CHUYÊN MỤC

Một số vấn đề rút ra qua triển khai Chỉ thị 63-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII)

(ngày đăng bài: 09/04/2016)
     Huyện Kbang có diện tích tự nhiên 1.845,23 km2, là huyện có tiềm năng và thế mạnh về rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp; khí hậu thổ nhưỡng khá phù hợp với một số cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Với gần 50% dân số của huyện là người dân tộc thiểu số (trong đó, dân tộc Bahnar chiếm 40%), mặt bằng trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu trong một bộ phận bà con vẫn còn tồn tại. Nhận thức được vấn đề đó, trong những năm qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập trên một diện tích canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo (XĐGN) được các cấp ủy, chính quyền ở địa phương rất quan tâm. 

rau.JPG
Hình: Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
do Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện triển khai tại xã Đông và thị trấn Kbang.

     Ngay sau khi có Chỉ thị số 63-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Đồng thời, giao cho Uỷ ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và quy hoạch chung của tỉnh; huyện đã quy hoạch và triển khai xây dựng 03 tiểu vùng kinh tế - xã hội gắn với tập trung chuyên canh một số cây trồng mũi nhọn như: cây cà phê, bời lời, sa nhân tím ở các xã phía Bắc; cây mía, mì ở các xã phía Nam; cây cà phê, cây ăn quả, rau đậu, cây bắp, phát triển đàn bò lai ở các xã trung tâm huyện; đồng thời, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, đã triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về nông - lâm nghiệp (như: dự án IFAD, FLITCH) góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến nay, 13/13 xã hoàn thành quy hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản theo Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.

     Trong 15 năm qua, huyện đã triển khai 28 mô hình, dự án áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là trên lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phá thế độc canh, chuyển dần từ sản xuất quảng canh sang thâm canh, chuyên canh, xen canh các loại cây trồng có giá trị hàng hoá cao và sơ chế nông sản sau thu hoạch, góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ cũng tăng đáng kể; với tổng kinh phí là 5.805,1 triệu đồng, chủ yếu huy động được từ nguồn ngân sách hỗ trợ, nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn đối ứng liên kết, liên doanh... Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

     Đã đầu tư các mô hình trình diễn đưa tiến bộ khoa học, công nghệ về một số giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất như: bời lời đỏ, mắc ca, cao su tiểu điền, sản xuất giống lúa xác nhận HT1, RVT; áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản suất mía, nuôi cá tầm, giun quế... phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng trong huyện. Trong đó, có một số mô hình được đưa vào sản xuất thử nghiệm bước đầu mang lại hiệu quả, cụ thể như: mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp trên đất dốc tại xã Krong; mô hình sản xuất giống lúa xác nhận RVT tại xã Sơ Pai và xã Tơ Tung; mô hình xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất mía tại xã Đăk HLơ; mô hình trồng thí điểm cây cao su tiểu điền tại các xã, thị trấn; mô hình trồng thí điểm cây mắc ca tại xã Sơn Lang; mô hình trồng cây sa nhân tím tại xã Đăk Rong và xã Sơn Lang; mô hình thực nghiệm và ứng dụng giống bò lai, heo hướng nạc ở các xã, thị trấn và mô hình nuôi thử nghiệm cá Tầm thương phẩm tại hồ C- thủy điện Vĩnh Sơn (xã Đăk Rong); mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại thị trấn Kbang và xã Đông; mô hình xây dựng hầm Bioga trong chăn nuôi heo… Hiện nay, huyện đang đầu tư để nhân rộng các mô hình trên nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào các khâu sản xuất như: làm đất bằng cơ giới, áp dụng công nghệ sinh học trong bón phân, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi và cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch; đặc biệt là công nghệ sấy trong lĩnh vực chế biến nông sản; công nghệ sấy - sơn trong chế biến gỗ... góp phần tăng năng suất lao động và tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

     Cùng với công tác triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ, công tác khuyến nông được chú trọng. Thông qua đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ sư nông, lâm nghiệp từ huyện đến cơ sở, công tác triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất đã có những chuyển biến tích cực. Các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn miền núi được triển khai tại các địa phương nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự thay đổi nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Nhiều chương trình dạy nghề, tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật sản xuất nông - lâm nghiệp, thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp đã triển khai đều khắp đến thôn, làng; trong 15 năm, đã tổ chức 223 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 6.722 lao động tham gia và áp dụng kiến thức khoa học,công nghệ qua đào tạo trong thực tiễn sản xuất – kinh doanh.

     Huyện đã chỉ đạo hỗ trợ và vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính cân đối với trồng trọt. Trồng thực nghiệm một số loài cây có thời gian sinh trưởng nhanh như keo, bời lời, mắc ca, sa nhân tím... thực hiện sản xuất nông - lâm kết hợp, quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng. Đã triển khai khảo sát, điều tra các loại cây trồng quý hiếm, bảo tồn và phát triển các gien động thực vật nhằm đa dạng sinh học; đưa vào bảo tồn, phục hồi và phát triển 03 loại dược liệu quý có nguồn gốc tại địa phương đã bị khai thác cạn kiệt (sâm đá, sâm dây và vằng đắng). Bên cạnh các mô hình do nhà nước triển khai, một số hộ gia đình đã mạnh dạn tìm tòi, đầu tư phát triển cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cam, quýt ngọt (tại xã Sơn Lang và Thị trấn), vải tại Thị trấn, xã Đông…

     Công tác xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ được chú trọng. Đến nay, Hội đồng Khoa học và công nghệ huyện được thành lập với 13 thành viên, máy móc thiết bị được đầu tư để xây dựng điểm thông tin khoa học và công nghệ cơ sở. Nguồn nhân lực khoa học, công nghệ tăng lên cả về số và chất lượng; toàn huyện hiện có 1.600 người (gấp 2 lần so với năm 2001) có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, trong đó có 04  thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ khoa học - kỹ thuật định kỳ được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tiếp thu, vận dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.

     Nhờ triển khai có hiệu quả các tiến bộ của khoa học, công nghệ thông qua các mô hình thành công, được nhân rộng nên sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm (giai đoạn 2010 – 2015) của ngành nông – lâm nghiệp - thủy sản đạt 10,17%; tổng giá trị sản xuất đến cuối năm 2015 ước đạt  501,8 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 20,49%. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện năm 2015: 32.710 ha, tăng 11% so với năm 2010; năng suất, chất lượng một số cây trồng chính đạt khá và được thị trường chấp nhận. Tổng sản lượng lương thực bình quân từ 31.000 tấn (năm 2001) tăng lên 53.862 tấn năm 2005, đến năm 2015 đạt 45.298,8 tấn. Tổng đàn gia súc 38.995 con (năm 2001) tăng lên 47.045 con (năm 2005), đến năm 2015 là 51.265 con (trong đó, đàn bò lai, heo hướng nạc, trâu, dê…chiếm tỷ trọng lớn); việc áp dụng công nghệ nuôi gia cầm bán công nghiệp kết hợp thả vườn được áp dụng và nhân rộng…Đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2015 đạt 21,851 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 22,73%.

     Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn đưa khoa học, công nghệ áp dụng trên các lĩnh vực sản xuất và đời sống chưa thường xuyên. Các doanh nghiệp, nhất là các công ty lâm nghiệp và Trung tâm nghiên cứu khoa học thực nghiệm lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện chưa phát huy đầy đủ vai trò “bà đỡ” cho nông dân trong việc áp dụng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Công tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô còn nhỏ lẻ; một số chương trình, dự án triển khai chậm tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình có hiệu quả. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đã phát triển nhưng còn thiếu và yếu, nhất là trên các lĩnh vực mũi nhọn như: công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, môi trường… Chưa có giải pháp tốt để thu hút cán bộ khoa học và công nghệ đến công tác và phục vụ lâu dài ở huyện. Việc thành lập và phát triển quỹ khoa học, công nghệ địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

     Nguyên nhân của các hạn chế trên phải kể đến bắt đầu từ công tác lãnh đạo và chỉ đạo đẩy mạnh việc ứng dụng, triển khai tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất ở một số địa phương chưa được quan tâm sâu sát. Hạ tầng kinh tế, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất nói chung và phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng còn yếu kém. Công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức khoa học và công nghệ cần thiết cho lực lượng lao động ở nông thôn còn hạn chế. Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, mặt bằng trình độ dân trí thấp và không đồng đều, các hủ tục chưa được xóa bỏ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ hàng năm tuy có tăng nhưng còn chiếm tỷ lệ “khiêm tốn” trong cơ cấu chi ngân sách, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn huyện.

     Mục tiêu tổng quát mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra đến năm 2020: Chú trọng phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các ngành... Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu trong mối liên kết vùng Tây Nguyên. Để đạt được mục tiêu trên nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất gắn với thị trường, xây dựng nông thôn mới; theo chúng tôi cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
     Tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 63-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn gắn với xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh đã đề ra để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
     Tập trung phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao. Củng cố tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý, từng bước nâng cao trình độ quản lý khoa học và công nghệ từ huyện đến cơ sở. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tại địa phương.
     Mạnh dạn giao cho các đơn vị sự nghiệp triển khai các dự án nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ; giảm dần việc giao nhiệm vụ này cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đầu tư phát triển một số trung tâm, trạm của huyện đủ mạnh để có thể tiếp nhận, ứng dụng các tiến bộ về khoa học và công nghệ. Có cơ chế liên kết trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ giữa Trung tâm nghiên cứu khoa học thực nghiệm lâm nghiệp, các công ty lâm nghiệp và các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện, các xã, thị trấn, các hộ dân trên địa bàn huyện và các doanh nghiệp ché biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Củng cố và nâng cao năng lực Trung tâm dạy nghề và GDTX huyện để đủ sức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành nghề sản xuất - kinh doanh tại địa bàn và nhu cầu hội nhập kinh tế của đất nước. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và sản xuất kinh doanh, đảm bảo đạt mức trung bình cả nước.
     Nhân rộng các mô hình đã triển khai làm thí điểm, khảo nghiệm thành công, nhất là các cây con mũi nhọn, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao được thị trường chấp nhận. Đặc biệt chú trọng các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện như: cà phê, mía, bắp, bò lai, heo hướng nạc, cá nước ngọt … và một số cây trồng, vật nuôi mới như: sa nhân tím, cá tầm, cá lồng bè trên hồ thủy điện…Theo dõi, đánh giá các mô hình do nhân dân đầu tư sản xuất đã mang lại hiệu quả như: cam, quýt ngọt, vải thiều, hồ tiêu, tổ chức tái canh cho diện tích cây cà phê đã già cỗi hoặc chuyển đổi và đưa vào sản xuất các loại cây trồng khác có triển vọng thu lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, nghiên cứu, phục hồi và đưa vào sản xuất các loại cây dược liệu quý có nguồn gốc tại địa phương như: vằng đắng, sâm đá, sâm dây…đánh giá hiệu quả các loại cây dược liệu do nhân dân mới đưa vào sản xuất trên địa bàn như: cây đinh lăng, thảo quả…để nhân rộng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ. Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào công tác bảo vệ thực vật và thú y để phòng chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi. Nghiên cứu cải tiến, ứng dụng công nghệ mới phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế biến nhằm phát huy tối đa hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm sản sau thu hoạch… hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, quy mô lớn có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao.
     Khuyến khích thành lập quỹ khoa học và công nghệ cấp huyện để bổ sung vào ngân sách đầu tư ứng dụng, triển khai các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất trên địa bàn. Tranh thủ các nguồn lực tài chính để đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng, triển khai tiến bộ khoa học và công nghệ trọng điểm. Khen thưởng kịp thời các tổ chức và cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong việc đưa các công nghệ sản xuất, ứng dụng thành công các mô hình cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhân rộng địa bàn huyện. Tổ chức tham quan học hỏi và hợp tác với các đơn vị, địa phương, tổ chức có nền khoa học và công nghệ phát triển để tìm ra cách làm hay hoặc thu hút đầu tư về khoa học và công nghệ phát triển sản xuất tại địa phương./.        
                       
Bùi Trọng Thủy - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang