CHUYÊN MỤC

KBANG - 35 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

(ngày đăng bài: 18/05/2020)
     Truyền thống quê hương cách mạng

     Kbang là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Gia Lai, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về quốc phòng - an ninh. Vậy nên, từ nửa cuối thế kỷ XVIII, nơi đây đã là một phần của căn cứ địa Tây Sơn thượng đạo, cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ lãnh đạo. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Kbang là chiến địa ác liệt, nóng bỏng, nơi từng diễn ra những cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch; cũng từ đó, nhiều phong trào cách mạng nổi lên, Kbang trở thành vùng thánh địa cách mạng của tỉnh với những sự kiện, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử.

Untitled.jpg
Hình: Cây mít cổ thụ tại khu di tích lịch sử vườn Mít- cánh đồng cô Hầu
 
     Ngay từ nửa đầu thế kỷ XX, không chịu khuất phục trước bước chân xâm lăng của thực dân Pháp, người Bahnar ở Kbang, chỉ với hầm chông, bẫy đá, mang cung đã quyết tâm đánh giặc, giữ rẫy, giữ làng. Cùng với dân làng Stơr của Anh hùng Núp, người Bahnar ở các làng Su, Bar, Đe Dong... và nhiều làng khác trên vùng đất Kbang ngày nay đã bất hợp tác với địch cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), với trận đánh đồn Hà Tam do Núp cùng du kích Stơr giành thắng lợi, gương chiến đấu của làng stơr, đấu tranh du kích vùng Ka Nak trở thành điểm sáng của vùng Tây Nguyên và Gia Lai. Trong những năm tháng này, rừng núi Kbang chính là bàn đạp để các đội vũ trang tuyên truyền, cán bộ, lực lượng vũ trang cách mạng tiến lên xây dựng cơ sở các vùng xung yếu cơ động 100 của Pháp (GIM100) góp phần làm nên chiến thắng Đak Pơ, hòa cùng chiến thắng Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong cuộc kháng chiến chông Mỹ cứu nước (1954 - 1975), vùng đất Kbang là căn cứ địa của tỉnh, nơi đứng chân của lực lượng kháng chiến địa phương, Quân khu V; nơi có tuyến hành lang Bắc - Nam (Đông Trường Sơn) đi qua... Vì tầm quan trọng này, mà Kbang luôn nằm trong tầm ngắm của kẻ thù, với những trận càn quét quy mô, bằng các biện pháp chiến tranh hủy diệt. Nhưng bất chấp hiểm nguy, vượt qua mọi khó khăn thử thách, Nhân dân và cán bộ huyện đã chiến đấu, sống chết với quân thù để bảo vệ căn cứ của tỉnh, bảo vệ kho tàng, lực lượng cách mạng... Từ trong những trận chiến cam go, từ tinh thần kiên cường bất khuất, bám đất, bám làng, quyết tâm đánh giặc, từ những sáng tạo trong chiến tranh du kích ở vùng rừng núi... những tên đất, tên người của Kbang như Anh hùng Núp, làng kháng chiến Stơr, KaNak, Krong, Hơ Nưng... không chỉ đi vào lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc mà còn vượt ra ngoài biên cương Tổ quốc.
 
     Chia tách huyện, xây dựng và phát triển
 
     Thực hiện Quyết định số 181/HĐBT, ngày 28-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc tách một phần phía Bắc của huyện An Khê và 2 xã (huyện Kon Plông, tỉnh Gia Lai-Kon Tum) để thành lập huyện Kbang. Ngày 19-5-1985, tại làng Buôn Lưới (xã Sơ Pai), Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các ban ngành, đoàn thể của huyện đã tổ chức Lễ ra mắt và lấy ngày 19-5 là ngày thành lập huyện. Sau khi được thành lập, trung tâm huyện lỵ được đặt tại làng Buôn Lưới, xã Sơ Pai. Sau gần 3 năm hoạt động, do khó khăn, hạn chế về đường giao thông, địa hình chia cắt, ngày 14-5-1988, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum có Thông báo số 77/TB-UBND thống nhất cho huyện chuyển dời trung tâm huyện về đóng tại trung tâm Ka Nak thuộc xã Đông (nay là thị trấn Kbang).

     Những ngày đầu thành lập, Kbang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, điều kiện phát triển kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp với độc canh cây lúa rẫy, đời sống nhân dân khó khăn và đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp, bọn phản động FULRO thâm nhập vào địa bàn lôi kéo, chống phá phong trào định canh định cư, khống chế cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân gây nhiều khó khăn, trở ngại cho việc tổ chức quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng... Song Nhân dân và cán bộ huyện Kbang từng bước vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, sau 35 năm, huyện đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
 
Untitled1.jpg
Hình: Trung tâm thị trấn Kbang nhìn từ trên cao
 
     Trên lĩnh vực kinh tế, đã có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 7,85%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản, thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng phát triển theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35,045 triệu đồng/người/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội 2.780 tỷ đồng.  Huyện đã quy hoạch và hình thành những vùng chuyên canh cây trồng như: cà phê, cây công nghiệp dài ngày ở các xã phía Bắc; cây mía ở các xã phía Nam; cây lúa nước năng suất, chất lượng cao ở xã Sơ Pai, xã Tơ Tung; cây bắp lai, cây đậu, rau, hoa quả ở vùng ven sông Ba. Triển khai các mô hình trồng cây bời lời đỏ, sa nhân tím, mắc ca bước đầu phát triển tốt. Song hành với việc phát triển kinh tế, huyện tập trung triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới 1.803,986 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư, nâng cấp mở rộng. Đến nay, 08/13 xã có trung tâm văn hóa; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa. Trạm y tế xã được quan tâm đầu tư nâng cấp để đạt chuẩn. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư mở rộng đáp ứng cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, 100% số xã đạt chuẩn về tiêu chí số 3 (thủy lợi), 100% số xã quy hoạch và đầu tư mở rộng bãi xử lý rác thải và quy hoạch nghĩa trang các làng theo chuẩn nông thôn mới. Đến nay, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 làng nông thôn mới. Huyện đang đẩy mạnh phong trào “Kbang chung sức xây dựng nông thôn mới”, phấn đấu cuối năm 2020, có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 13 làng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng; thiết chế văn hóa được củng cố; văn hóa truyền thống người Bahnar được bảo tồn, phát huy. Hoạt động du lịch được đầu tư phát triển mạnh. Trong những năm gần đây huyện đã tổ chức các hoạt động văn hoá, ngày hội du lịch, thu hút bình quân mỗi năm khoảng 15.000 lượt khách trong và ngoài huyện đến tham quan.
 
Untitled2.jpg
Hình: Hệ thống giao thông tuyến xã khang trang hơn từ chương trình nông thôn mới
 
     Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh cũng đạt được kết quả khả quan. Toàn huyện hiện nay có 44 trường phổ thông, trong đó 42/44 trường đạt chuẩn quốc gia; là điểm sáng của tỉnh về công tác giáo dục, khuyến tài, trong đó nổi bật là mô hình trường bán trú để duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng. Duy trì 14/14 xã, thị trấn có bác sĩ, đạt tỷ lệ 5,6 bác sỹ/1 vạn dân; 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 còn 7,92%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn 14,62%; không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, góp phần ổn định đời sống cho nhân dân. Tình hình an ninh chính trị được đảm bảo; các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự được phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở.
 
Untitled3.jpg
Hình: Công viên Văn hóa, điểm nhấn cho sự phát triển kinh tế-văn hóa của huyện
 
     Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, Đảng bộ huyện từng bước xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Năm 1985, toàn Đảng bộ chỉ có 20 tổ chức cơ sở Đảng với gần 600 đảng viên; đến nay tăng lên 53 tổ chức cơ sở Đảng với 3.603 đảng viên. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm sát đúng thực chất, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 84,76% , số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm chiếm 83,88%. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được sắp xếp, củng cố, kiện toàn tinh gọn theo lộ trình, kế hoạch, hoạt động hiệu quả hơn. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị được tăng cường và đạt nhiều kết quả trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo, thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động bằng các mô hình thiết thực với đời sống của người dân.

     Những thắng lợi từ khi chia tách, thành lập, thực hiện đổi mới và phát triển của huyện trong 35 năm qua mới chỉ là bước đầu và còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
 
Untitled4.jpg
Hình: Du lịch sinh thái, định hướng phát triển kinh tế của huyện
 
     Trong thời gian tới, trước thời cơ và thách thức mới, Đảng bộ và nhân dân Kbang phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và huyện. Tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh và nắm bắt các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa đói giảm nghèo… xứng đáng là vùng quê hương cách mạng.​
 
Nguyễn Văn Trung - Phòng Nội vụ huy​ện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang