CHUYÊN MỤC

CÁC ĐIỂM DU LỊCH CỦA HUYỆN KBANG VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

(ngày đăng bài: 21/06/2022)
     1. Tiềm năng về thiên nhiên
     - Khu du lịch sinh thái Hồ thủy điện An Khê-Ka Nak: nằm phía bắc trung tâm huyện, cách thị trấn Kbang khoảng 05 km theo tuyến tỉnh lộ 669, diện tích mặt nước khoảng 1.800 ha. Hiện khu vực hồ có hệ sinh thái tương đối đa dạng và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Các làng tái định cư nằm theo trục đường tránh ngập và ven hồ , là điều kiện thuận lợi để tổ chức tour du lịch. Nơi đây có thể xây dựng thành khu du lịch sinh thái với nhiều hoạt dộng thu hút khách tham quan, là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động như các trò chơi dã ngoại, cắm trại, câu cá thư giãn, du thuyền trên mặt nước. Nhu cầu đi thuyền tam quan, du lịch ngắm cảnh trên lòng hồ thủy điện ngày càng cao, tuy nhiên hiện tại hồ chưa được khai thác để đưa vào sử dụng.

     - Vườn quốc gia Kon Ka Kinh: nằm ở phía Tây - Bắc trung tâm huyện trên vùng giáp ranh giữa Đông và Tây Trường Sơn với diện tích khoảng 41.710 ha. Vườn có 931 loài thực vật, gần 500 loài động vật được nghi trong sách đỏ. Đặc biệt có các loại gỗ quý như Pơ Mu, Cẩm Lai, Trắc, Hương… có hơn 42 loài thú, 160 loài chim, 51 loại bò sát, 209 loài bướm và nhiều loài sinh vật khác. Với nhiệt độ trung bình từ 18-20 độ C, khí hậu mát mẻ quanh năm, là điều kiện tổ chức các loại hình du lịch sinh thái như dã ngoại, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học… Đây là danh sách rừng quốc gia có tên trong danh sách rừng đặc dụng theo quyết định số 167/2002/QĐ-TTg ngày 25/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2004 , tại hội nghị các Vườn Quốc gia của hiệp hội các nước Đông Nam Á (tổ chức tại vườn quốc gia Khao Yai - Thái Lan từ ngày 20-24/9/200) đã công nhận vườn quốc gia Kon Ka Kinh là vườn di sản ASEAN. Ngày 17 tháng 8 năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh” đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện Đề án đang được triển khai thực hiện.

     - Khu bảo tồn thiện nhiên Kon chư Răng: nằm về phía Đông-Bắc cách trung tâm huyên khoảng 65 km trên đại bàn xã Sơn Lang, có ranh giới giáp với các tỉnh Bình Đinh, Quảng Ngãi và Kon Tum, diện tích tự nhiên khoảng 15.525 ha. Hiện tại trong Khu bảo tồn có 546 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 376 chi, 122 họ; trong đó có 201 loài cây gỗ, 120 loài cây dược liệu, 48 loài cây có khả năng làm cảnh. Khu hệ động vật đặc hữu như: Vượn má hung, Voọc vá chân xám, Hổ và Mang lớn, Khướu đầu đen và Khướu mỏ dài, Gà lôi vằn … Có 18 loài thực vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ và 09 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam là: Thích quả đỏ, Du móc, Lọng Hiệp, Hoa Khế, Trắc, Hoàng thảo vạch đỏ, Xoay, Dồi.

     Khu bảo tồn thiện nhiên Kon Chư Răng là khu rừng phòng hộ đầu nguồn của sống Kôn, với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa Cao nguyên và Duyên hải miền Nam Trung Bộ có rất nhiều sông suối nhỏ, hệ động thực vật có tính đa dạng sinh học cao, là nơi có cảnh quân thiên nhiên hùng vĩ, nhiều thác cao từ 30-50 m; có dòng sông Ba chảy qua với nhiều thác ghềnh, có sự phong phú về chủng loại động thực vật thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm với các hoạt động tham quan, dã ngoại, nghiên cứu, nghỉ dưỡng… Nằm trên tuyến đường Trường Sơn Dông đi qua Khu BTTN Kon Chư Răng thông thương với khu quy hoạch du lịch Đông Dương (Đèo Viôlắc đi tới Măng Đen-Kon Tum) và đi ra Quảng Ngãi thông qua tuyến quốc lộ 24 thuận lợi cho các tour du lịch trong tương lai. Hiện tại khu bảo tồn đã được công nhận là Khu sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương.

     - Khu du lịch sinh thái thác Hang Dơi, thị trấn Kbang: nằm ở phía Đông thị trấn Kbang, cách trung tâm huyện khoảng 05 Km, gồm 03 bậc thác, mỗi bậc đá rộng khoảng 4-5m, độ cao từ đỉnh xuống bậc cuối cùng 16m. Thác hang dơi còn hoang sơ và có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với những thác nước và những khu rừng còn nguyên sinh. Vị trí của thác nằm không xa trung tâm huyện và các điểm du lịch khác trên địa bàn như Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu; hồ thủy điện An Khê-KaNak, làng kháng chiến Stơr … Trong hang nơi có những đàn dơi ngày đêm trú ngụ, trước miệng hang có dòng nước đổ quanh năm. Hang không quá sâu nhưng trải gần chục mét và có chiều cao lý tưởng để hàng chục người có thể cắm trại, vui chơi,  giữa hang là một giếng trời có đường kính khoảng 1 m xuyên qua vách đá để đưa ánh sáng vào lòng hang. Nhiều tảng đá được xếp chồng tự nhiên lên nhau đón nhận từng giọt nước tí tách rơi trong lòng đá tạo nên màu xanh ngọc rất đẹp mắt. Không gian mát mẻ của Thác Hang Dơi thực sự nên là điểm đến lý tưởng cho du khách đến tham quan, du lịch nhất là các hoạt động dã ngoại vào dịp cuối tuần hoặc sau những ngày làm việc, lao động mệt nhọc.

     2. Tiềm năng về văn hóa, lịch sử

     - Di tích lịch sử Vườn Mít – cách đồng Cô Hầu: nằm trên địa bàn xã Nghĩa An, cách trung tâm huyện khoảng 6 km về hướng Đông-Nam . Đây là nơi đánh dấu sự cống hiến to lớn của ba anh em nhà Tây Sơn, đặc biệt là Bà Ya Đố (vợ Nguyễn Nhạc) đã có công xây dựng lực lượng hậu cần, huy động mọi nguồn lực về vật chất, lương thực cung cấp cho nghĩa quân Tây Sơn trong những năm đầu khởi nghĩa. Hiện nay số lượng cây mít cổ thụ còn khoảng 09 cây, trong đó nhiều cây có đường kính 1, 20 m, số còn lại có đường kính từ 50-80 cm. Cánh đồng Cô Hầu nằm trũng thấp hơn khu rừng nên hàng năm mưa lũ san lấp làm cánh đồng bị thu hẹp, hiện tại bà con Bahnar làng Kuao đang sản xuất lúa nước. Di tích đã được Bộ văn hóa-Thông tin - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1057/QĐ-BT ngày 14 tháng 6 năm 1991.

     - Di tích lịch sử làng kháng chiến Stơr: nằm trên địa bàng xã Tơ Tung, cách trung tâm huyện khoảng 19 km về hướng Tây, cách Quốc lộ 19 khoảng 10 km theo đường Trường Sơn Đông, là quên hương anh hùng Núp, người đã đã phát động và lãnh đạo bà con dân làng bằng những vũ khí thô sơ chông tre, bẫy đá, cung tên cùng đứng lên chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước bảo vệ buôn làng. Nhà lưu niệm anh hùng Núp được mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống Bahnar với quy mô nhà cấp IV, 2 tầng, có cổng, tường rào, cây xanh cùng các công trình phụ trợ khác. Bên trong Nhà lưu niện hiền còn lưu giữ hơn 300 hiện vật và 74 bức ảnh có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng Núp, có 7 nóc nhà sàn có kích thước khác nhau, cạnh mỗi nhà có một kho thóc dự trữ và một nhà Rông chung cho làng. Bên cạch đó là các công trình được làm bằng chất liệu thực tế và tự nhiên để đảm bảo nguyên bản đúng mục đích, ý nghĩa giá trị lịch sử và tạo được cảm giác thật cho du khách khi đến tham quan.  Ngoài phục vụ du lịch cộng đồng, làng kháng chiến Stơr phục dựng còn là nơi truyền dạy các nghề truyền thống của đồng bào bản đại như đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chỉnh chiêng, truyền dạy cồng chiêng …Làng kháng chiến Stơr được Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin công nhận là “Di tích lịch sử - quốc gia” theo quyết định số 281 – QĐ/BT ngày 24 tháng 3 năm 1993.

     - Di tích lịch sử căn cứ cách mạng khu 10 - xã Krong: nằm trên đại bàn xã Krong, huyện Kbang cách trung tâm thị trấn Kbang khoảng 42 km về phía Tây-Bắc. Hơn 20 năm từ năm 1955 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, khu 10, xã Krong được chọn làm căn cứ đóng chân của các cơ quan đầu não của tỉnh trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã diễn ra hầu hết các sự kiện chính trị  quan trọng của đảng bộ và chính quyền tỉnh Gia Lai, là nơi che chở cho một số cơ quan của liên khu V của các tỉnh bạn trong những lần địch càn quét ở đồng bằng. Hiện tại di tích đang được tỉnh đầu tư trên 9,9 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng các công trình nhằm chống xuống cấp, chống sự lấn chiếm và hủy hoại di tích, đồng thời là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, phục vụ khách tham quan, du lịch. Căn cứ cách mạng khu 10-xã Krong được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 52/2007/QĐ-UBND ngày 5/3/2007 của chủ tịch UBND tỉnh. Hiện tại đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

     - Di tích lịch sử “Vụ thảm sát nhân dân làng tân Lập năm 1947”:  Làng Tân lập, xã Đăk Hlơ, huyện Kbang thuộc tổng Tân phong, huyện An khê, Tỉnh Gia Lai và nay là thuộc thôn 6, xã Đăk Hlơ, huyện Kbang. Cuối những năm 1946 đầu 1947, phong trào chống thực dân pháp xâm lược ở Gia Lai diễn ra mạnh mẽ, nhất là chiến dịch tấn công địch trên toàn mặt trận giải phóng An Khê. Nhằm đàn áp phong trào kháng chiến của quân và dân nơi đây, thực dân pháp đã huy động lực lượng và ra sức càng quét, đàn áp khốc liệt. Nghi ngờ bà con nhân dân  làng Tân Lập nuôi giấu cách mạng, sáng ngày 18/3/1947, thực dân pháp đã cho lính càn vào làng giết hại bà con và đốt sạch 74 nóc nhà, sát hại 386 người dân ở làng Tân Lập. Dã man hơn bọn chúng không cho ai vào làng để chôn cất những người đã chết đến gần 01 tháng sau những người sống sót mới được quay trở về làng để chôn cất bà con. Vụ tàn sát làng Tân Lập được coi là một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược ở nước ta. Năm 2015 huyện đã hoàn thành xây dựng Nhà tưởng niệm nhân dận làng Tân Lập bị giặc pháp sát hại năm 1947 với tổng diện tích hơn 5.000 m2. Ngày 20 tháng 3 năm 2017 , “ Vụ thảm sát dân làng Tân Lập năm 1947 “ được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh (theo Quyết định số 318/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai ).

     - Các làng Bahnar truyền thống tiêu biểu:

     + Làng Bôn, xã Lơ Ku: nằm cách trung tâm huyện khoảng 7km về hướng tây, nằm trên trục đường liên xã từ thị trấn Kbang đến xã Lơ Ku đã được bê tông hóa. Là một làng hiện nay còn lưu giữ những mẫu nhà bahnar truyền thống, có nhà kho, khu nhà mồ; đời sống tín ngưỡng, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như cồng chiêng, ngành nghề truyền thống, nhạc cụ dân tộc, một số phong tục và lễ hội tốt đẹp vẫn còn được lưu giữ. Với đặc điểm về địa lý và văn hóa dân tộc, năm 2017, làng được huyện chọn để xây dựng làng Bahnar truyền thống. Đây là địa điểm hấp dẫn cho các du khách muốn khám phá, tìm hiểu và nghiên cứu, trải nghiệm về bản sắc văn hóa dân tộc đại diện cho văn hóa dân tộc bahnar huyện Kbang.

     + Làng Pơ Drang, xã Krong: nằm cách trung tâm xã khoảng 2,5 km , trên đường đi vào khu căn cứ đại cách mạng-khu 10, cách thác Đak Pok khoảng 04 km. Làng nằm ở một địa hình tương đối đẹp, phía sau dựa vào sườn núi, phía trước là dòng sông Lơ Pà luôn có dòng nước trong xanh quanh năm, ít bị vẩn đục bởi mưa bão, thuận lợi cho việc tắm rửa sinh hoạt của người dân và khách du lịch trong những ngày mùa hè nóng nực. Nhìn xa trước mặt là thác Đak Pok tạo nên một khung cảnh nên thơ và hữu tình. Hiện tại đường giao thông từ UBND xã đễn làng đã được bê tông hóa, trong làng có nhiều cây xanh lâu năm tạo nên khung cảnh hữu tình. Làng Pơ Drang là một trong những làng xã còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người Bahnar, làng có 07 bộ cồng chiêng, 01 đội cồng chiên thường xuyên duy trì tập luyện và được xã thường tuyển chọn tham dự các đợt liên hoan, hội diễn do huyện, xã tổ chức. Các lễ hội truyền thống trong làng, các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm vẫn còn lưu giữ và phát huy. Đây là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách nghỉ lại qua đêm sau khi hành trình về thăm căn cứ địa cách mạng Khu 10, xã Krong và chuẩn bị cho chuyến hành trình tiếp theo.

    Với tiềm năng và lợi thế về các điểm du lịch, Huyện đang triển khai một số nhiệm vụ phát triển du lịch đó là: Sưu tầm, phục dựng và khai thác các lễ hội truyền thống của dân tộc Bahnar, trước mắt tại các làng Stơr, làng Mơ Hra, làng Kjang, làng Chiêng. Duy trì tập luyện và củng cố các đội cồng chiêng, bồi dưỡng nghệ nhân truyền dạy các nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, trình diễn nhạc cụ … phục vụ du khách khi có nhu cầu. Xây dựng mô hình nhà ở cộng đồng (homestay ) tại làng nông thôn mới, trước hết là tại các làng: Kjang, làng Mơ Hra, làng Stơr, là Chiêng, làng Kon Bông. Nâng cấp sử chữa phục dựng lại nhà rông, nhà sàn truyền thống, bố trí phòng trưng bày các hiện vật phản ánh cuộc sống, lao động sản xuất, về văn hóa của dân tộc Bahnar tại các làng phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển dịch vụ ẩm thực địa phương gắn với những đặc sản đặc trưng của huyện Kbang như: Gà nướng, cá Tầm, thịt heo đen, Gà đồi, rượu ghè, lá mỳ, cà đắng, ốc đá, rượu cần … để tạo ra nhiều món ăn độc đáo phục vụ khách du lịch. Bảo tồn các nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ: Đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, hàng mây tre, các loại nhạc cụ dân dang như đàn T’rưng, đàn Goong, cồng chiêng. Tổ chức các đợt liên hoan, hội diễn dân ca, dân vũ gắn với hội thi đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm để bà con được giao lưu, phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

     Phát triển du lịch sinh thái kết hợp các sản phẩm nông nghiệp sạch, xây dựng mô hình trang trại mang tính đặc trưng về ẩm thực, sản phẩm của Kbang.

     Kêu gọi liên kết phát triển tour du lịch: làng kháng chiến Stơr - thác Kon Bông - làng Mơ Hra. Thác Kon Bông – khu căn cứ cách mạng xã Krong - làng kháng chiến Stơr. Di tích vườn Mít-cánh đồng Cô Hầu - thác Hang Dơi - di tích lịch sử làng kháng chiến Stơr - làng Kgiang. Làng kháng chiến Stơr - thác K50-làng Chiêng…Kêu gọi xây dựng khu nghỉ dưỡng, ẩm thực, trưng bày đặc sản Kbang phục vụ nhu cầu du khách.
 
Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang