CHUYÊN MỤC

Huyện Kbang phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

(ngày đăng bài: 04/08/2022)
     Huyện Kbang là huyện nông nghiệp, với giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm trên 48%. Do đó, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu giúp ngành nông nghiệp có những bước tiến vượt bậc; từng bước hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

     Huyện Kbang có diện tích rộng, là vùng chuyển tiếp giữa khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: có địa bàn rộng, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng, thích hợp với phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, trong đó tại các xã phía Bắc có độ cao từ 700 – trên 1.200m, khí hậu mát mẻ, chủ yếu là đất đỏ vàng phù hợp với phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, như: cà phê, cây mắc ca, cây ăn quả, cây dược liệu, rau, hoa xứ lạnh, nuôi thủy sản nước lạnh... Tại các xã phía Nam, Tây Nam huyện chủ yếu phát các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: cây mía, cây sắn, các loại hoa màu, chăn nuôi trâu, bò... Tại các xã Trung tâm huyện chủ yếu phát triển các loại rau, hoa màu, chăn nuôi... Toàn huyện có 03 hồ chứa thủy điện và 05 hồ chứa thủy lợi, với tổng diện tích mặt nước trên 3.200 ha; huyện có nhiều thác nước tự nhiên, trong đó có thác K50, Kon Bông, Kon Lốc, Hang Dơi..., góp phần điều hòa môi trường khí hậu của địa phương; đây cũng là lợi thế của Huyện trong phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển du lịch sinh thái. Quốc lộ Trường Sơn Đông chạy dọc địa giới hành chính của huyện với tổng chiều dài 83km, kết nối với quốc lộ 24 ở phía Bắc và quốc lộ 19 ở phía Nam; đường giao thông từ huyện đến trung tâm các xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% các thôn, làng đều có đường ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường giao thông đến khu sản xuất, đường nội đồng từng bước được nâng cấp; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99%. Toàn huyện có 40 công trình thủy lợi với tổng năng lực tưới gần 900 ha. 

     Với những lợi thế đó, Huyện Kbang đã luôn quan tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững; theo đó, Huyện ủy Kbang đã ban hành Nghị quyết  số 05-NQ/HU ngày 25/7/2021 Về đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, gắn với phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp, chế biến cây dược liệu, cây ăn trái cho nhu cầu nội địa và hướng đến xuất khẩu trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1443/KH-UBND ngày 01/10/2021 để triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy. Mục tiêu đến năm 2025, sẽ phát triển diện tích cây ăn quả lên 1.500 ha, cây dược liệu lên trên 350 ha. Trong đó, nâng diện tích ứng dụng công nghệ cao đối với cây ăn quả là 30%, cây dược liệu 40%. Tiếp tục thực hiện tái canh cây cà phê theo chương trình hỗ trợ tái canh cây cà phê của Chính phủ giai đoạn 2020-2025 gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, tưới tiết kiệm với diện tích 410 ha, nâng tổng diện tích thực hiện lên 1.261 ha. Xây dựng tối thiểu 02 mô hình cánh đồng sản xuất lúa nước tập trung tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để triển khai ứng dụng cơ giới hóa, giống, khoa học kỹ thuật… gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi…) để tăng năng suất, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ đồng thời phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa. Phấn đấu có ít nhất 01 cơ sở liên kết chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Có ít nhất 02 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ 02 cơ sở chuyên sản xuất các loại giống cây dược liệu, cây ăn trái sử dụng công nghệ chiết, ghép, nuôi cấy mô đảm bảo chất lượng. Phát triển ít nhất 02 cơ sở trồng, tiêu thụ cây dược liệu, cây ăn trái tập trung, đạt tiêu chuẩn GAP, GMP... và sản xuất theo hướng hữu cơ.

     Hiện nay, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các ngành chức năng, các nhà đầu tư, hộ nông dân quan tâm thực hiện. Là nơi phân bố nhiều loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế như: Cây Mật Nhân, Sa nhân, Lan Kim Tuyến, Sâm Bảy lá, Sâm đá, Sâm cau, Cây Ba Kích, Hoàng Đằng, Cà Gai Leo, Nấm Linh Chi, Nấm cổ cò, Nấm lim xanh, Bum Xike, Dây rễ na rừng, Quả Ươi, Thiên Niên kiện… nên một số doanh nghiệp đã và đang khảo sát, xin chủ trương lập dự án đầu tư trồng dược liệu dưới tại rừng trên địa bàn huyện với quy mô hàng ngàn ha, như: Công ty CP đầu tư, xây dựng, thương mại và công nghệ Hà Nội (2.700ha), Công ty CP dược liệu Quang Huy (1.800 ha), Công ty CP Đông Nam Dược Gia Lai... Công ty CP Việt Nga Gia Lai đã và đang sản xuất cây giống lan Kim tuyến bằng công nghệ nuôi cấy mô, với quy mô 01 triệu cây giống/năm; đồng thời trồng gần 01 ha lan Kim tuyến dưới tán rừng. Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh đã và đang liên kết với Hợp tác xã dược liệu – nông nghiệp Quang Vinh (xã Sơ Pai) phát triển sản xuất cây Đương Quy với tổng diện tích 15 ha; toàn bộ diện tích được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Hợp tác xã nông nghiệp – xây dựng Tơ Tung đã và đang liên kết sản xuất, chế biến cây sả Java với diện tích 20 ha. Nhiều vườn cây ăn quả được sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến  nay đã có 20 ha cây ăn quả, 9,7 ha rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đến cuối năm 2022 sẽ tăng lên 54 ha cây ăn quả. Đã hình thành một số vườn cây ăn quả phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại xã Sơn Lang. Hợp tác xã nông nghiệp Đoàn Kết Kbang đã và đang thực hiện liên kết tiêu thụ một số loại ra an toàn qua hệ thống siêu thị Big C tại Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Huế. Huyện đã và đang đề xuất UBND Tỉnh kêu gọi Doanh nghiệp đầu tư dự án trồng rau, hoa công nghệ cao tại xã Đông, xã Đak Rong. Tiếp tục phát triển diện tích cây cà phê chè, vối để khai thác lợi thế đối với diện tích có độ cao từ 1.000m trở lên, chủ yếu là tại xã Đăk Rong và Sơn Lang. Hiện nay Công ty CP cà phê Mê Trang đã và đang lập dự án đầu tư sản xuất vùng nguyên liệu tập trung và xây dựng nhà máy chế biến ướt; Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã và đang khảo sát, đầu tư liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4c tại huyện với quy mô từ 200-300 ha. Phát triển mạnh diện tích mắc ca và kêu gọi Doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu hạt mắc ca. Tiếp tục đầu tư thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, chăn nuôi tập trung trên cơ sở chuyển một số diện tích đất trồng cây hoa màu sang để phát triển trồng cỏ, trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc; tận dụng phế, phụ phẩn trồng trọt như rơm, lá ngô, lá mía; chăn nuôi heo, gia cầm cũng có nhiều lợi thế...  Đến nay, Công ty CP Diên Hồng Gia Lai đã đầu tư và đi vào hoạt động Dự án nuôi vỗ béo bò thịt với quy mô 4.420 con. Tập đoàn Mavin đã và đang thực hiện Dự án trung tâm giống gà trứng công nghệ cao với quy mô: 04 triệu còn gà trứng giống/năm, Dự án trung tâm heo giống công nghệ cao với quy mô 100.000 heo con/năm. Ngoài ra, với diện tích 3.200 ha mặt nước phù hợp để nuôi trồng thủy sản, đến nay đã có Dự án nuôi cá Tầm tại hồ C (xã Đăk Rong) với quy mô 20 lồng (10.000 con) bước đầu đem lại hiệu quả, cá thích nghi, phát triển tốt. Về xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa nước tập trung tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm 2022, huyện đã phê duyệt xây dựng Mô hình nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất lúa tại cánh đồng Kon Lốc 1-xã Đak Rong và Đăk Hlim-xã Kon Pne; đến nay dự án đang được triển khai theo đúng thời vụ.
 
Untitled.jpg
Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn ViẹtGAP 

Untitled2.jpg

Dự án nuôi vỗ béo bò thịt của Công ty CP Diên Hồng Gia Lai tại xã Tơ Tung
 
     Đồng thời, để khai thác hợp lý tiềm năng và thúc đẩy hợp tác với các huyện, tỉnh bạn, ngày 26/5/2022, huyện đã thực hiện ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các huyện Kon Plông, huyện Kon Rẫy, huyện Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Theo đó, việc hợp tác bao gồm: Phối hợp xây dựng cơ chế điều hành, chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hợp tác trao đổi thông tin, công tác quản lý nhà nước về du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển sản phẩm du lịch giữa các huyện, thành phố Vùng Đông Trường Sơn. Hợp tác liên kết tour, tuyến du lịch. Hợp tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch. Liên kết tổ chức các hội nghị, hội thảo và các sự kiện du lịch khác. Liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Untitled3.jpg
Lễ ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các huyện Kon Plông, huyện Kon Rẫy, huyện Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

     Trong thời gian tới, định hướng của huyện là tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, gắn với phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp, chế biến cây dược liệu, cây ăn trái cho nhu cầu nội địa và hướng đến xuất khẩu trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện sẽ tập trung phát huy lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng trong huyện để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc hình thành và phát huy hiệu quả của mô hình liên kết “4 nhà”; thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả, dược liệu bền vững từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm dược liệu, trái cây có tiềm năng và lợi thế của huyện. Hình thành các vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn trọng điểm tại các xã phía Bắc và từng bước đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của huyện, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
 
     Tập trung thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào địa bàn huyện để khai thác tiềm năng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện. Trong đó, Huyện sẽ tập trung nâng cấp các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đến các xã, đường trục xã, đường giao thông trục chính nội đồng; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp huyện; giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền đảm bảo kịp thời; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ khuyến khích hợp tác, liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Doanh nghiệp thực hiện liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện ưu tiên thực hiện thông qua các hợp tác xã nông nghiệp. Doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật, đầu tư giống, vật tư cho hợp tác xã, hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng, đồng thời tiêu thụ sản phẩm làm ra. Các hợp tác xã nông nghiệp làm đầu mối, đại diện cho các thành viên hợp tác xã, hộ nông dân trong liên kết với các doanh nghiệp, thực hiện các dịch vụ và tổ chức sản xuất, kinh doanh.
 
     Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Tỉnh, huyện giai đoạn 2021-2025; kế hoạch bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 (huyện Kbang là huyện trọng điểm của |tỉnh Gia Lai về bảo tồn và phát triển các lọai dược liệu); kế hoạch phát triển rau, hoa, quả trên địa bàn huyện đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
 
Trương Thị Chúc - Chuyên viên Văn phòng
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang