CHUYÊN MỤC

UBND huyện tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2022; triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

(ngày đăng bài: 19/01/2023)
     Chiều ngày 06/01/2023, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2022; triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Chủ trì Hội nghị: Đ/c Nguyễn Văn Dũng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Đ/c Lê Thanh Sơn – UVBTVHU, Phó Chủ tịch UBND huyện và Đ/c Vũ Quang Sáng – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện. Dự hội nghị có Đ/c Trương Thanh Hà - Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế - Chi cục Kiểm lâm; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Văn phòng HĐND-UBND huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Cơ quan Quân sự huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện, phòng Tài chính-Kế hoạch, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Tư Pháp, phòng NN&PTNT, Thanh tra huyện, Ban Dân vận Huyện uỷ, UBKT Huyện uỷ, Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Trung tâm VH-TT&TT huyện; Giám đốc các Công ty lâm nghiệp, BQL rừng đứng chân trên địa bàn huyện; Đ/c Chủ tịch UBND, Trưởng công an và kiểm lâm địa bàn các xã, thị trấn (trừ xã Đăk Hlơ).

Untitled.jpg
Quang cảnh Hội nghị
 
     Tại Hội nghị, Hạt kiểm lâm huyện đã thông qua dự thảo báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2022, kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023; dự thảo Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát lâm sản, truy quét  lâm tặc, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên Đán năm 2023.
 
Untitled1.jpg
Hạt kiểm lâm thông qua báo cáo tại hội nghị

     Trong năm 2022, triển khai nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, Huyện ủy, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và PCCCR trên địa bàn huyện; trong đó tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh về kết quả điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2030; Kế hoạch số 1440/KH-UBND ngày 30/9/2021 của UBND huyện triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 12/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (Khóa  IX) về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn rừng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Kbang. Triển khai các biện pháp bảo vệ tốt diện tích, chất lượng rừng hiện có; duy trì Tổ công tác làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của huyện, các Tổ liên ngành cấp xã; phân công lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị huyện thường xuyên kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng; thành lập và bố trí các lực lượng tham gia trực bảo vệ rừng tại Chốt Làng Bôn, xã Lơ Ku; Chốt Suối nước, xã Đak Smar và chốt khu vực hồ Thuỷ điện An Khê - Ka Nak; tiếp tục theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp và công bố hiện trạng rừng theo quy định; thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ; thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn; ngay từ đầu mùa khô, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 26/01/2022 về PCCCR trên địa bàn huyện. Ngoài ra, đã triển khai cho các xã đăng ký trồng rừng có hưởng lợi năm 2022; triển khai giao rừng, cho thuê rừng; tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng gỗ củi rừng tự nhiên làm nguyên liệu sản xuất, đốt than; tiếp tục xây dựng phương án quản lý, sử dụng diện tích trả về địa phương quản lý theo Kế hoạch số 1563/KH-UBND ngày 11/11/2020 của UBND huyện; triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng theo Kế hoạch 1123 của UBND tỉnh. Giao chỉ tiêu trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán để các xã thực hiện, góp phần nâng cao độ che phủ trên địa bàn huyện…

     Kết quả, qua các đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng đã phát hiện, bắt giữ 65 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 14 vụ tương ứng 17,72% so với năm 2021); Tang vật, phương tiện tạm giữ 128,856 m3 gỗ tròn, xẻ loài thông thường (giảm 117,137 m3 tương ứng 47,61 % so với năm 2021); 829 kg Hương, Sp; 7,7 Ster củi tạp; 3,5kg Động vật rừng; 120kg lan Thạch hộc trắng; 15 xe ô tô, 26 chiếc xe máy, 10 cưa xăng, 08 công cụ khác; Diện tích rừng bị phá 8.134 m2 (2.500 m2 rừng đặc dụng, 5.634 m2 rừng sản xuất); trong đó có 57 vụ vi phạm hành chính và 08 vụ vi phạm hình sự. Các ngành chức năng của huyện đã tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng và các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm tra, truy quét lâm tặc; phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm QLBVPTR đảm bảo nghiêm minh theo quy định của pháp luật; trong năm đã xử lý xử lý 61 vụ (năm 2021 chuyển sang 22 vụ) trong đó:  Xử lý hành chính: 53 vụ, lâm sản tịch thu: 75,524 m3 gỗ tròn, xẻ các loại (loài thông thường); 7,7ster củi Sp7; 769 kg Hương, Sp, 3,5 kg động vật rừng; Phương tiện tịch thu 01 xe ô tô, 12 xe máy, 07 cưa xăng; Buộc trồng lại rừng với diện tích 7.297 m2 RSX. Phạt tiền 408.500.000 đồng (đã thu nộp ngân sách nhà nước 242.000.000 đồng). Xử lý hình sự: 08 vụ (Hạt Kiểm lâm khởi tố 04 vụ, Công an huyện khởi tố 04 vụ). Ngoài ra, trong năm UBND các xã đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND xã)16 vụ, phạt tiền 19.750.000 đồng (xã Kon Pne 9 vụ; Đăk Smar 04 vụ; Lơ Ku 02 vụ; Sơn Lang 01 vụ). Công tác trồng rừng, trồng cây phân tán vượt kế hoạch đề ra (trồng rừng tập trung được 595,79/200 ha đạt 297,95 % kế hoạch giao, cây phân tán đạt 110,01 % kế hoạch). Trong năm không để xảy ra cháy rừng.

     Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được Huyện uỷ và UBND huyện triển khai quyết liệt và thường xuyên, song tình trạng vi phạm, xâm hại tài nguyên rừng vẫn xảy ra. Tuy số vụ vi phạm lâm luật có giảm so với cùng kỳ 2021 nhưng vẫn còn một số vụ có tính chất vi phạm nghiêm trọng; Hoạt động của Tổ liên ngành huyện, xã còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả trong công tác tuần tra, truy quét lâm tặc.Việc triển khai đăng ký trồng rừng có hưởng lợi đối với diện tích đất nông nghiệp đưa vào quy hoạch lâm nghiệp chưa nhiều. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tuy đã được quan tâm triển khai thường xuyên nhưng hiệu quả mang lại chưa cao; một số chủ rừng là tổ chức chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao; Công tác thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm theo kế hoạch 1123/KH-UBND ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh còn gặp nhiều khó khăn…
 
 Untitled3.jpg
Các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng tham luận tại hội nghị

     Tại hội nghị, các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng và các xã, thị trấn đã tập trung thảo luận và đưa ra giải pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tập trung nội dung như: việc điều tra xử lý các vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp; rà soát, xử lý phương tiện ô tô, xe máy độ chế, hoán cải, tháo ghế…; tình hình, kết quả trực quản lý BVR tại chốt bảo vệ rừng; trách nhiệm của đơn vị chủ rừng để xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật trên lâm phần quản lý; việc thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; giải pháp bảo vệ cây gỗ Hương trong thời gian trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023; việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các quy định bảo vệ và phát triển rừng, nhất là việc người đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm Luật Lâm nghiệp đến mức phải KTHS; việc thực hiện bàn giao diện tích đất đã rà soát đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng về địa phương quản lý, sử dụng theo Quyết định 527/QĐ-UBND; việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm địa bàn, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và cán bộ xã; những khó khăn vướng mắc; việc phối hợp giữa Công an xã với Kiểm lâm địa bàn, lực lượng BVR trong công tác tuần tra, truy quét BVR, công tác quản lý tạm trú, tạm vắng trên địa bàn quản lý…

     Cũng tại Hội nghị, đã thông qua Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát lâm sản, truy quét  lâm tặc, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên Đán năm 2023; trong đó, lấy lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, lực lượng Tổ liên ngành xã, thị trấn phối hợp với lực lượng Tổ liên ngành huyện làm lực lượng chủ yếu với phương châm: “Bám rừng, bám dân, bám Già làng, Trưởng bản và những người có uy tín trong nhân dân nhằm tăng cường các biện pháp, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng tại gốc ”; xây dựng mạng lưới “Tai mắt” trong nhân dân, đồng thời với triển khai có hiệu quả cơ chế “mua tin báo”. Xác định địa bàn trọng điểm: Khai thác rừng trái pháp luật: tập trung chủ yếu địa bàn các xã Krong, Đăk Rong, Sơn Lang, Sơ Pai, Lơ Ku, thuộc lâm phần của các Công ty TNHHMTVLN: Krông Pa, Lơ Ku, Sơ Pai, Đăk Roong, Hà Nừng, Trạm Lập và Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh; Phá rừng làm nương rẫy: Tập trung chủ yếu trên lâm phần của các Công ty TNHHMTVLN: Lơ Ku, Sơ Pai; Các tụ điểm tàng trữ, cất giấu, mua bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật: tập trung ở các xã Sơn Lang, Sơ Pai, Krong, Đak Smar, Lơ Ku, Thị trấn Kbang và Lòng hồ Thủy điện An Khê-Ka nak; Các tuyến đường thường xảy ra tình trạng lâm tặc lén lút vận chuyển lâm sản trái pháp luật: Đường 669 đi thị xã An Khê; đường Trường Sơn Đông về huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Đường từ Thôn 5, xã Krong đi về xã Lơ Ku và Đak Smar; Đường từ xã Sơn Lang đi xuống lòng hồ thuỷ điện Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định; Đường từ xã Tơ Tung đi huyện Đăk Pơ; Đường từ lòng hồ Thuỷ điện Kanak qua Thị Trấn đến ngã ba Trung chì đi về xã Kông Bờ La, xã Đăk Hlơ, xã Tơ Tung; Các đường tiểu ngạch, đường mòn ra vào rừng; đặc biệt là các đường tránh ở các Trạm kiểm lâm cửa rừng Dốc Khảo Sát, Trạm kiểm lâm cửa rừng Lơ Ku và các khu vực giáp ranh giữa huyện Kbang với các huyện, tỉnh bạn.
 
 Untitled4.jpg
Đồng chí Trương Thanh Hà  – Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế - Chi cục Kiểm lâm phát biểu tại Hội nghị
 
 Untitled5.jpg 
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện kết luận Hội nghị
 
     Kết luận Hội nghị, Đ/c Nguyễn Văn Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện ghi nhận những cố gắng của các đơn vị chủ rừng, các xã, thị trấn, các ngành chức năng huyện trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh: công tác quản lý bảo vệ rừng là công tác thường xuyên và thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, BVR theo hướng bảo vệ rừng tận gốc; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nêu cao trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng; đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống và tố giác lâm tặc; trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

     Tổ chức triển khai tốt Kế hoạch truy quét lâm tặc, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Quý Mão năm 2023.

     Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, nhất là Nghị quyết 45/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh về kết quả điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2030; nội dung, hình thức tuyên truyền cần phải được đổi mới theo hướng tiếp cận trực tiếp đến người dân, tới từng hộ gia đình; thông tin tuyên truyền cần cụ thể, ngắn gọn làm sao cho người dân dễ hiểu, dễ thực hiện; phổ biến rộng rãi về cơ chế mua tin báo, tố giác lâm tặc.

     Tổ chức triển khai tốt Kế hoạch số 1440/KH-UBND ngày 30/9/2021 của UBND huyện triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 12/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (Khóa  IX) về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn rừng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Kbang. Tiếp tục rà soát, thống kê số liệu diện tích sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng để có kế hoạch thu hồi trồng lại rừng hoặc giao cho người dân trồng cây phù hợp với mục đích lâm nghiệp có hưởng lợi.

     Bảo vệ tốt diện tích, chất lượng rừng hiện có trên địa bàn huyện, không để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy, giảm các vụ việc, tính chất vi phạm trong lĩnh vực Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Tiếp tục theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng; chủ động trong công tác PCCCR và sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; bố trí lực lượng tuần tra, canh gác lửa rừng 24/24 giờ trong ngày tại các vùng trọng điểm cháy; các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn phải được phát hiện kịp thời và phải dập tắt khi đám cháy mới phát sinh không để xảy ra cháy lớn, đồng thời báo ngay về ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện và Chi cục kiểm lâm biết để có xử lý kịp thời. Rà soát, bổ sung phương án PCCCR sát với tình hình thực tế; tổ chức huấn luyện kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy rừng, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân và người tham gia chữa cháy rừng. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn quản lý, có biện pháp xử lý hoặc báo cáo, đề xuất xử lý theo đúng quy định.

     Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại các trạm Kiểm lâm cửa rừng, các trạm kiểm soát lâm sản của chủ rừng. Củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của 04 Trạm Kiểm lâm cửa rừng theo hướng lựa chọn những cán bộ kiểm lâm có bản lĩnh chính trị, có năng lực và trách nhiệm Tổ chức kiểm tra đột xuấtcác trạm gác cửa rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn. Tăng cường lực lượng Kiểm lâm phụ trách địa bàn ở các xã trọng điểm về vi phạm lâm luật. Triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và cán bộ xã (theo Quyết định số 209/QĐ-SNNPTNT ngày 06/4/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT); tiếp tục củng cố, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh với các huyện Kon Plông, Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).

     Làm tốt công tác phối hợp giữa Công an huyện với các ngành chức năng và các xã, thị trấn trong việc chỉ đạo lực lượng công an ở các địa bàn rà soát, kiểm tra nắm chắc số nhân khẩu ở mỗi địa phương, tình hình đăng ký tạm trú, tạm vắng; kiên quyết trục xuất những đối tượng xâm nhập vào địa bàn trái phép nhằm lôi kéo, móc nối người dân tại chỗ thực hiện các hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự xã hội nói chung và quản lý, bảo vệ rừng nói riêng. Công an huyện bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các loại phương tiện lưu hành không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, xe độ chế, tháo ghế, xe không có giấy tờ, xe mô tô độ chế không đúng thiết kế ban đầu … kể cả khi không vận chuyển lâm sản trái phép. Tổ chức gọi hỏi, răn đe đối tượng vi phạm pháp luật về khai thác, mua bán và vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn huyện.

     Đẩy nhanh tiến độ điều tra và đưa ra xử lý, truy tố trước pháp luật đối với các đối tượng vi phạm luật lâm nghiệp, đặc biệt là tổ chức xét xử lưu động để đảm bảo tính răn đe. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán theo kế hoạch được giao. Hoàn thành kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang trồng rừng và các loài cây phù hợp với mục đích lâm nghiệp theo kế hoạch số 1123/KH-UBND của UBND tỉnh. Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình dân tộc Bahnar sống gần rừng, liền rừng đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân đăng ký nhận giao rừng, thuê rừng và xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng.
                         
Trương Thị Chúc - Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang