CHUYÊN MỤC

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT AN NINH MẠNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT AN NINH MẠNG SỐ 06/2018/L-CTN NGÀY 25/6/2018

(ngày đăng bài: 29/11/2021)
     I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT AN NINH MẠNG:

     Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh... đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người nhưng cũng làm xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn.
 
Untitled.jpg
Quốc hội thảo luận lần cuối ở hội trường
về dự thảo Luật An ninh mạng trước khi biểu quyết thông qua vào ngày 12/6.
(Nguồn:https://congthuong.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-luat-an-ninh-mang-103996.html)
 
     Nhiều quốc gia đã nhận thức rõ về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới, mối đe dọa mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao nên đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, văn bản pháp luật như luật hoặc văn bản dưới luật tại hơn 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO... nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. Chỉ trong vòng 06 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng.
 
     Ở nước ta, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống đã góp phần to lớn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về an ninh mạng cần khắc phục như:
Tiềm lực quốc gia về an ninh mạng của nước ta chưa đủ mạnh, chưa huy động, khai thác được sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng;

     Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu tiến hành “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta. Tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần, thậm chí ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;
 
     Ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội; 
 
     Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia chưa được xác định và bảo vệ bằng các biện pháp tương xứng. Do chưa xác định nội hàm sự cố an ninh mạng nên khi xảy ra các sự cố nguy hại, ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, việc triển khai hoạt động ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả của cơ quan chức năng có liên quan rất lúng túng, chưa có quy trình thống nhất, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng chưa thể chủ động triển khai các biện pháp, phương án phù hợp.

     Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước qua không gian mạng rất đáng lo ngại, nhiều văn bản thuộc bí mật nhà nước bị đăng tải trên không gian mạng. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là do nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân về bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ, nhân viên trong bảo mật thông tin trên không gian mạng còn chưa cao, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe.

     Sự phụ thuộc vào thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc từ nước ngoài. Không gian mạng đang ứng dụng sâu rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên, sự phụ thuộc vào trang thiết bị công nghệ thông tin xuất xứ từ nước ngoài là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh mạng nếu xảy ra xung đột. Để tránh bị tin tặc tấn công, thu thập thông tin, hoạt động tình báo, một số sản phẩm, dịch vụ mạng cần đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định, nhất là khi các sản phẩm, dịch vụ này được sử dụng trong hệ thống thông tin quan trọng và an ninh quốc gia, địa điểm cơ yếu, bảo mật, chứa đựng bí mật nhà nước.

Untitled1.jpg
Tin tặc chiếm quyền điều khiển giao diện màn hình tại sân bay Tân Sơn Nhất
(Nguồn:https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/100-vu-lo-lot-bi-mat-nha-nuoc-tren-khong-gian-mang-395101.html)

     Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng chưa được xây dựng, các văn bản hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật.
 
     Thực trạng trên đã đặt đất nước ta trước những nguy cơ:

     Một là, sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố.

     Hai là, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những thành tựu khoa học công nghệ vượt trội, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng cũng được dự báo sẽ gây nên “thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

     Ba là, các thiết bị kết nối internet ngày càng phổ biến không chỉ mang lại những lợi ích to lớn cho cuộc sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà còn có thể bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn.

     Bốn là, các cuộc tấn công mạng có chủ đích không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội.
Untitled2.jpg
Cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo được dự đoán là sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của con người
(Nguồn: https://vcci.com.vn/tri-tue-nhan-tao-se-%E2%80%9Cno-le-hoa%E2%80%9D-con-nguoi)

     Thực trạng, nguy cơ trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản luật về an ninh mạng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cụ thể là để:

     1. Đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội

     Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, cụ thể:

     Thứ nhất, phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.

     Thứ hai, phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, phòng, chống chiến tranh mạng khi hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, chiến tranh mạng là một trong những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Những vấn đề trên đặt vấn đề phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn,  ứng phó, có phương án và sự chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

      Thứ ba, phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, sử dụng không gian mạng để chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước, đặc biệt là hoạt động xâm nhập, tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đồng thời, hạn chế và tiến tới không còn tình trạng đăng tải bí mật nhà nước trên mạng internet do chủ quan hoặc thiếu kiến thức an ninh mạng.

     Thứ tư, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng. Đây là hệ thống thông tin của các mục tiêu quan trọng quốc gia, cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, cơ quan chứa đựng bí mật nhà nước, nếu bị tấn công, xâm nhập, phá hoại, chiếm đoạt thông tin có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng chủ quyển, lợi ích, an ninh quốc gia, gây rối loạn trật tự an toàn xã hội nên cần có biện pháp bảo vệ chặt chẽ, tương xứng và ở mức độ cao hơn so với những mục tiêu cần bảo vệ ít quan trọng hơn. Việc bảo vệ những hệ thống thông tin này không chỉ bao gồm hoạt động kiểm tra, đánh giá quá trình vận hành, áp dụng các tiêu chuẩn an ninh mạng phù hợp, riêng biệt mà phải tiến hành hoạt động thẩm định ngay từ khi xây dựng hồ sơ thiết kế, vận hành hệ thống thông tin để sớm phát hiện, loại bỏ các nguy cơ đe dọa an ninh mạng. Để góp phần cải cách thủ tục hành chính, tránh trùng lặp về thẩm quyền quản lý nhà nước, hướng tới mục tiêu chỉ một cơ quan quản lý nhà nước đối với một hệ thống thông tin, Luật an ninh mạng đã quy định Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trường hợp hệ thống thông tin được phân loại theo quy định của luật khác mà trùng với hệ thống thông tin thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của Luật an ninh mạng thì áp dụng quy định của Luật an ninh mạng; Bộ Công an thẩm định về năng lực, điều kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an 3 ninh quốc gia.

     Thứ năm, quy định và thống nhất thực hiện phòng ngừa, ứng phó nguy cơ, sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng hiện nay chỉ phát huy được vai trò bảo đảm 03 thuộc tính của thông tin là tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xử lý sự cố, huy động lực lượng ứng phó, cũng như loại bỏ các tác nhân gây hại tồn tại sẵn bên trong hệ thống thông tin hoặc hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ảnh hưởng tới hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Phòng ngừa, ứng phó nguy cơ, sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một quy trình thống nhất. Việc phân tích các sự cố an ninh mạng liên quan trực tiếp tới dấu vết hiện trường và các dấu hiệu phạm tội, góp phần vào công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm của cơ quan chức năng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Do đó, thống nhất đầu mối trong giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là cấp bách, cần thiết, không trùng dẫm với ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

Untitled3.jpg
     Thứ sáu, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, một số quốc gia trên thế giới đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an ninh mạng để áp dụng cho các mục tiêu, đối tượng và yêu cầu bảo vệ an ninh mạng cụ thể. Ở nước ta, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng được ban hành rộng rãi, được áp dụng chung cho toàn xã hội, mang tính phổ thông, đại chúng. Tuy nhiên, đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, ngoài những tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng, cần có những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an ninh mạng ở mức độ cao hơn để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

      Thứ bảy, triển khai công tác bảo vệ an ninh mạng trong hệ thống cơ quan nhà 4 nước từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật không được khắc phục, nhận thức của cán bộ, nhân viên còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được mức độ cần thiết của công tác an ninh mạng. Trong khi đó, công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi từ Trung ương đến địa phương, chính phủ điện tử và các hệ thống điều khiển, xử lý tự động đã xuất hiện ở mọi ngành, cấp, lĩnh vực. Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đang là đối tượng của hoạt động tấn công mạng, xâm nhập mạng, gián điệp mạng; tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên mạng internet vẫn còn tồn tại. Do đó, tình hình thực tiễn đã đặt ra yêu cầu triển khai công tác bảo vệ an ninh mạng và lực lượng an ninh mạng từ Trung ương đến địa phương.

     Thứ tám, đặt nền móng và triển khai công tác nghiên cứu, dự báo, phát triển các giải pháp bảo đảm an ninh mạng. Hiện nay, công tác này chưa được chú trọng, nhà nước cũng chưa có định hướng quản lý, bảo đảm an ninh mạng đối với các xu hướng công nghệ có khả năng thay đổi tương lai như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, một số quốc gia đã xây dựng nhiều đạo luật chuyên ngành của an ninh mạng, tập trung nâng cao năng lực dự báo, chia sẻ thông tin và tăng cường năng lực an ninh mạng.

     Thứ chín, thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Mặc dù Chính phủ đã giao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực trạng an ninh mạng tại hàng chục bộ, ngành, địa phương nhưng đây là hoạt động đột xuất, chưa được triển khai hằng năm, không tạo thành được trách nhiệm và ý thức kiểm tra, đánh giá an ninh mạng định kỳ. Trong khi đó, cơ quan chủ quản hệ thống thông tin chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chưa chủ động hoặc triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng một cách chiếu lệ, hình thức. Để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ an ninh mạng, cần xây dựng quy trình, cơ chế kiểm tra, đánh giá thực trạng an ninh mạng phù hợp, thống nhất trên phạm vi cả nước.

     Thứ mười, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, thông báo tình hình an ninh mạng để nâng cao nhận thức về an ninh mạng, chủ động phòng ngừa các nguy cơ an ninh mạng có thể xảy ra. Việc chia sẻ thông tin, thông báo tình hình an ninh mạng có thể được thực hiện bởi cơ quan chức năng để tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, áp dụng biện pháp phòng tránh hoặc nghiên cứu, tham khảo.

     2. Phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng:

      Các nguy cơ đe dọa an ninh mạng hiện đang tồn tại là:

     - Thông qua không gian mạng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta;

     - Đối mặt với các cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn, cường độ cao; (3)

     - Mất kiểm soát về an ninh, an toàn thông tin mạng.

     3. Khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng

     Một là, chồng chéo, trùng dẫm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng giữa các bộ, ngành chức năng; tồn tại cách hiểu chưa rõ ràng giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng. Cần thống nhất nhận thức rằng, an ninh mạng bao gồm hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an; hoạt động tác chiến trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và bảo đảm an toàn thông tin mạng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông. An toàn thông tin mạng là điều kiện cho bảo đảm an ninh mạng được thực thi có hiệu quả, bền vững.
     Hai là, chưa có văn bản luật quy định về công tác an ninh mạng. Các quy định hiện nay về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác an ninh mạng đặt ra trong tình hình mới. Thực trạng này đã gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, triển khai các phương án bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng cũng như trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động sử dụng internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

     4. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng

     Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng đã thể hiện rõ, nhất quán, có hệ thống và phù hợp với từng thời kỳ, kịp thời điều chỉnh, đưa ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về vấn đề an ninh mạng trong tình hình mới. Việc ban hành Luật an ninh mạng là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng được nêu tại một số văn bản như: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị TW4 khóa XI; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị TW VIII khóa XI; Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị định 101/2016/NĐ-CP; Nghị định 66/2017/NĐ-CP.

     5. Bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc

     Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Dự kiến Luật an ninh mạng sẽ quy định các biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng, trong đó có một số biện pháp có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như giám sát an ninh mạng, hạn chế thông tin mạng… Do vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là cần thiết.  Bên cạnh đó, việc ban hành Luật này cũng góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quy định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” và “mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.

      6. Bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế

     Qua nghiên cứu cho thấy, hiện đã có nhiều quốc gia trên thế giới ban hành các văn bản luật về an ninh mạng, điển hình như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Anh, Úc, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc… Việc xây dựng, ban hành Luật an ninh mạng sẽ bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng.

     II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT AN NINH MẠNG SỐ 06/2018/L-CTN NGÀY 25/6/2018

     Không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích nhưng cũng mang lại những thách thức to lớn đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ..

     Các cuộc tấn công mạng có chủ đích không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội. Các quốc gia trên thế giới đang khẩn trương tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực, tiềm lực quốc gia về an ninh mạng như ban hành chiến lược, chính sách, trong đó có xây dựng văn bản luật về an ninh mạng. Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng. Riêng, Việt Nam là nước luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, tội phạm phát triển nhanh như lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma túy…, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan…, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia còn nhiều lỗ hổng, điểm yếu.

     Trước yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng, bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, 2017; Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn thiện dự thảo luật An ninh mạng và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp họp thứ 5 vào ngày 12/6/2018.

Untitled4-(1).jpg
 Luật An ninh mạng đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018; Luật An ninh mạng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Công bố tại Lệnh công bố luật số: 06/2018/L-CTN ngày 25 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
(Nguồn:http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Luat-An-ninh-mang-co-hieu-luc-tu-112019/338837.vgp)
 
     2. Nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng :

     Luật An ninh mạng gồm 07 chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.Cụ thể:

     Chương I: Những quy định chung (Từ Điều 1 đến Điều 9) quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về an ninh mạng; nguyên tắc và biện pháp bảo vệ an ninh mạng; bảo vệ không gian mạng quốc gia; hợp tác quốc tế về an ninh mạng; các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng; xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

     Chương II. Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, gồm 6 điều (từ Điều 10 đến Điều 15), quy định về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; thẩm định, đánh giá điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; kiểm tra, giám sát và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Untitled5.jpg
Hội nghị giới thiệu, phổ biến Luật An ninh mạng năm 2018; nội dung cơ bản của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị tại tỉnh Quảng Ninh
     Chương III: Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, gồm7 điều (từ Điều 16 đến Điều 22), quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng; phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng.

     Chương IV. Hoạt động bảo vệ an ninh mạng, gồm 7 điều (từ Điều 23 đến Điều 29), quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; cổng kết nối mạng quốc tế; bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng; nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

     Chương V. Bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng, gồm 6 điều (từ Điều 30 đến Điều 35), quy định về lực lượng bảo vệ an ninh mạng; bảo đảm nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng; tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ an ninh mạng; phổ biến kiến thức về an ninh mạng; kinh phí bảo vệ an ninh mạng.

     Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gồm 7 điều (từ Điều 36 đến Điều 42), quy định về trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ; trách nhiệm của Bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng.

     Chương VII. Điều khoản thi hành, gồm 01 điều (Điều 43), quy định về hiệu lực thi hành.
 
NGUYỄN THỊ LAN ANH – THANH TRA HUYỆN
 

Đăng ký nhận tin: