CHUYÊN MỤC

Giải pháp sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

(ngày đăng bài: 06/12/2016)
      Huyện Kbang là một vùng đất đậm đà về bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Bơhnar, với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo. Kể từ sau ngày thống nhất đất nước, bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tổ chức di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, huyện đón nhận nhiều dân tộc anh em từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến làm ăn sinh sống (gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái, Sán Chỉ...).  Với cuộc sống chan hoà, đan xen, đoàn kết cùng sinh sống và sinh hoạt đã có sự giao lưu, giao thoa về phong tục tập quán, văn hóa giữa các dân tộc. Chính những nét tương đồng và dị biệt trong đời sống văn hoá của các dân tộc đã làm cho bức tranh văn hoá ở Kbang có nhiều mảng màu, sắc thái đa dạng và phong phú. 

untitled-(1).JPG
 
Ảnh:  Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng và Hội thi tạc tượng,
đan lát, dệt thổ cẩm huyện Kbang  lần thứ II ( năm 2016)

     Cũng như các dân tộc khác ở Tây nguyên, nền văn hoá của các dân tộc huyện Kbang được hình thành trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp dựa chủ yếu vào canh tác nương rẫy, tự cấp, tự túc, gắn bó hoà quyện với thiên nhiên. Các di sản văn hóa tồn tại chủ yếu dưới dạng văn hoá dân gian, các lễ hội; đây là bộ phận có vai trò rất quan trọng, vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là tác nhân làm cân bằng đời sống xã hội và con người.

     Để lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống trong những năm qua việc tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ từ cấp cơ sở đến cấp huyện như: Hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số, liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, hội thi đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm luôn được huyện duy trì đều đặn. Các hình thức truyền dạy văn nghệ dân gian đã được quan tâm; do đó, hoạt động vui chơi, giải trí, thưởng thức văn hóa của nhân dân đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Qua thực tế, đã khai thác và phát hiện nhiều nhân tố mới trong phong trào văn hóa, văn nghệ, bảo  tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bơhnar.

     Công tác khảo sát, bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống  đã được chú trọng, nhất là việc lưu giữ và bảo quản các bộ cồng chiêng Bơhnar, trong đó có những bộ cồng chiêng quý hiếm tiếp tục thu được nhiều kết quả. Theo báo cáo của phòng Văn hóa – Thông tin huyện, tính đến nay trong nhân dân còn lưu giữ được 631 bộ cồng chiêng, trong số đó có 20 bộ cồng chiêng cổ và quý hiếm. Số làng còn lưu giữ cồng chiêng từ 10 bộ trở lên là 16 làng, nhiều nhất là làng Bôn (xã Lơ Ku) 37 bộ, làng Muôn (xã Kông Bơ La) 26 bộ, làng Groi (xã Kông Bơ La) 24 bộ…Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình còn lưu giữ được nhiều ghè rượu cổ cùng nhiều vật dụng có giá trị khác. 

untitled-1.JPG
Ảnh: Nghệ nhân tạc tượng và đan gùi tại Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng và
Hội thi tạc t
ượng, đan lát, dệt thổ cẩm huyện Kbang  lần thứ II ( năm 2016)

    Công tác sưu tầm, phục dựng các lễ hội tiêu biểu của người Bơhnar, Tày, Nùng dưới dạng băng hình, ảnh kỹ thuật số, việc thu thập các làn điệu dân ca, độc tấu nhạc cụ các dân tộc, sưu tầm một số hiện vật có giá trị như: trang phục dân tộc Bơhnar, phục dựng lễ hội cồng chiêng, nhà rông truyền thống, các lễ hội bỏ mả, đâm trâu...đã được các cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm. Công tác lập hồ sơ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân dân gian, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng được thực hiện đạt được một số kết quả. Nghề thủ công truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm của các dân tộc huyện Kbang ngày càng đa dạng và phong phú. Nhiều di tích văn hóa lịch sử được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, các giá trị văn hóa tinh thần được lưu giữ và phát huy. Gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư xây mới và sửa chữa nhiều nhà văn hóa xã, nhà văn hóa, nhà rông tại các thôn, làng, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí... góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hoá truyền thống của dân tộc.

     Bên cạnh thuận lợi đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Công tác tuyên truyền về kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, còn thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc lồng ghép công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc với các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội chưa thống nhất. Việc sử dụng và truyền dạy văn hóa dân gian cho các thế hệ sau còn chưa được quan tâm đứng mức. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ làm công tác văn hóa còn hạn chế, khả năng vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc chưa thực sự hiệu quả. Do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng con đường truyền miệng; trong bối cảnh kinh tế thị trường, cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện, đã tác động một cách sâu rộng đến đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nên các giá trị văn hóa và cxacs lễ hội truyền thống  rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất khỏi cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống. Các hủ tục, tệ mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại, kiến trúc nhà ở, không gian văn hóa, một số nghề truyền thống, dụng cụ sản xuất, trang phục, vật dụng sinh hoạt, phương tiện vận chuyển,… đã thay đổi dần theo hướng hiện đại; nhiều gia đình không còn biết chế tác và diễn tấu các nhạc cụ dân gian truyền thống, các làn điệu dân ca, câu đố, truyện cổ … Một bộ phận lớp trẻ ngày càng sao nhãng với các di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình, không tha thiết với sinh hoạt văn hóa dân gian, coi nhẹ trang phục, kiến trúc và những giá trị tinh thần truyền thống văn hóa dân tộc. Cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, sản phẩm, phương tiện văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân còn thiếu thốn.

     Di sản văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ tương tác, gắn bó hữu cơ: di sản văn hóa là nguồn vốn, là cơ sở để du lịch khai thác làm giàu; còn du lịch, đến lượt mình, sẽ có tác dụng quảng bá, tôn lên các giá trị văn hóa của di sản, góp phần giữ gìn và phát huy di sản. Di sản văn hóa là linh hồn của các điểm du lịch; qua hoạt động du lịch di sản văn hóa được phát lộ và nâng tầm, để mọi người cùng biết đến. Sự phát triển của du lịch không thể tách rời với di sản văn hóa và du lịch văn hóa chính là cầu nối để di sản đến với công chúng. Nhận thức được vấn đề đó, thời gian qua huyện Kbang đã từng bước đầu tư, quan tâm công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiếu số, khích lệ sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới; gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đưa văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Trong giai đoạn tới, huyện xác định huy động tốt các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử với mục tiêu đến năm 2020, mỗi xã, thị trấn có 01 đội cồng chiêng tiêu biểu; 100% thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số có đội văn nghệ, đội cồng chiêng; 70% thôn, làng người Bơhnar có đội cồng chiêng thanh thiếu nhi; đưa diễn xướng cồng chiêng dần trở thành một nội dung trong sinh hoạt văn hóa ở từng thôn, làng. Hình thành từ 03 đến 05 làng văn hóa du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào Bơhnar phục vụ nhu cầu khách du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất của người dân. Đầu tư cơ sở hạ tầng các di tích lịch sử đã được công nhận như: Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An), Căn cứ địa cách mạng - Khu 10 (xã Krong); làng kháng chiến Stơr - Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung) phục vụ công tác giáo dục truyền thống và đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu cho du khách trong và ngoài huyện.

      Chính vì vậy, để làm tốt công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:

     Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Bơhnar, trong đó, vai trò của các tổ chức mặt trận và đoàn thể ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng; qua đó, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

     Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa - thông tin, nhất là trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện. Lồng ghép việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, coi việc gìn giữ di sản là một trong những tiêu chí quan trọng để công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị. Chọn thôn, làng, gia đình là môi trường bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc một cách hữu hiệu, sống động.

     Đầu tư xây dựng làng nghề truyền thống, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu khách du lịch. Làm tốt công tác xã hội hóa lĩnh vực này; huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia đầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các mô hình làng truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; phục dựng các lễ hội, xây dựng mô hình biểu diễn cồng chiêng trong các ngày lễ, tết của dân tộc.

     Tổ chức kiểm kê, sưu tầm, phân loại, bảo quản các di sản văn hóa, các hiện vật văn hóa liên quan đến đời sống con người như: công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, các loại nhạc cụ, các trang phục truyền thống, văn hoá ẩm thực...Thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội thi về văn hóa dân tộc; duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống. Tổ chức trưng bày và tuyên truyền để phát huy giá trị di sản văn hóa, in ấn và phát hành các ấn phẩm về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và vật thể; khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân của các dân tộc thiểu số. Định kỳ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống như: liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, hội thi tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, các hội thi văn hóa dân gian gắn với sự kiện lịch sử của huyện, của tỉnh và cả nước.

     Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có chế độ khuyến khích, ưu đãi với các nghệ nhân văn hóa dân gian, các già làng ở cơ sở.

     Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội… gắn kết chặt chẽ giữa công tác bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc với hoạt động du lịch để tổ chức khai thác, phát huy các di sản văn hóa, biến di sản văn hóa trở thành một trong những tài nguyên du lịch quan trọng; thông qua đó, khai thác các nguồn thu từ dịch vụ du lịch để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tại địa phương./.
 
Bùi Trọng Thủy - Ban Tuyên giáo Huyện ủy KBang

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang