CHUYÊN MỤC

Duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện

(ngày đăng bài: 08/11/2022)
     Duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục dạy học là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Trước yêu cầu thực tiễn, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1446/KH-UBND ngày 01/12/2020 nhằm huy động tối đa trẻ em đến trường, duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), nhất là giáo dục dân tộc.

Untitled.jpg
Đ/c Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và đánh giá 2 năm thực hiện Kế hoạch số 1446/KH-UBND của UBND huyện
 
     Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, để đáp ứng yêu cầu mới của công tác giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường học được huyện chú trọng đầu tư bằng nhiều nguồn kinh phí, quy mô trường lớp được củng cố, mở rộng, cơ sở vật chất trường lớp học được tăng cường, đặc biệt là hệ thống trường học bán trú và trường nội trú để thu hút và tiếp nhận học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, chăm sóc, giáo dục; từng bước cải thiện thể chất học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng. Huy động có hiệu quả các nguồn lực cho việc củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiêu chuẩn phổ cấp giáo dục, xóa mù chữ ở các cấp học.

     Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Kế hoạch, trong thời gian qua, huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo triển khai đến các trường học xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm; tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, già làng, đoàn thể của các địa phương đến từng làng, gia đình để vận động, ký kết với từng hộ gia đình về nội dung phải dưa con em đến lớp. Đầu năm học, các trường nắm chặt danh sách trẻ em vào từng cấp học để kịp thời huy động các em đến trường. Tiến hành lập danh sách học sinh từng làng, phân công cụ thể cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách địa bàn; thông báo đến các trưởng làng, chính quyền địa phương và cán bộ được phụ trách làng để khi có học sinh nghỉ học, vắng học thì cùng phối hợp vận động, đưa học sinh ra lớp. Nhờ đó, mặc dù ảnh hưởng của Covid-19, nhưng qua 2 năm  thực hiện Kế hoạch 1446/KH-UBND, tình trạng vắng học, nghỉ học tại các trường được khắc phục; tỷ lệ chuyên cần được nâng lên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
 
Untitled2.jpg
Hệ thống trường PTDT bán trú của huyện giúp việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc được cải thiện tích cực

     Cùng với đó, các trường trên địa bàn huyện đã tổ chức rà soát các đối tượng hoc sinh, lập danh sách học sinh được hưởng chế độ bán trú, phối hợp với chính quyền địa phương xem xét, kịp thời huy động số lượng học sinh bán trú từ lớp 1 đến lớp 9; đồng thời đưa 100% học sinh này vào ở tập trung tại các trường PTDTBT để thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục ngay từ đầu năm học. Các trường phổ thông có lớp bán trú, cũng triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc để học sinh bán trú tự lo chỗ ở.

     Trong công tác giảng dạy, công tác quản lý hoạt động học sinh, sinh hoạt bán trú cho học sinh triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể dục thể thao và trò chơi dân gian, tạo hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em đoàn kết, yêu trường, mến lớp, yên tâm học tập, duy trì sĩ số tốt hơn so với những năm học trước. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn. Các trường cũng chú trọng phát triển kỹ năng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của các em; giáo viên chủ nhiệm phối hợp với tổng phụ trách đội phát động phong trào “đôi bạn cùng tiến” để các e tương trợ, giúp đơ nhau trong học tập và cuộc sống. Phong trào “mỗi giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì đang khó khăn trong học tập” được duy trì ở các trường học. Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, huyện còn chỉ đạo bổ sung xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với năng lực học sinh, địa phương; thực hiện giảm tải theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
 
Untitled3.jpg
Thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa và trò chơi, tạo hứng thú học tập, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục

     Với những giải pháp, nỗ lực của huyện; qua 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch, công tác vận động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số ở các bậc học, cấp học được nâng cao. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp đầu năm là 64,7%; tiểu học đạt 97,7% và THCS đạt 94,7%; tỷ lệ duy trì sĩ số của 3 bậc qua các năm đều đạt trên 98%. Chất lượng giáo dục ở từng bậc học cũng được nâng lên so với trước đó. Đối với bậc mầm non, số trẻ được khám định kỳ và theo dõi sức khỏe đạt 100%; số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 4,9% (vượt chỉ tiêu 2,2%) và trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 5,8% (vượt chỉ tiêu 2,2%). Bậc tiểu học, có 7,91% em hoàn thành tốt các môn học trở lên; 98,16% học sinh hoàn thành các môn trở lên. Bậc THCS, có 100% học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, 9 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 118 em đạt giải học sinh giỏi cấp huyện; tỷ lệ học sinh đạt loại tốt lớp 6 là 69%; lớp 7,8,9 là 15,5% trong năm học 2021-2022.
 
Untitled4.jpg
Các trường học thường xuyên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

     Tuy nhiên, công tác duy trì sĩ số ở vùng sâu vùng sa, nhất là học sinh bậc THCS của huyện còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là vào vụ mùa, lễ hội; chất lượng giáo dục toàn diện còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các vùng; một số cán bộ quản lý còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, quy định Thông tư 55/TT-BGDĐT.

     Với quan điểm công tác duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục luôn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và những kết quả, hạn chế, kinh nghiệm, giải pháp được đánh giá qua công tác hàng năm, tin tưởng trong thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện sẽ thực hiện tốt Kế hoạch 1446/KH-UBND giai đoạn 2020-2025 để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của huyện.
 
Nguyễn Văn Trung, Phòng Nội vụ
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang