CHUYÊN MỤC

Khai thác tối đa tiện ích từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

(ngày đăng bài: 15/04/2022)
     Khi được đưa vào hoạt động, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Untitled2-(1).jpg

     Năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề hiện thực hóa cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp nối những thành công trong năm 2021, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và các xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm nhanh chóng khai thác, ứng dụng giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

     Hướng tới phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp

     Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh và xác thực điện tử, căn cước công dân, để phục vụ năm nhóm tiện ích tập trung vào giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; hoàn thiện hệ sinh thái chính phủ số; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và phục vụ công dân số. Trong các nhóm tiện ích đó, Bộ Công an đặt trọng tâm mục tiêu hướng tới phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính một cách thuận lợi nhất và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư.

     Mục tiêu cụ thể trong năm 2022, hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên cổng Dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế trong quý I/2022 phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

     Các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế, xã hội sẽ được giải quyết hiệu quả khi triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử…) và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VN-eID, mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2022, bước vào giai đoạn 2023-2025 sẽ hoàn thành mục tiêu tối thiểu 90% số người dân, doanh nghiệp hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, căn cước công dân.
 
Untitled3.jpg
Hướng dẫn quy trình và yêu cầu kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

     Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch và làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối các Cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp như: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, Cơ sở dữ liệu quốc tịch, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, Cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý, Cơ sở dữ liệu về các tổ chức hành nghề công chứng, Cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự nói chung với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là Đề án quan trọng bậc nhất trong xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số và có tác động lớn, mạnh mẽ đối với Bộ, ngành Tư pháp.

     Để thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan, UBND huyện Kbang đã ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 03/03/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Kbang. Theo đó, trong phạm vi trách nhiệm của mình, lực lượng Công an sẽ bảo đảm duy trì dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ các nhiệm vụ của Đề án; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật kết nối, chia sẻ để phục vụ phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng cao nhất các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, ban, ngành huyện chủ động phối hợp với lực lượng Công an trong quá trình thực hiện Đề án, nhất là trong kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành Trung tâm dữ liệu lớn của Quốc gia, từ đó mở rộng triển khai việc định danh đối với các lĩnh vực, nhất là phương tiện giao thông, bất động sản… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội; đề nghị một số cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai, thực hiện xử lý hồ sơ theo hình thức chuyển hồ sơ liên thông từ Hệ thống một cửa điện tử huyện, xã sang Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp để xử lý đúng quy trình theo tài liệu hướng dẫn; Thực hiện phân quyền “Tiếp nhận hồ sơ từ hệ thống một cửa điện tử” cho tài khoản người dùng trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung. Hoàn thiện việc kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp huyện với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp./.
 
 Phạm Thị Phương Loan - Phòng Tư pháp

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang