CHUYÊN MỤC

NHỮNG NÉT ĐỘC ĐÁO VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, VĂN HÓA CỦA HUYỆN KBANG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

(ngày đăng bài: 18/09/2018)
  1. VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Huyện Kbang nằm ở cực Đông Bắc của Tỉnh Gia Lai, có diện tích tự nhiên 1.841,86 km2, chiếm 11,9% diện tích toàn tỉnh; phía Đông giáp huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện An Lão, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định); phía Nam giáp Thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ; phía Tây giáp huyện Mang Yang, Chư Păh và phía Bắc giáp huyện Kon Plong, Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum). Cách Tp Pleiku khoảng 120 km về phía Đông; cách Thị xã An Khê gần 30 km về phía Bắc và cách Tp Qui Nhơn (Bình Định) khoảng 110 km về phía Tây.

 
Nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn và trên cao nguyên Kon Hà Nừng nên huyện Kbang có địa hình dạng núi cao với độ cao trung bình của từ 700 – 1600m, cao nhất là đỉnh núi Kon Ka Kinh (1748m) ở phía Bắc và thấp dần về phía Nam. Do đặc thù của địa hình nên đây cũng là nơi khởi nguồn của dòng sông Ba và sông Kôn hùng vỹ; các dòng sông chảy qua địa hình dốc rất cao, vực sâu lớn nên đã tạo ra hệ thống các thác nước vừa và nhỏ, rất phong phú, đa dạng có nhiều thác rất đẹp như: thác Hang Dơi (cao 11m), thác Kon Lốc (cao hơn 20m), thác Đăk Bok (cao khoảng 100m) ... và đặc biệt là thác 50 hay còn gọi là thác Hang Én có chiều cao 54m, là một trong những thác đẹp nhất Tây Nguyên hiện nay.
 
Untitled.png
Thác Kon Lốc (xã Đak Rong)
Với vị trí địa lý là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng duyên hải Miền Trung, cao nguyên Kon Hà Nừng với Tây Nguyên và với vùng trũng An Khê nên khí hậu của Kbang mang sắc thái riêng, đó là khí hậu nhiệt đới ẩm, mát mẻ với nền nhiệt độ trung bình từ 20 -230C, lượng mưa lớn từ 1500 – 2800mm; tạo thành 03 tiểu vùng khí hậu: Tiểu vùng khí hậu núi cao Kông Ka Kinh và Bắc cao nguyên Kon Hà Nừng (gồm các xã: Đăkrong, Sơn Lang, Krong, Kon Pne) có nhiệt độ trung bình từ 19 - 200C, lượng mưa trên 2000mm, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái như: cà phê, cao su, cây dược liệu. Tiểu vùng khí hậu núi thấp và Nam cao nguyên Kon Hà Nừng (gồm các xã Lơ Ku, Đăk Smar, Sơ Pai, xã Đông, Thị trấn Kbang) có nhiệt độ trung bình từ 21 - 230C, lượng mưa trung bình từ 1500 – 2000mm rất thích hợp với các loại cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới như: lúa nước, rau đậu, hoa các loại, dược liệu. Tiểu vùng khí hậu trũng thấp phía Nam (gồm các xã Nghĩa An, Đăkhlơ, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung) có nhiệt độ trung bình từ 23 - 240C, lượng mưa trung bình từ 1200 – 1500mm, thích hợp với trồng cây hoa màu lương thực, cây công nghiệp hàng năm như: mía, sắn, đậu, cây ăn trái.
Kbang còn là huyện có tài nguyên rừng vào loại giàu nhất Tây Nguyên với hệ thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng; tổng diện tích rừng và đất rừng là 129.770,1 ha với nhiều loại cây gỗ quý như: pơmu, trắc, huỳnh đàn, hương... các loài cây dược liệu như: sa nhân tím, quế, sâm đất, mật nhân, nấm Linh chi, Hoàng đẳng sâm, lan Kim tuyến...  và nhiều loại cây lâm thổ sản quý hiếm dưới tán rừng. Tài nguyên rừng của Kbang tập trung chủ yếu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có tổng diện tích 15.446ha (trong đó rừng tự nhiên là 15.386ha), với 938 loài động thực vật khác nhau; trong đó có 98 loài có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: voọc vá chân xám, chân bơi Helio paispersovata... tại đây có hệ thống 12 thác nước lớn nhỏ; trong đó, thác Hang Én (hay còn gọi là thác 50 có chiều cao 54m) được mệnh danh là Đệ nhất thác, có giá trị rất lớn về tiềm năng du lịch và nghiên cứu khoa học.
 
