|
Huyện Kbang đẩy mạnh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới.
(ngày đăng bài: 21/02/2023)
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (One commune one product - OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (giảm bớt tình trạng dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chương trình được thực hiện với hai nguyên tắc: sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chương trình xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó sản phẩm hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Đối với huyện Kbang, thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 34/QĐ-UBND ngày 23/01/2019 của UBND tỉnh Gia Lai V/v phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành triển khai Chương trình OCOP; đăng ký tham gia sản phẩm vào Đề án OCOP của tỉnh. Đồng thời, đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; đã triển khai nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn và đặc biệt là hướng dẫn triển khai chu trình OCOP với 6 bước: tuyên truyền, đăng ký sản phẩm, nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án; đánh giá và xúc tiến thương mại. Hàng năm, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Hướng dẫn chủ thể đăng ký ý tưởng sản phẩm; quy trình, các bước thực hiện nội dung Chương trình OCOP (đăng ký xây dựng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; hồ sơ về chứng nhận sở hữu trí tuệ; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; chuẩn hóa nhãn hiệu sản phẩm và chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định hiện hành; qui chuẩn, qui trình sản xuất và thực hiện các điều kiện để xúc tiến thị trường tiêu thụ cho các chủ thể, doanh nghiệp, HTX, THT, hộ kinh doanh…); tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; Hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế….
Đến nay, Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả: Năm 2019, đã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn Seamaul Undong, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia HCM tổ chức tập huấn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) và ý tưởng kinh doanh, tư vấn hỗ trợ cho cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP với 136 đại biểu tham gia, trong đó 12 đại biểu cấp huyện, 70 đại biểu cấp xã và 54 đại biểu là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện. Năm 2020, huyện tổ chức mời chuyên gia hướng dẫn và tư vấn trực tiếp cho các chủ thể về ý tưởng kinh doanh, quy trình, thủ tục, hồ sơ tham gia chương trình OCOP.
Huyện tổ chức đánh giá các sản phẩm OCOP hàng năm
Đã tổ chức đánh giá sản phẩm hàng năm đảm bảo kịp thời. Đến nay, trên địa bàn huyện có 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: Măng le rừng Kbang, Mắc ca Minh Quang, Hạt mắc ca Phương Linh, Mắc ca Phố núi Damia, Tinh dầu sả Java nguyên chất, Bí đao sấy khô Thanh Hương, Trà sâm linh chi.
Các sản phẩm OCOP của huyện
Tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện chương trình giai đoạn 2018-2020 là: 259.619.000 đồng. Ngoài ra, còn tổ chức, giới thiệu cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh đi tham quan và giới thiệu sản phẩm của mình (mắc ca, măng le rừng, dược liệu…) tại các diễn đàn, hội chợ ngoài tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Quảng Bình.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi: Huyện Kbang có nhiều sản phẩm thế mạnh triển khai Chương trình OCOP; UBND tỉnh đã chỉ đạo và phê duyệt đề án thực hiện Chương trình, đã hướng dẫn và tổ chức tập huấn cán bộ Huyện về triển khai Chương trình đảm bảo đúng nội dung, mục tiêu, đối tượng của đề án; các Doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất kinh doanh tham gia OCOP đã tích cực, chủ động đăng ký sản phẩm, hoàn chỉnh hồ sơ (hồ sơ bắt buộc, hồ sơ bổ sung và các tài liệu minh chứng); việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, qua đó đã đánh giá và phân hạng các sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, là cơ sở để triển khai các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình OCOP cũng còn những khó khăn, vướng mắc như: Phần lớn các sản phẩm sản xuất trên địa bàn huyện quy mô nhỏ lẻ, phân tán; sản xuất hàng hóa phần lớn còn làm theo kinh nghiệm. Nội lực của các chủ thể chưa mạnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm thiếu ổn định. Các chủ thể tham gia OCOP trên địa bàn chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, chưa chú trọng phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Năng lực phát triển của các chủ thể còn nhiều hạn chế theo quy định đánh giá trong Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 871/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 nên nhiều tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình không kịp thu thập các tài liệu minh chứng để cập nhật vào hồ sơ sản phẩm để đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Do vậy một số sản phẩm đã đăng ký nhưng không đảm bảo hồ sơ theo tiêu chí để đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Giai đoạn 2019-2021 các quy định về nội dung, định mức hỗ trợ từ ngân sách cho các chủ thể OCOP còn thiếu và chưa cụ thể nên trong quá trình thực hiện còn vướng mắc.
Trong giai đoạn 2021-2025; để tiếp tục thực hiện chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ- TTg ngày 01/8/2022 về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2582/KH-UBND ngày 07/11/2022 về việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025; trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 08/02/2023 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Kbang giai đoạn 2021-2025; theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025, có thêm ít nhất 21 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (Nhóm thực phẩm: 16 sản phẩm; Nhóm đồ uống: 2 sản phẩm; Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu: 1 sản phẩm; Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ: 1 sản phẩm; Nhóm dịch vụ cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch: 1 sản phẩm), nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn huyện là 25 sản phẩm (giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn huyện đã công nhận 4 sản phẩm đạt 3 sao), trong đó phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Duy trì, củng cố các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm và sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là Tổ hợp tác và HTX; 20% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất có 02 chủ thể OCOP là người đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như: hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; phấn đấu trên địa bàn huyện có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, huyện sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP thông qua việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Củng cố, nâng cao tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thực hiện chương trình thông qua đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý từ cấp huyện đến xã; các doanh nghiệp, hợp tác xã, THT, các cơ sở/hộ sản xuất kinh doanh; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thanh niên, lao động nông thôn…; tổ chức triển khai Chu trình OCOP thường niên linh hoạt, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến các sản phẩm; tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm OCOP, nhất là định hướng phát triển sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn Organic, Vietgap, GMP... Ưu tiên huy động nguồn lực về vốn, đất đai, lao động, nguồn nguyên liệu, máy móc, công nghệ cho các chủ thể OCOP, trong đó lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, chương trình, dự án khoa học công nghệ và các cơ chế chính sách khác có liên quan; đồng thời, hỗ trợ chủ thể OCOP tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong triển khai Chương trình OCOP, khai thác và phát triển sản phẩm của địa phương gắn với bảo tồn truyền thống, danh tiếng của cộng đồng, địa phương.
Trương Thị Chúc - Văn phòng
|