CHUYÊN MỤC

Huyện Kbang định hướng và giải pháp thực hiện phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025

(ngày đăng bài: 25/05/2022)
     Không chỉ là vùng đất anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà huyện Kbang còn được biết đến như là cái nôi về văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Là nơi hội tụ được nhiều dân tộc anh em từ nhiều vùng miền của đất nước đến sinh sống mang theo nhiều bản sắc văn hóa đan xen của nhiều vùng miền khác nhau và được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp, những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, những thác nước hùng vỹ và nhiều di sản văn hóa phi vật thể.

Untitled.jpg
Lễ hội mừng lúa mới là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc, mang đậm truyền thống của người Ba Na
 
     Huyện Kbang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn: Tiềm năng về thiên nhiên (Khu du lịch sinh thái Hồ thuỷ điện An Khê-KaNak; Vườn quốc gia Kon Ka Kinh; Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; Khu du lịch sinh thái thác Hang Dơi, thị trấn Kbang); Tiềm năng về văn hóa, lịch sử (Di tích lịch sử Vườn Mít – cánh đồng cô Hầu; Di tích lịch sử Làng kháng chiến Stơr; Di tích lịch sử Căn cứ cách mạng khu 10 – xã Krong; Di tích lịch sử “Vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”; Các làng Bahnar truyền thống tiêu biểu: Làng Bôn, xã Lơ Ku; Làng Pơ Drang, xã Krong).
 
     Để phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, huyện Kbang định hướng phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025:
 
     Đầu tư cơ sở hạ tầng trong Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng, vận động xây dựng, hoàn thiện các công trình nhà ở, nhà vệ sinh, hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội làng, công tác vệ sinh môi trường theo tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc Bahnar theo kế hoạch đã được phê duyệt; Tổ chức các cơ sở lưu trú theo hình thức tại nhà, đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị và dụng cụ thiết yếu để phục vụ du khách; khuyến khích xây dựng mô hình nhà ở theo dạng nhà sàn truyền thống (từ mẫu mã, vật liệu đến cách thức bài trí không gian sinh hoạt...).
 
Untitled2.jpg
Mô hình Du lịch cộng đồng Homestay A Ngưi
 
     Khôi phục và phát triển một số mặt hàng nghề truyền thống kết hợp phục vụ dịch vụ văn hóa với bán các sản phẩm nghề truyền thống như: sản xuất rượu cần, làm nghề đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, các loại công cụ, đồ dùng sinh hoạt thường ngày của người dân...Lấy hộ gia đình là chính để hướng dẫn khách vừa tham quan vừa tìm hiểu quá trình sản xuất ra sản phẩm vừa trực tiếp mua hàng hoặc đặt hàng tại chỗ theo yêu cầu. Khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ các nghệ nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm truyền thống độc đáo nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách.
 
Untitled3.jpg
Phụ nữ dân tộc Bahnar dệt thổ cẩm để phục vụ du lịch
 
      Phát triển du lịch sinh thái kết hợp các sản phẩm nông nghiệp sạch, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, phát triển các loại rau rừng, các vườn cây ăn trái, vườn hoa công nghệ cao, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm sạch phục vụ ẩm thực cho du khách. Gắn việc mua sản phẩm để làm quà, phục vụ ẩm thực sẽ giới thiệu cho khách du lịch tham quan, chụp hình, trải nghiệm về quy trình về nuôi, trồng, quy trình sản xuất và lịch sử phát triển của một số loại trái cây, rau rừng đặc thù để làm phong phú và đa dạng hơn sản phẩm du lịch.
 
Untitled4.jpg
Mô hình tiêu chuẩn VietGap trên cây ăn quả của Hợp tác xã nông nghiệp Quang Vinh xã Sơ Pai
 
Xây dựng các trang trại như chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, vườn ươm để kết hợp dã ngoại, tham quan nghỉ ngơi tại các nhà sàn, các trang trại ven suối, ven các thác nước gắn với tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, các dịch vụ giải trí tại chỗ để phục vụ du khách. Xác định việc xây dựng các trang trại sản xuất theo công nghệ cao là một trong những điểm đến cho du khách khi tham gia các tour du lịch
 
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và đặc điểm của từng địa phương, xây dựng và hình thành 02 vùng không gian du lịch gồm: không gian du lịch phía Bắc và không gian du lịch phía Nam huyện để kết nối các tuyến du lịch tìm hiểu về lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái, trong đó xác định cụ thể về hành trình và nội dung hoạt động của các tuyến du lịch ngoài huyện, tuyến du lịch trong huyện.
 
     Giải pháp thực hiện các định hướng:
 
     Một là đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, ưu tiên bố trí và đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các làng chọn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng; Tạo môi trường xanh, sạch, đẹp tại các nơi công cộng và đến từng hộ dân trong làng; Vận động nhân dân sưu tầm hiện vật để xây dựng các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm du lịch tại các nhà rông truyền thống của làng; khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân đẩy mạnh thực hiện các mô hình trồng sâm dây, sâm đá, sa nhân tím, các loại cây dược liệu quý, cây ăn trái nhằm tạo sản phẩm hàng hóa; vận động các hộ gia đình phát triển nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, thu gom mật ong rừng... phục vụ khách du lịch.

     Hai là định hướng một số nghề theo sản phẩm hiện có được du khách ưa chuộng đối với nghề dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần, nghề đan lát, nghề chế tác nhạc cụ dân tộc và đồ dùng sinh hoạt.

     Ba là định hình 02 vùng không gian du lịch để phát triển và kết nối các tour du lịch. Đối với khu vực các xã phía Bắc tập trung xây dựng các mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp sạch tại các xã Sơn Lang, Sơ Pai, Đakrong, Kon Pne, lồng ghép công tác tuyên truyền về Luật bảo vệ và phát triển rừng, giới thiệu về đặc điểm, nguồn gốc và ý nghĩa của các loài gien động thực vật quý hiếm tại các Khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng. Đối với các xã khu vực phía Nam tập trung xây dựng và phát triển các nghề truyền thống, xây dựng và phát triển các đội cồng chiêng nhỏ tuổi mang tính chuyên nghiệp để phát huy không gian văn hóa cồng chiêng, sưu tầm các làn điệu dân ca, kể Khan, chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, phục dựng các lễ hội truyền thống; tổ chức cho du khách tham gia trải nghiệm về cuộc sống, sinh hoạt và nghỉ qua đêm tại các làng du lịch cộng đồng.

    Bốn là xây dựng các tuyến du lịch trong huyện để gắn với các tour du lịch trong và ngoài tỉnh: Tuyến du lịch: Di tích lịch sử làng kháng chiến Stơr →Thác Kon Bông →Làng Mơ Hra; Tuyến du lịch: Thác Kon Bông → Căn cứ cách mạng Khu 10 Làng kháng chiến Stơr; Tuyến du lịch: Di tích Vườn Mít, cánh đồng cô Hầu → Thác Hang Dơi → Di tích lịch sử làng kháng chiến Stơr → làng Kgiang; Tuyến du lịch: Thác 50 → Đền tưởng niệm các liệt sỹ Ka Nak→ Làng Chiêng (thị trấn). Ngoài ra có thể bố trí một số điểm tham quan du lịch phù hợp hoặc kết nối các tour du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh theo yêu cầu của khách du lịch.

     Năm là định hướng xây dựng mô hình tổ chức quản lý du lịch cộng đồng, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Tùy theo đặc thù của từng địa phương có thể hình thành mô hình quản lý theo hộ gia đình; Mô hình quản lý theo tổ hợp tác; Mô hình quản lý theo Ban quản lý; Mô hình quản lý theo hợp tác xã./.
 
Trần Thị Phương- Phòng Nội vụ

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang