Kbang nâng cao hiệu quả công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung Cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước
(ngày đăng bài: 24/02/2022)
Cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đảm bảo việc cấp nước sạch và xử lý nước thải hợp vệ sinh
Thời gian qua, cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Kbang đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Theo kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn năm 2021 của UBND huyện. Tổng số hộ điều tra: 13.525 hộ, trong đó có 2.405 hộ nghèo thì tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8% (13.502 hộ/13.525 hộ), tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 97%. Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch là 46,2%. Đánh giá mức độ bền vững của các công trình cấp nước, trên địa bàn 13 xã có 50 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn (49 công trình có công suất từ 250 hộ sử dụng trở xuống; 01 công trình có công suất trên 1.000 hộ sử dụng). Trạm Quản lý thủy nông quản lý, khai thác 19/50 công trình. UBND các xã quản lý, khai thác 31/50 công trình. Về đánh giá mức độ bền vững các công trình theo quyết định số 4826/QĐ-BNN-TCTL ngày 07/12/2018: Bền vững: 27 công trình. Tương đối bền vững: 06 công trình. Không bền vững: 10 công trình. Không hoạt động: 7 công trình. Hàng năm, các công trình thủy lợi được triển khai duy tu, bảo dưỡng theo kế hoạch của UBND huyện; công tác phòng, chống hạn được chú trọng; huy động nhân dân nạo vét kênh mương, khắc phục sửa chữa hư hỏng nhỏ các công trình thuỷ lợi; quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn theo phân cấp quản lý đảm bảo hiệu quả.

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông và Nghĩa An có công suất thiết kế 1.000 m3/ngày. Nguồn nước thô được lấy từ hồ thủy điện An Khê-Ka Nak dẫn về nhà máy xử lý nước sạch thông qua tuyến ống chuyển tải độc lập và dây chuyền xử lý nước hiện đại
Tuy nhiên, các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn huyện hầu hết được đầu tư từ nhiều Chương trình, dự án để cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì vậy, hầu hết đối tượng dùng nước từ công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn huyện là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, người dân chưa nhận thức được một cách đầy đủ về vai trò của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, sử dụng và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trong cộng đồng chưa cao (thói quen dùng nước không khóa) điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý và thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình; Các công trình trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ (nội thôn, liên thôn), nằm rải rác, hệ thống đường ống kéo dài, nên việc kiểm tra thường xuyên hay kiểm tra điểm hư hỏng là rất khó khăn. Hệ thống đường ống dẫn nước đi qua địa hình dốc, phức tạp, chịu tác động xấu của thời tiết, mùa mưa lũ, nắng hạn; đường ống không có các biển báo chỉ dẫn nên khó quản lý và hay bị các phương tiện cơ giới vô tình làm hư hại tại các vị trí dễ bị tổn thương như: đường ống qua đường, qua suối..... Từ các nguyên nhân đó làm suy giảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng của các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện.

Khánh thành công trình cải tạo, làm mới nước sạch tự chảy cho bà con
làng Đầm Khơng xã Tơ Tung từ công trình thiện nguyện
Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn huyện trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cơ quan cấp trên về tăng cường công tác quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn huyện để có thể sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn huyện. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước, vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn tham gia sửa chữa đường ống, cụm đầu mối, bể lọc nước và nạo vét các giếng đào, giữ vệ sinh khu vực giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt; Có kế hoạch thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có giải pháp cụ thể cho từng khu vực; Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước nông thôn tập trung để có cơ sở đề xuất phương án điều chuyển, cho thuê, chuyển nhượng, thanh lý công trình nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả và đúng mục tiêu đầu tư ban đầu của các công trình cấp nước tập trung nông thôn cũng như ngày càng nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn huyện được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường của Chương trình xây dựng Nông thôn mới toàn huyện./.
Trần Thị Phương - Phòng Nội vụ