Untitled1.png
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có tổng diện tích là 41.710ha (diện tích rừng tự nhiên là 33.565ha), trong đó, 2/3 diện tích tự nhiêm nằm trên địa giới hành chính của huyện Kbang. Với 738 loài động thực vật khác nhau; trong đó, có 34 loài thực vật và 29 loài động vật được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới, đặc biệt là loài khướu tai hung Garrulax konkakinhhensis mới được phát hiện ở châu Á trong vòng 30 năm trở lại đây. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn du lịch sinh thái và tiềm năng nghiên cứu khoa học đã được công nhận là vườn di sản ASEAN.
2. VỀ LỊCH SỬ
Cùng với núi rừng, thiên nhiên hùng vỹ, Kbang còn được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của dân tộc như phong trào Tây Sơn gắn liền với Tây Sơn thượng đạo; “Đất nước đứng lên” với biểu tượng sáng ngời - anh hùng Núp và là cái nôi cách mạng trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của đồng bào và nhân dân các dân tộc Gia Lai. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 cụm di tích lịch sử lớn, gồm: Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An); Làng kháng chiến Stơr – Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung) và Căn cứ địa cách mạng của tỉnh - Khu 10 (xã Krong). Bên cạnh đó, huyện còn có một số di tích lịch sử khác như: Bia tưởng niệm làng Tân Lập (xã Đăkhlơ), Đền tưởng niệm Liệt sỹ KaNak (Thị trấn Kbang).
Vườn mít - Cánh đồng cô Hầu:
 
Untitled2-1png.png
Untitled3-1.png
Nửa cuối thế kỷ XVIII, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, do thường xuyên qua lại buôn bán trên vùng Thượng đạo, anh em nhà Tây Sơn nhận thấy đây là một vùng đất lý tưởng để xây dựng cơ sở ban đầu của cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Nhạc đã được đồng bào các dân tộc Thượng đạo rất mực tin yêu; Một tù trưởng người Bahnar ở Đê Hmâu (nay thuộc vùng Nghĩa An) đã gả con gái mình có tên là Yă Đố cho Nguyễn Nhạc (hiện nay, một số làng dân tộc Bahnar vẫn gọi tên Bà trong các cuộc lễ như Lễ cúng Yang, Mừng lúa mới... với tên gọi rất trang nghiêm là Yang Yă Đố, xếp sau Yang Kông, Yang Đăk – hai vị thần cao nhất trong tâm thức của người Bahnar). Bà đã sống hết mình với phong trào Tây Sơn. Chứng tích về những đóng góp của Bà cho phong trào hiện còn lưu lại trên vùng Thượng đạo là Vườn Mít và cánh đồng Cô Hầu rộng khoảng 20ha ở chân núi Cà Nong (thuộc xã Nghĩa An, huyện Kbang) để trồng lương thực cung cấp cho nghĩa quân. Hiện nay, cụm di tích Vườn Mít – Cánh đồng Cô Hầu ở xã Nghĩa An huyện Kbang đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Làng kháng chiến Stơr – Nhà lưu niệm Anh hùng Núp
 
Làng Stơr là nơi anh hùng Núp được sinh ra và lớn lên. Tại đây, trước sự tàn bạo của thực dân Pháp xâm lược, anh Núp đã phát động và lãnh đạo bà con dân làng đứng lên đánh Pháp, gìn giữ núi rừng, buôn làng; bằng những vũ khí đơn sơ như: chông tre, bẫy đá, cung tên... đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, viết nên huyền thoại “bắn Pháp chảy máu”, nêu tấm gương sáng ngời cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên noi theo trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và đế quốc Mỹ (1954 - 1975) của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Làng kháng chiến Stơr đã trở thành biểu tượng bất khuất của Tây Nguyên huyền thoại và cuộc đời cách mạng của anh hùng Núp đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử và là biểu tượng của "Đất nước đứng lên" mà tiếng vang còn vọng đến tận Tây Bán cầu. Với những công lao và đóng góp to lớn đó, ngày 23/3/1993, làng Stơr đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa: Làng Kháng chiến Stơr; anh Núp là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là người được bạn bè quốc tế mến phục.
 
Untitled4-1.png
Căn cứ địa cách mạng của Tỉnh -  Khu 10 (xã Krong)
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975), vùng đất Kbang ngày nay là căn cứ địa cách mạng của tỉnh trong suốt 20 năm (1955 - 1975), nơi đứng chân của Tỉnh ủy, các cơ quan tỉnh và lực lượng kháng chiến địa phương, Quân khu V; nơi có tuyến hành lang Bắc - Nam (Đông Trường Sơn) đi qua. Vì tầm quan trọng của địa bàn này, mà Kbang luôn nằm trong tầm ngắm của kẻ thù, với những trận càn quét quy mô, bằng các biện pháp chiến tranh hủy diệt. Nhưng bất chấp hiểm nguy, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quân và dân trong huyện đã dũng cảm chiến đấu, sống chết với quân thù để bảo vệ căn cứ của tỉnh, bảo vệ kho tàng, lực lượng cách mạng; nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng người địa phương bị địch bắt, tra khảo với mọi hình thức những vẫn nêu cao tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, quyết không chịu khuất phục, không nhận là cán bộ, du kích, không khai báo gì có hại cho cách mạng, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho căn cứ địa cách mạng của tỉnh cho đến ngày giải phóng. Năm 2007, Căn cứ Khu 10 được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, di tích này đã được đầu tư phục dựng và hoàn thành vào ngày 19/5/2018. Việc phục dựng lại Khu di tích căn cứ địa cách mạng của Tỉnh – Khu 10 (xã Krong) là việc làm có ý nghĩa to lớn, thể hiện lòng thành kính, tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc anh hùng tiền bối, là nơi lưu giữ những trang sử vẻ vang, hào hùng, bất khuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai; là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; đồng thời, là một trong những điểm văn hóa, lịch sử đưa vào khai thác loại hình du lịch về nguồn nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử của dân tộc, nâng cao đời sống người dân nơi đây.

Untitled5-(1).png
 Untitled-6png.png
Nhà bia di tích lịch sử Căn cứ địa
                                                  cách mạng của tỉnh - Khu 10 (xã Krong)
                    Bia tưởng niệm Làng Tân Lập
          Cách đây 70 năm, sau trận đánh đồn Tú Thủy của quân và dân ta vào ngày 14/3/1947; quân Pháp tiến hành càn quét, truy lùng, lục soát và phát hiện có dấu vết bộ đội ta trú quân ở đó. Thực dân Pháp cho rằng nhân dân làng Tân Lập (nay là thôn 6, xã ĐăkHlơ, huyện Kbang) nuôi giấu bộ đội Việt Minh nên chúng tiến hành vụ thảm sát. Ngày 22/3/1947, chúng đã bắn giết 368 người, già, trẻ, lớn bé chúng đều giết hết và đốt 76 ngôi nhà. Đây là vụ thảm sát dã man nhất của quân đội Pháp ở Gia Lai trong thời gian chúng trở lại xâm lược nước ta.
                  Đền tưởng niệm Liệt sỹ Kanak
          Với quyết tâm tiêu diệt căn cứ Ka Nak, mở rộng địa bàn hoạt động giữa vùng rừng núi và đồng bằng, giữ vững căn cứ địa cách mạng của Tỉnh; đêm ngày 07/3/1965, Tiểu đoàn 409 Quân chủ lực và Trung đội đặc công Bình Định, Trung đoàn 10 bộ binh (thiếu một tiểu đoàn) cùng với bộ đội tỉnh và bộ đội địa phương Huyện 2 bí mật triển khai, áp sát cụm cứ điểm Kanak. Đến 22 giờ 30 phút, do bị lộ, địch phản công dồn dập, tập trung hỏa lực đối phó, chặn đánh quyết liệt. Cuộc chiến đấu diễn ra gần 02 giờ đồng hồ nhưng lực lượng ta không giành được thắng lợi như kế hoạch. Trận đánh kết thúc, gần 300 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.
Đền tưởng niệm Liệt sĩ Ka Nak được xây dựng như một sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kbang nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đối với những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
 Untitled6.png
Đền tưởng niệm Liệt sỹ Kanak
3. VỀ VĂN HÓA
Tính đến hết năm 2017, dân số toàn huyện là 68.988 người; trong đó, người Kinh là 35.473 người (chiếm 52,88%), người Bahnar là 28.109 người (chiếm 39,17%) và hơn 5.406 người thuộc các dân tộc khác (chiếm khoảng 7,95%). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống được chia làm hai bộ phận chính gồm bộ phận dân cư đã sinh sống lâu đời trên vùng đất này (người Bahnar) và bộ phận dân cư mới đến (người Kinh và 19 dân tộc khác) chủ yếu có mặt ở Kbang sau năm 1975. Chính sự đa dạng về nguồn gốc dân cư đã làm cho bức tranh văn hoá ở Kbang rất giàu về bản sắc văn hóa dân tộc với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo, mang sắc thái riêng.
Văn hóa truyền thống của người Bahnar
Cũng như các dân tộc khác ở Tây nguyên, văn hoá truyền thống của người Bahnar ở Kbang được hình thành trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp dựa chủ yếu vào canh tác nương rẫy, tự cấp, tự túc, gắn bó hoà quyện với thiên nhiên. Là tộc người có đời sống tinh thần phong phú với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc thể hiện qua các lễ hội như: Lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới... Lễ hội là nơi thể hiện đến mức cao nhất tính gắn kết cộng đồng và là không gian để người Bahnar thể hiện đỉnh cao những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như: ẩm thực, trang phục, âm nhạc, xoang, điêu khắc... trong đó, tiêu biểu và đặc sắc nhất chính là văn hóa cồng chiêng. Cồng chiêng được sử dụng nhiều trong các dịp lễ hội, và các hoạt động văn hóa tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 631 bộ chiêng (trong đó, có 20 bộ chiêng cổ quý hiếm), 103 đội cồng chiêng, với trên 3.600 nghệ nhân. Đặc biệt trong đó có 1 đội cồng chiêng nữ và 7 đội cồng chiêng thanh-thiếu niên (độ tuổi từ 25 trở xuống). Từ năm 2010 đến nay, cứ hai năm một lần, huyện lại  tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng nhằm gìn giữ và phát huy vốn tài sản quý của dân tộc; đồng thời, quảng bá di sản văn hóa quý báu, đặc sắc đến với công chúng, thu hút khách du lịch đến với địa phương.
 
 Untitled7-1.png
Lễ hội truyền thống tại làng MơHra (xã Kông Lơng Khơng)
 
Nhắc đến văn hóa truyền thống của người Bahnar, không thể không nói đến các công trình kiến trúc nhà rông, nhà mồ với các sản phẩm điêu khắc, thủ công dân gian như: tượng, dệt thổ cẩm, đan lát… Ở Kbang, nhiều làng vẫn còn giữ được những ngôi nhà rông truyền thống. Đi kèm với nhà rông là nghệ thuật đan lát, tạc tượng với số lượng các tác phẩm ngày càng đa dạng và phong phú, phản ánh chân thực nhưng không kém phần sinh động cuộc sống sinh hoạt thường ngày tự bao đời của cư dân bản địa.
Văn hóa truyền thống của bộ phận dân cứ mới đến
Kể từ sau ngày thống nhất Tổ quốc, bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước đã tổ chức đưa nhân dân ở các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi đi xây dựng vùng kinh tế mới; và do một số nguyên nhân khác, trong khoảng thời gian từ năm 1979 – 1985, huyện đón nhận nhiều dân tộc anh em từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến làm ăn sinh sống, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái, Sán Chỉ... Với cuộc sống chan hoà, đan xen, đoàn kết cùng sinh sống và sinh hoạt đã có sự giao lưu, giao thoa về phong tục tập quán, văn hóa giữa các dân tộc làm cho bức tranh văn hóa của huyện Kbang rất đa dạng, phong phú, mang những sắc thái riêng biệt. Hàng năm, một số xã trên địa bàn huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc sinh sống tại địa bàn các xã Lơ Ku, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung... đã tổ chức Hội xuân nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của nhóm cư dân này. Đây là dịp giao lưu văn hóa đặc sắc của các dân tộc và các vùng miền; trong dịp này, người Tày, Nùng vui cùng giai điệu cồng chiêng và thi bắn nỏ với người Bahnar; còn người Kinh, Bahnar cũng tham gia ném Còn và chơi các trò chơi truyền thống của dân tộc anh em phía Bắc.
Gắn kết các điều kiện để phát triển du lịch
Từ những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, lịch sử và văn hóa đã tạo ra những “dư địa” để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử với những sản phẩm du lịch đặc trưng đã được đưa vào tuyến du lịch trọng điểm du lịch của tỉnh. Trong thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện như: Lễ hội tái hiện các hoạt động văn hóa, ngành nghề truyền thống của đồng bào Bahnar tại làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung); Liên hoan văn hóa cồng chiêng, tạc tượng, dệt thổ cẩm tại trung tâm huyện; Ngày hội du lịch Kbang năm 2018... cùng với đó, huyện đã đề nghị đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng vào quy hoạch chung của tỉnh về phát triển du lịch sinh thái; khai thác du lịch “về nguồn”; đồng thời, nhiều di tích văn hóa lịch sử được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, các giá trị văn hóa tinh thần được lưu giữ và phát huy, như: phục dựng lại làng kháng chiến Stơr, mô phỏng một số vũ khí mà dân làng đã sử dụng như hầm chông, bẫy đã; xây dựng và đặt bia tưởng niệm làng Tân Lập; Khu căn cứ địa cách mạng của tỉnh (Khu 10 - xã Krong), ... . gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư xây mới và sửa chữa nhiều nhà văn hóa xã, nhà văn hóa, nhà rông tại các thôn, làng, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí... góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hoá truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh, việc tôn tạo các di tích lịch sử, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; trong thời gian tới, cùng với việc quảng bá, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, huyện sẽ tập trung các nguồn lực vào việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch như: đầu tư xây dựng tuyến đường dài 7km vào thác Hang Dơi, đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục công trình tại Làng kháng chiến Stơr; đầu tư xây dựng đền thờ bà Yă Đố tại cánh đồng Cô hầu (xã Nghĩa An) gắn với việc phục dựng một số lễ hội của phong trào Tây Sơn; đầu tư xây dựng đường vào thác 50 gắn với đầu tư xây dựng Khu làng Bahnar truyền thống phục vụ du khách; đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng tại địa bàn như: phát triển điểm du lịch văn hóa - lịch sử Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung), Di tích Lịch sử-Văn hóa căn cứ địa cách mạng của tỉnh - Khu 10 (xã Krong), hình thành và phát triển điểm du lịch Vườn Mít - cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An), điểm du lịch thác Hang Dơi (Thị trấn Kbang), hình thành điểm du lịch thác Kon Lôk 2 (xã Đăkrong) kết hợp trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với đầu tư, chỉnh trang, sửa chữa và ổn định cho nhân dân làng Kon Lôk 2 để phục vụ khách du lịch theo hình thức homestay; tiến tới việc kết nối các điểm du lịch này tạo thành tour du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái trên địa bàn huyện trong tuyến du lịch liên vùng theo tỉnh lộ 669 và Trường Sơn Đông (tour Qui Nhơn – An Khê – Kbang – Măng Đen – Quảng Ngãi; Qui Nhơn – An Khê – Kbang – Pleiku – Đăk Lăk) gắn với việc phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương đã khẳng định được thương hiệu như: mật ong, mật nhân, sa nhân tím, lâm thổ sản dưới tán rừng và các sản phẩm từ nông nghiệp (vải thiều, cam Đường canh, macca...) nhằm tạo sự khác biệt, độc đáo, đa dạng trong sản phẩm du lịch của địa phương.
Là địa phương được thiên nhiên “ưu đãi” với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ hiếm có, khí hậu nhiệt đới ẩm, mát mẻ với những cánh rừng già mang vẻ đẹp nguyên sơ; lại giàu truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc rất độc đáo, đặc sắc, đa dạng, phong phú mà không phải địa phương nào cũng có được; lại có vị trí địa lý thuận lợi, nên hiện nay huyện Kbang đang nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch và xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng Kbang trở thành địa điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách gần xa. Và tại sao không? Kbang sẽ trở thành một “Đà Lạt thứ 2” trong tương lai gần nếu chúng ta có lòng quyết tâm và một bảng thiết kế tốt.
          
                                                                                                                           Trương Văn Đạt
                                                                                                       TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang