bao giờ viết đề cư­ơng là sao chép, tóm tắt văn bản, tuyên truyền, giới thiệu pháp luật không bao giờ là đọc nguyên văn văn bản. Viết, đọc một đoạn nào đó trong văn bản chỉ có tính chất dẫn chứng, minh họa.
Trong tuyên truyền văn bản phải chú ý tới 2 điều:
- Trình bày theo cách nào là thích hợp nhất;
- Nêu những vấn đề gì là cơ bản, cốt lõi, trọng tâm để ng­ười nghe nắm đư­ợc nội dung văn bản.
Đối t­ượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật hết sức phong phú nhưng có thể tạm chia ra 4 loại: Cán bộ quản lý; cán bộ nghiên cứu, xây dựng văn bản, cán bộ tuyên truyền, những người phải chấp hành pháp luật.
Trên cơ sở phân loại đó mà có sự hình dung về mục đích, yêu cầu trọng tâm, trọng điểm, phương pháp trình bày phù hợp với từng đối t­ượng.
Với cán bộ quản lý: Tuỳ theo từng cấp có thể thiên về phương pháp khái quát hoặc diễn giải, thiên về lý luận hoặc thực tiễn, như­ng cần tập trung nhấn mạnh, làm rõ những quy phạm về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nư­ớc, nội dung quản lý Nhà nước, các hình thức vi phạm và mức độ xử lý, thẩm quyền xử lý, tổ chức thi hành văn bản. . .
- Với cán bộ nghiên cứu, xây dựng văn bản: Phư­ơng pháp khái quát thường đạt hiệu quả tuyên truyền cao vì đối tư­ợng này thường quan tâm đến những quan điểm, những vấn đề lý luận chứa đựng trong văn bản. Ngoài ra cần làm rõ: văn bản đã đáp ứng đư­ợc những nhu cầu thực tiễn nào, những gì chư­a đáp ứng được, những gì đã thống nhất, những gì tồn tại, văn bản nào sẽ đ­ược ban hành tiếp, vị trí của văn bản này trong hệ thống các văn bản thuộc lĩnh vực văn bản điều chỉnh...
- Với cán bộ tuyên truyền (gồm báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên, biên tập viên): có thể dùng phư­ơng pháp khái quát hoặc diễn giải tuỳ theo hình thức văn bản như­ng cần nhấn mạnh bản chất, ý nghĩa pháp lý của vấn đề, sự cần thiết, mục đích của việc ban hành văn bản, những số liệu, tài liệu cần viện dẫn, đối chiếu, so sánh, các vấn đề chủ yếu cần tập trung phổ biến, tuyên truyền.
- Với những ngư­ời phải chấp hành pháp luật: Dùng phư­ơng pháp diễn giải là phù hợp. Cần nêu bản chất, ý nghĩa của vấn đề, mục đích, sự cần thiết phải ban hành văn bản, ý nghĩa của các quy phạm liên quan đến từng đối t­ượng thi hành trong văn bản. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ xã hội đ­ược văn bản điều chỉnh, cơ chế thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện, thời hiệu khiếu nại, khởi kiện v.v..
- Phần kết luận:
Ng­ười nói thư­ờng điểm lại và tóm tắt những vấn đề cơ bản đã tuyên truyền. Tuỳ từng đối t­ượng mà nêu những vấn đề cần l­ưu ý đối với họ.
- Trả lời câu hỏi của ngư­ời nghe: Cần dành thời gian cần thiết trả lời các câu hỏi mà ng­ười nghe quan tâm, ch­ưa hiểu rõ.
Tóm lại, hiệu quả của tuyên truyền miệng về pháp luật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để đạt hiệu quả tuyên truyền cao, ngư­ời tuyên truyền phải dày công tích luỹ, chuẩn bị đề c­ương, phải có nghệ thuật phá hàng rào ngăn cách ban đầu về mặt tâm lý gây thiện cảm, gây sự chú ý của ng­ười nghe từ khi bắt đầu buổi nói chuyện; phải biết tạo nhu cầu, kích thích, hấp dẫn, gây ấn t­ượng cho người nghe trong suốt buổi nói; biết kết luận đúng cách để khi kết thúc còn để lại những điều cần thiết cho ngư­ời nghe tiếp tục suy nghĩ.
4. Xây dựng kế hoạch tổ chức một buổi tuyên truyền miệng
Ng­ười làm công tác tuyên truyền pháp luật thường phải xây dựng kế hoạch tổ chức những buổi tuyên truyền về pháp luật để:
- Trình ng­ười lãnh đạo trực tiếp phê duyệt;
- Thông báo cho các đơn vị liên quan (nếu có);
- Thông báo cho báo cáo viên những điểm cần thiết khi cán bộ tuyên truyền pháp luật mời ng­ười khác nói;
Yêu cầu đối với bản kế hoạch là: đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn.
Nội dung bản kế hoạch ngoài phần tiêu đề phải có những nội dung chính sau đây:
- Mục đích;
- Đối t­ượng: thành phần, số lư­ợng, đặc điểm của đối tượng về giới tính, nghề nghiệp, độ tuổi…;
- Nội dung;
- Thời gian, địa điểm;
- Báo cáo viên;
- Công tác chuẩn bị;
- Kinh phí.
Khi xây dựng kế hoạch, cán bộ làm công tác tuyên truyền phải luôn luôn gắn với điều kiện thực tế của địa ph­ương, đơn vị. Ví dụ: khi đề ra mục đích tuyên truyền cần phải gắn với việc góp phần khắc phục những mặt yếu kém về quản lý, giảm tình trạng vi phạm pháp luật... ở địa bàn.
II. KỸ NĂNG BIÊN SOẠN ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT
1. Một số vấn đề chung
1.1. Khái niệm đề cương
Đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật là tài liệu dùng để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, phổ biến một văn bản pháp luật, một vấn đề pháp lý mà người sử dụng có thể dựa vào đó để nghiên cứu nội dung văn bản, các trọng tâm cần tập trung tuyên truyền, phổ biến văn bản hoặc để biên soạn các tài liệu tuyên truyền khác một cách cụ thể, sát hợp, sinh động, phù hợp với bối cảnh, đối tượng nhưng vẫn đảm bảo cho đối tượng hiểu chính xác nội dung văn bản và thực hiện thống nhất. Mặt khác, đề cương tuyên truyền còn có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức triển khai tuyên truyền văn bản pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng, trên từng địa bàn.
1.2. Sự cần thiết phải xây dựng đề cương tuyên truyền pháp luật
Nhiệm vụ cơ bản của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là làm cho mọi ngành, mọi cấp, mọi cơ quan, tổ chức, mọi công dân đều hiểu biết pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai ở nhiều ngành, nhiều cấp, bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Yêu cầu xuyên suốt trong quá trình triển khai là mọi người phải hiểu đúng các quy định của pháp luật để từ đó vận dụng một cách thống nhất, vì vậy họ phải nắm bắt được tư tưởng chủ đạo của văn bản trước khi nắm văn bản, những vấn đề cốt lõi khi xây dựng văn bản quy định những vấn đề gì, quy định như thế nào và tại sao lại quy định như vậy. Việc xây dựng một quy phạm pháp luật, một văn bản quy phạm pháp luật luôn bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, tài chính, phong tục, truyền thống, trình độ dân trí... Vì vậy, chỉ với những tài liệu, kiến thức đã tích luỹ được trong quá trình lâu dài và cả những gì nắm được trong quá trình dự thảo văn bản, với trình độ pháp lý và kinh nghiệm nghề nghiệp nhất định, người viết đề cương mới thâu tóm được tinh thần văn bản đưa vào đề cương.
Đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật còn có tác dụng hướng dẫn chỉ đạo việc triển khai tuyên truyền văn bản. Vì vậy, viết đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật bao giờ cũng giữ một vị trí quan trọng trong công tác chỉ đạo và tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật.
1.3. Đối tượng sử dụng đề cương
Đối tượng sử dụng đề cương tuyên truyền rất đa dạng, thường là các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên báo đài, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan tư pháp và cán bộ làm công tác pháp chế của các bộ, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp.
1.4. Yêu cầu của việc xây dựng đề cương
Xây dựng đề cương tuyên truyền pháp luật cần bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
Về hình thức: Bố cục đề cương phải rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý. Ngôn ngữ được sử dụng trong đề cương phải là ngôn ngữ đại chúng, cách hành văn giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Diễn đạt phải mạch lạc, súc tích, ngắn gọn.
Về nội dung: Đề cương phải tạo điều kiện cho người sử dụng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc ban hành văn bản pháp luật, hiểu chính xác quy định của pháp luật, nắm được nội dung chính, những vấn đề trọng tâm của văn bản pháp luật, cách vận dụng văn bản trong các quan hệ pháp luật.
Về thời gian: Để đảm bảo tính thời sự của văn bản, đề cương tuyên truyền cần được biên soạn và cung cấp kịp thời cho các đối tượng để tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến trước ngày văn bản có hiệu lực pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật được thống nhất.
1.5. Yêu cầu đối với người viết đề cương
 Để đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật có chất lượng, yêu cầu người viết đề cương tuyên truyền pháp luật cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:
-  Có trình độ pháp lý nhất định. Chất lượng của đề cương tuyên truyền pháp luật phụ thuộc nhiều vào trình độ pháp luật của người viết đề cương, vì thế để đảm bảo yêu cầu tối thiểu của đề cương, người viết đề cương phải được đào tạo về pháp luật hoặc có nhiều năm công tác thực tiễn trong lĩnh vực đó.
-  Nắm vững nội dung văn bản. Người viết đề cương tuyên truyền pháp luật  có thể là người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo, cho ý kiến hoặc thẩm định nội dung văn bản pháp luật đó, thì họ chính là người hiểu rõ nhất những nội dung quan trọng và những vấn đề cốt lõi của văn bản pháp luật (như đối tượng, phạm vi điều chỉnh). Trong trường hợp, người viết đề cương tuyên truyền không phải là người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo, cho ý kiến hoặc thẩm định nội dung văn bản pháp luật đó, thì cần phải tìm hiểu và nắm vững nội dung của văn bản đó trước khi viết đề cương.
-  Hiểu sâu sắc vấn đề mà văn bản pháp luật điều chỉnh. Để đáp ứng yêu cầu này, người viết đề cương phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng về các vần đề cần nêu, các văn bản gốc và các văn bản có liên quan khác nếu có, tìm hiểu pháp luật của nước ta trước đây và pháp luật của nước ngoài quy định về vấn đề đó, các tài liệu, lý luận, giáo khoa và đôi khi phải tìm hiểu cả về mặt kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực đó.
-  Hiểu rõ  đối tượng sử dụng đề cương. Đối tượng sử dụng đề cương tuyên truyền pháp luật thường là cán bộ làm công tác tuyên truyền của các ngành, các cấp; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tin đại chúng chuyên viết về pháp luật để từ đó người viết đề cương tuyên truyền có cách viết cho phù hợp với trình độ, nghề nghiệp, tâm lý lứa tuổi...
-  Nắm vững tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống ... tình hình vi phạm pháp luật và yêu cầu quản lý về từng lĩnh vực. Do đó, người viết đề cương tuyên truyền cần phải tích luỹ tài liệu, kiến thức, bám sát thực tế cuộc sống, có quan hệ phối hợp rộng rãi với các cơ quan ban, ngành.
-  Có vốn ngôn ngữ phong phú, lối hành văn giản dị, trong sáng, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng. 
2. Nội dung cơ bản của Đề cương
Đề cương tuyên truyền một văn bản pháp luật thường bao gồm 3 phần chính sau đây:
Phần 1. Những vấn đề chung
Phần này thường nêu sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc ban hành văn bản. Phần này cũng cần nêu nguồn gốc pháp lý của văn bản (xuất phát từ Hiến pháp, Luật hoặc các văn bản quy phạm khác), vị trí, vai trò của văn bản trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Quan điểm và những nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng văn bản pháp luật; tư tưởng chủ đạo và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong đời sống hàng ngày và yêu cầu của chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước ta.
Phần 2.  Giới thiệu văn bản
Một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng của đề cương tuyên truyền là giúp đối tượng nắm bắt một cách khái quát về nội dung của văn bản đó mà không thể đi sâu giới thiệu hết các chương, các điều của văn bản đó. Vì vậy phần đầu của đề cương phải giới thiệu bố cục của văn bản với nguyên văn tên các phần, chương, mục để người đọc khái quát được nội dung của văn bản pháp luật đó.
Giới thiệu bố cục văn bản: số chương, tên các chương, số điều trong chương để người sử dụng có thể hình dung khái quát nội dung văn bản.
Nội dung chủ yếu của văn bản:
- Nhiệm vụ của văn bản;
- Đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản;
- Những nguyên tắc chung chi phối các quy định trong văn bản;
Những vấn đề được đề cập trong nội dung văn bản, ý nghĩa các quy phạm, chế định trong văn bản;
- Những điểm mới trong văn bản so với pháp luật hiện hành, những điểm sửa đổi, bổ sung, lý do sửa đổi, bổ sung, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung. Khi cần thiết có thể nêu một số vấn đề gây tranh luận, những vấn đề đang tồn tại;
- Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể và những người có liên quan, các quy định, thủ tục phải thực hiện;
- Vị trí của văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành, các văn bản sẽ ban hành kèm theo (nếu có).
Phần 3. Tổ chức thực hiện
Đây là phần hướng dẫn người sử dụng đề cương chủ yếu là các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, các cơ quan thông tin đại chúng. Trong phần này cần làm rõ các vấn đề:
Nêu trọng tâm, trọng điểm tuyên truyền, gắn tuyên truyền văn bản với việc thực hiện những chủ trương lớn, những vấn đề thời sự và yêu cầu quản lý của ngành, của địa phương;
- Đưa ra các gợi ý về biện pháp tổ chức thực hiện, phương pháp và hình thức tuyên truyền đối với từng loại đối tượng, từng địa bàn căn cứ vào nhu cầu của đối tượng và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; đặc biệt là tập trung quan tâm đến đối tượng cần chú trọng tuyên truyền;
- Phương hướng phối hợp giữa ngành tư pháp, các ngành hữu quan và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức tuyên truyền văn bản.
Phần 4. Phụ lục (nếu có)
Trong điều kiện có thể, đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật nên có các tài liệu tham khảo kèm theo bao gồm các số liệu, các trích dẫn để khẳng định, chứng minh, so sánh, mở rộng những vấn đề đã nêu trong đề cương nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cấp, các ngành có điều kiện tham khảo, dẫn chứng khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
3. Các bước cần thiết để viết Đề cương
Để viết được một đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật hoàn chỉnh và có chất lượng, thường được tiến hành qua các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị
- Nghiên cứu văn bản pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.
- Thu thập và nghiên cứu kỹ các tài liệu có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản như: tờ trình về việc ban hành văn bản; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản; các văn kiện của Đảng, chính sách của nhà nước;  các tài liệu trong nước và nước ngoài liên quan đến nội dung văn bản để nắm được xuất xứ của văn bản (nếu là văn bản ban hành lần đầu), văn bản gốc và yêu cầu thực tế khách quan liên quan đến những nội dung cần sửa đổi, bổ sung (đối với văn bản sửa đổi, bổ sung).
-  Tìm hiểu đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng đề cương để đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo cách thức, biện pháp tuyên truyền thích hợp.
-  Nghiên cứu tình hình kinh tế xã hội, phong tục, truyền thống, tình hình vi phạm pháp luật, yêu cầu quản lý về lĩnh vực đề cập trong văn bản, để phân tích các vấn đề nêu ra trong văn bản đã đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội và yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực đó.
Bước 2: Biên soạn đề cương.
Trước khi viết một đề cương hoàn chỉnh, thường xây dựng bố cục đề cương chi tiết. Sau khi lãnh đạo thông qua bố cục đề cương, có thể:
- Trực tiếp biên soạn bằng cách dựa trên cơ sở đề cương chi tiết và các tài liệu đã được nghiên cứu để viết đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham gia soạn thảo văn bản đề nghị  viết theo bố cục đề cương chi tiết.
Bước 3: Biên tập đề cương.
Bước 4: Hoàn chỉnh, in ấn và gửi cho các đối tượng sử dụng
 
                                                                                                                          Nguyễn Thị Thu Hiền - CC TPHT