CHUYÊN MỤC

Kết quả thực hiện công tác thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện

(ngày đăng bài: 04/09/2020)
     Huyện Kbang có 21 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc kinh chiếm 52,88% dân số toàn huyện, dân tộc Bahnar chiếm 39,17% dân số, các dân tộc thiểu số khác chiếm 7,95 % dân số. Hiện nay, toàn huyện có gần 13.000 thanh niên (độ tuổi từ 16 đến 30), trong đó thanh niên dân tộc thiểu số hơn 5.000 người. Thực hiện Luật Thanh niên, chương trình phát triển thanh niên trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở các chính sách của Đảng và Nhà nước, việc triển khai chính sách cho thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thời gian qua được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã thực hiện nghiêm túc, từ đó giúp thanh niên phát huy được những thế mạnh, khắc phục những hạn chế để đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của huyện.  

     Để thực hiện tốt công tác thanh niên, huyện đã chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên với nhiều nội dung như tuyên truyền, phổ biến: Luật Thanh niên, Bộ luật hình sự, Luật bảo vệ và phát triển rừng, luật hôn nhân gia đình, các chính sách của nhà nước hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số... Từ năm 2012 đến nay, huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 78.669 lượt người, trong đó có cả thanh niên dân tộc thiểu số. Huyện đã thành lập 12 câu lạc bộ “thanh niên với pháp luật” và “thanh niên với an toàn giao thông”; tổ chức các hội thi về “ an toàn giao thông”, cán bộ đoàn giỏi, “hòa giải viên giỏi” trong thanh niên; xây dựng và phát sóng chuyên mục “pháp luật và đời sống”, “an toàn giao thông” hàng tháng trên sóng phát thanh, truyền hình huyện. Qua việc tổ chức nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật, giúp cho thanh niên hiểu rõ hơn được các quy định pháp luật của nhà nước về công tác thanh niên và các chính sách pháp luật đối với thanh niên dân tộc thiểu số.

     Là huyện miền núi, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, việc áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất của người dân tộc thiểu số, trong đó có thanh niên còn hạn chế; do vậy, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào nhóm hộ nghèo và thanh niên dân tộc thiểu số. Việc đào tạo nghề bao gồm cả ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp với các nghề thiết thực, đáp ứng yêu cầu của người dân và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, như: nề, sửa chữa máy cày công suất nhỏ, kỹ thuật trồng lúa nước, phòng bệnh cho trâu bò...Từ 2012 đên nay, số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 4.204 người, trong đó, thanh niên dân tộc thiểu số là 2.216 người. Sau khi đào tạo nghề, thanh niên được trang bị kiến thức cơ bản để áp dụng vào trong lao động, sản xuất. Kết quả, 70% người lao động đã tự giải quyết việc làm cho mình; đặc biệt với nghề thợ nề (học viên chủ yếu là thanh niên nam), huyện đã giao cho các địa phương thành lập các tổ, nhóm thợ nề để tổ chức xây dựng các công trình nông thôn, nhà ở mang tính đơn giản; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp khi thực hiện các công trình tại địa phương, giao cho các tổ thợ nhận các phần việc có tính kỹ thuật đơn giản để phục vụ cho xây dựng nông thôn mới ở địa phương và giải quyết việc làm cho thanh niên. 
 
Untitled.jpg
Hình: Thanh niên dân tộc thiểu số Bahnar tích cực tham gia đào tạo nghề lao động nông thôn

     Bên cạnh việc chủ động đào tạo nghề, hàng năm huyện phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh mở các phiên giao dịch việc làm để giúp người lao động, thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số có nhu cầu đăng ký đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện cũng như xuất khẩu lao động. Từ năm 2012 đến nay, có 73 lao động tham gia xuất khẩu lao động, trong đó 7 lao động là thanh niên dân tộc thiểu số. Để giúp thanh niên có vốn khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh; huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho vay vốn với nhóm đối tượng thanh niên người dân tộc thiểu số qua kênh Ngân hàng chính sách xã hội. Kết quả, tổng dư nợ cho vay ủy thác qua Đoàn thanh niên đến nay là hơn 60 tỷ đồng với 09 tổ vay vốn tại các xã. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 18.000 lượt thanh niên vay với số tiền trên 39.480 triệu đồng. Qua đó, hỗ trợ cho thanh niên có vốn làm ăn, vươn lên làm giàu, hạn chế tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm. Các hoạt động trợ giúp về vốn, kỹ thuật được các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến xã đẩy mạnh đã tạo điều kiện cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, xây dựng và duy trì được các mô hình phát triển kinh tế có thu nhập ổn định.
Untitled1.jpg
Hình: Thanh niên huyện đổi mới tư duy, kịp thời nắm bắt xu hướng thị trường,
vay vốn làm ăn để phát triển kinh tế
 
 
     Thực hiện chính sách giáo dục cho thanh niên dân tộc thiểu số, huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện các chính sách về hỗ trợ, miễn giảm học phí cho các đối tượng học sinh nghèo, dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn, trợ giúp miễn giảm học phí và hỗ trợ cho học sinh nghèo, mua sách vở, đồ dùng học tập và các chi phí học tập khác, tạo sự động viên, khích lệ lớn, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường, giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo. Hàng năm, các trường trung học phổ thông thực hiện chính sách hỗ trợ miễn giảm cho học sinh theo Quyết định 86/2015/NĐ-CP giúp các em giảm khó khăn, yên tâm học tập. Toàn huyện hiện nay có 8 trường bán trú, 5 trường phổ thông có học sinh ở bán trú và 1 trường THCS  nội trú với 2.292  em học sinh dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư, xây dựng kiên cố, trang bị phương tiện dạy học và ăn ở từng bước đáp ứng yêu cầu. Việc phát triển mô hình trường bán trú và các chính sách cho học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Việc thực hiện chế độ cử tuyển đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số, thực hiện chế độ ưu tiên trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức được huyện thực hiện theo đúng chủ trương của Trung ương và tỉnh. Từ năm 2011 đến nay đã cử tuyển 05 thanh niên học sinh đi học đại học, cử 25 thanh niên CBCC là người dân tộc thiểu số đi học Đại học và cán bộ, công chức trong độ tuổi thanh niên đi học Trung cấp Luật được mở tại huyện. Đã tuyển dụng 18 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số vào các cơ quan, đơn vị và các xã. Hiện nay, số công chức, viên chức là dân tộc thiểu số trong độ tuổi thanh niên là 30 người (trong đó khối chính quyền cấp huyện, xã là:17 và khối Huyện ủy và các đoàn thể huyện, xã 13 người). 100%  công chức, viên chức là thanh niên dân tộc thiểu số đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ theo quy định và được bố trí các vị trí công tác hợp lý phù hợp với trình độ, năng lực và sở trường. Một số trường hợp thanh niên DTTS trẻ đã được quy hoạch và đào tạo, bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo của các cơ quan huyện, như: Phó trưởng phòng Tư pháp, Phó Bí thư Huyện đoàn. Bên cạnh đó, trong khen thưởng “tài năng trẻ” huyện có chính sách tuyên dương, khen thưởng các em học sinh dân tộc thiểu số người bahnar khi trúng tuyển vào các trường Đại học; trung bình mỗi năm có từ 3-5 em, từ đó đã khơi dậy tinh thần học tập trong thanh niên dân tộc thiểu số. Cùng với đó, hàng năm huyện và các xã hàng năm tổ chức chương trình gặp mặt, đối thoại với thanh niên đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nguyện vọng, ước vọng tuổi trẻ, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số; đồng thời tiếp thu, lựa chọn những hiến kế của thanh niên để xem xét, thực hiện trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

     Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số, những năm qua, từ huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để thanh niên, thanh niên dân tộc thiểu số tích cực cùng địa phương tham gia hoạt động xã hội, an sinh xã hội, như: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các xã, làng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các chương trình thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, văn nghệ, hội thao văn hóa các dân tộc thiểu số, tặng quà cho học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, góp phần giúp thanh niên nhận thức và xác định được vai trò, vị trí trách nhiệm của tuổi trẻ với địa phương trong xây dựng quê hương.
 
Untitled2.jpg
Hình: Những hoạt động xã hội tích cực của thanh niên hướng đến những xã,
làng vùng dân tộc thiểu số của huyện

     Nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách thanh niên dân tộc thiểu số, trong thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện các nội dung sau:

     Một là, tiếp tục thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước;

     Hai là, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện toàn diện, bền vững, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, phát triển nguồn nhân lực thanh niên DTTS, nhất là thanh niên dân tộc Bahnar; thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS; phấn đấu không còn hộ ở nhà tạm, dột nát; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt trong làng dân tộc thiểu số;

     Ba là, đẩy mạnh phong trào thanh niên “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ sống đẹp”; Giáo dục thanh niên học tập đạo đức, lối sống, lý tưởng “Tuổi trẻ Kbang học tập và làm theo lời Bác”, “Thanh niên thi đua yêu nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế Quốc tế”; từ đó phát huy tính xung kích, tinh thần tình nguyện của thanh niên đi đầu xây dựng xã hội học tập, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
 
Untitled3-(1).jpg
Hình: Thanh niên Đoàn trường THPT Anh hùng Núp với chiến dịch Hoa phượng đỏ 2020

    Bốn là, nỗ lực tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng và sản xuất hàng hóa; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn, như: mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo; chính sách giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng những thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo.  Chính sách đối với thanh niên nói chung và thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng được lồng ghép trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện theo từng giai đoạn.

    Với kết quả đạt được và phương hướng đề ra, trong thời gian tới công tác thanh niên dân tộc thiểu số của huyện chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
 
Nguyễn Văn Trung, Phòng Nội vụ

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang