CHUYÊN MỤC

Huyện Kbang triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 trên địa bàn huyện

(ngày đăng bài: 05/05/2023)
     Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện đa dạng, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây rau, cây ăn quả và hoa. Đến nay, diện tích trồng cây ăn quả, rau trên địa bàn huyện bước đầu đã được mở rộng, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trên địa bàn.

     Thực hiện Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; Chương trình số 72-CTr/HU ngày 22/5/2020 của Huyện ủy Kbang Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XV) về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; Quyết định 354/QĐ-SNNPTNT ngày 28/6/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; ngày 30/9/2021, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1441/KH-UBND về thực hiện Đề án phát triển rau, hoa, cây ăn quả đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040 với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất rau, hoa, quả; tăng thu nhập trên một đơn vị trồng trọt; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

     Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ phát triển diện tích sản xuất rau khoảng 2.080 ha; Phát triển diện tích sản xuất cây ăn quả lên 4.278 ha. Thực hiện thí điểm trồng hoa ở một số xã có điều kiện thuận lợi (thị trấn, xã Đông, Đăk Rong...) với diện tích khoảng 03 ha. Hình thành 01 khu sản xuất tập trung cây rau tại Thôn 4, xã Đông với diện tích sản xuất 15 ha. Tạo vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp đến liên kết hợp tác làm ăn: Công ty DOVECO Gia Lai, Tập đoàn Lộc Trời... Xây dựng mô hình trồng cây rau, cây ăn quả theo hướng Viet GAP, hữu cơ thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng: mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP tại thị trấn, xã Đông, Nghĩa An, Đăk Hlơ...; mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, chuỗi giá trị sản xuất đối với cây cam, bơ, sầu riêng tại xã Sơn Lang, Sơ Pai... Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình công nghệ tưới tiết kiệm, tưới tự động, sử dụng có hiệu quả nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu hút 2-3 doanh nghiệp vào địa bàn hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, cây ăn quả trên địa bàn huyện.

     Định hướng đến năm 2030 huyện sẽ tăng dần diện tích, năng suất gieo trồng rau lên 3.000 ha; cây ăn quả lên 6.182 ha. Phát triển việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: Mở rộng thêm diện tích sản xuất cây rau, hoa, quả tập trung: nâng tổng diện tích gieo trồng vùng trồng cây rau tập trung lên: 210 ha, vùng trồng cây ăn quả tập trung lên: 650 ha; tùy vào điều kiện cụ thể, phấn đấu mở rộng diện tích trồng hoa trên 06 ha, tập trung ưu tiên phát triển hoa xứ lạnh, hoa có giá trị kinh tế cao. Phát triển mô hình trồng cây rau, cây ăn quả theo hướng Viet GAP, hữu cơ thân thiện với môi trường:  Mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP, hữu cơ, công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Đông, Nghĩa An, thị trấn, ĐăkHlơ, Kông Bờ La; mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tại xã Sơn Lang, Sơ Pai, Thị trấn, xã Đông, Kông Lơng Khơng... Tiếp tục khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới tự động, sử dụng có hiệu quả nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu có ít nhất 01 vùng sản xuất rau và 02 loại quả là sản phẩm đặc trưng của Kbang, có nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, có chỉ dẫn địa lý và kết hợp với phát triển du lịch. Xây dựng 01 mô hình du lịch làng, xã nông thôn mới, du lịch sinh thái gắn với sản xuất cây ăn quả, kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa du lịch và kinh tế. Phát triển rau, hoa, quả đặc sản kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

     Định hướng đến năm 2040 huyện sẽ phát triển ổn định diện tích gieo trồng rau toàn huyện là 3.000 ha; tăng diện tích trồng cây ăn quả lên 6.795 ha.Tiếp tục phát triển việc việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: Phát triển ổn định diện tích sản xuất tập trung cây rau: 280 ha; hoa: trên 10 ha (quan tâm đến các loại hoa xứ lạnh, hoa có giá trị kinh tế cao); cây ăn quả tập trung: 650 ha. Có ít nhất 01 cơ sở ứng dụng công nghệ cao (như nuôi cấy mô) trong chọn, tạo, nhân giống cây ăn quả trên địa bàn huyện. Áp dụng đại trà công nghệ tưới tiết kiệm, tưới tự động, sử dụng có hiệu quả nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu hút ít nhất 04 doanh nghiệp vào địa bàn hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu rau, quả trên địa bàn huyện.Toàn huyện có ít nhất 01 vùng sản xuất rau và 02 loại quả là sản phẩm đặc trưng của  Kbang, có nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, có chỉ dẫn địa lý.

     Trong thời gian qua, triển khai Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn huyện; UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thi trấn tập trung sản xuất trồng trọt theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn huyện có 1.241 ha cây ăn quả các loại. Trong đó: cây cam: 98,1 ha, quýt: 34,4 ha, cây vải: 139,4 ha, cây nhãn: 55,2 ha, cây sầu riêng 101,1 ha, cây chanh dây 279,5 ha; cây chuối 220 ha; cây bơ 67,6 ha; cây xoài 36,8 ha; cây mít 41,2 ha, cây dứa: 34,3 ha, cây thanh long: 5,3 ha, cây mít: 41,2 ha, cây na: 11,2 ha, cây bưởi: 11,8 ha và một số cây ăn quả khác 104,7 ha ha. Một số khu vực trồng cây ăn quả tương đối tập trung: khu vực Đảo hồ B, thôn Hợp Thành, Trạm Lập – xã Sơn Lang (cam Sành, cam Đường Canh, cam Vinh, bơ, sầu riêng…); khu vực Dốc Ngựa, Thôn 3 – xã Đông (Vải, nhãn, chôm chôm, sầu riêng), khu vực TDP 2, TDP 5, TDP 21 - thị trấn Kbang (nhãn, vải, chuối…); khu vực Đầm Đui, Trại bò – xã Sơ Pai (cam, quýt, vải, chuối, bơ …); khu vực làng Dờng, làng Kgiang, làng Bờ Ngăn-  xã Kông Lơng Khơng (nhãn, mít, ổi, quýt đường …). Đối với cây rau, toàn huyện có 1.883 ha cây rau các loại, trong đó rau ăn lá các loại: 538 ha, rau ăn quản các loại: 1.104 ha, ớt cay: 241 ha. Ngoài ra, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện đã hỗ trợ xây mô hình trồng cây ăn quả: cam ruột đỏ, quýt hồng, dứa không mắt tại xã Kon Pne và Đak Rong; hỗ trợ 04 làng đồng bào dân tộc Bahnar trồng cây ăn quả, gắn với cải tạo vườn tạp; tiếp tục tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, tuân thủ thời gian cách ly. Đã hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho 53,4 ha cây ăn quả (cam: 8,25 ha, quýt: 7,05 ha, sầu riêng: 2,5 ha, bơ: 2,5 ha, nhãn: 05 ha, vải: 24,1, ổi: 03 ha) tại xã Sơn Lang, Sơ Pai, Đông, Kông Lơng Khơng và thị trấn Kbang và 6,9 ha rau tại xã Đông và thị trấn. Về thị trường tiêu thụ, phần lớn sản phẩm cây ăn quả, rau được tiêu thụ trên địa bàn huyện, thị xã An Khê, huyện Đak Pơ, TP. Pleiku và một phần sản phẩm được bán ra ngoài tỉnh thông qua các thương lái, qua bán hàng online.
  
Untitled.jpg
 
     Hiện nay, việc phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn huyện cũng còn những hạn chế, khó khăn như: Phần lớn diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, trồng xen nhiều loại cây trồng khác; chưa thực sự hình thành vùng chuyên canh tập trung. Do đó, khó khăn trong việc áp dụng quy trình sản xuất chung, nhằm ổn định về sản lượng, chất lượng sản phẩm; chi phí chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cao (số lượng lấy mẫu lớn); khó khăn trong việc cấp mã số vùng trồng. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân còn hạn chế, nên đầu ra sản phẩm không ổn định. Diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương chưa nhiều. Chưa có diện tích được cấp mã số vùng trồng. Tại các xã phía Nam huyện, thiếu nguồn nước tưới nên việc chuyển đổi cây trồng, phát triển cây ăn quả, rau gặp khó khăn, nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán rất cao.

     Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp: Trên cơ sở định hướng phát triển rau, hoa, quả; tiếp tục phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển một số vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, rau trên địa bàn huyện (trước hết là đối với cây cam, quýt, sầu riêng, vải, nhãn...), sản xuất theo hướng GAP và hữu cơ… Tiếp tục hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn GAP cho một số HTX, tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả tập trung.  Hỗ trợ xây dựng các cơ sở đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đăng ký cấp mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng có năng suất thấp, kém hiệu quả chuyển sang trồng rau, cây ăn quả phù hợp; thực hiện các mô hình sản xuất hay, nhất là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển số lượng các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù từng xã. Tiếp tục củng cố vườn ươm của Huyện hoạt động có hiệu quả, liên kết với các tổ chức, cá nhân để sản xuất và kinh doanh giống cây ăn quả, rau, hoa, đáp ứng nhu cầu về cây giống chất lượng, sạch bệnh cho người dân. Chú trọng đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, trong đó có chú trọng phục vụ tưới cho các loại cây trồng cạn có giá trị, đặc biệt là cây ăn quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới tự động tại các khu vực sản xuất phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai hạn hán gây ra. Kêu gọi, tạo điều kiện để doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Củng cố, phát triển các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác sản xuất cây ăn quả để hợp tác, liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Phối hợp với các nhà phân phối xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm cây ăn quả sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và bền vững. Tổ chức quảng bá giới thiệu các loại cây ăn quả, rau chủ lực, đặc trưng của huyện, thông qua các hội chợ, hội thảo, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội..., gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái (tổ chức ngày hội du lịch Kbang; khai thác hệ thống các thác nước, khu rừng nguyên sinh thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Bahnar...); đẩy mạnh việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã số vùng trồng, phát triển sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế của huyện. Khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả qua các sàn thương mại điện tử. Lồng ghép có hiệu quả các Chương trình MTQG, các chính sách, dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững,  Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Củng cố hoạt động các Hợp tác xã hiện có để từng bước hiệu quả từ chương trình: Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện gắn với đô thị hóa....
 
Trương Thị Chúc – Chuyên viên Văn phòng  

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang