CHUYÊN MỤC

Tổ chức Hội nghị tổng kết kết quả thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định tại huyện

(ngày đăng bài: 07/06/2022)
     Chiều 03/6/2022, tại hội trường 19/5 của huyện, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai phối hợp cùng với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Tổng kết kết quả thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh Bình Định - Gia Lai giai đoạn 2017 - 2022.

     Chủ trì Hội nghị gồm Đ/c Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai; Đ/c Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định; Đ/c Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định và Đ/c Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Tham dự hội nghị Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh; Lãnh đạo các huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai); huyện Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và An Lão (tỉnh Bình Định); các cơ quan, đơn vị liên quan, các công ty lâm nghiệp và các xã có rừng giáp ranh giữa 02 huyện Kbang, Gia Lai và huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định. 
 
Untitled.jpg
Quang cảnh Hội nghị

     Tại Hội nghị, đã thông qua Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định giai đoạn 2017-2022 của Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phối hợp công tác đảm bảo an ninh trật tự và quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa hai huyện Kbang, Gia Lai và Vĩnh Thạnh, Bình Định. Hội nghị cũng nghe các báo cáo tham luận của Hạt Kiểm lâm huyện Kbang; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hà Nừng, huyện Kbang; UBND hai xã của huyện Kbang và Vĩnh Thạnh.   

     Theo đó, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai có vùng rừng giáp ranh dài trên 141km, gồm các huyện Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và An Lão (tỉnh Bình Định) giáp ranh huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và TX An Khê (tỉnh Gia Lai). Diện tích vùng giáp ranh giữa hai tỉnh khá lớn, chủ yếu là rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, khu vực giáp ranh hai tỉnh có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESSCO công nhận. Đây là nơi lưu giữ hệ thống động thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam; là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng dân tộc thiểu số, chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng dân cư địa phương. Song với địa hình hiểm trở, dọc tuyến giáp ranh có nhiều tuyến đường mòn ra vào rừng, là điều kiện để các đối tượng “lâm tặc” xâm nhập phá rừng, khai thác, vận chuyển trái pháp luật các loại lâm sản và động vật rừng hoang dã.

     Để quản lý, bảo vệ tốt vùng rừng giáp ranh, năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai và Bình Định đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ vùng rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh. Trên cơ sở của Quy chế, Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh, các địa phương và lực lượng chức năng vùng rừng giáp ranh cũng tổ chức ký kết Quy chế phối hợp. Qua đó, 02 tỉnh đã phối hợp tổ chức 302 đợt tuyên truyền với 6.591 lượt người tham gia, ký 84 bản cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Việc phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng đã phát hiện 50 vụ việc vi phạm (03 vụ phá rừng trái pháp luật, 22 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 14 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật và 11 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật) trong đó xử lý hình sự 5 vụ, xử lý vi phạm hành chính 45 vụ; tịch thu 109,512m3 gỗ các loại…; phạt tiền 169 triệu đồng.
 
Untitled2.jpg
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị

     Riêng đối với huyện Kbang, là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh với diện tích là 130.508,11 ha (chiếm 18,04% diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh; hơn 70% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện); vùng giáp ranh của huyện tương đối lớn, phía Đông giáp huyện Vĩnh Thạnh, An Lão -tỉnh Bình Định; phía Tây: giáp huyện Mang Yang, Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai; huyện Kon Rẫy –tỉnh Kon Tum; Phía Nam: giáp huyện Đăk Pơ, thị xã An Khê; Phía Bắc: giáp huyện Kon Plông - tỉnh Kon Tum; huyện Ba Tơ – tỉnh Quang Ngãi. Chất lượng rừng, đa dạng sinh học rừng của huyện cao nên nguy cơ xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản, phá rừng trái pháp luật rất lớn, nhất là các vùng giáp ranh với các huyện, tỉnh bạn. Trong thời gian qua, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vùng giáp ranh còn diễn biến phức tạp, đối tượng vi phạm dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi, cấu kết với một số người dân địa phương theo dõi, cảnh giới thông tin khi có lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét, nhất là việc khai thác gỗ trái phép và vận chuyển theo các tuyến đường mòn trong rừng qua lâm phần Công ty TNHH Lâm nghiệp MTV Sơ Pai, Ka Nák, Hà Nừng. Bên cạnh đó, vùng giáp ranh hầu hết thuộc khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, ngăn cách bởi nhiều đồi núi, sông suối, giao thông trắc trở nên gây khó khăn trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

     Trước những diễn biến phức tạp về tình trạng khai thác gỗ trái phép khu vực giáp ranh, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Kbang luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đã được các cấp, các ngành và các đơn vị chủ rừng chú trọng thực hiện, trong đó, có việc phối hợp với các huyện, tỉnh bạn hiệu quả Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Theo đó, UBND huyện, các đơn vị chức năng và chủ rừng đã phối hợp với các huyện giáp ranh tổ chức tuyên truyền, đối thoại, cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các đơn vị chức năng, các chủ rừng, UBND các xã có rừng đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét các tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép tại các vùng giáp ranh; phối hợp trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, vụ án chống người thi hành công vụ, phá rừng để lấn chiếm đất rừng. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện đã phối hợp phát hiện được 46 vụ vi phạm (phá rừng trái pháp luật 03 vụ, khai thác rừng trái pháp luật 21 vụ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 10 vụ, tàng trữ lâm sản trái pháp luật 12 vụ); đã xử lý 46 vụ (hành chính 41 vụ, hình sự 05 vụ). Tang vật tịch thu 99,452 m3 gỗ tròn, xẻ các loại (loài thông thường), 1,2 Ster củi tạp ; Phương tiện tịch thu xe ô tô, xe độ chế 02 chiếc, xe máy 37 chiếc, Cưa xăng 05 cái, 02 cái Rựa; Phạt tiền 169.000.000 đồng, buộc trồng lại rừng với diện tích 3.500 m2 rừng sản xuất. Một số vụ vi phạm điển hình đã được kịp thời phát hiện và xử lý trong công tác phối hợp như: Vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tiểu khu 57, 59 lâm phần do Công ty TNHH MTV LN Hà Nừng quản lý nằm trên địa giới hành chính xã Sơn Lang; vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật chạy từ hướng xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định về hướng xã Sơn Lang, huyện Kbang ...

     Có thể thấy, nhờ công tác phối hợp đồng bộ, triển khai quyết liệt các giải pháp trong quản lý bảo vệ rừng mà tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vùng giáp ranh 2 tỉnh nói chung và 2 huyện Kbang, Vĩnh Thạnh nói riêng được ngăn chặn kịp thời; tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật nhất là các loại gỗ quý hiếm đã được hạn chế; việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, nguy cơ phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vùng giáp ranh vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng lâm tặc dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng địa hình hiểm trở, cấu kết với các đối tượng khác trong vùng để hoạt động. Trong công tác phối hợp vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Sự phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm khu vực giáp ranh chỉ mới ở mức gặp gỡ, trao đổi thông tin, tổ chức ký cam kết nhưng chưa có chương trình kế hoạch hành động cụ thể; các chủ rừng vùng giáp ranh chưa cụ thể hóa các biện pháp phối hợp nhằm đem lại hiệu quả trên lâm phần mình quản lý; UBND các xã giáp ranh chưa ký kết quy chế phối hợp, chưa thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền cho các hộ dân vùng giáp ranh, chưa xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác phối hợp tuần tra, cung cấp thông tin.
 
Untitled3.jpg
Đ/c Nguyễn Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Hội nghị

     Phát biểu tại Hội nghị, về phía huyện Kbang, Đ/c Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: trong thời gian tới, để việc ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định nói chung và huyện Kbang với các huyện bạn nói riêng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trước hết về phía huyện sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt những nội dung Quy chế phối hợp trong công tác QLBVR vùng giáp ranh đã ký kết; tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng; nêu cao trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng của các huyện, tỉnh bạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, trong đó tập trung phối hợp bảo vệ tốt diện tích rừng vùng giáp ranh; thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình công tác QLBVR, PCCCR, thông báo tình hình vi phạm ở vùng gáp ranh; nắm danh sách và thông báo về các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp ở các địa bàn giáp ranh; phối hợp điều tra, xác minh và xử lý các đối tượng vi phạm khi có yêu cầu. Tham gia đầy đủ họp giao ban định kỳ và thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết công tác phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh để đánh giá kết quả thực hiện; đồng thời, kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp bảo vệ rừng một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, Đ/c Dũng cũng rất mong tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo của UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm 02 tỉnh Bình Định và Gia Lai; Huyện ủy, UBND và Hạt Kiểm lâm các huyện bạn đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng; mà đặc biệt là công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh để góp phần trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn mình. Để làm được điều đó, rất mong được sự quan tâm, thường xuyên trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân có hành vi phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trong vùng giáp ranh để có biện pháp quản lý, theo dõi và ngăn chặn kịp thời; nhất là đối với các hành vi vi phạm có tổ chức, quy mô lớn; định kỳ 01 năm/lần tổ chức họp luân phiên để đánh giá thực hiện quy chế phối hợp; xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; chủ động thực hiện tốt công tác truyền truyền tại địa phương; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuần tra bảo vệ rừng trong thời gian tới; đẩy mạnh và thực hiện tốt việc giao đất giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tại khu vực giáp ranh nhằm nâng cao thu nhập, hạn chế việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm nương rẫy, xâm hại đến tài nguyên rừng và góp phần vận động người dân tham gia bảo vệ rừng…

     Để công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh đạt hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, huyện Kbang và Vĩnh Thạnh tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh.
 
Untitled4.jpg
Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Bình Định
 
 Untitled5.jpg 
Lãnh đạo UBND huyện Kbang, Gia Lai  và Vĩnh Thạnh, Bình Định ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh giữa 2 huyện
 
Untitled6.jpg
Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định tặng cây xanh cho huyện Kbang, Gia Lai
 
     Cũng tại Hội nghị, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã trao tặng huyện Kbang 400 cây xanh (gồm 200 cây mai anh đào và 200 cây vàng anh).
 
Trương Thị Chúc - Chuyên viên Văn phòng

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang