CHUYÊN MỤC

NHỮNG ĐIỂM MỚI BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019 ÁP DỤNG TỪ NGÀY 01/01/2021

(ngày đăng bài: 15/09/2022)
PHẦN 4: 03 điểm mới về thử việc và 08 điểm mới về kỷ luật lao động
     Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định nhiều điểm mới về thử việc và kỷ luật lao động, cụ thể như sau:
     I. 03 ĐIỂM MỚI VỀ THỬ VIỆC:
     1. Có thể thoả thuận và ghi nội dung thử việc trong HĐLĐ
     Theo đó, các bên có thể linh hoạt việc thoả thuận về thử việc, nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ hoặc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
     BLLĐ 2019 áp dụng thử việc đối với NLĐ giao kết HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng.
     Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm:
     - Tên, địa chỉ của NSDLĐ và họ tên, chức danh của người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ;
     - Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD/CMND hoặc hộ chiếu của người giao kết HĐLĐ bên phía NLĐ;
     - Công việc và địa điểm làm việc;
     - Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
     - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
     - Trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ;
     - Thời hạn của HĐLĐ tại BLLĐ 2012 được thay bằng "thời gian thử việc" theo quy định mới.
     2. Thời gian thử việc có thể kéo dài tới 180 ngày.
     Cụ thể, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và đảm bảo "không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp".
     3. Đối với trường hợp nội dung thử việc được ghi trong HĐLĐ thì khi kết thúc thời gian thử việc, nếu NLĐ thử việc đạt yêu cầu thì NSDLĐ tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết đối với trường hợp các bên giao kết nội dung thử việc bằng HĐLĐ. Nếu các bên thoả thuận bằng hợp đồng thử việc thì giao kết HĐLĐ mới.
     Trường hợp, NLĐ không đạt yêu cầu thử việc thì chấm dứt HĐLĐ đã giao kết.
     Do đó, khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ phải giao kết ngay HĐLĐ với NLĐ nếu thử việc đạt yêu cầu).
     II. 08 ĐIỂM MỚI VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG:
     1. Khái niệm "Kỷ luật lao động"
     - BLLĐ 2019: Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do NSDLĐ ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
     - BLLĐ 2012: Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động.
     2. NSDLĐ phải ban hành nội quy lao động
     Cụ thể, theo quy định tại Điều 118 BLLĐ 2019 thì NSDLĐ phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 NLĐ trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
     3. Những nội dung chủ yếu trong nội quy lao động
     Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan; nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
     - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
     - Trật tự tại nơi làm việc;
     - An toàn, vệ sinh lao động;
     - Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (quy định mới);
     - Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của NSDLĐ;
     - Trường hợp được tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác so với hợp đồng lao động (quy định mới);
     - Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của NLĐ và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
     - Trách nhiệm vật chất;
     - Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động (quy định mới).
     4. Luật hóa nội dung "sử dụng dưới 10 lao động không phải đăng ký nội quy lao động"
     Theo đó, Khoản 1 Điều 119 BLLĐ 2019 quy định NSDLĐ sử dụng từ 10 NLĐ trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi NSDLĐ đăng ký kinh doanh.
Như vậy, từ ngày 01/01/2021, NSDLĐ sử dụng dưới 10 NLĐ không phải đăng ký nội quy lao động.
     5. Khi xử lý kỷ luật với NLĐ chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật
     Căn cứ Khoản 1 Điều 122 BLLĐ 2012 thì tiến hành xử lý kỷ luật lao động, NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện NLĐ bào chữa;
     Trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật.
     6. Về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động
     Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của NSDLĐ thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng;
     Khi hết thời gian không được xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại Khoản 4 Điều 122 BLLĐ 2019 (khoảng thời gian không được xử lý kỷ luật lao động), nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
NSDLĐ phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động trong thời hạn theo quy định trên.
     Như vậy, khi hết thời gian không được xử lý kỷ luật mà trường hợp còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày sẽ được kéo dài thời hiệu (hiện hành phải xử lý ngay,không được kéo dài).
     7. Thêm trường hợp NSDLĐ được sa thải NLĐ
     BLLĐ 2019 bổ sung thêm 01 trường hợp NSDLĐ được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với NLĐ bên cạnh các trường hợp khác theo quy định hiện hành.
     Cụ thể là trường hợp "NLĐ có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động".
     Trong đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà NLĐ thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của NSDLĐ.
     8. Về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
     **BLLĐ 2019: các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động gồm:
     - Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của NLĐ.
     - Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
     - Xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
     **BLLĐ 2012: các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động gồm:
     - Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của NLĐ.
     - Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
     - Xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
 
 
Untitled.jpgĐiều 127 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động.
(Nguồn: https://danviet.vn/3-hanh-vi-bi-nghiem-cam-khi-xu-ly-ky-luat-lao-dong-20220416223933107.htm)

     Ngoài ra, về trách nhiệm vật chất khi NLĐ làm thất thoát tài sản của NSDLĐ được BLLĐ 2019 quy định như sau:
     - NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của NSDLĐ (hiện hành chỉ quy định bồi thường theo quy định của pháp luật);
     - NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động (hiện hành chỉ quy định bồi thường theo giá thị trường);
     Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Hết phần 4
(Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ LAN ANH – THANH TRA HUYỆN

Đăng ký nhận tin: